Thế kỷ của Vua Mặt Trời (4): Những vị khách đến từ bên kia Trái Đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Nếu bạn đào một cái hố và đào thẳng đến phía bên kia Trái Đất, bạn sẽ đến Trung Quốc" - Ngạn ngữ phương Tây.

Đêm trước cơn bão

"Kể từ thời kỳ cuối đời của Richelieu đến những năm sau cái chết của vua Louis XIV, cũng giống với hệ thống chính trị, đã có một cuộc cách mạng toàn diện trong lĩnh vực nghệ thuật, tinh thần và phong tục" (Voltaire, Thời đại của Louis XIV)

Chúng ta đều biết rằng, Thời kỳ Phục hưng và Phong trào Khai sáng là hai thời kỳ quan trọng đã thay đổi hướng phát triển của nền văn minh nhân loại. Thời đại của vua Louis XIV nằm giữa hai giai đoạn này. Đứng tại ngã tư của nền văn minh, thế kỷ vĩ đại này đã có vai trò như thế nào?

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, khi vua Louis XIV lên ngôi, châu Âu đã có một sự thay đổi toàn diện. Khi đặt vào một bối cảnh lịch sử lớn hơn, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của thời đại Louis XIV.

Khởi đầu từ Ý và lan rộng khắp châu Âu, phong trào văn nghệ Phục hưng đã đưa nghệ thuật và văn hóa cổ điển Hy Lạp - La Mã quay trở lại với con người. Đồng thời chủ nghĩa nhân bản nhân loại trung tâm và tinh thần lý trí của phong trào văn nghệ Phục hưng đã gieo một hạt giống có sức sống mạnh mẽ và không thể đảo ngược trong quá trình phát triển của nhân loại.

Tại Đức, Martin Luther đã tiến hành cải cách Kitô giáo, thành lập đạo Tin Lành. Sức ép và sự đối đầu lâu đời giữa đạo Công giáo và đạo Tin lành đã dẫn đến cuộc tranh chấp tôn giáo kéo dài hàng thập kỷ ở châu Âu, thậm chí gây ra cuộc chiến tranh Ba mươi năm nổi tiếng. Nếu nhìn sâu hơn, cuộc chiến này vẫn kéo dài cho đến khi Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ.

三十年戰爭白山戰役。(維基百科公共領域)
Trận White Mountain trong cuộc chiến tranh Ba mươi năm (Ảnh thuộc miền công cộng - Wikipedia)

Tại Anh, cuộc cách mạng Vinh quang đã lật đổ vua James II, thành lập chế độ quân chủ lập hiến. Mặc dù cuộc chiến này được gọi là cuộc chiến không đổ máu, nhưng thực ra cái giá phải trả không hề nhỏ: Ireland và Scotland không những ra sức chống lại vua William III - vị vua theo đạo Tin lành, mà còn ủng hộ mạnh mẽ vua James II - người thi hành chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối, và theo đạo Công giáo. Điều này đã mở rộng chiến trường của cuộc chiến tranh Đại liên minh châu Âu.

路易十四(1638-1715)加冕胜利,马术肖像油畫。(維基百科公有領域)
Tranh sơn dầu chân dung vua Louis XIV cưỡi ngựa, đội vương miện chiến thắng (1638-1715) (Ảnh thuộc miền công cộng, Wikipedia)

Trong lĩnh vực tìm hiểu sự chuyển động của các hành tinh, Nicolaus Copernicus đã công bố cuốn sách "De revolutionibus orbium coelestium" (Tạm dịch: Về sự chuyển động quay của các thiên thể) vào năm 1543 (một trăm năm trước khi vua Louis XIV lên ngôi) đưa ra lý thuyết Nhật tâm.

Lý thuyết của Copernicus đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khi Galileo Galilei phát minh ra kính viễn vọng và quan sát được nhiều hiện tượng thiên văn hơn. Sau đó Johannes Kepler đưa ra ba định luật về sự chuyển động theo quỹ đạo hình elip của các hành tinh, tiếp tục cung cấp thêm nhiều bằng chứng mạnh mẽ.

