Tứ Đại Thiên Sư trong Đạo giáo (4): Tát Thiên Sư bị truy sát 12 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu xem Tây Du Ký có lẽ bạn sẽ không xa lạ với cảnh Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung. Tôn Ngộ Không cầm gậy Như Ý trong tay, thế như trẻ tre, đánh cho Thiên binh Thiên tướng tan tác, đánh đến bên ngoài điện Linh Tiêu, dường như không có ai có thể ngăn được. Lúc này, trước mặt Tôn Ngộ Không xuất hiện một vị Thiên tướng, cản đường hét lớn rằng: “Con khỉ ngông cuồng từ đâu tới! Có ta ở đây, không được làm càn!”

Tề Thiên Đại Thánh cũng không quan tâm, lao vào đánh nhau. Vị Thiên tướng vung roi giao đấu. Hai người đánh nhau, không ai nhường ai. Một bên là Thái Ất Lôi Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn, một bên là Tề Thiên Đại Thánh, cuộc chiến tại Linh Tiêu bảo điện đã tạo nên uy phong lẫm liệt, mỗi người một vẻ anh hùng, hiển lộ thần thông, gậy và roin đánh qua đánh lại, không ai hơn ai. Tôn Ngộ Không dường như đã gặp được đối thủ.

Vị Thái Ất Lôi Thanh Ứng Hoa Tôn rốt cuộc là Thần Thánh phương nào lại có thể đánh ngang tay với Tề Thiên Đại Thánh. Vị này chính là Vương Linh Quan, thủ lĩnh của 500 Linh Quan của Đạo giáo, người thống lĩnh 300 Thần tướng, ngàn vạn Thần binh, xuyên trời độn đất, phun lửa thổi gió, trấn yêu phục ma.

Trong Đạo quán của Đạo giáo, điện thứ nhất thường là Linh Quan điện. Trong đại điện có một vị Thần tóc đỏ mặt đỏ, thân mặc áo giáp, hình tượng uy vũ, cổ quấn phong đới, chân đạp phong hỏa luân hoặc hỏa lôi. Đó chính là Vương Linh Quan.

Bởi vì hết lòng tận tụy, uy mãnh nghiêm chính, ngoài việc bảo vệ điện Linh Tiêu ra, Vương Linh Quan còn được Ngọc Hoàng Đại Đế phong là Đô Thiên Củ Sát Khoát Lạc Tiên Thiên Chủ Tướng, một chức quan duy trì trật tự giữa Thiên thượng và nhân gian. Ông có ba mắt với vẻ phẫn nộ, tay trái bấm thông thiên chỉ, có thể trên đến Thiên đình. Tay phải cầm roi vàng, có thể đánh kẻ ác, Đạo giáo thường xưng là: “Ba mắt có thể nhìn chuyện trong thiên hạ, một roi cảnh tỉnh thế nhân”. Năm đó, Thiên Bồng Nguyên Soái (Trư Bát Giới) trêu chọc Hằng Nga chính là bị Vương Linh Quan bắt đưa đến gặp Ngọc Đế.

Tương truyền rằng, Vương Linh Quan có thể trị bệnh trừ tà, cứu độ sinh linh. Thế nên dân gian lưu truyền một câu tục ngữ: “Lên núi, đầu tiên bái Vương Linh Quan”.

Tuy nhiên nhân vật chính của chúng ta hôm nay không phải là Vương Linh Quan mà là một người có quan hệ rất lớn với ông. Đó một trong Tứ Đại Thiên Sư của Đạo giáo - Tát Thiên Sư, là sư phụ của Vương Linh Quan. Nhưng thật ra lúc đầu Vương Linh Quan còn muốn đánh chết Tát Thiên Sư. Vậy Tát Thiên Sư đã làm như thế nào để hàng phục khiến Vương Linh Quan đồng ý làm đệ tử của Tát Thiên Sư?

