Trùng trùng ma nạn (2): Ông đánh cá, cô thợ gặt cứu giúp Ngũ Tử Tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trích thuật: Ngũ Tử Tư muốn trả thù cho cha và anh trai mình thì phải đến nước Ngô, để đến nước Ngô thì phải đi qua ải Chiêu Quan. Để bắt Ngũ Tử Tư, Sở Bình Vương đã phái quân kiểm tra nghiêm mật các du khách đi qua Chiêu Quan. Ngũ Tử Tư không còn lối thoát, sau một đêm suy tư đầu bạc trắng. Hoàng Phủ Nột giả làm Ngũ Tử Tư và bị quân lính bắt lại, trong lúc hai bên đang cãi vã, kiểm tra lơi lỏng, Ngũ Tử Tư mang Công tử Thắng thoát khỏi Chiêu Quan, nhưng nhiều nguy hiểm vẫn còn đó.

Nếu nhìn vào bản đồ, sẽ thấy rằng ngay khi rời khỏi Chiêu Quan, sẽ đến sông Dương Tử. Sông rộng mênh mông không có thuyền. Trước mặt Ngũ Tử Tư là nước lớn, sau lưng là quân binh, sợ rằng khi họ phát hiện người bị bắt đó không phải ông thì sẽ cho quân truy kích, lúc nguy cấp lòng như lửa đốt.

Lúc này, Ngũ Tử Tư bỗng nhìn thấy một chiếc thuyền từ hạ lưu đi lên, có một ông lão vừa chèo vừa hát. Ngũ Tử Tư gọi to: “Ngư dân chở tôi qua sông, ngư ông chở tôi qua sông với!”

Ngư ông cất tiếng hát, lời ca ý nói rằng, nếu qua sông ở đây, người khác sẽ nhìn thấy. Chúng ta có thể đi xuống chút nữa không? Tới khu vực hoa lau sâu trong kia, tôi sẽ lại đến chở ông.

Ngũ Tử Tư bế đứa trẻ đi vào vùng lau sậy. Ngư ông để Ngũ Tử Tư và đứa trẻ lên thuyền. Mất khoảng 1 canh giờ (tức hai tiếng đồng hồ) để vượt sông Dương Tử.

Có một ông lão vừa chèo vừa hát. (Miền công cộng)

Sau khi qua sông Dương Tử, ngư ông hỏi Ngũ Tử Tư là ai. Ông lúc này thấy tương đối an toàn nên đã thừa nhận danh tính của mình. Ông đánh cá nói: Tôi nghĩ anh đi đường xa, có lẽ hơi đói. Nhà tôi cách đây không xa, đợi tôi ở đây, tôi sẽ mang đồ ăn tới.

Người đánh cá bỏ đi. Ngũ Tử Tư chờ lâu quá ngó trông trái phải rồi sinh ra nghi ngờ. Nếu ngư dân quay lại báo quan thì sao? Bởi vì lúc đó Sở Bình Vương đã ra lệnh, ai bắt được Ngũ Tử Tư sẽ được thưởng năm vạn thạch lương thực, phong chức quan Chấp Khuê.

Khái niệm năm vạn thạch là gì? Vào thời nhà Hán, những người đạt tới cấp bộ trưởng, lương hàng năm của họ chỉ có hai nghìn thạch. Cho nên năm vạn thạch ngũ cốc là một số tiền rất rất lớn.

Còn tước vị Chấp Khuê thì sao? Khuê là một loại ngọc cổ xưa, những người có tước vị khác nhau thì cầm ngọc Khuê khác nhau. Phần trên của Khuê có hình tam giác, phần dưới là hình vuông. Vào thời cổ đại, có năm loại tước hiệu được thiết lập dưới triều đại của vua Thuấn: công, hầu, bá, tử, nam. Chấp ‘Khuê’ có nghĩa là ban cho một danh hiệu, là địa vị xã hội cao, được gọi là "quý", năm vạn thạch lương, tương đương với rất nhiều tiền, được gọi là "phú". Ai có thể báo quan bắt Ngũ Tử Tư sẽ trở thành người đại phú quý. Vì vậy, ông nghi ngờ người đánh cá sẽ quay lại báo quân Sở đuổi theo mình nên cùng Công tử Thắng trốn sâu trong đám hoa sậy.

