Tề Hoàn công đứng đầu Ngũ bá thời Xuân Thu, vì sao cuối cùng phải chết thê thảm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tề Hoàn công nửa đêm đói bụng, thế là Dịch Nha nấu cho ông ăn, điều chế các món ăn ngon để tiến cống vua, Tề công sau khi thưởng thức ngủ tới sáng còn không tỉnh, người sau có câu nói: “Hậu thế tất có người vong quốc bởi mỹ vị”.

Khi Lương Huệ Vương (là vua thứ 3 của nước Ngụy, chư hầu của nhà Chu thời Xuân Thu) thế lực hùng mạnh, mở tiệc trên Phạm Đài xinh đẹp mời các chư hầu đến. Khi men đã nồng, Lương Vương mời Lỗ Cộng Công nâng ly. Lỗ Cộng Công rời khỏi chỗ ngồi và đứng dậy (để tỏ lòng kính trọng), và nói những lời rất hay:

“Ngày xưa, con gái của Thiên tử lệnh cho Nghi Địch, người giỏi nấu rượu, nấu một loại rượu ngon dâng lên cho Đại Vũ. Sau khi nếm thử, Đại Vũ thấy rượu vô cùng ngon ngọt nên đã xa lánh Nghi Địch, đồng thời cai hẳn mỹ tửu. Đại Vũ nghiêm túc nói: "Hậu thế chắc chắn sẽ có những quân vương chết vì rượu."

"Tấn Văn Công có được mỹ nữ Nam Uy, bị mê hoặc bởi sắc đẹp hơn người của nàng, nên ông đã không lên triều 3 ngày liền, sau đó Tấn Văn Công tự mình nhận ra, tỉnh ngộ, bèn nói: “Hậu thế tất có người vì mỹ sắc mà vong quốc”, từ đó ông không còn gần gũi với mỹ nữ Nam Uy nữa".

Hậu quả của thực sắc

Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công đều là những người đứng đầu các chư hầu thời Xuân Thu. Tề Hoàn Công 9 lần tụ họp liên minh chư hầu mà trị an thiên hạ; Tấn Văn Công một trận thắng ở Thành Bộc mà định được thiên hạ. Tấn Văn Công nhận ra sự nguy hiểm của mỹ sắc mà tự kiềm chế bản thân, vì vậy cuộc đời không bị vướng vào mỹ sắc, cuối đời bình an. Tề Hoàn Công 9 lần tụ họp liên minh các nước chư hầu trị an thiên hạ, bá chủ một thời lừng lẫy, cũng nhận ra mối nguy hại của mỹ thực (món ngon), nhưng không kiềm chế được bản thân, kết cục lại rất thê thảm. Tại sao?

Trong "Chiến Quốc sách - Đông Chu sách" ghi lại rằng, có bảy chợ và 700 nữ lư (nơi cung cấp dịch vụ tình dục) trong cung của Tề Hoàn công, bị người dân cả nước chỉ trích. Có vẻ như khi quyền bá chủ của Tề Hoàn công đang ở đỉnh cao, mỹ thực và mỹ sắc đều ở trong cung điện của ông ta.

Tề Hoàn công có ba người vợ: Vương Cơ, Từ Cơ và Thái Cơ, nhưng cả 3 người đều không có con. Trong hậu cung của Hoàn công có rất nhiều phi tần, hơn mười người con trai, và sáu phi tần được sủng ái, năm trong số sáu người này sau đó đã tranh giành quyền kế vị ngai vàng cho con trai của họ, khiến nước Tề rơi vào hỗn chiến. Họ là: Trưởng Vệ Cơ, sinh Khương Vô Khuy; Thiếu Vệ Cơ, sinh Tề Huệ Công Nguyên; Trịnh Cơ, sinh Tề Hiếu Công Chiêu; Cát Doanh, sinh Tề Chiêu Công Phan; Mật Cơ, sinh Tề Ý Công Thương Nhân.

Hoàn Công phong con trai của Trịnh Cơ làm Thái tử, nhưng ông lại sủng ái đầu bếp Dịch Nha và hoạn quan Thụ Điêu, cả hai lại là tay chân của Trưởng Vệ Cơ, vì vậy cả hai ủng hộ lập con trai của Vệ Cơ là Vô Khuy làm Thái tử. Hoàn Công cũng đã từng hứa với bọn họ sẽ lập Vô Khuy làm Thái tử. Sau khi Quản Trọng, Tể tướng đức hạnh của Hoàn Công, qua đời, năm người con trai bày mưu tranh giành quyền kế vị nên đã gây ra một trận hỗn chiến, và Tề Hoàn Công cũng bị thương trong trận chiến đó.

