Tứ Đại Thiên Sư trong Đạo giáo (2): Cát Thiên Sư Cát Huyền - Tiên Ông tinh nghịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong "Tây du ký", có một hồi nói về trận hán hán ở quận Phụng Tiên. Tôn Ngộ Không đến cầu xin Ngọc Đế cho mưa. Ở điện Thông Linh, Tôn Ngộ Không bị bốn vị Thiên Sư cản lại, nói rằng ở đó không được phép làm mưa. Trong đó một vị Thiên Sư là Cát Tiên Ông đã châm biếm Tề Thiên Đại Thánh. Đó chính là Cát Thiên Sư Cát Huyền - Tiên Ông tinh nghịch!

Trong "Tây du ký", có một hồi nói về trận hán hán ở quận Phụng Tiên. Tôn Ngộ Không đến cầu xin Ngọc Đế cho mưa. Ở điện Thông Linh, Tôn Ngộ Không bị bốn vị Thiên Sư cản lại, nói rằng ở đó không được phép làm mưa. Tôn Ngộ Không cười nói: “Nơi đó nên có hay không có mưa, cứ nể mặt lão Tôn, đến tâu với Ngọc Đế”.

Lúc đó, có một ông lão râu trắng hòa ái nhã nhặn tên là Cát Tiên Ông vô cùng nghịch ngợm, nói rằng: “Tục ngữ có câu: con ruồi chùm khăn, mặt mũi to”.

Có nghĩa là đầu con ruồi rất nhỏ nhưng khi trùm khăn, cứ tưởng là mặt mũi của mình to. Vị Thiên Sư này đang chê cười Tôn Ngộ Không. Rốt cuộc Cát Tiên Ông này là ai mà dám châm biếm Tề Thiên Đại Thánh như vậy?

Nếu nói Cát Tiên Ông có lẽ bạn sẽ không thấy quen thuộc nhưng nếu nói đến bộ sách Đông y “Trửu hậu bị cấp phương” của Cát Hồng giúp Đồ U U đạt được giải Nobel y học thì có thể bạn đã từng nghe qua. Sư phụ của Cát Hồng chính là Trịnh Ẩn, còn sư phụ của Trịnh Ẩn chính là Cát Tiên Ông Cát Huyền. Cát Tiên Ông chính tổ phụ của Cát Hồng. Vị Thiên Sư này rất đặc biệt. Câu chuyện trảm yêu trừ ma của Cát Thiên Sư không giống với ba vị Thiên Sư còn lại.

Cát Thiên Sư là người vô cùng hiếu khách nhưng cũng rất ham chơi. Chỉ trong vài phút, Cát Thiên Sư có thể sử dụng phép thuật như Harry Potter, tổ chức một buổi nhạc hội của nhiều loại động vật để khách tiêu khiển. Có lẽ tính cách của Cát Thiên Sư có liên quan đến sư phụ của ông là Tả Từ.

Có thể bạn đã từng nghe qua câu chuyện về Tả Từ. Tả Từ được xưng là đệ nhất kỳ nhân thời kỳ Tam quốc. Nhiều người thời này cho rằng Tả Từ là một nhà ảo thuật. Cách ứng xử của Cát Huyền và Tả Từ có phần giống nhau, họ đều thích “biển diễn”. Chỉ có điều Tả Từ thường làm những phép thuật lớn còn Cát Thiên Sư chỉ làm những pháp thuật nhỏ. Nơi biểu diễn của Tả Từ là trời đất rộng lớn trong thiên hạ hay trước ba quân. Còn nơi biểu diễn của Cát Thiên Sư là ở chỗ trong nhà ngoài ngõ, trước mặt bạn bè.

undefined
Cát Thiên Sư Cát Huyền. (Miền công cộng)

Đón khách nhiệt tình

Cát Huyền (tự là Lão Tiên) xuất thân từ nhà quan. Cao tổ của Cát Huyền là phiêu kỵ đại tướng quân của nhà Hán. Cha của ông cũng làm đến chức thượng thư. Đáng tiếc là lúc Cát Huyền 8 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Thế nhưng ông vô cùng tự lập, hiếu học, thông minh tuyệt đỉnh.

