Solzhenitsyn và tác phẩm "Quần đảo Gulag"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1945, trên tiền tuyến Đông Phổ, Aleksandr Solzhenitsyn, đại đội trưởng pháo binh của Hồng quân Liên Xô trở về hầm chỉ huy với đầy thuốc súng và bùn đất sau một trận pháo kích kéo dài. Lúc này có hai nhân viên Cheka (lực lượng an ninh nội bộ của chính quyền Bolshevik) đang đợi ông. Đây là những sĩ quan phản gián của bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, có quyền lực nhiều hơn cả chính ủy. Khi Solzhenitsyn nhìn thấy hai sĩ quan này, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng của ông.

- "Anh là Alexander Isayevich Solzhenitsyn phải không?"

- "Chính là tôi"

- "Chúng tôi đã chặn một trong lá thư của anh"

- "Chặn thư từ của tôi?"

- "Đúng thế, điều này là bình thường. Chúng tôi nhận thấy rằng, anh đã sử dụng những từ ngữ xấu xa để mô tả chỉ huy vĩ đại của chúng ta - đồng chí Stalin. Chúng tôi nghi ngờ lòng trung thành của anh, nên anh không thể đảm nhận vị trí chỉ huy trên mặt trận. Chúng tôi còn có lý do để nghi ngờ anh đang âm mưu thành lập một tổ chức chống Liên Xô."

Và thế là, vị thượng úy kiêm đại đội trưởng, người đã hai lần giành được huân chương vì lòng dũng cảm trong chiến tranh, đã bị xé bỏ cấp hiệu đeo vai và phù hiệu trên mũ, bị đưa ra khỏi tiền tuyến dưới con mắt kinh hoàng của đồng đội. Solzhenitsyn bị kết án 8 năm tù.

Solzhenitsyn ngã bệnh ngay khi bị bỏ tù. Sau khi được thăm khám, các đã kết luận rằng ông bị ung thư dạ dày: "Solzhenitsyn, sau khi hội chẩn rồi, chúng tôi ước tính rằng anh chỉ sống được khoảng ba tuần. Chúng tôi sẽ phẫu thuật cho anh, nhưng cũng không thể giúp được gì nhiều. Chúng tôi xin lỗi."

Solzhenitsyn đã bị tước đoạt sự nghiệp và danh dự, và giờ đây cuộc đời của ông cũng sắp kết thúc. Lúc đó, dường như Solzhenitsyn không thể suy nghĩ được nữa.

Cuộc hội ngộ trên giường bệnh giữa đêm khuya

Khi ca phẫu thuật của Solzhenitsyn hoàn thành đã là nửa đêm, không có sự chăm sóc của những người thân yêu, trong lòng ông tràn đầy sự cô đơn và sợ hãi vô tận. Trong đêm tối, Solzhenitsyn chợt nghe thấy một giọng nói trầm, yếu ớt từ một giường bệnh khác. Lúc đầu, ông nghĩ đó là tiếng rên rỉ của một người không có thân nhân như ông. Nhưng sau đó, ông phát hiện ra dường như người bệnh nhân kia đang muốn nói chuyện với mình.

Mặc dù trong bóng tối không thể nhìn rõ mặt của người kia, nhưng ông biết được đó là một bác sĩ Cơ Đốc giáo bị kết án vì chống lại chế độ độc tài của Stalin. Vị bác sĩ kể cho Solzhenitsyn cuộc đời của mình, đặc biệt là quá trình cải Đạo từ Do Thái giáo sang Cơ Đốc giáo.

Trong đêm đó, Solzhenitsyn đã có một cuộc trò chuyện có ý nghĩa quan trọng nhất, đóng vai trò khai sáng nhất trong cuộc đời của mình. Ông được nghe những lời nói tràn đầy Phúc âm, như ánh sáng soi rọi bóng tối trong lòng ông. Niềm tin vào Chúa chính là phương thuốc vĩnh cửu mà sau này khi trở thành nhà văn, ông đã dùng để chữa trị cho sự mục nát trong tâm trí của con người.

Có lẽ ý muốn của Chúa chính là vị bác sĩ Cơ Đốc giáo kia sẽ chết trên bàn mổ vào ngày hôm sau, sau đêm nói chuyện với Solzhenitsyn.