Vương Linh Quan. (Nguồn: baidu)

Tát Thiên Sư

Những tư liệu viết về Tát Thiên Sư cũng không ít. Theo “Tát Chân nhân đắc Đạo ký” có chép: “Tát Thiên Sư họ Tát, tên là Thủ Kiên, là người vùng Tây Hà tỉnh Tứ Xuyên, ít nhất có duyên phận tu luyện 3 đời mới đạt đến vị trí Thiên Sư, cuối cùng xếp vào hàng liệt Tiên”.

Làm nghề đồ tể

Đời thứ nhất ông tên là Ngô Thành, thời trẻ làm một đồ tể, ngày ngày giết heo giết dê để mưu sinh. Đến năm 30 tuổi, Ngô Thành đi qua một học quán, nghe từ trong đó có tiếng đọc sách vọng ra: “Quân tử đối diện với chim trời cá nước, chẳng nỡ nhìn chúng lìa đời, nghe được tiếng chim muông, không đành lòng ăn thịt chúng”.

Ngô Thành không kiềm được mà cảm thán rằng: “Cuộc đời của ta chính là một lỗi lầm”.

Thế rồi Ngô Thành bỏ đi đồ đao, mỗi ngày đều dâng hương niệm Phật, chép lại những câu để khuyến khích, nhắc nhở bản thân như: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc”, hay là: “Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có thừa tai ương”. Ngô Thành cần cù tu luyện, niệm kinh, đến năm 60 tuổi thì mắc bệnh mà chết.

Làm người đức hạnh thanh khiết

Bởi vì nửa đời sau, Ngô Thành niệm Phật tu hành, bỏ ác theo thiện, đã tích được phúc đức nên được đầu thai đến một nhà giàu có, đặt tên là Lục Hữu. Từ nhỏ, Lục Hữu đã không lo quần áo lương thực. Thế nhưng không phải vì ăn no mặc ấm mà nghĩ chuyện bậy bạ. Lục Hữu là một người hiền lành, không biết trộm cắp, giữ gìn lễ tiết.

Một ngày nọ, có một người con gái 17 tuổi trở về nhà mẹ, đi qua nhà Lục Hữu. Bởi vì trời đổ mưa lớn, trời cũng đã tối nên đành xin nghỉ nhờ ở nhà của Lục Hữu. Lục Hữu ân cần tiếp đãi. Đến nửa đêm canh ba, người con gái có ý muốn gần gũi. Lục Hữu bắt chước Quan Vân Trường cầm đèn suốt đêm, không để người khác có cơ hội làm bậy. Tâm niệm hành vi chính trực của được Thần Phật Trời Đất báo cho Thiên Tào ở Thiên giới, địa phủ ở hạ giới.

Có một lần khác, Lục Hữu cuốc đất trồng hoa trong vườn nhà mình. Vừa đào xuống đã phát hiện được một hố vàng, tổng cộng khoảng hơn 500 lượng bạc. Lục Hữu không giữ riêng cho mình, mà phân phát để cứu tế những người nghèo. Thậm chí còn bỏ vào thêm 50 lượng bạc của mình mới đủ. Sự cảm kích của những người được cứu giúp lên đến Trời cao, xuống đến u minh, được âm ti ghi lại trong sổ sách.

Làm thầy thuốc cứu người

Cuối cùng là đời thứ ba, Tát Thiên Sư được sinh ra ở một gia đình họ Tát vào thời Bắc Tống, đặt tên là Thủ Kiên. Tư chất thông minh, mỗi ngày có thể đọc được 10 cuốn sách. Thế nhưng đến năm 9 tuổi, cha mẹ của Tát Thiên Sư đều qua đời, để lại một đứa con mồ côi tuổi mới lớn, không nơi nương tựa, có lúc còn không có cơm ăn, giống như câu: “Trời đã định giao cho người nào trách nhiệm lớn lao, ắt trước tiên sẽ làm cho người đó khốn khó tâm chí, nhọc nhằn gân cốt, thân xác đói khát”.