Năm 13 tuổi, Cát Huyền đã học kinh, sử, tử, tập, tinh thông cổ kim. Năm 16 tuổi, danh tiếng của ông đã nổi tiếng một phương. Có một lần nhìn thấy bút tích của cha, Cát Huyền không nén nổi, ngửa mặt lên trời khóc, buồn rầu nói rằng:

Non sông không thay đổi, cha trẻ đã ra đi
Trường sinh tự có Đạo, sao chẳng sớm đường tu

Sau đó Cát Huyền vào núi Thiên Thai để tu Đạo. Ở trong núi, ông gặp được Tả Từ Chân nhân. Tả Từ truyền cho Cát Huyền ba quyển “Thái tinh đan kinh”, một quyển “Cửu đỉnh đan kinh” và một quyển “Kim dịch đan kinh”.

Trong “Thái bình quảng ký” có chép rằng: “Cát Huyền vốn tinh thông kim cổ, sau khi được chân truyền của Tả Từ lại càng giỏi hơn. Ông có Đạo Pháp tinh thâm, giỏi về dùng bùa chú, có thể phân thân biến hóa. Ngồi trên đống lửa, củi cháy xong rồi, nhưng quần áo của ông vẫn không cháy. Có lúc Cát Huyền uống rượu, uống sau rồi, liền chui xuống đáy suối sâu để tỉnh rượu, đợi đến lúc giải hết rượu mới trở ra nhưng trên người lại không ướt chút nào. Cơ thể ông dường như thủy hỏa bất xâm”.

Cát Huyền thường có nhiều bạn bé ghé thăm. Thế nhưng nhà của Cát Huyền rất đơn giản, khi đến mùa đông ngay cả lò sưởi cũng không có. Cát Huyền không sợ lạnh, nhưng bạn bè của ông không chịu được. Cát Huyền nói: “Làm sao có thể để mọi người chịu lạnh cùng ta chứ”. Thế rồi ông bèn mở miệng thổi khí, hơi thổi ra liền biến thành ngọn lửa, treo lơ lửng trên không trung, giống như mặt trời phát ra ánh sáng. Lúc đó trong phòng đột nhiên ấm hẳn lên nhưng lại không quá nóng. Sau đó mọi người vừa ăn cơm, vừa trò chuyện, cảm thấy rất thoải mái.

Biểu diễn phép thuật

Giữa buổi ăn, Cát Huyền nói với các bạn về phép biến hóa. Mọi người bèn nói: “Chờ ăn cơm xong, Cát Huyền hãy biểu diễn một chút”.

Thế nhưng ông nói: “Các ông không muốn xem ngay luôn sao”.

Nói xong, Cát Huyền mở miệng, hạt cơm ở trong miệng liền biến thành mấy trăm con ong vàng, bay trong không trung quanh bàn ăn. Sau đó từng con một yên tĩnh đậu trên người của khách nhưng không chích ai. Một lúc sau, Cát Huyền lại mở to miệng, ong vàng lại bay trở lại miệng của Cát Huyền, biến trở lại thành hạt cơm. Cát Huyền tiếp tục nhai.

Ăn cơm xong, Cát Huyền ngồi trên trên chiếc giường nhỏ nghỉ ngơi. Ông vỗ vào chiếc giường, mọi người liền nhìn thấy từ bốn góc phòng có các loại gián, bọ, các loài côn trùng bò ra. Từ bên ngoài có các loại chim như chim yến, chim sẻ bay đến, ngay cả tôm cá trong nước cũng nhảy lên. Cát Huyền không ngừng vỗ vào chiếc giường nhỏ. Tất cả con vật đều nhảy theo nhịp vỗ của ông. Một lúc sau, Cát Huyền ngừng vỗ vào giường thì những con vật này cũng tản đi. Bạn bè của ông xem xong của ngẩn ngơ.

