Tình yêu ngày tận thế: Cô gái mù bán hoa ở Pompeii

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tác phẩm điêu khắc "Nydia, Cô gái mù bán hoa ở Pompeii" là một câu chuyện thú vị về quá trình sáng tạo của tác giả, và kể một câu chuyện tình bi thương vào thời mạt thế, khi thành Pompeii bị dung nham núi lửa thiêu trụi.

Cách đây vài năm, tôi đã nhờ một nghệ sĩ tài ba vẽ tranh cho một người bạn. Nhân vật chính của bức tranh là hai cô con gái tuổi teen của cô ấy, với bối cảnh tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Mỹ. Đó là bức tranh mà cô yêu thích nhất.

Đáng lẽ cô bé trong tranh sẽ đưa cánh tay ra và ném một đồng xu vào bát nước. Nhưng khi bức tranh được hoàn thành, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy họa sĩ thay bát nước bằng một bức tượng. Anh nói rằng bức tượng tạo thêm chiều sâu cho bức tranh, và gây ấn tượng mạnh hơn cho người thưởng thức. Tôi rất tán thành ý kiến này, nhưng bức tượng đó là ai? Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện ra đó chính là "Nydia, Cô gái mù bán hoa ở Pompeii" (Nydia, the Blind Flower Girl of Pompeii).

Bức tranh “Allison and Marissa at The Met” (Allison và Marissa tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan) do họa sĩ Jon Smith sáng tác năm 2010. (Ảnh do Wayne Barnes cung cấp)
Bức tranh “Allison and Marissa at The Met” (Allison và Marissa tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan) do họa sĩ Jon Smith sáng tác năm 2010. (Ảnh do Wayne Barnes cung cấp)

Tôi đã làm việc tại FBI trong gần ba thập kỷ, cũng đã đến rất nhiều thành phố trong các nhiệm vụ điều tra, và trong các chuyến đi đó tôi thường tới tham quan các viện bảo tàng. Cuối cùng, tôi đã nhìn thấy bức tượng Nydia tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Chicago. Nó cách Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York tới 800 dặm (gần 1.300 km)!

Có một lần tôi đến Birmingham thuộc tiểu bang Alabama để làm nhiệm vụ. Tôi rất kinh ngạc vì có một bức tượng Nydia khác trong bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật địa phương.

Sao lại thế được? Bức tượng được cho mượn để trưng bày hay sao? Lẽ nào có nhiều hơn hai bức?

“Nydia, Cô gái mù bán hoa ở Pompeii” tại Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham. (Ảnh do Wayne Barnes cung cấp)
“Nydia, Cô gái mù bán hoa ở Pompeii” tại Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham. (Ảnh do Wayne Barnes cung cấp)

Sự ra đời của bức tượng Nydia

Bức tượng Nydia được tạo ra vào năm 1853 - 1854 bởi nhà điêu khắc tân cổ điển người Mỹ Randolph Rogers (1825 - 1892). Có người cho rằng, chất lượng và biểu hiện cảm xúc trong các tác phẩm điêu khắc của Rogers có thể được so sánh với các nhân vật Hy Lạp và La Mã trong các tác phẩm của Michelangelo, cũng giàu ý vị như thế.

Sản xuất hàng loạt là một đặc điểm của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Năm 1793, nhà phát minh người Mỹ Eli Whitney trở nên nổi tiếng với sáng chế máy tách hạt bông (cotton gin). Đến năm 1798, ông đã tạo ra một khẩu súng trường với các bộ phận có thể thay thế được, và ký hợp đồng bán 10.000 khẩu cho chính phủ non trẻ của Mỹ lúc bấy giờ. Trước đó, nếu một bộ phận của khẩu súng bị hỏng, người ta sẽ phải thay thế bằng một khẩu mới tinh. Nhưng bây giờ vấn đề đã được giải quyết.

Nhà điêu khắc Rogers không biết chế tạo vũ khí. Và khi đứng trước một khối đá cẩm thạch lớn, chỉ có một cách để làm ra sản phẩm: đó là dùng vồ và đục truyền thống.

