Trung Quốc: Người Mèo ở Quý Châu phản kháng tập thể, hàng trăm công an và cảnh sát hạ vũ khí đầu hàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông tin được lan truyền trên mạng xã hội, vừa qua, chính quyền địa phương ở một châu tự trị thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã huy động hàng trăm công an và cảnh sát đến một ngôi làng dân tộc Miêu (Mèo) để trấn áp người dân, nhưng đã bị dân làng phản kháng mạnh mẽ và phải hạ vũ khí đầu hàng. Sáng ngày 9/1, sau khi xin lỗi và hứa với dân làng, cũng như nhận được sự đồng ý của họ, những công an và cảnh sát này mới được rời khỏi làng và phải đi bộ về vì xe cộ đi tới đây đã bị đập phá.

Về vấn đề này, nhà bình luận người Hoa Yuan Bin (Viên Bân) đã đăng bài viết trên The Epoch Times vào ngày 13/1 như sau:

Nếu không phải vì tin tức về sự kiện phản kháng tập thể của người Miêu ở Trung Quốc được truyền ra hải ngoại và được một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin, tôi dám chắc rằng sẽ không có nhiều người biết đến, huống chi là chú ý đến nơi xảy ra sự việc này - đường núi Đông Qua, thôn Thạch Khôi Dao, thị trấn Hưng Long, huyện An Long, châu tự trị Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu. Giờ đây, nơi nhỏ bé xa xôi này đã trở nên nổi tiếng.

Sau khi đọc thông tin trên các phương tiện truyền thông và Internet, tôi có ba điều ngạc nhiên về vụ phản kháng tập thể của người Miêu ở Quý Châu.

Đầu tiên là không ngờ rằng chính quyền địa phương lại huy động lực lượng lớn như vậy chỉ vì vài chục nghìn nhân dân tệ tiền nghĩa trang.

Nguyên nhân của sự việc này là do sau khi một cụ già ở làng dân tộc Miêu qua đời, gia đình không đủ khả năng chi trả hàng chục nghìn nhân dân tệ cho chi phí nghĩa trang nên sau khi hỏa táng, họ đã mang tro cốt của cụ về làng để an táng. (Ghi chú: 10.000 - 99.000 nhân dân tệ tương đương với khoảng 34 - 340 triệu VND)

Tuy nhiên, vì mục đích thu lợi tài chính, chính quyền địa phương đã quy định buộc phải chôn cất người chết tại nghĩa trang được chỉ định. Vì vậy, cơ quan chức năng đã điều động một đội hàng trăm người gồm công an, cảnh sát giao thông, cảnh sát đặc nhiệm và nhân viên công vụ của các ban ngành khác tới ngôi làng này. Họ lái nhiều xe cảnh sát và xe công vụ, mang theo khiên, đinh ba và các thiết bị chống bạo loạn khác về làng để cướp đoạt tro cốt của cụ già kia cũng như động thủ với những dân làng không nghe lời.

Chỉ vì vài chục nghìn nhân dân tệ chi phí nghĩa trang, thật sự không thể tin được rằng chính quyền địa phương lại bày ra một thế trận hoành tráng và có động thái lớn như vậy. Điều này có cần thiết không? Trong tình huống thông thường, điều này hoàn toàn không cần thiết. Chỉ có một cách giải thích, đó là tài chính của chính quyền địa phương này đã quá eo hẹp, quá thiếu tiền, vài chục nghìn tệ cũng phải đoạt về.

Thứ hai là không ngờ rằng sự phản kháng của người Miêu lại mạnh mẽ, bùng nổ đến vậy.

Báo chí đưa tin, từ trước tới nay quan chức địa phương ở Trung Quốc thường huy động lực lượng lớn như vậy để trấn áp những người dân oan và những dân làng không chấp nhận việc bị cưỡng chế phá dỡ nhà, nhưng người của chính quyền chưa bao giờ gặp phải phiền phức quá lớn. Cho dù thỉnh thoảng cũng có người dân dám phản kháng, nhưng cũng nhanh chóng bị trấn áp một cách thô bạo.

Tuy nhiên, sự hung bạo lần này của cảnh sát đặc nhiệm đã không còn hiệu quả mà ngược lại còn làm dấy lên sự phẫn nộ của toàn thể dân làng này. Dân làng người Miêu ở Quý Châu đã hành động ngay trong đêm và bao vây, đáp trả đội đặc nhiệm bằng đá, gạch, gậy gộc, v.v.