Cát Huyền tiếp đãi khách vô cùng chu đáo. Mùa đông, ông biến ra dưa hấu, mùa hè biến ra băng. Khi uống rượu cùng Cát Huyền, khách cũng không cần phải nâng ly, chén rượu sẽ tự động bay đến trước mặt. Nếu không uống hết rượu, chiếc ly cũng không rời đi.

Có một lần, Cát Huyền ném mấy đồng tiền vào giếng, rồi để một cái tô trên thành giếng. Cát Huyền niệm chú ngữ thì những đồng tiền dưới giếng từng đồng từng đồng bay lên rơi vào trong tô.

Mỗi lần Cát Huyền đi ra ngoài, nếu gặp những người thân thiết, ông liền mời người đó đến dưới gốc cây bên đường, dùng ngọn cỏ để khoét vào thân cây, sau đó dùng ly để hứng liền có nước chảy ra, chỉ đến khi nào ly đầy mới dừng lại. Nước chảy ra giống hệt rượu ngon. Ông còn dùng đất đá cây cỏ để làm món nhắm với rượu, ăn vào giống như thịt hươu. Những cây mà ông từng khoét vào, chỉ cần dùng ly để hứng nước, vừa đưa đến, nước đã chảy ra, ly đầy thì dừng lại. Thế nhưng nếu người khác đến hứng nước, thì nước lại không chảy ra. Vì vậy có thể nói rằng, làm bạn với Cát Huyền không chỉ có thể vui vẻ mà còn được mở rộng tầm mắt.

Đạo thuật kỳ diệu

Trong “Thần tiên truyện” có chép lại, khi Cát Huyền tu Đạo ở núi Thiên Thai, được Linh Bảo Đạo Quân truyền Linh Bảo kinh. Sau đó Cát Huyền lại truyền lại cho Trịnh Ẩn. Trịnh Ẩn truyền cho Cát Hồng rồi truyền đến Cát Sào Phủ, từ đó hình thành phái Linh Bảo của Đạo giáo. Môn phái này chuyên dùng bùa chú và luyện đan, tôn Nguyên Thủy Thiên Tôn là Thần tối cao.

Nói về sử dụng bùa chú, Cát Huyền cũng có một câu chuyện rất nổi tiếng.

Cát Huyền tinh thông Ngũ kinh - 5 kinh điển của Nho giáo. Có một lần Cát Huyền đi cùng mấy mươi người trẻ tuổi. Lúc ngồi thuyền, có người nhìn thấy trong túi của ông có mười mấy cái bùa chú, liền hỏi: “Những bùa chú này dùng để làm gì? Có thể để vãn bối mở mang tầm mắt được không?”.

Cát Huyền cũng không từ chối, lấy ra một bùa chú, ném xuống sông. Cái bùa chú này trôi theo dòng nước. Cát Huyền hỏi: “Các anh thấy thế nào?”.

Mọi người nhìn rồi nói: “Như vậy có gì lạ đâu, bùa chú vãn bối vẽ cũng có thể làm vậy”.

Cát Huyền lại lấy ra một chiếc bùa chú khác ném xuống dưới sông. Chiếc bùa chú này lại ngược dòng nước đi lên. Cát Huyền hỏi: “Như vậy thì thế nào?”

Mọi người nói: “Cái này thật kỳ lạ”.

Cát Huyền lại lấy ra một bùa chú tiếp tục ném xuống sông, mặc cho dòng nước xô đẩy thế nào, chiếc bùa chú này vẫn cứ đứng yên tại chỗ, không hề di chuyển, mọi người nhìn thấy đều kinh ngạc. Một lúc sau, chiếc bùa chú xuôi theo dòng nước kia (chiếc thứ nhất) lại ngược dòng đi lên, chiếc bùa chú đã ngược dòng đi lên kia (chiếc thứ 2) lại trôi xuống. Ba chiếc bùa chú tụ lại với nhau rồi bay vào trong tay của Cát Huyền. Lúc này, mọi người đều tâm phục khẩu phục.

