Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (6): Lần đầu biết địa ngục – lồng giam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi vọng nhìn khu giam giữ tối om sâu thăm thẳm, có cảm giác giống như cảnh địa ngục trên phim vậy. Tôi ôm bọc chăn gối vừa mới đi được vài bước thì đột nhiên từ bên cửa ló ra một “tiểu quỷ”...

“Tiểu quỷ” có cái đầu trọc lốc, mặc áo may ô màu đỏ tươi, khoang ngực nở, bụng phệ, đôi mắt tròn trừng trừng nhìn tôi, cái miệng rộng hơi mở lộ ra cặp răng nanh rin rít. Tôi sợ bắn người đến mức ngã phịch mông xuống đất.

- Vào đây! Coi xem thằng cháu mới đến này!

Xem ra anh ta không phải tiểu quỷ mà là một phạm nhân. Tôi bò dậy, ôm chăn gối bước vào phòng.

Căn phòng nhỏ này chỉ rộng 2m2, bên trong cũng có một phạm nhân nữa mặc áo may ô đỏ, trên mặt đất bày một đống giày da.

- Cởi ra!

Tôi lại phải cởi quần áo, trần truồng đứng đó. Phạm nhân kia liền vồ lấy đôi giày của tôi rồi mừng quýnh reo lên:

- A ha, là nhãn hiệu nổi tiếng! Phải nộp cho tao đã!

Phạm nhân còn lại vừa nói vừa dùng kìm kéo khóa quần của tôi.

- Ai cũng không được phép đem tiền mặt và các thứ kim loại vào trong này. Mày còn giấu thứ gì nữa không?

- Không có.

Anh ta lại khám một lượt theo đường chỉ khâu trên quần áo của tôi rồi mới cho tôi mặc lại vào người. Tôi ôm chăn gối lên, tay còn lại giữ quần. Tôi chân trần nhón bước ra khỏi cửa, bộ dạng trông y như đệ tử Cái Bang vậy.

- Đi về phía trước, đến đường ống thứ tư, thấy trên tường viết số 10 thì ngồi ở đó báo cáo, hiểu chưa?

Toàn bộ khu giam giữ xây theo hình chữ Vương (王), đường thông đạo ở giữa dài hơn 100m, hai bên trái phải là những hành lang sâu hun hút, bên trong là các phòng giam, liên tục có phạm nhân ôm đầu đi ra đi vào. Trong đường thông đạo còn có gió lùa, cảm giác giống như trận gió âm phe phẩy khiến người ta không rét mà run.

Đến lối vào hành lang, tôi ngồi phía sau bốn, năm phạm nhân đợi nộp lại tờ đơn. Một cảnh sát đang gác chân lên bàn ngồi ngửa ra đọc báo, hoàn toàn không để ý gì đến chúng tôi.

Tôi lại thấy một người mặc thường phục cầm trong tay chiếc chìa khóa lớn đang tiếp tống phạm nhân. Tôi bèn bắt chước theo các phạm nhân ngồi phía trước, cúi gằm mặt xuống chờ đợi.

Mãi đến lượt nộp tờ đơn tôi mới dám ngẩng đầu lên. Người mặc thường phục ban nãy để tóc rẽ ngôi khác với kiểu tóc húi cua của cảnh sát, trên thân mặc áo sơ mi ngắn tay và quần dài, chân đi dép xăng-đan trông rất có sinh lực. Anh ta gật đầu với cảnh sát rồi khom lưng nói:

- Anh Đỗ, người mới đến này thì xếp vào đâu ạ?

- Cậu tự lo liệu xem.

Người mặc thường phục đọc tờ đơn rồi vẫy chiếc chìa khóa và lớn tiếng nói:

- Buôn lậu à? Ông chủ lớn à? Vậy thì đến chỗ tao. Đi!

Thì ra anh ta cũng là phạm nhân! Người mặc trang phục như thế này, lại được tự do đi lại như vậy thì hẳn là “Đại lao đầu” - một tay anh chị lão luyện trong nhà tù!

Đại lao đầu áp giải tôi vào hành lang. Bên trái là cái sân nhỏ tối như bưng, bên phải là phòng giam tối om om phía sau song cửa sắt… Ôi mẹ ơi! Phòng giam chật cứng người! Tôi choáng váng gần như muốn khuỵu xuống.

- Ngồi đằng kia!

Tôi ngồi ở ngay bên cửa, lúc này khớp gối lại đau nhói lên. Những phạm nhân bên trong cửa đều nhe răng cười với Đại lao đầu và kéo tôi vào trong.