Sau này, Tát Thiên Sư được người trong làng tiến cử, được làm một chức tiểu lại hình phán trong huyện. Thế nhưng bởi vì không đủ kinh nghiệm, tấm lòng tốt nhưng vô tình làm việc xấu, xử sai hai án, cứu bị cáo, hại nguyên cáo, gần như đến vực thẳm, nên Tát Thủ Kiên từ quan. Khi đó, Tát Thủ Kiên cảm thấy người hành nghề y cũng là một nghề nhân nghĩa nên mua mấy cuốn sách y, đọc thuộc làu làu, rồi bắt đầu trị bệnh cứu người.

“Tát Chân nhân đắc đạo ký” miêu tả câu chuyện của Tát Thủ Kiên khi làm thầy thuốc rất sinh động như sau:

Tát Thiên Sư rất có tâm, dùng thuốc diệu như Thần, trị cho người câm có thể nói được, người mù có thể thấy được, cũng trị cho người gù có thể đứng thẳng, người bị thọt có thể đi lại bình thường, trị khỏi cho cả những người mắc “ngũ thương thất bệnh” và cả người bị liệt, được mọi người vô cùng khen ngợi. Một thầy thuốc như vậy có thể ví như Biển Thước, Lôi Công sống lại.

Tuy rằng sau đó Tát Thiên Sư bắt đầu tu Đạo, nhưng chỉ cần dùng mấy quyển sách y đã có thể trị khỏi cho nhiều người bệnh như vậy, cũng có thể thấy rằng ông rất thông minh. Thế nhưng, sau đó ông gặp phải mấy trường hợp nan y, dùng sai thuốc, ba người bệnh không may không qua khỏi. Tát Thiên Sư vô cùng đau lòng, nói rằng: “Ba cánh tay gãy làm thành lương y, ta học y này không phải để làm gãy tay”. Ý chính là nói: Nghề ý nếu có trên ba lần mắc lỗi, mới có thể nhận được giáo huấn, mới trở thành lương y. Thế nhưng tôi học y không phải là để làm chết người, vì vậy Tát Thiên Sư đã từ bỏ y đạo.

Gặp Tam Tiên đắc được pháp thuật

Theo “Lịch đại Chân Tiên thể đạo thông giám tục biên - Quyển 4” chép rằng:

Tát Thủ Kiên sau đó nghe nói rằng, lúc đó người có đạo hạnh cao nhất là Hư Tĩnh Thiên Sư Trương Kế Tiên của Giang Nam Long Hổ Sơn, là Thiên Sư đời thứ 13, thế nên Tát Thiên Sư liền đi Long Hổ sơn để bái sư học Đạo. Suốt đường đi, ông sống màn trời chiếu đất, rắn độc mãnh thú đều không cản được bước tiến của ông.

Thế nhưng đi được nửa đường, thì lộ phí đã tiêu hết. Tát Thủ Kiên ngồi buồn bã trên một tảng đá, bỗng nhiên trước mặt xuất hiện ba vị Đạo nhân Tiên phong Đạo cốt, nói với ông rằng: “Hư Tĩnh Thiên Sư sớm đã thoát xác thành Tiên rồi!”

Nghe được tin này, Tát Thủ Kiên cảm thấy giống như sấm sét sẽ giữa trời quang. Tát Thủ Kiên vô cùng đau lòng. Một vị Đạo nhân liền an ủi ông: “Vị Thiên Sư hiện tại đạo hạnh cũng rất cao. Ta với ông ấy là chỗ quen biết cũ. Bây giờ, ta sẽ viết cho ngươi một phong thư, ngươi hãy cầm đến gặp ông ấy. Ta có thể dạy ngươi một môn pháp thuật tên là thuật chú táo, chỉ cần niệm chú ngữ, có thể không ngừng xuất hiện táo. Đó không phải là táo bình thường. Mỗi ngày chỉ cần ăn ba quả có thể một ngày không đói. Ngươi cũng có thể dùng táo này để giúp người trị bệnh”.

Một vị Đạo nhân khác mang ra một chiếc quạt nói rằng: “Ta cũng tặng ngươi một pháp bảo. Cái quạt này tên là ‘Ngũ minh giáng ma phiến’. Với người có bệnh thì chỉ cần quạt một cái là khỏi”.