Trên đường đi, nhìn thấy bên sông có người con gái đang giặt quần áo, Cát Huyền nói: “Tôi có thể làm khiến cô gái này đi chỗ khác, các anh có tin không”.

Mọi người nói ông thử làm xem. Cát Huyền ném một chiếc bùa chú vào trong nước. Ngay sau đó, cô gái kia vẻ mặt hốt hoảng đi chỗ khác, đi cả một quãng đường dài cũng không dừng lại. Cát Huyền lại nói: “Làm như vậy cũng không tốt lắm”.

Nói rồi, ông lại ném một chiếc bùa chú khác xuống nước. Cô gái kia đột nhiên dừng lại, vẻ mặt ngơ ngác, không biết gì, quay trở lại bờ sông tiếp tục giặt đồ.

Có người hỏi cô gái vì sao lúc này hớt hoảng đi chỗ khác như vậy, cô gái cũng không biết vì sao. Mọi người đều tận mắt nhìn thấy, Cát Huyền có thể sử dụng bùa chú để điều khiển người khác thì vô cùng kinh ngạc.

Tương truyền rằng, Cát Huyền còn luyện được Cửu chuyển kim đan. Sau này, người kế thừa y bát của ông là Cát Hồng đã chép lại những phương pháp và nguyên liệu để luyện kim đan trong tác phẩm nổi tiếng “Bão phác tử nội thiên”, lưu lại một tư liệu quý giá cho người đời sau. Bộ sách này được xem là một tập đại thành lý luận Thần Tiên của Đạo giáo. Vì vậy có người cho rằng phái Linh Bảo là môn phái luyện đan và nghiên cứu học thuật cũng giống như chúng ta ở trong viện nghiên cứu khoa học vậy.

Giúp dân trừ hại

Trong Tứ Đại Thiên Sư của Đạo giáo, Trương Đạo Lăng Trương Thiên Sư trừ ma, diệt sáu đại ma vương và 8 đại quỷ vương hoành hành ở đất Thục. Hứa Thiên Sư trảm yêu, tiêu diệt hết giao long ở những con sông xung quanh. Tát Thủ Kiên Tát Thiên Sư diệt quỷ, dùng lôi pháp để tru sát yêu ma quỷ quái. Còn sự tích trảm yêu trừ ma của Cát Thiên Sư tuy rằng không quá đặc sắc nhưng ông cũng trừng trị yêu ma quỷ quái, giúp dân trừ hại.

Tứ Đại Thiên Sư của Đạo giáo. Từ phải sang trái: Trương Thiên Sư, Cát Thiên Sư, Tát Thiên Sư, Hứa Thiên Sư. (Baike)

Có một lần, Cát Huyền đến gặp một người bạn cũ. Người bạn này mắc bệnh, lúc đó có một vị pháp sư được mời đến làm phép. Cát Huyền vừa vào phòng, liền cảm giác có điều bất thường. Nhìn kỹ một chút, Cát Huyền phát hiện rằng bệnh của người bạn chính là do pháp sư làm hại. Pháp sư này vừa hại người, vừa lại nhận tiền công, giả vờ đang cứu người.

Pháp sư cảm thấy Cát Huyền biết phép thuật, liền muốn dùng vu thuật để đuổi Cát Huyền đi. Cát Huyền tức giận nói rằng: “Một tên pháp sư nhỏ bé, lại dám ngông cuồng như vậy”.

