Tại sao hổ không ăn thịt người, lại ngày ngày đem thức ăn cho ông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thiện là năng lượng thuần chính mạnh mẽ, có thể đem lại sự tuần hoàn năng lượng thuần chính, không chỉ cảm động con người, mà còn cảm động trời đất vạn vật. Triều Đường có người thiện tâm ẩn cư trong núi rừng. Ông đã làm việc thiện, khiến hổ cảm động báo ân. Sự việc này truyền đến tai Huyện lệnh huyện Bắc Hải, Thanh Châu.

Phía Bắc Huyện Bắc Hải ở Thanh Châu (nay là thành phố Duy Phường, Sơn Đông) có một cái đài ngắm biển của Tần Thủy Hoàng, gọi là Vọng Hải Đài. Bên cạnh Vọng Hải Đài có một hồ nước có tên là Biệt Tận Bạc. Những năm đầu niên hiệu Kiến Trung triều Đường, Trung Quốc, có một người dựng một chiếc am cỏ đơn giản bên bờ hồ, một mình ông sống trong đó. Người này tên là Trương Ngư Chu. Ông sống đơn giản, thanh cao, dựa vào việc bắt cá trong hồ để sinh sống.

Một đêm, có một con hổ bỗng nhiên bước vào cái am cỏ của Trương Ngư Chu. Lúc này, Trương Ngư Chu đã ngủ rồi, nên cũng không phát hiện ra có động vật chui vào am cỏ. Hổ thấy người đang ngủ thì cũng không làm náo động, nó lặng lẽ nằm xuống trong am cỏ. Khi trời sắp sáng, Trương Ngư Chu mơ mơ màng màng nghe thấy tiếng thở phì phò bên mình, ông cho rằng có người nào đó đi đường qua vào tá túc nhờ, nên cũng không để ý, và lại tiếp tục ngủ. Sau khi trời ráng rõ, ông mở mắt nhìn, thấy nằm bên cạnh mình đâu phải là người nào, mà là một con hổ vằn dài một trượng. Ông bỗng sợ toát mồ hôi lạnh, nằm yên trong chăn không dám cử động.

Nào ngờ, con hổ biết ông đã thức, nó giơ bàn chân trước chạm vào người ông. Trương Ngư Chu cảm thấy con hổ này không giống những con hổ thông thường khác, thế là, tuy vẫn nghi ngại, ông bèn ngồi dậy, ông thấy con hổ cứ giơ chân trước lên trước mắt ông. Ông nhìn kỹ, thấy một chiếc gai dài 5, 6 tấc đâm vào lòng bàn chân hổ. Thế là Trương Ngư Chu cẩn thận nhổ gai cho hổ.

Hổ phủ phục trên nền nhà, dường như là bái tạ, sau đó nó cọ người vào thân thể Trương Ngư Chu. Một lúc sau hổ mới nhảy ra khỏi cái am cỏ, cứ đi 3 bước lại quay đầu lại nhìn, dần dần đi xa am cỏ.

Hổ phủ phục trên nền nhà, dường như là bái tạ, sau đó nó cọ người vào thân thể Trương Ngư Chu. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Một hôm, vào lúc nửa đêm, Trương Ngư Chu bỗng nghe thấy tiếng động lớn như tiếng vật nặng rơi bên ngoài am cỏ. Ông khoác áo ra ngoài cửa xem, thấy một con lợn rừng nằm dưới sân, nặng khoảng 300 cân (150kg), bên cạnh là con hổ trước kia đã đến am cỏ. Hổ thấy Trương Ngư Chu bước ra thì bước tới cọ người vào thân ông, mãi mới rời đi. Trương Ngư Chu biết, con lợn rừng này là do hổ đi săn được đem đến báo ân.

Từ đó trở đi, đêm nào hổ cũng đem thức ăn đến cho Trương Ngư Chu, không phải lợn rừng thì hươu rừng. Dân làng quanh hồ cũng biết được câu chuyện kỳ lạ này, ai nấy đều lo sợ, cho rằng Trương Ngư Chu là yêu quái, dùng ma lực sai khiến hổ săn mồi cho Trương. Một ngày nọ, một đám dân làng hẹn nhau đến thảo am bên hồ, nhất tề xông vào bắt Trương Ngư Chu áp giải lên nha môn huyện.

Huyện lệnh cũng cảm thấy chuyện này ly kỳ cổ quái: Tại sao hổ lại không ăn thịt người, trái lại còn ngày ngày mang quà đến cho ông ta? Quan huyện lập tức truyền lệnh đưa nghi phạm đến công đường, và thăng đường xử án. Trương Ngư Chu bị nha dịch giải đến công đường, nghe tiếng đập bàn và tiếng thét của quan: “Lão Trương, hãy mau kể lại đầu đuôi chuyện ngươi và hổ, hãy khai đúng sự thực ra”.

Trương Ngư Chu vốn là người thanh tĩnh đơn giản chất phác, cả đời chưa làm một chuyện gì trái lương tâm, tuy bị hiểu lầm, bị áp giải đến công đường, nhưng trong tâm ông vẫn bình thản. Trên công đường, ông kể lại đầu đuôi sự tình. Huyện lệnh bán tín bán nghi, liền sai nha dịch cùng ông Trương đến am cỏ, rồi nấp ở một nơi kín đáo quan sát.

Đêm đó, đến canh hai, hổ lại đem một con nai đến, hơn nữa hổ còn quẩn quanh và cọ người vào thân Trương Ngư Chu, dáng vẻ vô cùng thân thiện. Sai dịch trông thấy thì há miệng tròn mắt, thì ra những lời Trương Ngư Chu nói hoàn toàn là sự thật, sự tình đã được chứng thực. Nhai dịch kể lại sự thật đích thân trông thấy cho Huyện lệnh nghe, Huyện lệnh bèn trả lại sự trong sạch cho Trương Ngư Chu.

Sau khi được thả ra, Trương Ngư Chu nghĩ, mình chỉ nhổ một cái gai cho con hổ này, lại được hổ báo đáp hậu hĩ thế này, mình còn có thể làm được những gì cho con hổ này không? Ông nghĩ, con hổ này có linh tính, vì đời trước nợ nghiệp khiến nó phải đọa đạo súc sinh, thế thì mình sẽ làm công đức cho nó, giúp nó tiêu đi một số nghiệp lực. Vì vậy, ông đã làm 101 bữa cơm chay làm bố thí.

Đêm đó, hổ lại tha lễ vật đến, nhưng lần này lễ vật không phải là động vật, mà là một súc lụa trắng tinh khiết.

Sau này, vào một ngày nọ, am cỏ của Trương Ngư Chu bỗng bị hổ xé rách. Trương Ngư Châu hiểu rõ, hành động này của hổ ngụ ý muốn ông không được ở đây nữa. Thế là, Trương Ngư Chu cáo biệt nơi mình đã cư trú bấy lâu nay, di cư đi đến nơi khác. Từ đó về sau, ở bên hồ Biệt Tận Bạc này, con hổ này cũng biệt vô tông ảnh.

Vì một việc thiện, sự tuần hoàn của năng lượng thiện đã được sinh ra, hồi hướng thiên địa và nhân gian.

Trung Hòa
Theo Hoài Nhẫn Nhẫn - Epochtimes

Nguồn: “Quảng dị ký” của Đới Phu đời Đường



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao hổ không ăn thịt người, lại ngày ngày đem thức ăn cho ông?