Thấy hai vị Đạo nhân hào phóng như vậy, vị Đạo nhân thứ ba cũng khẳng khái truyền thụ cho ông Ngũ Lôi pháp, nói rằng: “Tu luyện công pháp này có thể xua đuổi thần quỷ, có thể gọi được phong vũ lôi điện cùng đến để trừ hại tránh tai họa”.

Các vị Đạo nhân lại nhắc nhở ông rằng: “Ngươi có thể dùng những vật này để cứu người, tích lũy công đức”.

Tát Thủ Kiên không ngừng cảm ơn. Mỗi ngày niệm chú được hơn 100 quả táo, chỉ bán mười quả, được 70 văn tiền, đủ dùng cho sinh hoạt của bản thân, phần dư ra đều đem tặng cho người nghèo.

Đến Long Hổ Sơn, Tát Thủ Kiên gặp được vị Thiên Sư hiện tại, dâng lên bức thư. Không ngờ rằng Thiên Sư xem xong bức thư liền khóc lóc nức nở. Không ngờ đó bút tích trên bức thư này chính là của Hư Tĩnh Thiên Sư.

Con đường hàng yêu phục ma

Từ đó về sau, Tát Thủ Kiên liền chăm chỉ tu hành, mở ra con đường hàng yêu trừ ma, lập công đức của mình. Khi nhìn thấy người bệnh, ông niệm chú ngữ, dùng táo cứu người. Gặp phải người sắp chết liền dùng Ngũ minh giáng ma phiến để cứu. Trong rất nhiều pháp thuật, môn pháp lợi hại nhất, được ông dùng thành thạo nhất chính là Lôi Pháp. Khi nhìn thấy yêu ma quỷ quái làm điều xằng bậy, Tát Thiên Sư liền dẫn Thiên lôi. Thiên lôi trên trời đánh xuống, làm cho chúng hồn phi phách tán!

Tương truyền rằng tu hành lôi pháp cần lấy nội đan làm nền tảng. Người có nội công thâm hậu thì có thể gọi được Thiên lôi đến. Tát Thiên Sư còn soạn ra những cuốn sách như “Lôi thuyết”, ”Tục phong vũ lôi điện thuyết”, “Nội thiên cương quyết pháp”, v.v… truyền lại cho hậu thế.

Một lần nọ, Thát Thiên Sư đến vùng Cửu Giang ở Giang Tây. Ở đó có một người đàn ông bị quỷ bám lên thân, điên điên khùng khùng, cha mẹ mang anh ta phải nhốt ở trong nhà, dùng cây táo để đánh. Thế nhưng dù có đánh như thế nào, trên thân người đàn ông đó cũng không để lại một vết tích nào, cũng không cảm thấy đau.

Cha mẹ anh ta phải mời đến một vị pháp sư, bốn vị sư đệ của người này cùng lập đàn làm phép để trừ quỷ. Nhưng không ngờ rằng con quỷ này vô cùng lợi hại, không chỉ đạp đổ đàn làm phép, còn treo bốn vị sư đệ trên không. Vị pháp sư kia thấy tình huống này chỉ đành chạy trốn vào đồng hoang, trên đường đi gặp được Tát Thiên Sư.

Thế là Tát Thiên Sư theo vị pháp sư quay về nhà của người đàn ông. Tát Thiên Sư lên pháp đàn, tồn thần giữ khí, rồi dùng lòng bàn tay, dùng Đông phương Giáp ất Mộc Lôi Công, Tây phương Canh tân Kim Lôi Công, Nam phương Bính đinh Hỏa Lôi Công, Bắc phương Nhâm quý Thủy Lôi Công, Trung ương Mậu kỷ Thổ Lôi Công, rồi lại biến ra Thiên hỏa, Địa hỏa, Lôi hỏa, Phích lịch hỏa, Thái dương Tam muội chân hỏa. Lúc này chỉ thấy sấm sét có thanh, lửa có ngọn, sét đánh chấn động trời đất, lửa có ngọn lửa đột vật thiêu không trung.

