"Tam quốc diễn nghĩa" được phổ biến ở Thái Lan và Việt Nam như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ thời nhà Minh và nhà Thanh, tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở nhiều nước châu Á, nhất là ở Việt Nam và Thái Lan - nơi có rất nhiều người yêu thích Tam Quốc.

Những câu chuyện hùng hồn, đầy sức lôi cuốn với khung cảnh rộng lớn trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, sự trung thành và hoài bão cứu đời tế thế của Gia Cát Lượng, câu chuyện kết nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu Quan Trương, khí phách oai phong lẫm liệt của Quan Vũ, đại chiến Xích Bích và câu chuyện thuyền cỏ mượn tên… đều là những câu chuyện cảm động lòng người, mang đầy tính truyền kỳ. Câu chuyện Tam Quốc dưới ngòi bút của các dịch giả nước ngoài vẫn luôn thể hiện được bối cảnh loạn lạc của thời đại lịch sử này. Trong đó bao hàm sự trung thành, nhân nghĩa, mưu lược cùng nhiều thần tích có thể an ủi và mang lại niềm vui cho mọi người.

Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có tại Thái Lan, ngay cả các quan chức cao cấp trong triều đình cũng tham gia phiên dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Các thành viên hoàng thất Thái Lan vô cùng say mê văn hóa Trung Quốc. Từ đầu thế kỷ thứ 17, đã có rất nhiều đoàn kịch Trung Quốc đến hoàng cung Thái Lan để biểu diễn các vở kịch truyền thống của Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của các quan chức triều đình, việc phiên dịch tiểu thuyết diễn ra rất thuận lợi.

Những bản dịch "Tam quốc" tiếng Thái

"Tam quốc diễn nghĩa" sau khi phiên dịch sang tiếng Thái được đặt tên là "Tam quốc". Bản dịch toàn văn này do Chao Phraya · Phrakang (1750-1805) tiến hành phiên dịch, xuất bản vào năm 1802 dưới thời trị vì của vua Rama I (1782 -1809 ).

Phrakang là Hoa kiều gốc Phúc Kiến, có họ Hồng. Ông từng phụ trách việc buôn bán kiêm công tác ngoại giao. Phrakang một trong những vị quan văn kiệt xuất, có nhiều công lao to lớn, nên ông đã được hoàng thất Thái Lan ban cho họ của Vương tộc là "Chao Phraya".

Bản dịch của Phrakang được gọi là "Tam quốc Hồng bản". Dưới ảnh hưởng của cuốn sách này, ở Thái Lan đã xuất hiện một bản tản văn mới gọi "Thể loại Tam quốc" (Samnuan Samkok). Sau tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, với sự hỗ trợ chính thức của triều đình, Thái Lan đã tiếp tục phiên dịch 29 bộ tiểu thuyết cổ điển khác của Trung Quốc.

Năm 1914, "câu lạc bộ văn học" của vua Thái Lan VI đã bình chọn tác phẩm "Tam quốc" là "tác phẩm quán quân của thể loại tản văn". Trong giai đoạn từ năm 1935 - 1945, với phương thức toàn văn hoặc trích dịch "Tam quốc diễn nghĩa, bộ tiểu thuyết này đã được tái bản nhiều lần. Trong đó phần đại chiến Xích Bích đã được in 250.000 bản.

Hoàng tử Damrong Rajanuphap (Somdet Damrong Rajanuphap, 1862-1943) của hoàng gia Thái Lan được mệnh danh là "cha đẻ của lịch sử Thái Lan" cũng từng đăng cuốn "Ký sự Tam quốc".

Dưới sự ảnh hưởng của truyện Tam Quốc, tại Thái Lan đã có rất nhiều dị bản khác nhau của tác phẩm "Tam Quốc": như cuốn "Tam Quốc phiên bản người ăn xin” của Jacob, "Tam Quốc phiên bản nhà tư bản" của Khukrit Pramot, "Tam Quốc phiên bản kẻ bán nước" của Rueang Vithayakhom. Những dị bản này đều lấy chủ đề từ "Tam quốc diễn nghĩa".

Trong một thời gian dài, sách giáo khoa trung học được sử dụng phổ biến tại Thái Lan đã tuyển chọn và đưa vào những phân đoạn đặc sắc như "Thuyền cỏ mượn tên" v.v...Câu chuyện Tam quốc rất thịnh hành ở Thái Lan, thậm chí trong một số đền chùa, chúng ta cũng có thể nhìn thấy những bức tranh lấy đề tài từ Tam quốc.