Tiếp theo Cuộc cách mạng Khoa học bùng nổ, đã làm thay đổi toàn diện thế giới quan của con người. Bí ẩn vô tận của vũ trụ từng bước được mở ra trong Cuộc cách mạng Khoa học, đưa con người bước lên một con đường chưa từng biết đến.

Cùng với sự khám phá bầu trời, con người cũng dần hiểu rõ hơn về nơi mình đang sống. Trong kỷ nguyên của Cuộc Khám phá Địa lý từ năm 1492 đến 1503, Christopher Columbus đã đưa thuyền qua mũi Hảo Vọng đến châu Mỹ, khám phá ra một lục địa mới. Trong thời kỳ từ năm 1519 đến 1522, đoàn tàu do Ferdinand Magellan dẫn đầu đã vượt qua Đại Tây Dương, thực hiện cuộc hành trình vòng quanh Trái đất, xác nhận một giả thuyết táo bạo rằng Trái đất hình cầu.

Bạn hãy thử tưởng tượng: người dân đột nhiên phát hiện rằng họ sống trên một hành tinh hình cầu, xoay tròn, chứ không phải là một mảnh đất "trời tròn như tán lọng, đất vuông như bàn cờ."

Đối với con người, phát hiện này là một cú sốc rất lớn. Sau đó, cuộc đua khám phá đại dương bắt đầu. Người châu Âu lái những chiếc thuyền buồm La Tinh mới được phát minh, vượt qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương rộng lớn, khám phá thêm những vùng đất mới trên biển và gặp gỡ những dân tộc mới trên đất liền.

Khi con người bắt đầu khám phá về thế giới mà mình đang sinh tồn, cuộc khám phá này sẽ được tiếp tục mãi. Nếu so sánh với những bí ẩn vô tận về sự chuyển động của các hành tinh, Trái Đất tương đối đơn giản hơn.

Con người phát hiện ra rằng Trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, đồng thời cũng phát hiện ra rằng trên hành tinh hình cầu này, có những con người giống họ, có hai tay, hai chân với mái tóc dài, có đôi chút thô bạo, cùng những lời nói kỳ lạ hay hành vi khó hiểu, thậm chí là hài hước. Đối với Magellan - người đã không thể hoàn thành được toàn bộ hải trình của mình, mà nói thì những người xa lạ này rất đáng sợ.

Từ châu Phi xa xôi, người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha đã mang vàng, đá quý và hương liệu trở về, làm dấy lên lòng tham nguy hiểm của người châu Âu. Con người đã tạo ra những chiếc thuyền lớn vượt đại dương, rời xa mảnh đất họ từng phải lao động vất vả, để tìm kiếm một cuộc sống khác. Trong thời kỳ những tai nạn trên biển còn thường xuyên xảy ra, theo những cơn gió mậu dịch, từng chiếc từng chiếc thuyền ba cột buồm hướng về những vùng biển chưa từng được biết đến.

Nói cách khác, trong suốt thế kỷ 16, tư duy và cuộc sống ở châu Âu đã trải qua một cuộc biến đổi toàn diện. Mọi thứ đang trên đà nở rộ, một cuộc biến đổi lớn đang tới gần. Sẽ không quá khoa trương khi chúng ta nói rằng con người đang ở trước ngưỡng cửa của một cơn bão lớn.

Trong thời điểm này, thời đại của Louis XIV giống như mắt bão tĩnh lặng, vừa cống hiến cho thế giới những thành tựu văn hóa tốt đẹp nhất, vừa dùng sức mạnh mạnh mẽ nhất để kiềm chế những cơn sóng sắp đến.