Trong chốc lát bắt được con quỷ. Người nhà này cầm vàng để cảm ơn Thiên Sư, Thiên Sư nói rằng: “Người xuất gia như ta không có chỗ dùng những thứ này”.

Tát Thiên Sư nhận được sự yêu quý của bách tính, đức hạnh danh tiếng lưu truyền rộng rãi

Thu nhận đồ đệ Vương Linh Quan

Tát Thiên Sư ngoài việc dùng lôi pháp để trảm yêu trừ ma ra. Câu chuyện nổi tiếng nhất của ông chính là thu phục được Vương Linh Quan người đứng đầu 500 linh quan.

Trong những ghi chép về Tát Thủ Kiên và Vương Linh Quan trong thời kỳ Minh, Thanh có chép rằng:

Vương Linh Quan là Thần quan do khí của Nam Thiên Ly Hỏa tập hợp mà thành, vốn không có tên họ, vốn là Hỏa Thần, nhận lệnh của Ngọc Hoàng Đại Đế trở thành Thành hoàng của vùng Tương Âm ở Hồ Nam. Bởi vì Thành hoàng vô cùng linh nghiệm, dân ở vùng này hằng ngày đều giết heo giết bò để cúng bái. Một ngày nọ, Tát Thiên Sư đi qua Tương Âm, trú lại trong miếu Thành hoàng. Tát Thiên Sư thấy dân chúng giết chóc quá nhiều, không hợp với đức hiếu sinh của Trời cao liền giảng đạo lý ở trong miếu Thành hoàng, phê bình hành vi này.

Thành hoàng cảm thấy người này thật phiền phức. Buổi tối, Thái thú ở vùng này đang ngủ rất say, đột nhiên mơ thấy Thành hoàng đến thăm, nói với ông ta rằng: “Tát tiên sinh sống ở đây mấy ngày rồi, khiến chỗ của ta không yên, ngươi hãy mau chóng đuổi ông ta đi”.

Quan Thái thú nghe nói Thần Thành hoàng vô cùng linh nghiệm, khi có giấc mơ này, cũng không dám chậm trễ, lập tức cho nha dịch đến ngôi miếu, quả nhiên nhìn thấy một vị Đạo sĩ. Lúc đó Tát Thủ Kiên vừa mới học được pháp thuật, vẫn chưa ai biết đến, và bị Thái thú đuổi ra ngoài.

Tát Thủ Kiên cảm thấy khó chịu, sau khi rời đi không lâu, liền làm phép để giáng xuống từng đợt sấm sét. Sấm sét vang lên một tiếng, đánh trúng tượng của Thần Thành hoàng trong miếu, khiến miếu bị cháy. Không lâu sau, miếu Thành hoàng đổ sập.

Thời gian thoi đưa, chớp mắt đã 12 năm. Một ngày nọ, Tát Thiên Sư phải đi qua sông. Nhìn thấy bên sông có một con đò nhưng không thấy người lái đò, Tát Thiên Sư đành vén tay áo lên, cầm lấy cây sào để qua sông. Sau khi qua sống, ông đặt 3 văn tiền trên đầu thuyền xem là tiền phí đi đò.

Tranh vẽ Tát Thủ Kiên trong “Liệt Tiên toàn truyện”, thời Minh (Ảnh: Khu vực công cộng)

Ông bước xuống khỏi con thuyền, ngồi xổm bên sông, lấy nước rửa tay, đột nhiên Tát Thiên Sư thấy một người đầu đội mũ sắt, mặc bộ đồ màu đỏ, trong tay cầm một chiếc roi vàng, đứng trong nước, khiến Tát Thiên Sư giật mình, hỏi rằng: “Ngươi là ai?”

Người này từ trong nước đi ra nói rằng: “Ta chính Thần Thành hoàng của Tương Âm, ông có còn nhớ không? 12 năm trước, ông đã đốt miếu của ta”.

