Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (8): Lần đầu biết địa ngục - quy tắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lúc hai mắt vẫn còn mơ mơ màng màng, tiếng cửa lạch cạch bỗng làm tôi tỉnh giấc. Tôi chớp mắt tưởng mình vẫn đang ở nhà. Sự tương phản quá lớn giữa mộng cảnh và hiện thực cùng với mất mát trong phút chốc khiến tôi bất giác rơi lệ.

Trời vừa sáng, tôi lờ mờ thấy bóng dáng một phạm nhân bước ra khỏi phòng giam.

Tôi thấy lạnh, đầu nặng trịch, người nóng bừng, cảm thấy bất lực vì họa vô đơn chí. Tìm kiếm bốn bề không thấy Tiểu Long, tôi bèn rút chiếc chăn bông bên dưới đắp lên người. Mùi mốc meo của chăn và mùi chua loét của mồ hôi xông thẳng vào mũi. Năm ấy về quê sống trong cảnh thiếu thốn tôi cũng đâu phải chịu cái khổ lớn thế này? Chẳng biết làm gì, vậy thì ngủ thôi! Ở đây, nằm ngủ và mơ mộng vẫn là chỗ dựa lớn cho tinh thần.

Tiếng chuông leng keng liên hồi khiến tôi giật mình tỉnh giấc, nhưng mở mắt ra lại là nỗi thất vọng tràn trề.

Tôi đổ mồ hôi toàn thân và cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Tôi ngồi đó bối rối không biết nên làm gì, bỗng thấy Tiểu Long nghiêng người trở dậy từ dưới đất. Thì ra cậu ấy nằm ngủ trên sàn để nhường chỗ cho tôi, làm tôi không khỏi áy náy trong lòng.

Tiểu Long bật cười và vỗ vỗ vào vai tôi, nói nhỏ:

- Anh sao thế? “Trong mộng không biết mình là khách, nhất thời ham vui” đấy à?

Không ngờ trong cảnh ngộ này mà cậu ta vẫn còn có nhã hứng ngâm hai câu thơ trong “Lãng đào sa” của Nam Đường hậu chủ Lý Dục. Nguyên văn hai câu trên là: “Mộng lý bất tri thân thị khách, nhất thưởng tham hoan” – trong mộng cứ ngỡ mình vẫn làm hoàng đế, nhưng tỉnh lại lại bàng hoàng ta chỉ là tù nhân! Bài thơ là lời tâm sự của Lý Dục trước cảnh nước mất, nhà tan, còn bản thân thì bị giam lỏng. Tôi miễn cưỡng cười trừ, vừa mở miệng nói thì…

“Suỵt” -- Tiểu Long chỉ vào Đại lao đầu. Tôi nhìn, thấy Đại lao đầu vẫn đang nằm trên giường.

Thấy tôi bị sốt, cậu ta liền tìm một bộ quần dài, áo dài. Chiếc dải rút hai bên đai quần chỉ ngắn bằng lòng bàn tay, buộc với nhau tạo thành thắt lưng. Trong trại giam không có sợi dây nào dài quá nửa mét để tránh phạm nhân khỏi tự sát, do đó các sợi dây lưng đều là theo kiểu này.

Tiểu Long đối xử với tôi rất tốt, nhưng trong lòng tôi lại chỉ có cảm ân chứ không hề thấy cảm kích. Ngược lại, với hai người đã tham gia thẩm vấn tôi là Tiểu Vương và tài xế Tiểu Tạ thì lòng tôi lại tràn đầy cảm kích. Nếu không tự mình trải nghiệm thì rất khó lý giải được “Hội chứng Stockholm” này.

Thế nào gọi là “Hội chứng Stockholm”? Khi một người bị côn đồ bắt cóc, tra tấn… thì những ân huệ nhỏ bé mà đám côn đồ dành cho họ trong lúc tuyệt vọng và sợ hãi sẽ khiến họ sinh ra tâm lý biết ơn, cảm kích, thậm chí là đồng hóa. Trên thực tế, nhiều người Trung Quốc cũng có loại tâm lý này – Họ đã sống dưới ách thống trị tàn bạo của ĐCSTQ suốt một thời gian dài, họ sẽ vô cùng biết ơn những ân huệ nhỏ bé của chính quyền, và lầm tưởng rằng ĐCSTQ đã ban cho họ một cuộc đời mới.