Một lúc sau, người đánh cá quay lại. Khi ngư dân quay lại, thấy Ngũ Tử Tư không có ở đó, ông lại hát một bài hát khác, đại ý nói: Tôi sẽ không bán đứng bạn, tôi mang đồ ăn đến cho bạn đây. Ngũ Tử Tư bước ra gặp ngư dân và giải thích rằng những người chạy trốn phải cẩn thận hơn. Người đánh cá lấy cơm và canh bào ngư cho Ngũ Tử Tư. Sau khi ăn xong, ông nói với người đánh cá: Ông lão ạ, cảm ơn ông đã cứu mạng và đưa chúng con qua sông. Trên thắt lưng của con có một thanh bảo kiếm, là do Sở Trang Vương ban tặng cho ông nội con, trên có bảy viên kim cương, trị giá một trăm lạng vàng, con xin tặng thanh kiếm này cho ông để tỏ lòng cảm tạ.

Ông lão nói: Năm mươi vạn thạch lương cùng chức vị Chấp Khuê, tôi chẳng màng, sao tôi lại nhận thanh kiếm của anh làm gì? Tôi nghe nói “quân tử vô kiếm bất du”.

Câu này nghĩa là nhân sĩ thời đó phải mang theo bảo kiếm, không đi đâu xa nếu không có kiếm. Ngư phủ nói, ngài đã đi xa như vậy, làm sao tôi có thể xin thanh kiếm của ngài? Ông lão từ chối không nhận. Ngũ Tử Tư cảm ơn ông lão một lần nữa rồi đưa Công tử Thắng đi.

Đi được vài bước, Ngũ Tử Tư quay lại và hỏi ông đánh cá: "Tên ông là gì? Sau này làm sao con có thể tìm thấy ông, làm thế nào con có thể trả ơn ông?"

Lão trượng nói: "Tôi và ngài phận bèo nước tương phùng, nếu sau này có cơ hội gặp lại, xin cứ gọi tôi là ‘lão đánh cá’ còn tôi sẽ gọi ngài là ‘người trong bụi sậy’, bởi ngài từng nấp trong đám lau sậy mà.”

Ngũ Tử Tư nói: "Con đã nhớ rồi. Con còn có một chuyện muốn nói với ông, nếu người Sở truy đuổi đến hỏi ông có nhìn thấy con hay không, xin hãy nói với bọn họ là ông không thấy".

Lão trượng nói: "Ngài cứ đi đi".

Ngũ Tử Tư rời đi. Đi được vài bước, ông nghe thấy ngư phủ từ phía sau nói: "Nếu quân Sở thật sự đuổi theo anh, làm sao ta có thể xóa bỏ nghi ngờ? Xin hãy dùng cái chết của ta để loại bỏ lo lắng của anh".

Nói xong ngư phủ tự lật thuyền, chết chìm đáy nước. Ngũ Tử Tư cất tiếng bi ai: "Con nhờ ông cứu sống, mà ông lại chết vì con. Thương thay!"

Sự việc về ông đánh cá này đã được ghi lại trong chính sử.

Một người phụ nữ giặt sợi bên bờ sông. (Tranh Dữu Tử - Epoch Times)

Khi Ngũ Tử Tư trên đường đến nước Ngô, đi ngang qua một nơi tên là Lật Dương. Lúc này, ông đang cùng đứa bé đi trên đường, đang rất đói thì nhìn thấy một người phụ nữ giặt sợi bên bờ sông. Ông bước tới và nói: “Tôi là khách qua đường, có thể cho tôi xin một bữa ăn được không?”

Người phụ nữ thậm chí còn không ngẩng đầu lên nói: “Tôi đã 30 tuổi và chưa từng kết hôn, sống cùng mẹ già, tôi dùng nguyên tắc trung trinh tiết tháo để tự yêu cầu bản thân, tôi không thể tùy tiện đưa đồ ăn cho một người đàn ông được”.

Ngũ Tử Tư nói, hiện tại tôi đang khốn cùng điêu đứng, cần xin ăn để cứu mạng, không phải vô duyên vô cớ làm quen. Cô gái ngẩng đầu nhìn ông nói: Tôi nghĩ anh chắc chắn không phải là người bị khốn khổ lâu dài, rồi mang cơm cho ăn.

Ngũ Tử Tư và Công tử Thắng mỗi người múc một bát đầy, ăn xong trả lại số cơm còn lại cho người phụ nữ. Cô gái nói: Vì phải đi đường dài, sao không ăn thật no? Hãy ăn hết cơm đi.

