Tội nghiệp kiếp trước vì sao được xá tội, vận mệnh được cải biến như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phật gia nói vận mệnh, các loại họa phúc của người ta là triển hiện quy luật nhân quả của nghiệp báo. Nhưng làm sao có thể cải biến thọ mệnh, quan vận...? làm thế nào để chuyển hóa vận xấu?

Làm con hiếu thuận, thay đổi vận mệnh

Ngô Nhị là một thường dân ở Lâm Xuyên. Anh tận tâm tận lực chăm sóc mẹ già, luôn cố gắng để mẹ vui lòng. Vào một đêm, anh mộng thấy Thần hiện lên bảo: ‘Giờ Ngọ ngày mai, ngươi sẽ bị sét đánh chết.

Ngô Nhị nói: ‘Mẹ con tuổi đã cao, cần con chăm sóc, có thể miễn tội chết cho con được không?’

Thần bảo: ‘Đây là mệnh Trời, không thể miễn được.’

Ngô Nhị sợ mẹ biết sẽ suy sụp, nên sáng sớm anh dậy chuẩn bị cơm nước cho mẹ xong, rồi nói với bà: ‘Con có việc phải đi xa một chuyến, mời mẹ sang nhà em gái ở tạm ít bữa.’

Nhưng mẹ anh không đồng ý.

Không lâu sau, mây đen kéo tới, sét nổ rền trời. Ngô Nhị càng thêm sợ mẫu thân bị kinh động. Nên đóng chặt cửa lại, sau đó anh lẳng lặng lẻn ra ngoài cánh đồng, đứng đó chờ Trời phạt. Lúc sau, mây đen tản dần, sự việc cũng không phát sinh.

Ngô Nhị vội về nhà, an ủi mẹ, nhưng vẫn lo rằng nguy hiểm chưa qua, nên không dám kể lại chuyện vừa rồi cho mẹ. Đêm đó, Ngô Nhị lại mộng thấy Thần hiện ra bảo: ‘Lòng chí hiếu của ngươi cảm động đến Thiên đình, nên đã xá miễn cho ngươi tội nghiệp của tiền kiếp, ngươi cần tiếp tục kính dưỡng mẫu thân.’

Từ đó Ngô Nhị càng thêm hiếu thuận, cả đời kính dưỡng chăm sóc mẹ.

Dưới sấm rền chớp giật mở ra một trường biến đổi vận mệnh kinh tâm động phách. (Pixabay)

Con dâu hiếu thuận, giải thoát nghiệp báo kiếp trước

Dụ Thị là vợ của Chi Tổ Nghi ở ấp Thê, Tứ Xuyên. Cô phụng dưỡng mẹ chồng vô cùng hiếu thuận, bà cụ tính tình cáu bẳn nóng nảy, rất khó chiều lòng, Dụ Thị một lòng kính thuận chăm chút, chưa bao giờ có một lời thở than.

Một đêm, Dụ Thị nằm mộng, thấy Thần bảo rằng: ‘Kiếp trước con là vợ của Mâu Dung. Năm ba mươi tuổi bị mắc bệnh nặng, nằm bẹp trên giường hơn một năm. Mẹ chồng khi ấy tuổi hơn 70, nấu cháo cho cô ăn, do ốm đau miệng đắng, nên cô khóc lóc mắng chửi bà nhiều lần. Tới lúc lâm chung, cô tuyệt vọng kêu Trời: ‘Bảy mươi tuổi không chết, con mới ba mươi mà phải chết, Ông Trời thật không công bằng!’ quan Âm Tào báo cáo lên Thiên Đế, Thiên Đế hạ lệnh cho hỏa thiêu cô, nhưng khi đó cô đã tắt thở rồi.

Đời này, để cô trả hết nghiệp kiếp trước, đã an bài cô bị sét đánh mất mạng, không lâu nữa sẽ thi hành. Do kiếp này cô là người chí hiếu, nên cho cô biết trước việc này.’