Nhóm cảnh sát đặc nhiệm nhanh chóng bị đánh bại và bỏ chạy. Không những vậy, trong cơn phẫn nộ, dân làng còn chặn mọi lối ra vào làng và đập phá toàn bộ xe cảnh sát, xe công vụ. Cuối cùng, toàn bộ công an và cảnh sát đặc nhiệm phải hạ vũ khí đầu hàng, trở thành tù binh của dân làng.

Trong những vụ phản kháng của người Trung Quốc được tiết lộ từ trước tới nay, có vẻ như chưa lần nào công an và cảnh sát đặc nhiệm đến trấn áp mà bị đánh đến mức phải bỏ chạy. Sự kiện phản kháng tập thể lần này của người Miêu có thể nói là đã mở ra tiền lệ. Có thể thấy, chỉ cần người dân không sợ cái chết và đồng lòng thì không phải là không chiến thắng được sự bạo ngược của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều thứ ba là không ngờ rằng công an và cảnh sát đặc nhiệm lại đầu hàng nhanh đến vậy.

Trước nay, người dân Trung Quốc đã quá quen thuộc với sự hung bạo của công an và cảnh sát đặc nhiệm khi họ đàn áp nhân dân. Người dân tưởng rằng những lực lượng này rất ghê gớm, nhưng không ngờ lần này sau khi gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân địa phương, đám tay sai của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đã sợ hãi và lần lượt tháo chạy, buông vũ khí đầu hàng. Trong số đó, có một viên công an trẻ đã bị bắt sống và ngồi xổm bên đường, đối mặt với những người dân đang chất vấn, anh này chỉ biết chắp tay cầu xin tha thứ.

Còn có nhiều video quay ở lối vào ngôi làng cho thấy, các "tù binh" được phóng thích đang rời đi theo từng tốp, một số mặc áo có in dòng chữ "Công an An Long", và tổng cộng có hàng trăm người. Hầu hết đều cúi đầu ủ rũ bước đi, có người đi khập khiễng hoặc phải đỡ nhau đi, họ được cho là đã bị thương. Nhiều dân làng đứng bên đường chửi rủa họ là “thổ phỉ”, “chó săn” (tay sai). Có dân làng còn cảnh cáo rằng nếu lần sau còn dám đến, điều chờ đợi sẽ là cái chết.

Hiện nay, túi tiền của chính quyền các cấp ở Trung Quốc đã cạn kiệt, lực lượng công an và cảnh sát đặc nhiệm cũng đang bị cắt giảm lương. Trong hoàn cảnh như vậy, ngày càng ít người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt là khi gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân, ai lại không đặt việc bảo vệ tính mạng của bản thân lên hàng đầu?

Ba điều bất ngờ trên đã nói rõ một điểm, đó là khi tình hình tài chính ngày càng trở nên tồi tệ, chính quyền cấp cơ sở sẽ ngày càng bóc lột và vắt kiệt người dân, sự phản kháng trong dân chúng nhất định sẽ trở nên phổ biến và kịch liệt hơn, đám tay sai của chính quyền có thể sẽ ngày càng xuống tinh thần, tình trạng này chắc chắn sẽ làm rung chuyển mạnh mẽ quyền lực ở cấp cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là vùng nông thôn, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ chính quyền.

Vụ phản kháng tập thể của người Miêu ở Quý Châu lần này có thể là điềm báo trước rằng ở các vùng nông thôn khác của Trung Quốc sẽ xảy ra các vụ tương tự. Như nhà bình luận thời sự người Hoa Yan Chungou (Nhan Thuần Câu) từng phân tích rằng:

“Lực lượng duy trì sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung ở các thành phố, còn nông thôn lại là mắt xích yếu kém. Nông dân thì đông đảo mà các quan chức thôn làng thì thế yếu lực mỏng. Chính quyền cấp cao hơn thì lại nước xa không cứu được lửa gần. Việc duy trì sự ổn định ở nông thôn sẽ chỉ là lời nói suông".

"Khi các kho thuốc súng ở nông thôn lần lượt bị kích nổ, sự tan rã của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bắt đầu từ nông thôn. Khi đó, roi quất của Trung Nam Hải sẽ không đủ dài để vung tới, [thần kinh] trung ương không điều khiển được cánh tay, cánh tay không điều khiển được ngón tay. Đó chính là lúc người Trung Quốc thay đổi vận mệnh của mình”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Người Mèo ở Quý Châu phản kháng tập thể, hàng trăm công an và cảnh sát hạ vũ khí đầu hàng