Sinh cùng giờ tại sao cuộc đời lại khác nhau: Phải chăng toán mệnh không đúng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng năm, tháng, ngày, giờ sinh... tại sao có người làm hoàng đế, có người chỉ làm kẻ nuôi ong? Phải chăng toán mệnh không đúng?... Một trận động đất chết mấy chục nghìn người, lẽ nào đều là do mệnh?... Nếu ai ai cũng tin họa phúc định trước thì mọi người sẽ không cần nỗ lực công tác nữa sao? 

Hoàng đế Càn Long vi hành

Một lần, Hoàng đế Càn Long đi vi hành, đã gặp một thầy toán mệnh, ông ta nói với Càn Long rằng: "Hôm nay xem mệnh ngài, lẽ ra phú quý tột đỉnh, cho dù không có hồng phúc nắm thiên hạ thì cũng là cao quan mặc áo mãng bào đeo ngọc bội. Thế mà tại sao hai chúng ta lại gặp nhau ở chốn chợ búa như thế này? Quả là đáng buồn thay".

Càn Long rất khâm phục kỹ năng toán mệnh của ông ta. Sau này ông phong cho thầy toán mệnh họ Lưu này làm quan tri phủ.

Thuyết định mệnh có nguồn gốc lâu đời, nó chỉ ra mỗi sự việc của con người thế gian như sống chết, họa phúc, giàu nghèo sang hèn, cho đến thi cử đỗ đạt, kinh doanh lỗ lãi, hôn nhân ly tán v.v, đều là chú định. Có thầy toán mệnh đúng, cũng có thầy toán mệnh sai. Có người tin toán mệnh, có người phản đối. Vậy toán mệnh là khoa học hay mê tín? Những người không tin toán mệnh thường có 4 câu hỏi sau.

Câu hỏi thứ nhất: Tại sao người sinh cùng ngày, tháng, năm, mà vận mệnh lại khác nhau?

Đa số những người phản đối toán mệnh có cùng lý do rằng: Người trong thiên hạ nhiều như thế, người sinh cùng ngày, tháng, năm rất nhiều, nhưng tại sao vận mệnh của họ không giống nhau?

Trước tiên lấy một trường hợp có thực. Sử sách triều Thanh có ghi chép về Thượng thư Bộ Lễ Uông Đình Trân và Thành Thư người Thẩm Dương; sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm. Tướng mạo cả hai rất giống nhau, năm mất của cha mẹ cũng khá tương đồng. Một người làm quan lục phẩm, một người ngũ phẩm. Khi một người lên ngũ phẩm thì người kia lên tứ phẩm. Sau này một người làm Thượng thư, người kia làm Thị lang. Tước vị hai người luôn chênh lệch không nhiều.

Nhưng vì sinh mệnh còn chịu tác động của thiên thời, địa lợi, nhân hòa hậu thiên, do đó sẽ có những khác biệt.

Sách Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký có ghi chép sự việc giờ sinh bát tự của hai vị phu nhân hoàn toàn giống nhau, tước vị của chồng họ cũng tương tự nhau.

Câu hỏi thứ 2: Giờ sinh bát tự của hoàng đế, trong dân gian cũng có người như thế, tại sao họ làm không thể làm hoàng đế?

Cao nhân cho rằng mệnh của hoàng đế không chỉ đơn thuần do giờ sinh quyết định. Từ thuyết định mệnh mà nói, nguyên thần, hay linh hồn của hoàng đế là do Thượng Thiên an bài hạ thế, có mang theo sứ mệnh.

Hoàng đế Chu Nguyên Chương và người nuôi ong

Sách Ngũ Tạp Trở vào triều Minh có viết: Tương truyền Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế Chu Nguyên Chương sau khi nắm thiên hạ, đã cho tìm người có giờ sinh bát tự giống với mình và muốn giết ông ta, nhưng khi gặp thì ra là một ông già nhà quê. Hoàng đế bèn hỏi: "Ông sống bằng nghề gì?".

Người đó nói: "Tôi chỉ nuôi 13 tổ ong, cũng đủ tự nuôi mình".