***

Trời quá nóng, dẫu là sáng sớm thì vẫn còn oi bức, trong phòng chỉ riêng mình tôi là mặc áo dài quần dài.

Đại lao đầu đi đại tiện, Lão Lục ở ngoài xé giấy vệ sinh và gấp làm ba, xếp chỉnh tề trên vách ngăn.

Một mùi hôi thối khủng khiếp bốc lên, dẫu có liên tục xả nước cũng không xua tan đi được. Tôi tự hỏi: Có lẽ mùi phân trong chuồng lợn cũng không nồng nặc tới mức này! Tôi theo bản năng đưa tay lên bịt mũi, nhưng lại bị ai đó gạt phăng xuống. Tôi quay đầu lại nhìn, thì ra là anh chàng Cư Sĩ từng viết hồ sơ ghi chép cho tôi hôm qua. Cậu ta chỉ vào Đại lao đầu, tôi hiểu ý liền hạ tay xuống, ngầm hiểu rằng phải học cách thích nghi với thứ mùi đáng sợ này để tránh mạo phạm tới Đại lao đầu.

- Anh Lan, người Mỹ vừa mới đến kia bị sốt rồi, có thể để anh ta ngồi ở chỗ tôi được không? – Tiểu Long xin chỉ thị của Đại lao đầu.

Đại lao đầu trầm ngâm một lát rồi nói:

- Cứ để anh ta ngồi dựa vào đống chăn, còn cậu thì để ý anh ta hơn chút nữa.

- Cảm ơn đại ca!

Tiểu Long nói rồi vẫy tay với tôi, tôi cũng vội vàng làm theo: “Cảm ơn đại ca!”. Nói xong câu ấy tôi tưởng chừng như mình đã nhập vào hắc đạo rồi.

Từ nặn kem chải răng, rót nước súc miệng, tới cầm khăn mặt và lấy xà bông, Lão Lục tận tụy khom lưng hầu hạ, còn Đại lao đầu thì thật đúng là điệu bộ đế vương.

Đại lao đầu rửa mặt và chải răng xong xuôi liền quay mặt vào tấm giấy thiếc và chải đầu. Mảnh giấy thiếc trong hộp thuốc lá giờ đây đã trở thành gương soi. Xem ra gương soi cũng là hàng cấm, vì tù nhân có thể dùng thủy tinh để tự sát. Đại lao đầu chải đầu xong, Lão Lục liền sắp sẵn đôi dép xăng-đan da. Đôi dép này là “nghi trượng” thể hiện đẳng cấp của đại ca đứng đầu trong khu giam giữ.

Đại lao đầu bước đến trước cửa sắt, ngó đầu ra hành lang và hét toáng lên:

- Anh Đỗ, mở đi!

Ngay lập tức, tiếng hoa phóng thanh phía sau tường vang lên: “Các phòng bật TV! Các phòng bật TV lên!”

- Nào! Lùi một bước! – Đại lao đầu hét.

TV bật lên, mọi người xếp thành ba hàng đứng quay mặt vào TV, bắt đầu hoạt động “giáo dục chủ nghĩa yêu nước” trong trại giam. TV chiếu nghi thức chào cờ, phạm nhân hát quốc ca. Không cần phải nói cũng có thể đoán đó là cảnh tượng loạn bát nháo đến mức nào: Người thì hát lạc điệu, kẻ lại hát xuyên tạc, đơn giản chỉ là muốn gây rối làm trò.

TV tắt, tôi quay người định bụng đi vệ sinh. Đại lao đầu ném đầu mẩu thuốc lá vào bồn tiểu, tiếng xèo xèo vang lên. Tôi vừa bước qua vách ngăn thì một phạm nhân khác đã nhảy tót qua đó rồi nhanh chóng móc ra cái đầu mẩu thuốc lá, sau đó cầm cái khăn bẩn lau lau chùi chùi, bộ mặt làm ra vẻ như không có chuyện gì.

