Tai họa của Trương Phi: Lửa giận dữ thiêu rừng công đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời kỳ Tam Quốc, Trương Phi, người oai hùng và mạnh mẽ, được mệnh danh là 'địch nổi vạn người'. Võ tướng râu ria này cùng với Quan Vũ và Gia Cát Lượng được xưng là 'Tam kiệt Thục Hán'.

'Đầu cầu Đương Dương một tiếng thét, khiến nước dưới cầu chảy ngược dòng' - lời ca trong Kinh kịch này cho chúng ta biết về tiếng thét lớn của Trương Phi khủng khiếp như thế nào, quả là thiên hạ vô song.

Trong 'Tam Quốc Diễn Nghĩa', Trương Phi oai phong thét lớn ba tiếng, không chỉ khiến cầu Đương Dương đổ sụp, mà tiếng thét của ông còn khiến Đại tướng Hạ Hầu Kiệt của quân Tào kinh hãi đến mức gan mật vỡ ra, rơi khỏi lưng ngựa tử vong.

Dĩ nhiên, trong đó có phần khoa trương, nhưng đủ để thấy được nộ khí của Trương Phi khiến người ta kinh sợ như thế nào.

Vậy tại sao một nhân vật oai phong lẫm liệt như vậy lại có kết cục bi thảm? Nguyên nhân chính là do chữ 'Nộ' - giận dữ mà không biết ơn.

Vì bộ tướng Tào Báo từ chối uống rượu, Trương Phi đã đánh người ta một trận đòn dã man. Từ đó, Tào Báo mang hận trong lòng, đã dẫn Lã Bố chiếm lấy Từ Châu, khiến Lưu Bị mất đi một căn cứ quan trọng nhất.

Một bộ tướng phạm phải lỗi nhỏ, Trương Phi liền đánh roi người ta.

Về điều này, ngay cả Lưu Bị cũng dường như đã dự đoán trước kết cục của Trương Phi. Lưu Bị thường xuyên nhắc nhở: 'Hiền đệ à, đệ thường xuyên đánh đập binh sĩ trong quân đội, sau đó lại muốn họ phục vụ bên cạnh mình, đây chính là con đường rước họa'.

Trương Phi nghe xong không hề hối cải. Không ngờ sau này, viên bộ tướng lợi dụng lúc Trương Phi say rượu đã ám sát, và lấy đầu ông nộp cho Đông Ngô.

Ai cũng không ngờ, người địch nổi vạn người - người mà hễ người ta nghe đến tên thôi thì cũng đã sợ hãi biến sắc, chiến tướng lẫy lừng Trương Phi lại có kết cục đầu lìa khỏi cổ.

Gia Cát Lượng từng nói: 'Nổi giận trước thì hối hận sau, một lúc nóng giận mà mất mạng'.

Vương Dương Minh cũng từng nói: 'Tâm hẹp là gốc của tai họa, tâm rộng là cửa của phúc lành'.

Dân gian có câu nói: 'Lửa giận dữ thiêu rừng công đức’. Tính cách nóng nảy, giống như núi lửa, khiến trường không gian xung quanh thân thể toàn là hỏa khí, không có sức sống.

Mỗi lần nổi giận, phúc khí vốn có của bản thân cũng bị ngọn lửa đó từ từ thiêu đốt. Vì vậy, muốn giữ phúc khí, cần phải học cách kiểm soát cơn nóng giận của mình, thì mới có thể bước vào cửa phúc đức.

Tống Bảo Lam - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tai họa của Trương Phi: Lửa giận dữ thiêu rừng công đức