Hai người cảm ơn người phụ nữ và ăn hết đồ ăn.

Ngũ Tử Tư nói với cô gái: Nếu có ai hỏi tung tích của tôi, đừng nói đã nhìn thấy tôi. Cô gái nói: Tôi ở với mẹ đã 30 năm, chưa bao giờ nói một lời với đàn ông.

Hôm nay không chỉ cho đàn ông đồ ăn mà khi Ngũ Tử Tư đang ăn, cô còn trải chiếu xuống đất, rồi quỳ bên phục vụ. Cô ấy nói rằng: Tôi làm như vậy đã vi phạm nguyên tắc của mình, đã làm ô uế mình rồi. Hơn nữa ông cũng dặn tôi không được tiết lộ tung tích của ông.

Cô ấy nói: Ông hãy tiếp tục lên đường, đừng để ý đến tôi.

Sau đó cô ôm một hòn đá lớn nhảy xuống sông.

Ngũ Tử Tư nhìn thấy cô gái đã chết, liền cắn đứt đầu ngón tay giữa, dùng máu viết hai mươi chữ trên đá: "Nhĩ hoán sa, ngã hành khất, ngã phúc bão, nhĩ thân nịch, thập niên chi hậu, thiên kim báo đức” (cô gái giặt sợi, ta xin ăn, ta no bụng, cô chết chìm, mười năm sau, xin mang nghìn vàng báo đền ân đức.)

Ông sợ người khác nhìn thấy nên đã lấy cát chôn phủ tảng đá.

Sự việc cô gái giặt lụa không được ghi trong "Sử ký", nhưng lại có những ghi chép như vậy trong "Đông Chu liệt quốc ký" và "Ngô Việt Xuân Thu", cũng có ghi trong cuốn "Trung Quốc thông sử" xuất bản ở Trung Quốc.

Người chúng ta hiện nay thực sự khó hiểu được vấn đề này, vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc, người ta coi trọng đạo nghĩa hơn nhiều so với mạng sống của mình.

Chúng ta đã nói về cô nhi họ Triệu trong tập trước, mặc dù chúng tôi không đi sâu vào chi tiết. Khi đó, hai môn khách của Triệu Thuẫn là Trình Anh và Công tôn Chử Cữu đã có ước định, Chử Cữu khảng khái lấy cái chết để bảo vệ cô nhi, nhưng Trình Anh đã chịu đựng sự khổ nhục trong 15 năm, sống sót để nuôi dạy cô nhi họ Triệu. Cuối cùng, giết Đồ Ngạn Giả báo thù cho Triệu Thuẫn. Nhưng sau khi báo thù thành công, Trình Anh đã nói với cô nhi của Triệu Thuẫn rằng, tôi đã sống chui lủi suốt 15 năm, nay đã nhìn thấy công tử đã báo thù, tôi muốn đem tin tức này xuống suối vàng để báo cho Triệu Thuẫn và Công tôn Chử Cữu. Cô nhi của Triệu Thuẫn đã ngăn cản và nhất quyết đòi báo đáp ân nghĩa của ông. Nhưng Trình Anh vẫn rút kiếm tự sát.

Đây là điều làm chúng ta khó hiểu, bởi vì ông đã làm được một việc lớn như vậy, sau khi trả thù thành công, ông lại nói rằng ta nhất định phải báo tin cho Công tôn Chử Cữu dưới lòng đất.

Còn một sự kiện nữa có lẽ ai cũng biết, liên quan đến Gia Cát Lượng. Chúng ta xem “Tam Quốc chí”, khi Gia Cát Lượng đang ẩn cư cày cấy ở Lũng Mẫu, ông thường thích đọc một bài thơ tên là “Lương Phụ ngâm”:

‘Bước ra khỏi cổng thành Tề, nhìn về nơi xa Đãng Âm, trong đó có ba ngôi mộ giống nhau, hỏi đó là lăng mộ của nhà ai, là mộ Điền Cương, Cổ Dã Tử. Họ có sức mạnh bạt Nam Sơn, văn tài tuyệt luân một thủa. Một lần bị vu oan, hai trái đào giết chết ba kẻ sĩ. Ai bày ra mưu này? Đó là tướng quốc Yến Anh của nước Tề.’