Rogers sinh ra ở New York vào năm 1825. Chạm khắc gỗ là sở thích của ông, nhưng khi ấy ông không thể tìm được một công việc điêu khắc. Khi đang làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bán đồ khô, người chủ đã phát hiện ra tài năng chạm khắc của Rogers, và tài trợ cho chàng thanh niên này đi du học ở Florence, Ý. Năm 1851, Rogers mở một xưởng làm việc ở Rome, và bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng nghệ thuật từ châu Âu và châu Mỹ. Ông sống và làm việc ở đó cho đến cuối đời.

Nếu Rogers ở lại Hoa Kỳ, loại đá mà ông chọn để điêu khắc sẽ là đá hoa cương (granite) New England. Nhưng vì ông sống ở Ý, nên loại đá ông dùng, và khối đá mà Michelangelo dùng để tạo ra các kiệt tác như “David”, “Moses” và “La Pietà”, đều đến từ một ngọn núi.

Nydia và các chị em

Bức tượng "Nydia" của Rogers cao 3 feet (khoảng 91 cm) và đứng trên bệ dày 2 feet (khoảng 61 cm). Có thể quan sát thấy những chi tiết như: cơ thể cô nghiêng về phía trước, ngón chân sau chạm nhẹ xuống sàn, chiếc áo dài thắt eo với nhiều nếp xếp, mái tóc xoăn cùng khuôn mặt diễm lệ nhưng mang nét u sầu. “Nydia” rất được công chúng yêu thích nhưng lại chỉ có một bức tượng, vậy phải làm sao?

Tác phẩm “Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii” do nhà điêu khắc Randolph Rogers sáng tạo năm 1853 - 1854. Đá cẩm thạch Carrara, kích thước 36 1⁄8 inch x 17 1⁄4 inch x 25 1⁄4 inch. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Public Domain)
Tác phẩm “Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii” do nhà điêu khắc Randolph Rogers sáng tạo năm 1853 - 1854. Đá cẩm thạch Carrara, kích thước 36 1⁄8 inch x 17 1⁄4 inch x 25 1⁄4 inch. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Public Domain)

Bất cứ ai đã từng đến thăm các viện bảo tàng trên thế giới đều biết rằng, Rogers đã làm một điều mà trước đó không ai có thể tưởng tượng được. Cùng với các trợ lý của mình, ông đã tạo ra 167 bức tượng Nydia với hai kích cỡ. Mỗi bức dường như đều giống bản gốc tới mức hoàn hảo. Đó là một lượng tác phẩm nghệ thuật khổng lồ, nhưng không phải do máy móc sản xuất hàng loạt, mỗi bức tượng đều được chế tác tỉ mỉ từ một khối đá cẩm thạch. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được mất bao lâu để tạc ra một cô gái mù bán hoa.

Rogers không hẳn thích sử dụng đá cẩm thạch, nhưng ông đã tạo ra tác phẩm đầu tiên bằng loại đá này để làm hình mẫu cho các bản sao về sau. Sau khi điêu khắc rất nhiều bức tượng, ông sẽ giao cho các phụ tá tiếp tục hoàn thiện. Những người phụ tá này là ai, và có bao nhiêu thợ thủ công tài năng đã tham gia vào thời điểm đó? Không có tài liệu nào ghi chép tên tuổi của họ. Nhưng số lượng các bức tượng nhiều đến mức, hầu như bất kỳ người yêu thích nghệ thuật nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy chúng trong một bảo tàng ở địa phương. Ngay cả những người giàu có vào giữa thế kỷ 19 cũng có thể sở hữu một bức tượng Nydia "nguyên bản" trong dinh thự nguy nga của họ.

Trước đó từng có ai làm như vậy không? Tạo một tác phẩm nghệ thuật với kích thước lớn, tinh tế và có thiết kế độc đáo, sau đó tái tạo nó nhiều lần?

Mỗi bức tượng đồng của nhà điêu khắc người Mỹ Frederic Remington (1861 - 1909) đều được đúc từ cùng một mô hình đất sét. In thạch bản và in lụa, có thể tạo ra hàng loạt các bản sao hai chiều. Nhưng liệu Leonardo da Vinci có thể vẽ được một nàng “Mona Lisa” thứ hai?