Chu Nguyên Chương cười và nói: "Ta cai quản 13 tỉnh và ông nuôi 13 tổ ong, chẳng phải giống nhau sao?" Thế rồi trọng thưởng cho ông ta và cho trở về quê.

Xét ra thì những trải nghiệm ở thế gian của hai người sẽ có những chỗ tương tự. Ví như Chu Nguyên Chương cai quản 13 tỉnh, người nuôi ong cai quản 13 tổ ong. Năm này hoàng đế mắc bệnh, người kia cũng sẽ có sự việc không tốt trong khoảng thời gian đó.

Hoàng đế Umberto và người chủ quán

Ở phương Tây cũng có trường hợp tương tự gây chấn động rất lớn. Vua Umberto I cai trị nước Ý từ 1878 cho đến khi ông qua đời vào năm 1900. Một lần, nhà vua đến ăn tối tại một nhà hàng nhỏ. Ông nhận thấy chủ nhà hàng trông giống mình như đúc. Khi hỏi ra thì thấy thật kỳ lạ vì họ có quá nhiều điểm trùng hợp đến không thể tin nổi.

Ritratto di Umberto I.jpg
Hoàng đế Umberto I. (Phạm vi công cộng)

Cả hai sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, tại cùng một thị trấn. Họ đều lấy vợ có tên là Margherita vào cùng ngày 22/4/1868. Ngày Vua Umberto I đăng quang cũng là ngày nhà hàng ấy được khai trương. Chưa hết. Năm 1866, cả hai đều được nhận huy chương trong lúc đang phục vụ trong quân đội. Năm 1870, cả hai người đều được thăng chức - Chủ quán lên chức trung sĩ, còn vua Umberto trở thành Tổng tư lệnh quân đội.

Điều này khiến Nhà vua suy nghĩ rất nhiều, ở đỉnh cao quyền lực nhưng đây là lần đầu tiên nhà vua cảm thấy số mệnh thật kỳ lạ. Ngài tự hỏi phải chăng các vị Thần đã sắp đặt điều này. Sáng hôm sau, nhà vua ra lệnh phong tước “Hiệp sĩ” cho người chủ quán ấy.

Khi người chủ quán đang trên đường đến hoàng cung, ông đột nhiên bị một kẻ sát nhân bắn ba phát đạn vào ngực khiến ông tử vong tại chỗ. Nhận được hung tin, Nhà vua vội chạy đến, nhưng khi ông vừa đặt chân bước xuống xe song mã, một tên sát nhân điên loạn không biết từ đâu xuất hiện cũng bắn ba phát đạn vào ngực Nhà vua, khiến ông tử vong ngay lập tức.

Câu chuyện có thật về hoàng đế Umberto và chủ quán lạ lùng ấy đã từng làm xôn xao dư luận thế giới một thời. Người phương Tây xem đó là sự trùng hợp kỳ lạ.

Còn theo các cao nhân tướng số phương Đông, thì người thường tuy có giờ sinh bát tự như hoàng đế, nhưng nguyên thần (linh hồn) của họ vốn chỉ là người thường chuyển thế, không có sứ mệnh đặc thù, sẽ không làm được hoàng đế? Thú vị là những trải nghiệm ở thế gian của hai người sẽ có những chỗ tương tự.

Câu hỏi thứ 3: Một trận động đất chết mấy chục nghìn người, lẽ nào đều là do mệnh?

Có người nói, động đất ở Đường Sơn, chết hàng vạn người, đều là do mệnh hay sao? Trong đó nhất định có người có giờ sinh tốt, có mệnh phú quý, tại sao lại gặp đại nạn?

Chu Dịch viết: "Trời hiển thị Thiên tượng để thấy hung cát".

Động đất là một loại cảnh cáo mà Trời giáng xuống nhân gian, nhắc nhở người thống trị đã làm những sự việc tổn hại lẽ Trời, nếu không quy chính sẽ có thay triều đổi đại, hoặc quân vương sẽ băng hà.