Tam Anh Chiến Bố - Tranh Hành lang Di Hòa Viên - Miền công cộng.

Nhiều tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam sử dụng thể văn của truyện "Tam quốc"

"Tam quốc diễn nghĩa" được du nhập vào Việt Nam từ lúc nào? Đến nay chúng ta vẫn khó có thể xác định được khoảng thời gian cụ thể. Tuy nhiên, từ chùm thơ "Phụng chuẩn soạn Tam quốc các hồi thi tịnh tán đề chướng phong bình" của nhà thơ Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), có thể thấy rằng, ít nhất câu chuyện Tam quốc đã du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 18.

Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ "tông phiên". Trong lịch sử, Việt Nam từng được gọi là An Nam, từ thời Tần đến thời nhà Thanh vẫn luôn có quan hệ phiên thuộc với Trung Quốc. Vua An Nam phải được Hoàng triều Trung nguyên sắc phong, thì mới có ngôi vị hợp pháp.

Năm Gia Khánh thứ 7 thời nhà Thanh (năm 1802), sau khi bình định An Nam, Nguyễn Phúc Ánh (1762 - 1820) đã quy thuận triều Thanh. Theo yêu cầu của vua Nguyễn, Hoàng đế Gia Khánh hạ chiếu đổi tên An Nam thành Việt Nam, phong Nguyễn Phúc Ánh là vua của Việt Nam. Từ đó về sau, cách gọi Việt Nam vẫn được duy trì đến tận ngày nay.

Rất nhiều tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc đã được du nhập vào Việt Nam. Trong đó ngoài vai trò của các quan viên, tăng lữ, binh sĩ, thương nhân Trung Quốc, sứ thần của Việt Nam cũng có một vai trò quan trọng.

Trong "Bắc sử thông lục", Lê Quý Đôn có chép lại rằng, vào năm thứ 26 thời vua Càn Long nhà Thanh (năm 1761), ngày 7 tháng 11, phái đoàn sứ thần Việt Nam khi đi ngang qua khu vực Quế Lâm tỉnh Quảng Tây để về nước, sứ đoàn đã mua 20 bộ thư tịch Trung Quốc, trong đó có đến một phần ba là những tiểu thuyết như "Phong thần diễn nghĩa", "Sơn hải kinh", "Kim cổ kỳ văn",v.v...

Đầu thế kỷ thứ 20, ở Việt Nam đã xuất hiện phong trào phiên dịch tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc. Dưới sự ảnh hưởng của phong trào này, một lượng lớn tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đã được du nhập vào Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến xã hội và những sáng tác văn học ở Việt Nam.

Bản phiên dịch toàn văn tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" bằng tiếng Việt của chuyên gia Hán học Phan Kế Bính được đặt tên là "Tam quốc chí diễn nghĩa", xuất bản tại Hà Nội vào năm 1909. Từ năm 1900 đến năm 1930, câu chuyện Tam Quốc cũng xuất hiện nhiều dị bản tiếng Việt khác.

Sách "Tam quốc diễn nghĩa" - bản dịch Phan Kế Bính, được bán trên trang web nhà sách Fahasa.

Trước khi thực dân Pháp xâm lược, người Việt Nam vẫn còn sử dụng chữ Hán. Đồng thời lấy tiếng Hán làm chữ gốc, dùng các phương thức tạo chữ như hình thanh, hội ý, giả tá, v.v.. để tạo nên văn tự tiếng Việt gọi là "chữ Nôm".

Dưới sự ảnh hưởng của câu chuyện Tam quốc, tuyển tập thơ ca Việt Nam "Mộng hồ thi tuyển" của Vũ Phạm Hàm - vị Thám hoa cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, có 51 bài thơ tiếng Hán ngâm vịnh các nhân vật Tam quốc; "Tam quốc thi" có 340 bài thơ vịnh Tam quốc bằng chữ Nôm.

Trong hí kịch truyền thống của Việt Nam, có các vở như "Tam quốc diễn ca tam cố mao lư", "Tam quốc diễn ca Giang tả cầu hôn", "Hoa dung tiểu lộ", "Trùng tương tân lục" v.v...

Nhân vật Quan Vũ oai phong lẫm liệt được rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Nhiều nơi ở Việt Nam lập miếu Quan Vũ, không ít gia đình còn thờ tượng Quan Vũ.