Bản đồ thế giới chuẩn xác đầu tiên

Trong bức tranh khắc bản "Viện Hàn lâm Khoa học Pháp" được sáng tác năm 1671, vị Vua Mặt Trời (Louis XIV) được bao quanh bởi nhiều nhà khoa học và các thiết bị thiên văn như mô hình quỹ đạo các hành tinh, thiết bị quan sát thiên văn, mô hình Địa Cầu, tấm bản đồ lớn có khung bao quanh; ở phía sau là một chiếc kính thiên văn hướng ra bầu trời bên ngoài cửa sổ. Bên ngoài kia chính là Đài thiên văn Paris đang được xây dựng. Bức tranh đã thể hiện tinh thần khám phá và sự tôn trọng đối với tri thức, lý thuyết của con người trong thời đại này.

Vào thế kỷ 17, châu Âu đã có những phát hiện đầy bất ngờ của Nicolaus Copernicus và Galileo Galilei về sự chuyển động của các hành tinh, nhưng phần lớn các nhà thiên văn học vẫn có sự kính sợ đối với Chúa. Đối với nhiều nhà thiên văn trong thời đại này, việc hướng kính thiên văn vào không gian vô tận của bầu trời sao cũng giống như đang tìm hiểu những bí ẩn của Đấng Tạo Hóa.

Năm 1665, vua Louis XIV nghe theo lời khuyên, cho thành lập "Le Journal des Sçavans" (Tạp chí "Bản tin của những học giả"). Đây là cuốn một tạp chí hàng tuần và là tiền thân của các ấn phẩm khoa học hiện đại. Trước cả khi Denis Diderot và những người khác biên soạn "Bách khoa toàn thư," Vua Mặt Trời đã nhận thấy rằng cuộc cách mạng thời đại đang đến gần, và ông cần phải chạy đua với thời gian. Trước cánh cửa cách mạng này, ngành xuất bản, đặc biệt là các tạp chí mang thông tin về các phát hiện khoa học mới đóng một vai trò không thể xem nhẹ. Nhiều năm sau đó, một sáng kiến khác về việc xuất bản của Vua Mặt Trời đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn minh nhân loại.

在1667年,路易十四的皇家艺术学院的成员。(維基百科公共領域)
Các thành viên của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia chào đón vua Louis XIV vào năm 1667. (Nguồn: Wikipedia, ảnh thuộc miền công cộng)

Năm sau đó, theo đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Jean-Baptiste Colbert, vua Louis XIV đã thành lập Viện Hàn lâm Khoa học (Académie des Sciences). Ông bỏ ra một số tiền lớn để tuyển dụng các nhà khoa học hàng đầu của châu Âu như Domenico Cassini từ Italy, Ole Rømer từ Đan Mạch, và nhà thiên văn học Huygens từ Hà Lan. Vua Mặt Trời đã loại bỏ rào cản biên giới giữa quốc gia, thu nhận tài năng khoa học từ khắp châu Âu vào tay mình. Năm đó, ông mới 28 tuổi.

Năm 1667, vua Louis XIV cũng đã dùng một số tiền lớn để xây dựng một đài thiên văn ở ngoại ô Paris, trở thành trung tâm của Viện Hàn lâm Khoa học. Ở chính đài thiên văn đài xuất sắc này, Cassini đã phát hiện bốn mặt trăng của Sao Thổ. Cassini đã công bố bản đồ bề mặt Mặt Trăng và bảng thời gian của hiện tượng nguyệt thực. Năm 1679, đài thiên văn Paris đã xuất bản cuốn lịch thiên văn đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, đài thiên văn này vẫn tồn tại và là một trong những đài thiên văn hoạt động lâu đời nhất trên thế giới.

Đài thiên văn Paris trở thành người dẫn đầu của cả giới khoa học châu Âu. Xuất phát từ nhu cầu quân sự và thương mại, vua Louis XIV đã yêu cầu giám đốc đài thiên văn Cassini bắt tay vào việc vẽ một bản đồ thế giới chính xác. Cassini đã viết thư mời các nhà khoa học của nhiều quốc gia đến tham gia xác định các kinh tuyến dựa trên các phương pháp quan trắc mới nhất.