Cũng có nghĩa là lúc này vận nước xuất hiện vấn đề, người khu vực đó ở trong phạm vi trừng phạt của Thượng Thiên, cũng là do cộng nghiệp mà thành. Nghĩa là nghiệp lực của các nạn nhân qua các đời kiếp tích lại, đều hiện thế hiện báo vào thời điểm đó.

Câu hỏi thứ 4: Nếu đều tin họa phúc định trước thì mọi người sẽ không cần nỗ lực nữa sao?

Nhiều người cho rằng, nếu tin vào sự thành bại được mất của con người là do vận mệnh đã định, vậy mọi người không cần nỗ lực làm việc nữa, chỉ cần chờ phúc họa đến là được rồi, như thế thì xã hội sẽ đình trệ, kinh tế sẽ sụp đổ.

Thật ra, cần biết rằng, một người cần cù nỗ lực hay không cũng là do mệnh chú định.

Người hiểu thuật toán mệnh đều biết, trong bát tự có "lục thần", giống như 6 loại gen trong mệnh con người. Chúng sẽ quyết định tư tưởng và hành động của con người, mỗi gen đều đại biểu cho chức năng trong phạm vi của mình.

Ví dụ tài tinh kiểm soát phương diện tiền tài trong mệnh con người; quan tinh kiểm soát phương diện thanh danh, quan trường; thương quan, thực thần tinh là sao liên quan sự nỗ lực.

Đương nhiên tất cả những sao này đều có nhân tố chính diện và phản diện. Tài tinh chỉ việc kiếm được tiền, cũng có thể chỉ việc hao tài. Quan tinh đại biểu cho cơ hội thăng chức, cũng có thể dự liệu việc mất chức. Sao thương quan, thực thần, gọi là sao hành động, có người phát huy thành công, có người lại càng làm càng vất vả, đều là vì số mệnh khác nhau.

Có bậc phụ huynh có lẽ đã trải nghiệm qua việc con mình, học Tiểu học thì thành tích không tốt, cho dù đốc thúc thế nào đều không có tác dụng, nhưng đến Trung học, thành tích học tập đột nhiên nhảy vọt lên, rất tự giác nỗ lực mà cũng không cần ai đốc thúc. Đây chính là do đến lúc thì thực thần và thương quan chuyển đến vận tốt, chính là sao hành động trong mệnh được đánh thức, cái gen cần cù nỗ lực trong vận mệnh được kích hoạt.

Sao thực thần, thương quan cũng được gọi là sao thông minh, trí tuệ. Trong những người được giải Nobel, nhất định có một trong 2 sao này. Do đó 2 sao này hễ động thì trong nội tâm của bạn có một luồng lực kích động, những vấn đề khó giải quyết bỗng biến thành nhẹ nhàng. Cũng có lúc thông qua giấc mộng để thúc đẩy bạn hành động.

Tự bản thân không cầu chức quan, Thượng Thiên lại đốc thúc bạn làm, đó là sự ứng nghiệm ở phương diện tốt.

Cũng như thế, việc xấu đến, người ta cũng khó mà tránh được, vì vốn dĩ trong mệnh đã chú định, cũng do nhân quả báo ứng mà thành. Ví như đột nhiên có người hỏi mượn tiền, kết quả người này phá sản, số tiền mà họ nợ bạn cũng không trả được.

Thực ra con người chỉ đang thừa hành những mệnh lệnh được định sẵn trong mệnh, trong lúc không biết, không cảm thấy. Nhưng mệnh là do điều gì chi phối?

Cao quý như hoàng tử cũng khó tránh khỏi luật nhân quả

Thật ra con người không tin số mệnh, không hiểu nhân quả nên mới tự chuốc lấy tai họa. Cổ nhân có câu: "Tất cả những gì con người gặp phải trong cả cuộc đời đều đã được chú định trong mệnh, là do nhân duyên nghiệp báo đã định. Cát hung phúc họa, cái gì nên đến thì sẽ đến?"