Quản Trọng phân biệt ngay gian khuyên quân chủ

Quản Trọng. (Miền công cộng)

Khi Quản Trọng, người đã giúp Tề Hoàn Công giành được quyền bá chủ, bị ốm, Hoàn Công đã đến thăm ông và hỏi: "Từ nay trở đi, ai trong số các quần thần có thể giúp ta?"

Quản Trọng nói: "Hiểu bề tôi thì không ai bằng vua".

Hoàn Công nói: "Dịch Nha thì sao?"

Quản Trọng nói: "Hãy tránh xa Dịch Nha".

Hoàn Công nói: "Dịch Nha đã nấu con trai cả của ông ta cho ta nếm để biết mùi vị thịt người, liệu có nghi ngờ gì về lòng trung thành của ông ta?"

Quản Trọng đáp: "Yêu con là bản tính của con người, lại nỡ lòng tàn nhẫn giết con mình, trái với nhân tính. Vì sao? Ông ta thật sự có thể yêu quân vương sao?"

Hoàn Công lại hỏi: "Công tử Khai Phương thế nào?"

Quản Trọng đáp: "Khai Phương là thái tử nước Vệ, từ bỏ tước vị mà đến nước Tề, mười lăm năm không về thăm người thân, mà nước Tề và nước Vệ chỉ cách vài ngày đường là đã tới. Người không có tình nghĩa với song thân như vậy liệu có thể có tình nghĩa được với bệ hạ?"

Hoàn Công lại hỏi: "Thụ Điêu thì sao?"

Quản Trọng nói: "Tránh xa Thụ Điêu".

Hoàn công nói: "Có nghi ngờ gì về lòng trung thành của ông ta không?"

Quản Trọng đáp: "Người ta ai nấy đều yêu thân thể mình, Thụ Điêu vì bệ hạ mà tự cung hình (tự thiến) để vào cung hầu hạ bệ hạ, hắn đến thân thể của mình còn không yêu thì liệu có yêu bệ hạ được không?"

Hoàn Công nói: “Được rồi.”

Thế là Hoàng Công đuổi cả ba người đi.

Tề Hoàn Công phạm giới, hại thân họa quốc

Ba năm sau khi Quản Trọng qua đời, Hoàn Công cảm thấy ăn không đủ ngon, tâm không vui, không quản lý tốt việc hậu cung và quốc sự, vì vậy, đã phục chức lại cho ba người đó. Sau đó Thụ Điêu, Dịch Nha, công tử Khai Phương độc chiếm quyền lực. Năm sau, Hoàn Công lâm bệnh nặng. Lúc này, 5 hoàng tử lập phe phái riêng để tranh giành quyền kế vị, gây hỗn loạn trong cung.

Chẳng bao lâu, Tề Hoàn Công bị bệnh nặng. Dịch Nha, Thụ Điêu, sủng thiếp Trưởng Vệ Cơ trước đây được Hoàn Công sủng ái, nay gặp thời cơ hợp sức nổi dậy giết tất cả các quan chức của Tề Hoàn Công để đưa con trai Vô Khuy làm vua. Họ chặn cổng cung điện của Tề Hoàn Công, và xây một bức tường cao bên ngoài cổng để ngăn người khác đi qua. Công tử Khai Phương đã đem 700 mẫu đất và nhân khẩu cống cho Vệ quốc rồi chạy sang nước Tống lánh nạn.

Hoàn Công bị bọn họ nhốt vào căn phòng không được ra ngoài. Chỉ có một cung nữ lẻn vào chỗ của Hoàn Công qua một cái lỗ nhỏ. Hoàn Công nói: “Ta đói muốn ăn”.

Cung nữ đáp: “Không có thức ăn”.

Hoàn Công nói: “Vậy ta muốn uống nước”.

Cung nữ đáp: “Cũng không có nước uống”.

Hoàn Công hỏi: “Ta đói muốn ăn, ta khát muốn uống nước, đều không được, tại sao?”

Cung nữ trả lời: "Dịch Nha, Thụ Điêu hợp lực nổi loạn, chặn cổng cung điện và xây dựng tường cao ngăn không cho ai vào nên không lấy được”.

Hoàn Công buồn bã thở dài, nước mắt giàn giụa, nói: "Ôi, điều mà Thánh nhân nhìn nhận đang ở ngay trước mắt! Nếu như chết mà không biết thì còn tốt, chết mà như thế này, ta còn mặt mũi nào mà gặp Trọng phụ (tức Quản Trọng) ở dưới suối vàng đây?”

Sau đó Hoàn Công lấy vải quấn quanh đầu rồi chết.

Khi ông qua đời, cuộc tranh giành quyền kế vị giữa các con trai vẫn diễn ra gay gắt, tấn công lẫn nhau, trong lúc hỗn chiến, cung điện trống rỗng, không ai chôn cất ông. Thi thể Hoàn Công phủ đầy dòi bọ, chỉ được che bằng một cánh cửa làm bằng gỗ dương, để như vậy hơn hai tháng, dòi bọ từ xác chết bò ra cửa cung.