Các nhà thiên văn ở 40 điểm trên toàn cầu (bao gồm cả Quebec, mũi Hải Vọng và Bắc Kinh) đã tự thành lập các nhóm nghiên cứu khác nhau, rồi lên đường đến các khu vực trong nước của mình, hướng kính viễn vọng vào sao Mộc và bốn mặt trăng quay của sao Mộc. Sử dụng phương pháp đo lường do Cassini phát triển, những nhà thiên văn học này đã xác định các kinh tuyến với độ chính xác tối đa.

Từ các nhà khoa học trên nhiều quốc gia, Cassini đã thu thập được dữ liệu về hàng trăm thành phố và làng xã. Và như vậy, từng mảnh của bản đồ Trái Đất dần được ghép lại với nhau.

File:Land Planisphere Showing Longitude WDL3447.png
Bản đồ thế giới do Cassini vẽ vào năm 1696. (Nguồn: WIkipedia)

Dưới sự dẫn dắt của Paris - thủ đô của châu Âu thời bấy giờ, các nhà khoa học từ nhiều quốc gia đã cùng nhau vẽ nên một bản đồ thế giới mới với độ chính xác cao hơn đáng kể so với những tấm bản đồ trước đây. Viện Hàn lâm Khoa học Paris đã giải quyết thành công vấn đề xác định các kinh tuyến. Đây là lần đầu tiên con người đã có hiểu biết chính xác về Trái Đất.

Ở phần sau, chúng ta sẽ tìm câu chuyện về những người đã vượt qua biển cả nguy hiểm để đến tận Trung Quốc. Trên mảnh đất cổ kính ấy, các nhà khoa học của thế giới đã đưa kính viễn vọng quan sát bốn mặt trăng quay quanh sao Mộc, xác định các kinh tuyến của phương đông, và đưa Trung Quốc lên bản đồ thế giới với độ chính xác cao.

Cuộc cách mạng khoa học châu Âu

Sau Viện Hàn lâm Khoa học Paris, Vienna, St. Petersburg, và Berlin lần lượt thành lập các Viện Hàn lâm Khoa học theo lời đề nghị của Gottfried Wilhelm Leibniz (nhà triết học - nhân viên ngoại giao từng đến Paris). Các nhà khoa học châu Âu di chuyển qua lại giữa những "lâu đài kiến thức" này, tăng tốc quá trình truyền bá những kiến thức mới.

Tư duy lý tính giữ vị trí chủ đạo trong giới tri thức. Các nhân tài đều cố gắng thể hiện tài năng và ra sức tranh biện. Cũng giống như tất cả những thời kỳ vĩ đại khác, các loại tư tưởng và học thuyết mới ra đời. Đối với thế giới chúng ta đang sinh tồn, các học giả thời đó đã đưa ra rất nhiều ý tưởng đi ngược lại với những thế hệ đi trước.

Ngay từ khi khởi đầu, Hội Hoàng gia Luân Đôn và đài thiên văn Greenwich ở bên kia eo biển Anh đã là một đối thủ đáng gờm của Paris. Ở đó, Isaac Newton đã khám phá ra sự hiện diện của lực hấp dẫn trên Trái Đất (năm 1687) và đưa ra ba định luật chuyển động trong cùng năm đó. Những phát hiện này đã làm thay đổi thế giới quan vũ trụ của con người, từ quan điểm vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo, sang thế giới quan vũ trụ cơ học. Dù Newton vẫn thể hiện sự tôn kính đối với Chúa nhưng những kiến thức về vũ trụ cơ học đã đưa Chúa ra khỏi sự vận hành của vũ trụ sau khi thuyết Nhật tâm của Copernicus đã đưa Trái Đất ra khỏi trung tâm vũ trụ.