(Ảnh: Lý Thiện / Broad Press)

Trong gian phòng chỉ vỏn vẹn 20m2 có tới hơn hai mươi phạm nhân. Trên lối đi rộng hơn một mét là hai nhóm tám người nằm la liệt, đầu và chân lẫn lộn chắn đầy cả lối đi. Tấm ván kê làm giường cạnh đó nằm chen chúc khoảng chục người. Còn cái giường trống ở phía trước được trải mười lớp đệm đơn, hiển nhiên là để dành cho Đại lao đầu. Ngoài ra còn có bốn người đứng dựa vào tường, đầu đội lệch một chiếc mũ màu vàng, tay đang phe phẩy quạt bằng tấm bìa đã cũ rách, họ cùng nhe răng nhìn về phía tôi. Cảnh tượng này suýt chút nữa đã làm tôi ngất xỉu!

Người đội mũ màu vàng ở bên cạnh giật phăng chăn gối của tôi rồi vung tay ném ra sau, đập vào dãy bạn tù đang ngủ, khiến cả đám kẻ cười giễu, người chửi rủa. Anh ta lại đạp tôi một cước và nói:

- Đi đằng khác!

Phải khó lắm tôi mới đứng dậy được, dè dặt nhón từng bước chân qua các khe hở ở mép giường. Tôi loạng chà loạng choạng giẫm vào tóc của một phạm nhân. Anh ta lập tức mở mắt nhìn tôi chằm chằm, muốn dậy mà không thể dậy được vì quá chật. Anh ta với tay phải ra vỗ đánh bốp vào bắp chân tôi, càu nhàu chửi:

- Mày không có mắt à?

Tôi rối rít xin lỗi và nghiêng người dựa vào bức tường bên cạnh.

Hai phạm nhân tỉnh dậy, kẻ khom trước, người cúi sau trông như hai con sâu ngọ nguậy. Cuối cùng họ cũng lách ra được một khe hở nhỏ, cố hết sức nghiêng người ngồi dậy. Tôi vội vàng luồn chân đi qua khoảng trống đó.

Cuối lối đi là cái bồn nước, cạnh bồn có một người đang co mình nằm ngủ. Gần đó có một vách ngăn hình chữ L cao bằng bắp chân, ngăn cách giữa chỗ tiểu tiện với tấm ván giường. Phía sau bồn tiểu là đống chăn cao khoảng một mét, một cậu thiếu niên 17, 18 tuổi đang ngồi dựa vào đó. Cậu thiếu niên nhảy dựng lên và nói:

- Ngồi ở đây!

Tôi từ tốn ngồi xuống và bị cậu ta vỗ hai cái vào mặt.

- Quần áo cũng khá đấy nhỉ? Cởi ra đi, để tôi tìm cho ông bộ mới.

À, thì ra cậu ta muốn bắt chẹt lấy quần áo của tôi? Thật là đúng lúc, vừa hay tôi không còn muốn cái quần dính phân này nữa. Tôi liền thay sang chiếc áo và cái quần ngắn mà cậu ta tìm cho tôi.

- Đến đêm phải trực ban, không được ngủ, phải đọc thuộc nội quy phòng giam.

Cậu ta chụp chiếc mũ vàng của mình lên đầu tôi và chỉ vào bản nội quy đóng khung gỗ trên tường. Thì ra nhóm mũ vàng không ngủ kia là những người đang trực ban.

- Ông từ Bắc Kinh tới à?

- À… ờ.

- Ở đây cần có phí sinh hoạt, ông hiểu không?

Tôi gật đầu lia lịa. Tôi phải nhanh chóng cho người nhà biết tình cảnh của mình, vạn nhất họ Lưu chậm trễ không thông báo cho gia đình tôi biết, hoặc Tiểu Tạ không âm thầm giúp cho, thì cuối cùng tôi vẫn phải dựa vào chính mình.

- Ông có thể đòi được bao nhiêu tiền?

- Một ngàn vậy.

Cậu ta sáng mắt lên, cười tươi bảo người trực ban trước cửa truyền đến cho một tấm bưu thiếp. Cậu ta làm ra vẻ dạy bảo:

- Tấm bưu thiếp này quý lắm đấy, đừng có mà viết sai, cũng đừng có mà viết nhiều quá, nếu không thì không gửi đi được đâu! Ông hãy viết thế này: “Tôi bị bắt giam ở trung tâm giam giữ chi nhánh Hải Điến, cần 1000 tệ sinh hoạt phí”. Bên dưới chỗ đề tên viết “thập đồng thất hiệu”, rồi ký tên là xong.

Đợi tôi viết xong, tấm bưu thiếp lại được truyền ra trước cửa. “Mũ vàng” ở phía trước huơ tay một cái, đội “mũ vàng” còn lại ngay lập tức đứng dậy, cậu thiếu niên cũng nhấc bổng tôi lên.

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (6): Lần đầu biết địa ngục – lồng giam