Trong cuốn "Lịch sử giao lưu văn học đông phương", Mạnh Chiêu Nghị - Viên trưởng Viện Văn học Đại học Sư phạm Thiên Tân Trung Quốc, đã trình bày nghiên cứu của ông: "Tại viện bảo tàng quốc gia Anh quốc còn lưu giữ hơn 50 kịch bản khắc gỗ của Việt Nam, trong đó 9 bản là câu chuyện về Quan Vũ thời Tam quốc. Những bản khắc này tuy rằng chưa xuất hiện vào thời Minh, nhưng khi phân tích dựa trên việc sử dụng xen lẫn chữ Nôm và chữ Hán, chúng ta có thể suy đoán rằng là những kịch bản có trước thế kỷ 19. Những vở kịch này gồm có "Tam cố mao lư", "Giang Tả cầu hôn truyện", "Hoa Dung đạo", "Tiệt Giang truyện", "Đương Dương Trường Bản" v.v…”

"Ngày 01 tháng 08 năm 1901, tờ báo "Nông Cổ Minh Đàm" xuất bản số đầu tiên ở Sài Gòn Việt Nam đăng bản "Tam quốc chí tục dịch" do chủ biên người Pháp Canavaggio biên dịch, đồng thời tiến hành đăng nhiều kỳ. Đây là bản dịch bằng tiếng Quốc ngữ đầu tiên về câu chuyện Tam Quốc xuất hiện tại Việt Nam".

Câu chuyện Tam quốc bằng tiếng Việt đã được cải biên nhiều lần. Tại Việt Nam, một số câu chuyện trong "Tam quốc diễn nghĩa" còn được đưa vào sách giáo khoa.

Theo nghiên cứu của các học giả, dưới sự ảnh hưởng của "Tam quốc diễn nghĩa", thủ pháp nghệ thuật của các tiểu thuyết lịch sử tiếng Hán của Việt Nam hầu như bộ nào cũng có những chỗ mô phỏng hoặc tham khảo "Tam quốc diễn nghĩa". Trong đó nổi bật nhất là hai bộ "Hoàng Việt xuân thu" và "Hoàng Lê nhất thống chí"

Những bản dịch khác của "Tam quốc diễn nghĩa" ở các nước Đông Nam Á

Bản dịch “Tam quốc diễn nghĩa” tiếng Campuchia do Nong Kong biên dịch được xuất bản vào năm 1936. Đến thời Thế chiến thứ 2, có tờ báo đăng nhiều kỳ truyện Tam quốc diễn nghĩa. Người phiên dịch là một Hoa kiều gốc Phúc Kiến, từng học làm thơ trong chùa.

"Tam quốc diễn nghĩa" tiếng Mã Lai, do Cham Kim Boon (1851- 1920) phiên dịch. Từ năm 1892 đến năm 1896, bản dịch này phân thành 30 cuốn, xuất bản tại Singapore.

Chan Kim Boon, là người gốc Hoa, từng học tại Trường Đóng tàu Phúc Châu Mawei (trường Hải quân) và ở lại làm giáo viên sau khi tốt nghiệp. Năm 1872, ông trở lại Singapore, đảm nhận chức vụ thư ký và tài vụ của một hãng buôn. Ngày 5 tháng 4 năm 1890, hạm đội Bắc Dương đến thăm Singapore, các sĩ quan hải quân Trung Quốc đã đến thăm để cảm ơn sự dạy dỗ của ông.

Trong giai đoạn từ năm 1910 đến năm 1913, Tiền Nhân Quý, Hoa kiều người Indonesia đã phiên dịch toàn bộ "Tam quốc diễn nghĩa", xuất bản các bản dịch này 62 lần. Trong quá trình phiên dịch, để những cư dân trên các quần đảo của Indonesia có thể hiểu được, Tiền Nhân Quý đã chú thích thêm cho một số từ ngữ, còn phiên dịch rất nhiều lời bình của Mao Tông Cương thời nhà Minh. Ấn bản Tam Quốc Chí này đã cung cấp tài liệu tham khảo cho những người Indonesia đam mê "Tam Quốc diễn nghĩa".

Tài liệu tham khảo:

1, Trung ngoại quan hệ sử học hội biên: "Trung ngoại quan hệ sử dịch tùng" tập 3, từ trang 104 đến trang 134, Nhà xuất bản văn dịch Thượng Hải, xuất bản vào tháng 10 năm 1986.

2, "Xuất bản và phiên dịch tiểu thuyết thời Minh Thanh tại Việt Nam trong giai đoạn 1900 - 1930", "Quốc tế Hán học", kỳ 1 năm 2017.

Hoàng Phủ Dung - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

"Tam quốc diễn nghĩa" được phổ biến ở Thái Lan và Việt Nam như thế nào