Một mặt, giả thuyết về lực vạn vật hấp dẫn đã làm cho con người phải thụ động trước trọng lực của Trái Đất. Một mặt khác, bàn tay Chúa đã bắt đầu lùi lại và ra khỏi tầm nhìn của con người. Tri thức về vũ trụ và cuộc sống của con người dần trở nên xa lạ với những tri thức Thần học truyền thống. Cuộc cách mạng khoa học đã bắt đầu một sự thay đổi căn bản và nguy hiểm với thế giới quan của cả người phương Đông và phương Tây trong hàng ngàn năm.

Ở châu Âu, một nước cộng hòa tri thức vừa hợp tác vừa cạnh tranh đã được hình thành. Châu Âu đã tăng tốc và tiến lên một thế giới mới. Đồng thời, với sự hợp nhất của cuộc sống và tri thức, một nước Pháp hoàn toàn mới đã xuất hiện với sự tự tin chưa từng thấy. Nước Pháp đã sẵn sàng bước lên vũ đài và viết lại lịch sử thế giới.

"Hãy nhìn kìa! Đó là một người Trung Quốc"

Sau cuộc hành trình của Columbus đến lục địa mới, người phương Tây trở nên tò mò hơn về hành tinh có rất nhiều điều kỳ lạ của chúng ta. Những người châu Âu mang theo la bàn và kim chỉ nam, cùng với cây quinquina chữa bệnh sốt rét trong hành lý, lên những chiếc thuyền buồm kiểu Ả Rập mạnh mẽ. Từng hải lý từng hải lý, Trái Đất đã trải dài dưới chân của những người châu Âu đầy tham vọng. Đồng thời, người dân khắp nơi cũng đã bắt đầu di chuyển. Họ liều mạng vượt qua biển cả hung dữ, đến những nơi xa lạ, các rất xa quê hương của mình. Những người có làn da màu vàng, đen, trắng - những người thuộc các sắc tộc khác nhau, mở to mắt nhìn nhau. Đó là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội nhìn thấy nhau.

Năm 1684, một người khách phương xa xuất hiện tại triều đình của vua Louis XIV. Bộ trang phục của vị khách này khiến triều đình của Vua Mặt Trời hết sức kinh ngạc. Chiếc áo bằng lụa xanh lam nặng nề của vị khách có hoa văn rồng, khi đi lại, vạt áo nhẹ nhàng di chuyển, tỏa ra một vẻ sang trọng không thể diễn tả. Khuôn mặt của vị khách trang trọng, đôi lông mày và đôi mắt mềm mại, giống như sứ. Điều nổi bật nhất là mái tóc buộc lên cao và cả đôi mắt hình hạt hạnh nhân màu đen.

Trước mặt vua Louis XIV, vị khách cầm một cây bút lông dài, biểu diễn thư pháp Trung Quốc và chữ viết hình tượng độc đáo của đất nước cổ kính này. Vị khách mang ra bức tranh của vị thánh nhân Khổng Tử và trưng bày tranh lụa Trung Quốc tại cung điện Thánh Louis. Ngoài ra, vị khách đặc biệt này còn tặng vua Louis XIV bản dịch tiếng Latinh của các tác phẩm "Đại Học," "Trung Dung," và "Luận Ngữ", và mong muốn được xuất bản những cuốn sách này ở Pháp. Trong buổi yến tiệc, vị khách này hướng dẫn cho các quý tộc Pháp cách sử dụng đôi đũa bằng ngà voi.

Đây là lần đầu tiên một người Trung Quốc xuất hiện tại Cung điện Versailles, cũng là người Trung Quốc đầu tiên mà vua nước Pháp gặp mặt. Vị khách đứng giữa những quan đại thần có vẻ ngoài và cử chỉ xuất chúng của Vua Mặt Trời, nhưng vẫn toát lên khí chất và sự vững vàng của một nền văn minh cổ xưa. Hình ảnh của người Trung Quốc này đã xuất hiện trên các tờ báo và trở thành một tin tức lớn, lan tỏa khắp thành phố Paris.