Kể từ hôm đó, Solzhenitsyn, một người từng trải qua những thăng trầm của cuộc đời, một người từng đến giao điểm của sự sống và cái chết, lại bắt đầu có những cảm xúc về tôn giáo. Trong vai trò là một tín đồ Cơ Đốc ngoan đạo đã khiến ông trở thành một nhà văn vĩ đại mang sức mạnh của đạo đức.

Có lẽ Chúa nhìn thấy Solzhenitsyn bắt đầu thực hiện sứ mệnh của cuộc đời mình dưới ánh sáng vinh quang của Ngài, và đã cho ông thêm một cuộc đời nữa.

Solzhenitsyn không chỉ sống được ba tuần như lời dự đoán của bác sĩ mà ông còn hồi phục hoàn toàn, và cuối cùng sống sót một cách ngoan cường, bước ra khỏi trại cải tạo lao động khủng khiếp của Liên Xô.

Được trao giải Nobel Văn học

Ủy ban Nobel đã quyết định trao giải Nobel Văn học cho Solzhenitsyn vào năm 1970 bất chấp sự can thiệp của Liên Xô. Nhưng mãi đến ngày 10 tháng 12 năm 1974, Solzhenitsyn mới nhận được giải thưởng này từ vua Gustav ở Stockholm. (Ollf Lindeborg/Scanpix Thụy Điển/AFP qua Epoch Times)

Solzhenitsyn được chính phủ Liên Xô trả tự do vào năm 1956.

Năm 1962, Nikita Khrushchev, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô muốn sử dụng các tác phẩm của Solzhenitsyn để lật đổ hệ thống Stalin, nên đã ra lệnh xuất bản loạt tác phẩm mô tả cuộc sống trong các trại cải tạo lao động của ông. Tuy nhiên, giai đoạn này không kéo dài. Ngay sau đó, Khrushchev bị mất quyền lực, và các tác phẩm của Solzhenitsyn lại bị cấm xuất bản ở Liên Xô. Tuy nhiên, những bản chép tay vẫn được lưu hành ngầm trong các tầng lớp nhân dân, và được lưu truyền ra nước ngoài.

Ủy ban Nobel đã trao giải Nobel văn học cho Solzhenitsyn vào năm 1970 bất chấp sự can thiệp của Liên Xô.

Năm 1973, kiệt tác "Quần đảo Gulag", phơi bày câu chuyện bên trong trại cải tạo lao động của Liên Xô, được xuất bản ở nước ngoài. Sự việc này đã khiến chính quyền Liên Xô vô cùng tức giận. Tháng 2 năm 1974, Brezhnev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đã ký lệnh tước quyền công dân của Solzhenitsyn, đồng thời trục xuất ông ra nước ngoài. Mười tháng sau, Solzhenitsyn sống lưu vong tại Hoa Kỳ.

Solzhenitsyn đoạt giải Nobel văn học với tác phẩm "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich", với nội dung miêu tả cuộc sống trong trại cải tạo lao động. Ivan, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, đã cố gắng giữ lại những tôn nghiêm tối thiểu nhất của con người. Dù chế độ chuyên chính có tàn bạo đến đâu cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn nhân tính của con người. Sự hủy hoại nhân tính có thể được cứu chuộc nhờ ân điển của Thiên Chúa.

"Con người đã quên Thiên Chúa"

"Lương tâm quan trọng hơn và có giá trị hơn bản thân sinh mệnh"

Những tác phẩm như Quần đảo Gulag và Khu trại ung thư đều như vậy. Solzhenitsyn không có ý định lật đổ Đảng Cộng sản, hay làm cách mạng. Ông không tập trung vào những tệ nạn chính trị, mà thể hiện rõ những tệ nạn về đạo đức của chế độ này. Solzhenitsyn tin rằng chỉ có đức tin mới có thể xây dựng lại nền tảng đạo đức, mới có thể có tình yêu, sự thương xót, công lý và sự tha thứ, khi đó xã hội mới trở nên tốt đẹp hơn.