Thì ra đó chính là vị Thành hoàng bị Tát Thiên Sư đốt miếu năm nào. Khi đó, Thành hoàng tức không chịu được, lên Thiên đình tố cáo rằng: “Dân chúng cúng tế quá mức, có liên quan gì đến Tiểu Thần chứ? Tát Thiên Sư lại vô cớ đốt miếu của Tiểu Thần. Xin Ngọc Đế làm chủ cho Tiểu Thần”.

Ngọc Đế cũng đồng ý, liền ban cho Vương Linh Quan một cây roi vàng và một con mắt huệ nhãn, và nói rằng, chỉ cần Vương Linh Quan thấy Tát Thiên Sư có một niệm ác, có thể dùng roi Thần đánh chết, tiền trảm hậu tấu.

Thành hoàng cảm thấy rất vui, nghĩ rằng: “Tát Thủ Kiên, xem ra chỉ trong một chốc lát, ta sẽ lấy được mạng của ngươi”.

Cuối cùng, 12 ngày trôi qua, Vương Linh Quan phát hiện ra Tát Thủ Kiêm không hề có một ác niệm. Mười hai tháng trôi qua, cũng tìm không được một chút lỗi lầm nào. Cuối cùng mở to mắt, theo dõi Tát Thủ Kiên 12 năm, Vương Linh Quan cũng không tìm được cơ hội ra tay.

Mãi đến ngày hôm đó, khi thấy Tát Thiên Sư tự mình chèo đò qua sông, nhưng vẫn để lại 3 văn tiền làm phí qua sông, đúng là đức hạnh hơn người. Lúc này Thành hoàng đã bái phục, liền hiện thân, nói rõ xuất thân của mình, xin bái Tát Chân nhân làm thầy. Thế là Vương Linh Quan được ban tên cho là Vương Thiện. Vương Thiện theo Tát Thủ Kiêm tu tập Đạo Pháp. Cuối cùng hai người đều xếp vào hàng liệt Tiên.

Có thể thấy rằng, mặc dù lôi pháp của Tát Thiên Sư lợi hại nhưng vị đồ đề Vương Linh Quan lại bái phục trước đức hạnh của ông. Tát Thiên Sư dùng Đạo Pháp để tu luyện, nỗ lực tu hành, viết một bài thơ rằng:

“Đạo pháp ư thân bất đẳng nhàn
Tư lượng giới hành triệt tâm hàn
Thiên niên thiết thụ khai hoa dị
Nhất nhập Phong Đô xuất thế nan”

Tạm dịch:

Tu luyện Đạo pháp chẳng nhàn thân
Phản tỉnh giới cấm trừ tục tâm
Ngàn năm cây sắt nở hoa dễ
Âm tào khó được xuất thế gian

Chính là nói rằng: Tu hành rất không dễ dàng, khổ đợi ngàn năm mới có thể thấy cây sắt nở hoa, cũng không thể nắm bắt, không thể siêu thoát.

Tát Thủ Kiên gắng sức thực hiện chính đạo. Ông nói: "Người tu đạo không cầu bất cứ thứ gì khác, phàm sự việc cũng xuất từ nội tâm chân chính".

Thiên Sư nói rằng:

Yêu tri Đại Đạo thông huyền xứ
Bất tại tam thiên lục bách môn
Hậu chi học giả
Đồ chấp kỷ kiến
Không nê trần ngôn
Thích sở dĩ
Di luân giả chi tiếu hĩ

Chính là nói rằng: Tu Đạo có 3600 pháp môn, nhưng căn bản của đắc Đạo không nằm ở từng pháp môn như thế nào, người đời sau lấy những pháp môn khác nhau làm học vấn để nghiên cứu, xem như đã hiểu được, thực ra cũng chỉ là nói suông, chẳng có tác dụng gì, cũng là chỗ làm cho người tu Đạo chân chính chê cười.

Trong Tứ Đại Thiên Sư của Đạo giáo, 3 vị còn lại đắc Đạo sớm hơn, còn Tát Thiên Sư cần đến 700, 800 năm có thể thành tựu Đạo hạnh, cũng không hề dễ dàng.

Wenshidaguanyuan
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tứ Đại Thiên Sư trong Đạo giáo (4): Tát Thiên Sư bị truy sát 12 năm