Cát Huyền liền lấy một chiếc bùa chú ra, triệu tới năm tên quỷ, đem pháp sư trói lên cây cột trong sân, sau đó cho năm tên quỷ này dùng roi quất lên người pháp sư. Mọi người chỉ thấy pháp sư đi lùi từng bước một, sau đó đứng bên cạnh cây cột không ngừng quằn quại. Rõ ràng là bên cạnh không có ai, nhưng trên người pháp sư lại xuất hiện từng vệt, từng vệt máu.

Sau đó, lưng của pháp sư đầm đìa máu, ông ta không ngừng cầu xin. Cát Huyền nói: “Cho ngươi thời hạn ba ngày, trị khỏi bệnh cho bạn của ta, nếu không nhất định sẽ trảm không tha”.

Cát Huyền vẫy tay, năm tên quỷ liền đi mất, pháp sư mới được thả ra. Ba ngày sau, bệnh của người bạn được trị khỏi. Pháp sư kia cũng lẳng lặng chuồn mất.

Còn có một vị Đạo sĩ từ Trung Nguyên đến, có khả năng trị bệnh. Ông ta lừa dối mọi người, nói rằng ông ta đã mấy trăm tuổi. Cát Huyền biết rằng Đạo sĩ này nói dối. Sau đó, khi bạn bè tụ tập, Cát Huyền hỏi mọi người xem muốn biết tuổi của người này hay không. Mọi người đồng thanh đáp: “Muốn biết, muốn biết”.

Lúc này đột nhiên từ trên Trời có người giáng xuống. Mọi người há hốc nhìn, thấy người Trời này mặc một bộ đồ màu đỏ, bay rất lâu mới đáp xuống đất. Vừa hay người Trời đáp xuống ngay trước mặt vị Đạo sĩ, nói rằng: “Thiên Đế hạ chiếu hỏi tuổi thật của ngươi”.

Đạo sĩ hoảng sợ, mau chóng quỳ xuống đất, đáp lời: “Tuổi thực của tôi là 73 tuổi”.

Cát Huyền vỗ tay cười lớn, người mặc đồ đỏ đột nhiên biến mất. Vị Đạo sĩ rất xấu hổ, lập tức rời đi.

Cát Thiên Sư vô cùng nổi tiếng, và cũng nổi tiếng mang đến phiền phức

Cát Huyền sống tại Đông Ngô. Vua của Đông Ngô là Tôn Quyền cho gọi ông vào cung. Vì để có thể giữ Cát Huyền ở bên mình, Tôn Quyền ban cho ông quan cao lộc hậu, nhưng Cát Huyền từ chối, xin được rời đi. Tôn Quyền cũng không chịu, tiếp đãi trọng hậu với Cát Huyền, thường cùng nhau vui chơi.

Theo “Tam quốc chí - Ngô thư” có chép: “Tôn Quyền thích Đạo thuật, Cát Huyền thường cùng đi du ngoạn, được Tôn Quyền coi trọng….Có một lần Cát Huyền và Tôn Quyền ngồi trên lầu cao ăn cơm, nhìn thấy phía dưới có người đắp đài đất cầu mưa. Tôn Quyền nói với Cát Huyền rằng: ‘Bách tính hy vọng có mưa, ngài có thể cầu được không?’.

Cát Huyền nói: ‘Điều này có gì khó đâu’.

Nói rồi, ông vẽ một lá bùa, cho người dán ở Thần miếu. Trong chốc lát, trên trời mây đen dày đặc, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước. Không lâu sau, nước trên mặt đất đã ngập đến 1 thước.

Tôn Quyền hỏi: ‘Trong nước có cá không?’

Cát Huyền lại vẽ một chiếc bùa, ném vào trong nước. Không lâu sau, trong nước xuất hiện hơn trăm con cá lớn. Tôn Quyền hạ lệnh cho thuộc hạ bắt cá. Sau khi rửa sạch, nấu lên, mùi cá thơm nức mũi, khiến ai cũng thèm. Những con cá này đều là cá thật”.