Người Hy Lạp cổ đại cũng tạo ra những bức tượng gần giống hệt nhau trên thành phòng thủ Acropolis ở Athens, được gọi là caryatids. Sáu vị nữ thần được điêu khắc một cách công phu trên các cột trụ dùng để chống đỡ mái vòm đá nặng hàng tấn. Nhưng cũng chỉ có 6 bức tượng.

Caryatids trong ngôi đền Hy Lạp cổ ở Acropolis. (Thermos / CC BY-SA 2.5)
Caryatids trong ngôi đền Hy Lạp cổ ở Acropolis. (Thermos / CC BY-SA 2.5)

Trong thời đại công nghệ 3D ngày nay, các lớp vật liệu có thể tạo ra một bản sao của bức tượng cô gái mù bán hoa với kích thước tương ứng. Nhưng nó giống một thứ gì đó mua ở cửa hàng bán đồ hiếm hơn là một bức tượng lộng lẫy tạc từ đá cẩm thạch. Theo quan điểm chủ nghĩa tư bản khắt khe nhất, Rogers đã cung cấp một sản phẩm độc đáo cho lượng lớn khách hàng có nhu cầu.

Nydia là một nhân vật trong tiểu thuyết

"Nydia" là tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch phổ biến nhất vào những năm 1800. Cô là một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “The Last Days of Pompeii” (Những ngày cuối cùng của Pompeii), ra mắt năm 1834 của tác giả người Anh Edward Bulwer-Lytton. Nhà văn đã lấy cảm hứng từ một bức tranh mà ông nhìn thấy ở Milan vào năm 1833 có tên “The Last Day of Pompeii” (Ngày cuối cùng của Pompeii) của họa sĩ người Nga Karl Bryullov. Bức tranh mô tả vụ phun trào núi Vesuvius ở Ý, gây ra thảm họa kinh hoàng.

Bức tranh “Ngày cuối cùng của Pompeii” của họa sĩ Karl Bryullov được trưng bày tại Milan vào năm 1833. Nó đã truyền cảm hứng cho nhà văn Edward Bulvo-Leyton viết cuốn tiểu thuyết "Những ngày cuối cùng của Pompeii" vào năm 1834, và sau đó lại truyền cảm hứng cho nhà điêu khắc Randolph Rogers tạo ra bức tượng "Nedia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii" vào năm 1853 - 1854. (Public Domain)
Bức tranh “Ngày cuối cùng của Pompeii” của họa sĩ Karl Bryullov được trưng bày tại Milan vào năm 1833. Nó đã truyền cảm hứng cho nhà văn Edward Bulvo-Leyton viết cuốn tiểu thuyết "Những ngày cuối cùng của Pompeii" vào năm 1834, và sau đó lại truyền cảm hứng cho nhà điêu khắc Randolph Rogers tạo ra bức tượng "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii" vào năm 1853 - 1854. (Public Domain)

Giả sử, nếu năm đó họa sĩ Bryullov không đến thăm các điểm khai quật Pompeii thời đầu, thì có lẽ chuỗi hiệu ứng dây chuyền từ tranh vẽ, tới tiểu thuyết, đến tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch về cô gái mù bán hoa cũng sẽ biến mất như tro tàn của Pompeii. Rogers đã tạc lại khoảnh khắc đau khổ tột cùng của nhân vật, và qua tác phẩm nghệ thuật này, chúng ta có thể hình dung ra nỗi khốn khổ của con người thời đó, khi cả một thành phố biến mất do thảm họa thiên nhiên.

Gần 1800 năm sau vụ phun trào, cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản. Nhưng nhà văn Đế chế La Mã Pliny the Younger (sống vào khoảng năm 61 - 113 sau Công nguyên) đã có những mô tả về thảm họa năm đó. Vì vậy, mặc dù cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Nga là hư cấu, nhưng câu chuyện về cuộc sống ở chân núi Vesuvius lại là chính xác.