Dụ Thị kinh sợ tỉnh giấc. Mờ sáng hôm sau, cô tắm gội thay y phục, bái kiến mẹ chồng: ‘Con làm dâu nhà họ Chi đã ba năm, phụng dưỡng mẹ chưa có điều gì sai sót. Hôm nay con muốn về thăm quê cũ, sợ đường xa bất trắc vong mạng, xin mẹ an lòng bảo trọng, đừng quá bi thương.

Thấy con dâu nói ra những lời trầm trọng buồn thương như vậy, bà rất lấy làm khó hiểu.

Dụ Thị về tới nhà từ biệt mẹ cha, kể lại chi tiết sự việc Thần bảo trong mộng. Sau đó cô đi ra ngoài, tới một gốc cây phía Nam nhà, châm một nén hương thơm, hướng lên thiên không khấn vái: ‘Con tội đáng chết, đây là nợ nghiệp của tự con từ tiền kiếp, con xin chịu không dám kêu xin. Nhưng nghĩ tới mẹ chồng già yếu, trượng phu bần cùng, lấy ai chăm sóc lo toan cho họ? Cha mẹ con từ nhỏ dạy con cần làm người tốt, nay con bị Trời diệt, sẽ mang sự sỉ nhục cho cha mẹ. Nay con đang có mang bẩy tháng, nếu là con trai, thì Chi gia có con nối dõi. Con nghĩ thấy, sự việc trước mắt là không thể tránh khỏi, riêng việc nối dõi của họ Chi, con xin Thượng Thiên lui cho con ba tháng, đợi sinh con xong rồi hãy thi hành.’

Giữa ban ngày trong sáng, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mây đen cuồn cuộn tới, gió giật sấm rền. Văn Xương Đế Quân hiểu rõ sự tình, bẩm báo lên Thiên Đế, lấy một cô con dâu tên Mã Thị, vợ Trương Thực là người bất hiếu hung hãn ở vùng đó để thế mạng cho Dụ Thị. Mã Thị dâm tà độc ác, đảo loạn nhân luân, vô lễ mẹ chồng, trong mưa gió, một tiếng sét xé toạc thinh không, đánh chết Mã Thị, còn Dụ Thị được miễn tội chết.

Lòng hiếu cảm động hổ dữ, phụ thân thêm tuổi thọ

Từ Nhất Bằng, tự Quý Tường, là người đất Ngân (phía Đông Triết Giang). Ông chăm sóc mẹ cha chí hiếu, nhưng gia cảnh bần cùng, ông đành rời nhà đến Hải Tân dạy học kiếm tiền. Vào một đêm, ông mơ thấy một giấc mộng kỳ lạ, mộng thấy mình nói với chủ nhà: ‘Cha tôi sợ là đã bị bệnh rồi.’

Ông vội quay về, không quản ngày đêm nhanh bước. Buổi tối đang trên đường qua núi, đột nhiên thấy hổ dữ chặn đường.

Ông bảo hổ: ‘Ta vì cha bị bệnh, nên gấp rút quay về, cho dù nanh hổ nhe trước mặt, có gì đáng sợ đâu cơ chứ?’

Con hổ nghe thấy như hiểu tiếng, quay thân ngoe nguẩy đuôi dài tránh đi.

Đột nhiên thấy hổ dữ chặn đường. (Pixabay)

Về đến nhà, người nhà bảo ông rằng, cha ông lâm bệnh nặng, thần trí mơ hồ sắp đi rồi. Khi Quý Tường tới gần cha, người cha bỗng nhiên tỉnh lại, bảo với ông rằng: ‘Con trai trên đường về nhà, gặp phải hổ phải không? Cha vừa bị bắt đi tới âm phủ, thấy một vị quan khoác áo bào đỏ nói: ‘Mệnh số của ông đã đến hạn, lòng hiếu của con ông đã làm hổ động lòng, đến hổ dữ còn tránh bước nhường đường. Do vậy, đặc cách kéo dài tuổi thọ cho ông thêm một kỷ (12 năm).’

Nguồn tư liệu: Đức dục cổ giám

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tội nghiệp kiếp trước vì sao được xá tội, vận mệnh được cải biến như thế nào?