Tôi vừa mới đặt một chân qua vách ngăn thì ai đó đã nắm lấy cánh tay tôi. Cư Sĩ thì thầm nói: “Đợi Đại lao đầu ra ngoài đã, sau đó sẽ theo thứ tự mà đi!”.

Đại lao đầu vừa ra khỏi cửa, bầu không khí trong phòng liền lập tức dịu xuống. Một phạm nhân có dáng người cao gầy thong thả đi vệ sinh, xem ra đó là “anh hai” ở đây.

Một người nói:

- Này! Hà Mã! Chớ làm thế, cậu thực là nổi nhọt rồi đấy!

Có tiếng cười, xem ra người này đã chứng kiến màn “đập mông xuống ván” tối qua. Một người khác nói:

- Tự nguyền rủa chính mình đi, đáng kiếp!

Anh hai vừa mới đi vệ sinh kia liền hỏi:

- Ai mà to gan thế? Tự chửi rủa chính mình?

Một phạm nhân liền kể lại một cách sống động toàn bộ màn hài kịch tối qua khiến cả phòng phá lên cười ngặt nghẽo.

Tiểu Long nói: Anh Hàn, tức anh hai, là “lớp phó học tập”, tức là người phụ trách việc dẫn dắt các tù nhân học tập và cải tạo trong phòng giam này. Còn anh Lan là “lớp trưởng học tập” của cả những phòng giam khác, thế nên mới gọi là Đại lao đầu. Anh Hàn chỉ là nhị ca, còn anh Lan là đại ca, cai quản toàn bộ Lao đầu của 14 phòng giam trong dãy hành lang này. Nhà lao dựa vào đám côn đồ lưu manh để chế áp tù nhân, các Lao đầu đều do quản giáo chỉ định. Thông thường họ đều là thủ lĩnh băng đảng và được gia đình hậu thuẫn đút tiền cho quản giáo. Anh Lan là một trùm xã hội đen, hễ anh ấy ở trong phòng thì không ai dám ho he. Các phòng khác cũng đều là cảnh khủng bố như vậy, khi không có việc gì thì gây trò tiêu khiển, giải sầu. Anh Hàn quản rất lơi lỏng, không giữ nội quy và cũng hay pha trò như thế.

Một luồng hôi thối lại bốc lên, tôi theo thói quen đưa tay bịt mũi nhưng sau đó lại bỏ tay xuống. Tiểu Long hỏi:

- Không đến mức ấy chứ?

Mùi xú uế này quả thực đỡ hơn rất nhiều so với vừa nãy.

Tiểu Long giải thích: Đồ ăn của anh Lan là ngon nhất, anh ấy thường được ra ngoài ăn cùng với trưởng ban, vì thế phân của anh ấy bốc mùi khủng khiếp nhất. Anh Hàn ăn ngon hơn những người còn lại trong phòng, nhưng cũng còn kém xa so với anh Lan, do đó mùi nhẹ hơn. Những phạm nhân còn lại không có tiền, ngày ngày chỉ ăn bánh bao với rau dại nên phân thực ra chẳng có gì, đặc biệt là những tù nhân ăn uống thiếu thốn trong thời gian dài.

Thật là được mở mang tầm mắt! Hóa ra từ mùi phân cũng có thể phán đoán được địa vị của phạm nhân!

Anh Hàn đại tiện xong, mọi người ở hàng sau cũng lần lượt “phóng mao”. Trong trại giam, đi vệ sinh được gọi là “phóng mao”, đó là thời gian quy định cho phép tù nhân được đi vệ sinh. Đại mao (đại tiện) thì hai ngày một lần, giờ giấc được khống chế nghiêm ngặt, chỉ có Đại lao đầu và anh hai Hàn là ngoại lệ. Tiểu mao (tiểu tiện) cũng là có thời gian quy định riêng.

Tiểu Long xin anh Hàn lấy cho tôi kem chải răng và khăn lau mặt, lý do là vì tôi đã viết bưu thiếp rồi.

