Tôn trọng người khác, mới được người khác tôn trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi người đều mong muốn được người khác tôn trọng , nhưng không phải ai cũng biết cách tôn trọng người khác.

Diễn viên hài Rodney Dangerfield từng nói: “Tôi không nhận được sự tôn trọng”.

Ngày nay, nhiều người Mỹ có sự đồng cảm sâu sắc với câu nói nổi tiếng này của Dangerfield. Khi tìm kiếm trên Internet cụm từ “có phải sự tôn trọng đang dần biến mất?”, bạn sẽ thấy một loạt bài viết liên quan xuất hiện, trong đó có một bài viết của mục sư Ron Rolheiser. Ông đã đặt một câu hỏi hỏi: “Có khi nào chúng ta đánh mất đi phép lịch thiệp thông thường? Cho dù chúng ta có bất đồng quan điểm hay thậm chí không ưa thích đối phương đến mức nào, chúng ta vẫn nên tuân thủ các phép tắc xã giao cơ bản và đối xử với người khác với sự tôn trọng và lịch sự”.

“Chúng ta đã đánh mất lẽ thường đó, ít nhất là trong hầu hết các trường hợp. Từ cấp chính quyền cao nhất cho đến những nền tảng thông thường nhất trên mạng xã hội, chúng ta đều nhìn thấy rõ rằng sự tôn trọng, văn minh và tính trung thực cơ bản đã biến mất”.

Hầu hết mọi người có lẽ đồng ý với quan điểm này. Nhiều chính trị gia và nhà bình luận trước công chúng, mở miệng là nói ra những lời gây tổn thương người khác; trên mạng xã hội thường nổ ra các cuộc khẩu chiến trực tuyến, và trong cuộc sống hàng ngày cũng thể hiện ra rất nhiều hành vi thiếu tôn trọng khác, tất cả đã cho thấy văn hóa chửi rủa và xấu xa đã trở thành trạng thái bình thường.

Khi đọc câu hỏi của mục sư Rolheiser và mô tả tiếp theo của ông, chúng ta có thể nhận thấy rằng ông liên tục nhấn mạnh tới “ lễ tiết” và “tôn trọng”, cả hai đều đồng nghĩa với “lịch sự”. Tất cả những khái niệm này có liên quan chặt chẽ với nhau. Rốt cuộc, lễ tiết và lịch sự chính là dấu hiệu của văn minh, là thể hiện sự tôn trọng người khác.

Việc bồi dưỡng phép lịch sự cơ bản không cần phải đọc bất kỳ hướng dẫn lễ nghi nào, chỉ cần thực hành một vài quy tắc cơ bản. Theo mục sư Rolhiser nói, những phép tắc này đã sớm bén rễ và tồn tại trong lịch sử nhân loại từ rất lâu. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập tới ba phép tắc trong đó.

Lắng nghe

Chúng ta hãy thử cố gắng tập trung vào những gì đối phương đang nói, thay vì nghĩ đến biện pháp đối phó hoặc phản bác. Cho dù đang nói chuyện trực tiếp với một người bạn hay trả lời bình luận trực tuyến của một người lạ, hãy suy nghĩ trước khi trả lời. Hãy đặt câu hỏi trước để tìm ra sự thật, sau đó phán đoán đúng sai.

Tránh nói thao thao bất tuyệt và nói chuyện một mình. Cách đây vài ngày, trong một quán cà phê, tôi ngồi cạnh một cặp nam nữ thanh niên trông khoảng 20 tuổi. Tôi đang gõ bàn phím máy tính xách tay của mình và họ đang trò chuyện, hay nói đúng hơn là chàng trai trẻ đang nói. Không biết cô gái đi cùng anh là đối tượng hẹn hò hay chỉ là bạn bè thông thường. Tuy nhiên, anh chàng nói không ngừng về mình, còn cô bạn gái hầu như không nói được gì, chỉ thỉnh thoảng nói thêm “Ồ, vâng” hoặc “Em cũng đã gặp việc tương tự như vậy” v.v.

Theo lễ nghi xã giao thông thường, vì tôn trọng phụ nữ, người đàn ông thỉnh thoảng nên dừng lại để cho người phụ nữ có cơ hội được nói.

Đối xử với người khác bằng lễ nghi

Nhà văn người Mỹ Mark Twain từng gửi một tấm thiệp đến câu lạc bộ thanh niên của một Giáo hội Trưởng lão (Presbyterian church). Trên tấm thiệp đó viết: “Kiên trì làm những điều đúng đắn. Điều này sẽ khiến một số người hài lòng, và làm những người khác kinh ngạc”. (Always do right. This will gratify some people and astonish the rest)

Lời khuyên này cũng rất chính xác khi chúng ta dùng cách thức văn minh đối đãi trước hành vi thô lỗ của người khác. Khi một kẻ nào đó trên mạng xã hội viết những nội dung chỉ trích, công kích chúng ta, sẽ tốt hơn nếu chúng ta đáp lại một cách lịch sự, ví dụ như “Tôi biết bạn rất không vui về điều này, [vui lòng cho phép tôi giải thích]” hoặc “Có lẽ tôi đã không nói rõ suy nghĩ của mình”, v.v.

Những người công kích chúng ta sẽ lùi bước và chúng ta cũng thể hiện rõ sự độ lượng, cao thượng. Lý do rất đơn giản: Chúng ta dùng phong thái ưu nhã đáp lại ác ý của đối phương.

Chúng ta dùng phong thái ưu nhã đáp lại ác ý của đối phương. (Pexels)

Việc mình không muốn, đừng làm với người khác

Tôi chưa gặp người nào tiếp nhận một cách vui vẻ những lời chửi bới, công kích cá nhân hay thậm chí là những lời phê bình thẳng thừng thiếu tôn trọng. Mọi người đều muốn được đối xử với phép lịch sự cơ bản.

Cho dù đối với sếp, nhân viên, vợ, chồng, bạn bè hay người lạ, sự tôn trọng của chúng ta dành cho họ ít nhất cũng thể hiện sự thừa nhận của chúng ta đối với nhân cách của họ. Từ xưa tới nay, quân đội đều tuân theo quy tắc “chào cấp bậc chứ không chào người”. Chúng ta cũng tuân theo nguyên tắc này khi đối xử theo lễ nghi với người khác và thể hiện sự tôn trọng với người khác.

Mục sư Rolheiser viết: “Không thể vì lý do xã hội hoặc tôn giáo mà coi nhẹ những ước thúc trong phép tắc xã giao cơ bản của con người”.

Một số người có thể không đồng ý và cảm thấy rằng một số người không đáng được tôn trọng. Có lẽ là như vậy. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas, người luôn đề cao việc đối xử lịch sự với người khác, đã nói rằng: “Cách cư xử tốt có thể mở ra những cánh cửa tốt mà một nền giáo dục tốt nhất cũng không thể làm được”.

Những cách cư xử tốt này không gì khác hơn là thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Nếu chúng ta có thể làm được điều này thì thực sự đó cũng là sự tôn trọng đối với chính bản thân mình.

Jeff Minick - Epoch Times
Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tôn trọng người khác, mới được người khác tôn trọng