Còn có một lần, Cát Huyền lên thuyền theo thuyền Tôn Quyền ra ngoài du ngoạn, gặp phải gió lớn. Rất nhiều thuyền lớn thuyền nhỏ đều bị chìm. Thuyền của Cát Huyền cũng bị lật, Tôn Quyền than thở nói rằng: “Cát Huyền là người có pháp thuật, lẽ nào không thể tránh được tai nạn này sao?”.

Sau đó, Tôn Quyền lên núi Tứ Vọng, đưa mắt nhìn ra xa nhưng vẫn không thấy bóng dáng Cát Huyền, liền cho người tìm kiếm. Sáng sớm ngày hôm sau, Tôn Quyền đứng ở mũi thuyền, đột nhiên nhìn thấy Cát Huyền từ dưới nước đi lên. Trên mặt vẫn còn mang nét mặt say rượu. Khi lên thuyền, Cát Huyền vô cùng áy náy nói với Ngô Vương rằng: “Vô cùng xin lỗi ngài! Hôm qua khi đi cùng ngài, Ngũ Tử Tư nhìn thấy tôi, liền muốn đưa tôi đi uống rượu cùng ông ta. Trong lúc bất ngờ không kịp báo lại, đã khiến ngài phải ở lại qua một đêm bên sông”.

Vì Tôn Quyền không chịu để Cát Huyền đi, ông cũng không biết làm sao, bèn quyết định dùng thủ thuật. Một lần nọ, Tôn Quyền phái người đến mời, Cát Huyền bất đắc dĩ phải đi theo. Thế nhưng đi được mấy trăm bước, ông nói rằng bụng đau rồi ngã trên đất, một lúc sau thì chết. Người hầu nâng đầu ông lên thì đầu lại rơi xuống đất, nâng tay lên cũng rớt xuống đất, toàn thân mềm nhũn, phát ra mùi, còn có côn trùng bám lên. So với Trương Quả Lão, Cát Huyền còn diễn thật hơn. Cuối cùng Cát Huyền cũng thoát được Tôn Quyền.

Theo “Lịch thế Chân Tiên thể thông giám”, năm 1 tháng 1 năm Gia Hòa thứ 2 (năm 233), Tiên Công từ biệt thái tử, đến qua núi Cáp Tạo tu luyện Cửu chuyển kim đan đến ngày 15 tháng 8 năm Xích Ô thứ 7 (năm 244) thì quy về Thiên giới, thọ ở thế gian 81 tuổi.

Về việc Cát Huyền rời khỏi thế gian, còn có một dị bản khác. Thời gian cũng giống như trên, nhưng tình tiết không giống. Ví dụ như trong “Thần tiên truyện” miêu tả Cát Hồng cho đến lúc rời khỏi thế gian vẫn ở chỗ Tôn Quyền. Nhưng chúng ta đều biết rằng với năng lực của Cát Huyền, rất có khả năng bị Tôn Quyền giữ lại cho đến lúc mất, không thể đi luyện đan bởi vì việc luyện đan đối với Cát Huyền việc là quan trọng nhất.

Đa phần những người tu tiên đều rất thầm lặng, chỉ có Cát Huyền và Tả Từ mới thể hiện ra nhiều như vậy. Những trường hợp đặc biệt này thật ra đều có nguyên nhân đặc biệt, chính là ở trong loạn thế vẫn nhắc nhở con người rằng Tiên Đạo là có tồn tại, lưu lại cho con người văn hóa tu luyện, chứ không phải để hiển thị bản thân.

Vị Thiên Sư thứ 3 trong Đạo giáo - Hứa Thiên Sư Hứa Tốn, ông có những Đạo thuật và pháp thuật như thế nào, mới quý độc giả đón đọc bài tiếp theo.

Wenshidaguanyuan
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tứ Đại Thiên Sư trong Đạo giáo (2): Cát Thiên Sư Cát Huyền - Tiên Ông tinh nghịch