Anh Hàn liền tìm chiếc khăn mới và kem chải răng cất trong chỗ lõm vào của bức tường phía trước. Tôi nhanh nhảu nói:

- Cảm ơn Hàn ca!

Các ống trụ ở khu phía đông trại giam Hải Điến được phân thành năm loại: Loại thứ nhất là “Nữ đồng”, bao gồm trụ 1 và trụ 2, đây là khu giam giữ các tù nhân nữ. Sau đó là loại thứ hai “Câu lưu đồng”, nơi tạm giam những người bị câu lưu trong vòng 15 ngày. Tiếp theo là loại thứ ba “Hình câu đồng”, nơi giam giữ tội phạm hình sự. Tiếp nữa là loại thứ tư “Đãi bộ đồng”, nghĩa là những người đã bị giam giữ hình sự rồi thì sẽ thực hiện theo trình tự bắt giữ của Viện Kiểm sát và giam tại đây. Cuối cùng là loại thứ năm “Đại hình đồng”, những người đã bị kết án đều phải ở đó chờ đến vòng tiếp theo, có thể là đến trại lao động cưỡng bức hoặc nhà tù để chấp hành bản án. Một phạm nhân thông thường sẽ tùy theo tình tiết vụ án mà được điều chuyển từ các phòng giam phía trước ra phía sau, nhưng cũng có người lại trực tiếp bị tống vào phía sau, giống như tôi trực tiếp bị đưa vào “Đãi bộ đồng” vậy.

Giang Trạch Dân chết, đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công, Pháp Luân Đại Pháp bị đàn áp thảm khốc, Pháp Luân Công là gì, biểu tình ủng hộ Pháp Luân Công, thỉnh nguyện hòa bình chống đàn áp Pháp Luân Công, các nạn nhân của ĐCSTQ, nạn mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công và người có đức tin, thu hoạch nội tạng bán giá cao, cấy ghép tạng, Pháp Luân Công có hợp pháp tại Việt Nam không, lao động nô lệ hệ thống nhà tù Trung Quốc
Hình vẽ minh họa một trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. (Ảnh: Minghui.org)

Người ở Đãi bộ đồng đều đã trải qua giai đoạn dự thẩm, trực tiếp bị giao cho Viện Kiểm sát và tòa án, vậy nên có rất nhiều kinh nghiệm. Khi các phạm nhân không rõ kết cục của mình sẽ ra sao, họ có thể thông qua kết quả phán quyết của người khác mà tìm ra lời giải cho bản thân, như thế còn chuẩn xác hơn so với việc tìm hiểu luật pháp. Bởi vì pháp luật Trung Quốc quá lắt léo, chính sách lại thay đổi xoành xoạch, nên các điều luật chỉ cho biết trên phạm vi rộng mà thôi. Tiểu Long khuyên tôi nên nghe nhiều hơn, xem nhiều hơn, học hỏi từ kinh nghiệm giáo huấn của các bạn tù, bởi hết thảy đều là tấm gương rất hữu ích cho tôi soi vào.

***

Anh Hàn dùng bữa sáng với bột sữa đậu nành và bánh quy, ăn xong thì đi dạo - trong phòng giam chỉ có anh là được hưởng chế độ này. Đột nhiên anh hỏi tôi:

- Này, anh bạn người Mỹ, bị sốt à?

- À, tôi vẫn ổn.

- Vừa mới đến đã chịu không nổi rồi sao? Lão Lục, chú dạy nội quy cho anh ta đi nhé.

Lão Lục nói tiếng Sơn Đông, miệng liến thoắng như đọc một bài vè:

Bánh bao một chút, canh rau bát nhỏ.
Nằm ngủ nghiêng người, nước rửa hậu môn.
Tăm bông châm lửa [hút thuốc], đế giày rửa mặt.
Không phục Lao đầu, đánh gãy eo lưng.

Mọi người trong phòng ngả nghiêng cười. Tôi có thể nghe hiểu Lão Lục, ý nghĩa của nội quy chính là: Chỉnh đốn người mà không cần thương lượng!

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (8): Lần đầu biết địa ngục - quy tắc