Solzhenitsyn nói: "Tôi đã dành gần năm mươi năm để nghiên cứu lịch sử cách mạng của chúng ta, và thu thập được rất nhiều bằng chứng. Nếu phải nói một cách ngắn gọn đâu là nguyên nhân chính của cuộc cách mạng thảm khốc nuốt chửng 60 triệu sinh mạng, tôi nghĩ rằng không có gì chính xác hơn là lặp lại câu nói: 'Con người đã quên Thiên Chúa nên mới xảy ra như vậy’”.

Solzhenitsyn cho rằng nguyên nhân chính gây ra cuộc cách mạng thảm khốc nuốt chửng sinh mạng của 60 triệu người chính là "Con người đã quên Thiên Chúa nên mới xảy ra như vậy". Trong ảnh là biểu tượng được Solzhenitsyn gọi là "Mẹ của Gulag" - ngôi nhà của trại cải tạo lao động khét tiếng của Liên Xô: Tu viện Solovetsky (Dmitry Kostyukov/AFP qua Epoch Times)

"Ngòi bút của Solzhenitsyn được Chúa chỉ dẫn"

Năm 1994, Solzhenitsyn kết thúc 20 năm sống lưu vong ở Hoa Kỳ và trở về Nga. Đầu tiên ông bay đến Siberia, trụ sở của trại cải tạo lao động nơi ông từng bị giam giữ. Đối mặt với đám đông đang chào đón mình, động tác đầu tiên của Solzhenitsyn chính là cúi xuống và dùng cả hai bàn tay để vuốt ve vùng đất Siberia.

Solzhenitsyn đã không nể mặt Yeltsin - vị tân tổng thống đến chào đón và tôn vinh ông khi chỉ trích gay gắt rằng, nước Nga đã từ bỏ con đường Cộng sản nhưng chưa tẩy sạch tội ác của Đảng cộng sản. Tội lỗi của những kẻ chuyên quyền chưa được thanh toán như ở Đức. Thay vào đó là quá trình cấp tốc tư hữu hóa, lún sâu vào hệ thống quyền lực tập trung, hủy hoại đạo đức văn hóa. Ông cho rằng đó chính là sự bóc lột nhân dân lần thứ hai.

Yeltsin bất lực nói: "Ngòi bút của Solzhenitsyn được Chúa chỉ dẫn"

Solzhenitsyn cũng không khách sáo khi chỉ trích chủ nghĩa tự do phương Tây. Ông nói rằng Hoa Kỳ đã rơi vào chủ nghĩa tiêu thụ vật chất tầm thường. Trên thực tế, theo một nghĩa nào đó, ở phương Tây có hai xu hướng hoàn toàn khác nhau, đó là một phương Tây bảo thủ coi trọng các giá trị truyền thống và Cơ Đốc giáo, và một phương Tây cánh tả nhấn mạnh chủ nghĩa vô Thần, khuyến khích sự buông thả dưới danh nghĩa tự do. Cánh tả và cánh hữu đang cạnh tranh quyết liệt để giành lấy quyền lực về tư tưởng và phát ngôn ở phương Tây. Với tư cách là một tín đồ Cơ Đốc ngoan đạo, Solzhenitsyn chỉ trích rằng phương Tây đã bị chủ nghĩa vô Thần và chủ nghĩa tự do xói mòn trong một thời gian dài.

Từ năm 2003, vì lý do sức khỏe, Solzhenitsyn hầu như không ra ngoài. Ông sống trong một ngôi nhà gỗ ở ngoại ô Moscow. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì ngồi vào bàn làm việc mỗi ngày.

Ngày 3 tháng 8 năm 2008, Solzhenitsyn lên cơn đau tim. Nhà văn Nga vĩ đại, lương tâm của nhân loại, Solzhenitsyn đã qua đời ở tuổi 89.

Vào thời khắc đó của lịch sử, Solzhenitsyn: Sinh mệnh dài nhất không phải là người sống lâu nhất, bởi vì sự vĩnh hằng lớn hơn sự tạm bợ, Thiên đàng lớn hơn trần thế và tâm linh lớn hơn chính trị.

Giang Phong/Tân kỷ nguyên
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Solzhenitsyn và tác phẩm "Quần đảo Gulag"