Xưa Võ Tắc Thiên muốn sát hại hoàng tử nhà Đường, họ Lý, và lệnh rằng hoàng tử phải bị xử tử. Hoàng tử nghe lệnh đau buồn nói: "Ta khó thoát khỏi cái chết, thế thì việc gì phải làm vấy bẩn gươm đao?".

Đêm hôm đó, hoàng tử dùng dây đai treo cổ tự vẫn. Không ngờ đến lúc gần sáng thì sống lại, cũng chẳng buồn lo nữa. Hoàng tử nói rằng:

Sau khi tôi chết một lát thì đến Địa phủ, quan Âm phủ nổi giận nói: "Ngươi trong mệnh lý là phải chịu đâm chém mà chết, tại sao lại tự sát mà vào Địa phủ, hãy mau trở về chịu hình phạt".

Quan Âm phủ cho hoàng tử xem sổ sinh tử, trong đó có ghi chép rằng: “Đời trước giết người, đời này trong mệnh lý phải bị sát hại thì mới hoàn trả được nhân quả”.

Hoàng tử bừng tỉnh ngộ, thế là sống lại, nghiêm trang đợi chờ bị hành quyết.

Hoàng tử bừng tỉnh ngộ, thế là sống lại, nghiêm trang đợi chờ bị hành quyết. (Tranh Winnie Wang)

Vận mệnh định sẵn rồi, phải chăng sẽ không thay đổi?

Cổ nhân thường nói thuận theo tự nhiên, nếu không vận mệnh tuy định, cũng sẽ thay đổi.

Một kiểu là theo hướng tiêu cực. Có người nguyên trong mệnh đã định là quan thất phẩm, đương nhiên ông ta cũng không biết việc này, nên nỗ lực tranh giành để ngoi lên. Kết quả ông ta làm tổn hại âm đức, vốn trong mệnh được định là làm quan thất phẩm thì lại bị giáng xuống bát phẩm. Đương nhiên ông ta cũng không biết, vẫn vui mừng cho rằng mình thông minh, giỏi mưu kế nên mới được 'thăng' làm quan bát phẩm.

Như thế, khi một người nỗ lực vượt quá phúc phận, thì vận mệnh của người này bị thay đổi, khiến cho phúc lộc vốn đáng được có bị cắt giảm hoặc xóa bỏ.

Lại có một kiểu thay đổi theo hướng tích cực. Tống sử có chép một trường hợp như sau. Thời đó có viên quan nhỏ, hai vợ chồng đều đã gần 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Người vợ bảo chồng nạp thiếp. Khi ông đưa người thiếp về nhà thì thấy cô nét mặt u uất, sầu muộn, ông bèn hỏi nguyên do. Người thiếp khóc nói: "Thiếp là con gái của Triệu tri phủ đã mất, nhà ở Tứ Xuyên. Sau khi phụ thân mất thì nhà rất nghèo khó. Người nhà vì muốn đưa thi thể phụ thân về quê an táng nên bán thiếp".

Người chồng nghe xong lập tức đưa cô gái trở về quê cũ. Ông còn dốc tiền trong túi ra trợ giúp. Sau đó ông về nhà kể lại chuyện cho vợ nghe rồi nói: "Tôi nghĩ rồi, mệnh tôi không có con trai, tôi và bà kết hôn đã lâu thế này rồi, nếu có con trai thì sao lại không sinh mà phải đợi đến có người con gái khác mới sinh?"

Người vợ vui mừng nói: "Phu quân có thiện tâm như thế này thì sẽ có con trai thôi".

Quả nhiên không lâu sau người vợ có mang rồi sinh ra đại quan Viên Thiều, sau làm đến chức Tham tri chính sự.

Nói vậy để thấy rằng, vận mệnh tiền định không phải để con người nhìn vào để thụ động, bất lực mà để con người biết được mà tu thân, tích đức, sớm ngày hóa nguy thành an. Những ghi chép trong các tư liệu lịch sử đã minh chứng rõ nét cho điều này.

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Sinh cùng giờ tại sao cuộc đời lại khác nhau: Phải chăng toán mệnh không đúng?