Mãi đến tháng 12 năm đó, con trai Vô Khuy giành được quyền cai trị, Tề Hoàn Công lúc này mới được làm lễ nhập quan.

Ba tháng sau, Tống Tương Công dẫn các hoàng tử và binh lính đưa Thái tử Chiêu (mẹ là Trịnh Cơ) về nước tấn công nước Tề. Người nước Tề sợ hãi nên đã giết Vô Khuy. Người nước Tề chuẩn bị lập Khương Chiêu lên làm vua, thì bị những người ủng hộ Vô Khuy tấn công, Thái tử Chiêu lại trốn sang nước Tống. Sau đó, nước Tống đánh bại đội quân của nước Tề và lập Thái tử Chiêu làm vua nước Tề, lấy tên là Tề Hiếu công. Tình trạng hỗn loạn do tranh chấp này gây ra không lắng xuống cho đến tháng 8 năm sau, lúc này quan tài của Tề Hoàn Công mới được chôn cất.

Sau đó, Tề Hiếu Công bị công tử nước Vệ là Khai Phương giết chết, lập công tử Phan làm Tề Chiêu Công (mẹ là Cát Doanh)

Hậu quả của sự hỗn loạn

Sau khi Chiêu Công chết, con trai ông là Khương Xá lên ngôi. Em trai khác mẹ với Chiêu công là Thương Nhân (con trai của Mật Cơ) khi đó có nhiều vây cánh trong cung, nên ra tay giết chết cháu, rồi lên ngôi là Tề Ý Công. Ý Công độc ác, vô đạo và tham lam.

Khi còn là công tử, ông ta thi săn bắn với Bính Xúc và bị thua. Sau khi lên ngôi, ông ta liền sai quật mả cha của Bính Xúc và chặt chân tay Bính Xúc, và sai con trái của Bính Xúc là Bính Tuất làm người hầu.

Ý Công say mê sắc đẹp vợ Diêm Chức, bèn cướp vợ của Diêm Chức, song lại dùng Diêm Chức làm phu xe. Vì vậy Diêm Chức và Bính Xúc oán hận Tề Ý Công. Năm 609 TCN, nhân dịp Ý Công đi chơi ở Thân Trì, hai người đồng mưu dụ Ý Công vào chơi trong rừng trúc rồi giết chết trên xe, bỏ xác trong rừng. Tề Ý Công ở ngôi được bốn năm.

Sau khi Ý Công chết, người nước Tề phế bỏ tước của con trai của Ý Công vì Ý Công không có đạo đức.

Sau khi Tề Hoàn Công chết, cả năm người con trai tranh giành ngôi vị, và đều được làm vua nước Tề, nhưng cuộc đời của họ đều vướng vào tranh đấu, chém giết lẫn nhau, thậm chí còn ảnh hưởng đến con cháu đời sau. Cuối cùng vinh quang của nước Tề bị mất, dòng họ Khương (hậu duệ của Khương Tử Nha) cũng không thể cai trị được nước Tề, nước Tề sau đó rơi vào tay họ Điền.

"Xuân Thu tả thị truyện" có chép: Tề Hoàn công sủng ái nhiều thê thiếp, trong đó có sáu phi tần, thái giám Thụ Điêu, đầu bếp Dịch Nha, v.v. Nó chỉ ra rõ ràng rằng, nguyên nhân sâu xa khiến quyền bá chủ của Tề Hoàn công rơi vào thời kỳ đen tối đều nằm ở ham muốn mỹ thực và mỹ sắc.

Trong “Thiên Kim ký” có nói: “Bão noãn tư dâm dục”, (no ấm thì nghĩ đến chuyện dâm dục) tương ứng với bảy chợ và 700 nữ lư trong cung của Tề Hoàn Công. Chính ông ta cũng hủy hoại hậu cung và con cháu của mình, đồng thời hủy hoại đất nước của mình. Tề Hoàn Công biết rằng mỹ thực có thể ảnh hưởng đến hưng vong của quốc gia, nhưng lại không kìm được dục vọng, cuối cùng dẫn đến vận mệnh suy vong, một thế hệ bá chủ chết thê thảm, đó là một bài học bi thảm cho thế hệ mai sau!

Doãn Gia Huy- Epochtimes
Lý Ngọc biên dịch

Tài liệu tham khảo: "Sử ký"; "Sử ký chính nghĩa"; "Chiến quốc sách"; "Xuân thu Tả thị truyện".

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tề Hoàn công đứng đầu Ngũ bá thời Xuân Thu, vì sao cuối cùng phải chết thê thảm?