沈福宗,(克那勒,維基百科公有領域)
Thẩm Phúc Tông (Kennale, Ảnh thuộc miền công cộng Wikipedia)

Vị khách trẻ tuổi này tên là Thẩm Phúc Tông (Michael Alphonsius), sinh năm 1657 và là một tu sĩ Dòng Tên. Ông đã đến Paris cùng với Père Fontaney, một tu sĩ Dòng Tên người Bỉ, trong hành trình đến gặp Đức Giáo Hoàng tại Rome.

Một năm sau khi xuất hiện tại Paris, Thẩm Phúc Tông đã gặp gỡ vua James II tại London. Vua James II đã đặc biệt cho họa sĩ vẽ một bức tranh dầu vẽ theo kích thước thật của Thẩm Phúc Tông, treo trong phòng ngủ của mình. Bức tranh này vẫn treo tại lâu đài Windsor đến tận ngày nay.

Vậy làm thế nào những người từ một đất nước xa xôi bên kia Trái Đất có thể đến được trước mặt những người Pháp đội tóc giả ở cung điện Versailles?

Khi vị khách Trung Quốc mặc trang phục truyền thống phương Đông đi qua cung điện Versailles đầy lộng lẫy, và đến trước mặt vị Vua Mặt Trời danh tiếng hiển hách, vị khách này sẽ thấy được những gì?

Vào thời điểm đó, những người sống rải rác ở khắp nơi trên Trái Đất vẫn chưa hiểu về nhau. Đối với các dân tộc phương xa, con người thường có những suy nghĩ tưởng tượng kỳ lạ nhất, hoặc những hiểu lầm sâu sắc nhất.

Ở phương Đông, "Sơn hải kinh" chính một ví dụ thú vị như vậy. Còn ở phương Tây, cách đối xử với Marco Polo cũng là ví dụ. Trong cuốn "Marco Polo du ký", Marco Polo đã mô tả một cách rất rõ ràng và hệ thống những gì mình thấy ở Đại Đô của nhà Nguyên, các thành phố ở vùng Tây Vực và những thành phố như Hàng Châu.

Thế nhưng những điều này lại giống như chuyện cổ tích với người dân thời bấy giờ. Từ Marco Polo trở thành một từ mang nghĩa "kẻ nói ba hoa". Mặc dù sau này người ta đã sử dụng những bản ghi chép của Marco Polo như một cuốn sách hướng dẫn du lịch, nhưng cách xã hội đối xử với ông cho thấy rằng trong một khoảng thời gian dài, con người trên Trái Đất đã không thể nhìn thấy, cũng không thể nghe thấy lẫn nhau.

Bức tranh Hốt Tất Liệt gặp Marco Polo của một họa sĩ cuối thời trung cổ. (Ảnh thuộc miền công cộng Wikipedia)

Một người thanh niên với vẻ ngoài sáng láng đến từ một đế quốc xa xôi. Với một vị vua tràn đầy những ý tưởng kỳ lạ như vua Louis XIV, sự xuất hiện của người thanh niên này này sẽ mang lại tác động như thế nào?

Ở bên kia thế giới, đế quốc Trung Hoa, đế chế cường nhất Đông Á thời bấy giờ, đang có một thời kỳ phồn thịnh dưới triều đại của Hoàng đế Khang Hy. Không lâu sau, đế chế cổ xưa lớn nhất của châu Á và quốc gia mới nổi hùng mạnh nhất châu Âu sẽ gặp nhau. Và sau đó, hai vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong lịch sử phương Đông và phương Tây cùng rất nhiều thành tựu về văn hóa và quân sự sẽ được gặp nhau.

Hạ Đảo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thế kỷ của Vua Mặt Trời (4): Những vị khách đến từ bên kia Trái Đất