Trong bài thơ này, Gia Cát Lượng kể rằng, khi bước ra khỏi cửa đông kinh đô nước Tề, ông nhìn về một địa danh tên gọi Đãng Âm. Đó là một nơi cách kinh thành Lâm Truy của nước Tề không xa. Ở đây có rất nhiều ngôi mộ, nằm nối tiếp nhau. Trong số đó có ba ngôi mộ, chôn "Điền Cương và Cổ Dã Tử", trên thực tế, ba người được chôn cất là Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiệp, là ba vị dũng sĩ của nước Tề vào thời điểm đó. Trong bài thơ của Gia Cát Lượng có nói rằng năng lực của họ “Lực năng bài Nam Sơn, văn năng tuyệt địa kỷ” nghĩa là có sức lực dời núi Nam, có văn tài tuyệt đỉnh một thời. Nhưng một hôm, sau khi bị trúng âm mưu, cả ba người đều chết vì hai quả đào.

“Nhị đào sát tam sĩ” (hai trái đào giết ba tráng sĩ) là một điển tích rất nổi tiếng, cũng được ghi lại trong “Yến Tử Xuân Thu” và “Đông Chu liệt quốc chí”. Đó là chuyện gì?

Ở nước Tề có một vị vua tên là Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công có một cận thần là Yến Anh, ông là một vị tướng nổi tiếng hiền minh. Tề Cảnh Công có ba vị đại tướng, một người tên là Điền Khai Cương, một người tên là Cổ Dã Tử, người còn lại là Công Tôn Tiệp, họ đều là những người rất dũng cảm.

Tuy nhiên, ba người này ỷ vào sự dũng cảm của mình, không tuân theo lễ nghi của quốc gia, cư xử không đúng mực với nhà vua, xưng hô anh tôi, thậm chí còn liên minh với các gia tộc khác, họ bị nghi ngờ phạm thượng phản loạn. Vì vậy Yến Tử rất cảnh giác với họ.

Một lần, khi nhà vua đi săn, một con hổ xông tới định vồ nhà vua, Công Tôn Tiệp lao ra chặn lại, anh ta thậm chí không sử dụng vũ khí, chỉ dùng quyền cước đánh chết con hổ.

Một lần khác, khi vua đang qua sông, một con rùa đen lớn cắn vào dây cương của con ngựa và kéo vua xuống nước. Đó là một con rùa cực lớn, Cổ Dã Tử liền nhảy xuống nước để quyết đấu với rùa. Anh ta không giỏi bơi nên đã đi bộ chín dặm trong nước, cuối cùng cắt được đầu con rùa. Cổ Dã Tử kể rằng khi anh lên bờ một tay cầm đầu rùa và một tay dắt ngựa của quốc vương, mọi người xung quanh đều tưởng anh là Thần sông. Đây cũng là một người rất dũng cảm.

Còn có một người khác tên là Điền Khai Cương. Điền Khai Cương dẫn quân Tề tấn công các nước xung quanh, trong đó có nước Từ và một số nước nhỏ khác, cuối cùng các nước đó trở thành chư hầu của nước Tề. Vì vậy, ba người này ỷ vào quân công mà không coi vua ra gì. Yến Anh lúc đó cảm thấy không thể giữ lại ba người này.

Khổng Tử từng nói một câu: “Văn thắng chất tắc sử, chất thắng văn tắc dã, văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử” (Văn hóa nhiều hơn chất phác là hoa mỹ, chất phác nhiều hơn văn hóa là thô lỗ. Văn hóa và chất phác đủ đầy ngang nhau, thì sau đó mới có thể thành người quân tử).

Nghĩa là nếu sự tu dưỡng văn hóa của một người vượt thắng tính khí cương cường nam tính ban đầu của anh ta, người đó được gọi là "Sử". Nếu nam tính nguyên thủy hoặc hành vi lỗ mãng của một người vượt quá ước thúc của văn hóa, thì người đó là một kẻ man rợ. Vì vậy, Khổng Tử nói rằng người cần phải có cả “văn hóa” và “chất phác”, “văn hóa và chất phác đủ đầy rồi mới là quân tử”.

Những vị dũng tướng như Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử, Công Tôn Tiệp đều “chất át văn”. Yến Tử cho rằng những người này sẽ không mang lại lợi ích gì cho tương lai của nước Tề.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 3 - Trùng trùng ma nạn (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Trùng trùng ma nạn (2): Ông đánh cá, cô thợ gặt cứu giúp Ngũ Tử Tư