Chính khách, nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Anh Edward Bulwer-Lytton, người viết cuốn tiểu thuyết “Những ngày cuối cùng của Pompeii” vào năm 1834, đã truyền cảm hứng cho nhà điêu khắc Randolph Rogers tạo ra tác phẩm "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii" vào năm 1853 - 1954. (Public Domain)
Chính khách, nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Anh Edward Bulwer-Lytton, người viết cuốn tiểu thuyết “Những ngày cuối cùng của Pompeii” vào năm 1834, đã truyền cảm hứng cho nhà điêu khắc Randolph Rogers tạo ra tác phẩm "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii" vào năm 1853 - 1954. (Public Domain)

Pompeii là một thành phố thịnh vượng với 20.000 dân, và là thành phố kiểu mẫu trên bờ biển của Đế chế La Mã. Tuy nhiên khi thảm họa xảy ra, đã không có một cảnh báo nào về thời gian hoặc địa điểm núi lửa sẽ phun trào.

Tàn tích của Pompeii là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất từng được thực hiện. Các nhà khảo cổ học liên tục phát hiện ra rất nhiều khoang rỗng ẩn trong đá núi lửa. Để xác định hình dạng các khoang rỗng, chuyên gia đã khoan lỗ và phun thạch cao Paris vào trong rồi đợi cho khô. Sau đó, từ từ đục bỏ lớp đá bọt bên ngoài, kết quả thu được rất nhiều bức tượng thạch cao còn nguyên vẹn nhưng khiến người ta xót thương. Chẳng hạn như hình một con vật bốn chân đang phải chịu đau đớn khi tro nóng chết chóc đột ngột bao phủ thành phố. Bức tượng thạch cao này hiện đang được trưng bày tại khu vực gần khu khai quật khảo cổ học.

Nydia đưa ta về Pompeii

Nydia thích đi bộ đến những vùng ngoại ô bạt ngàn cánh đồng hoa. Hầu hết mọi người hái hoa vì sắc đẹp của chúng, nhưng Nydia lại bị thu hút bởi hương thơm.

Trên một góc phố đông đúc, Nydia chơi đàn Lia (Lyre) ba dây, hát những bài ca tươi đẹp, và bán những vòng hoa thơm ngào ngạt đầy màu sắc đựng trong giỏ. Những người qua đường sẽ mua hàng của cô.

Glaucus là một nhà quý tộc điển trai trong thời Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ nhất, thích tổ chức những bữa tiệc xa hoa, thưởng thức rượu vang và đổ xúc xắc. Anh được biết có một nô lệ tên là Nydia bị chủ nhân ngược đãi và anh đã cố gắng cứu cô. Nydia luôn ngưỡng mộ Glaucus, cô yêu thích giọng nói khỏe khoắn và cách làm việc quyết đoán của anh. Tuy nhiên, Nydia không ghen tị với Ioni, vị hôn thê của Glaucus. Cô vẫn yêu anh, dù biết rằng sẽ không được đáp lại.

Vào buổi trưa ngày 24 tháng 8 năm 79 sau Công nguyên, mặt đất bắt đầu ầm ầm rung chuyển. Một ánh sáng màu đỏ xuất hiện ở phía bắc, đỉnh núi phun ra lửa và tro bụi, đẩy những đám khói cao 10.000 feet (hơn 3.000 km) lên không trung. Khi những cột khói phun lên trời cao, mọi người cũng bắt đầu nhận ra rằng chúng đến từ một nơi như địa ngục nằm sâu trong lòng đất.

Ảnh chụp Quảng trường Pompeii năm 2008, bao gồm lối vào Vương cung thánh đường Basilica (trái), khu chợ trong nhà Macellum (phải), Ngôi đền thần Jupiter (giữa) và Núi Vesuvius ở phía xa. (Heinz-Josef Lücking / CC BY-SA 3.0 DE)
Ảnh chụp Quảng trường Pompeii năm 2008, bao gồm lối vào Vương cung thánh đường Basilica (trái), khu chợ trong nhà Macellum (phải), Ngôi đền thần Jupiter (giữa) và Núi Vesuvius ở phía xa. (Heinz-Josef Lücking / CC BY-SA 3.0 DE)

Dung nham chảy xuống con dốc dài năm dặm và phủ lên mọi thứ trên đường đi. Làn khói axit sunfuric dày đặc phía trên dòng chảy làm chết ngạt tất cả sinh vật.

Tro bụi rơi liên tục trong nhiều giờ, nó không giống như những trận tuyết nhẹ của mùa đông rơi xuống rồi tan chảy, mà là hết lớp này đến lớp kia trút xuống thành phố. Cảnh tượng này khiến người dân khiếp sợ, dưới sức nóng của những mảnh tro núi lửa đỏ rực rơi xuống, họ đã chết trong sự dày vò.

Không thể tránh được những đường đạn rực lửa. Thần lửa Vulcan không ngừng ném lên không trung những mảnh vỡ đỏ rực, và khi chúng đáp xuống mặt đất, dù là kẻ giàu hay kẻ nghèo, là chủ nhân hay nô lệ, tất cả đều chạy đua để thoát khỏi địa ngục.

Đường phố ngập trong khói lửa và chết chóc. Theo ước tính, có hơn 12.000 người đã thiệt mạng trong vài giờ. Những người bị thương thậm chí không thể nhìn thấy đôi tay của chính mình khi đặt trước mặt, họ phải lần mò để xuyên qua làn khói mù ngột ngạt.

Một phần của bức tượng "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii": Một phần của cột trụ theo phong cách kiến trúc Corinthian rơi xuống dưới chân Nydia, nó thể hiện sự tàn phá xung quanh cô và sinh mạng của chính cô đang gặp nguy hiểm. (Public Domain)
Một phần của bức tượng "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii": Một phần của cột trụ theo phong cách kiến trúc Corinthian rơi xuống dưới chân Nydia, nó thể hiện sự tàn phá xung quanh cô và sinh mạng của chính cô đang gặp nguy hiểm. (Public Domain)

Đầu tiên Nydia nghĩ đến Glaucus, làm thế nào để cứu anh. Một lúc sau, cô tình cờ gặp Glaucus và vị hôn thê Ioni của anh.

Hàng nghìn người bị mắc kẹt khi lòng đất phun ra thứ chất lỏng chết chóc. Việc bị mù suốt nhiều năm bỗng chốc trở thành ưu thế bất ngờ của Nydia khi cô đi trên con phố mịt mù khói (vì có thính giác và xúc giác nhạy bén).

Nydia bảo Glaucus hãy theo sát cô. Anh đã làm như vậy trong khi nắm chặt tay Ioni. Nydia lao về phía trước dọc theo con phố, len qua đám đông đang hoảng loạn kèm theo tiếng la hét của những người bị thương. Cô biết rõ hướng đi dù không có đôi mắt sáng. Nydia cảm thấy bi thương và sợ hãi, khoảnh khắc ấy nỗi đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt cô, cô cũng sợ rằng mình sẽ không thể cứu được Glaucus, và cô đã bật khóc.

Một phần của bức tượng "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii": Vẻ mặt lo lắng của Nydia, cô sợ sẽ không thể đưa Glaucus thoát khỏi biển lửa. (Public Domain)
Một phần của bức tượng "Nydia, cô gái mù bán hoa ở Pompeii": Vẻ mặt lo lắng của Nydia, cô sợ sẽ không thể đưa Glaucus thoát khỏi biển lửa. (Public Domain)

Tiếng than khóc tràn ngập trên những con đường họ đi qua. Cuối cùng, họ đến một nơi đủ xa để được an toàn. Nhưng Nydia biết rằng Glaucus sẽ không bao giờ đáp lại tình yêu của một cô gái nô lệ, trong cơn tuyệt vọng, cô đã gieo mình xuống biển.

Khoảnh khắc mà Randolph Rogers chọn để khắc họa – một cảnh trong một câu chuyện dài – đã đưa chúng ta quay trở về thời điểm xảy ra vụ thảm họa kinh hoàng. Qua lăng kính của cô gái mù bán hoa, khung cảnh đó hiện lên trước mắt chúng ta.

Tác giả Wayne A. Barnes là một đặc vụ FBI, ông đã làm việc trong lĩnh vực phản gián 29 năm. Ông từng trải qua nhiều nhiệm vụ bí mật, bao gồm cả việc trở thành thành viên của Black Panthers, một tổ chức theo tư tưởng Marx - Lenin được thành lập vào năm 1966. Câu chuyện gián điệp đầu tiên của ông là thẩm vấn những người đào tẩu từ cơ quan tình báo Liên Xô cũ KGB. Hiện ông đang thực hiện một cuộc điều tra tư nhân ở Nam Florida.

Nam Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tình yêu ngày tận thế: Cô gái mù bán hoa ở Pompeii