Tứ Đại Thiên Sư trong Đạo giáo (3): Hứa Thiên Sư - Một người đắc đạo, gà chó thăng thiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong Truyền thuyết Bạch xà, Hứa Tiên bị Bạch xà mê hoặc, dường như câu chuyện này ai cũng biết. Nhưng vị Hứa Tiên mà hôm nay chúng ta nói đến lại là chuyên gia chém rắn. Hơn nữa, trong lúc dịch bệnh hoành hành, ông còn dùng một phương pháp kỳ diệu để cứu được người dân một phương. Cuối cùng cả nhà của ông 42 người, ngay cả gà chó trong nhà cũng đều được bạch nhật phi thăng.

Hứa Tốn học Đạo

Đây là một vị Thiên Sư được ghi lại trong lịch sử, điển cố truyền kỳ “Một người đắc đạo, gà chó thăng thiên” và câu cách ngôn cảnh tỉnh người đời “Con cháu tự có phúc của con cháu” đều liên quan tới ông. Vị Thiên Sư này là ai?

Ông chính là một trong Tứ Đại Thiên Sư của Đạo giáo Hứa Thiên Sư Hứa Tốn (năm 239 – năm 374)

Thiếu niên săn hươu

Vào thời Tam quốc, ở vùng Dự Chương của Đông Ngô (nay là Nam Xương, tỉnh Giang Tây) có một người thiếu niên tên là Hứa Tốn. Một ngày nọ, Hứa Tốn với dáng vẻ hiên ngang vào rừng săn bắn. Khi đó, mũi tên hướng vào đầu của một con nai, vù vù bắn qua, thế nhưng cuối cùng đi lệch, bắn trúng bụng nai mẹ. Cậu thanh niên phấn khởi chạy đến đến cạnh con nai, nhưng kinh hoàng nhìn thấy nai mẹ đang đau khổ liếm nai con từ trong bụng rơi trên mặt đất, rất nhanh sau đó nai mẹ chảy máu mà chết.

Trong lòng của Hứa Tốn tràn ngập hối hận, anh bẻ cung tên làm đôi, thề rằng từ đó về sau sẽ không săn bắn nữa. Từ đó Hứa Tốn chuyên tâm đọc sách, dùi mài kinh sách, tu tâm dưỡng tính, tu Chân hướng Đạo.

Sự xúc động của Hứa Tốn với hai mẹ con nai có thể liên quan đến hoàn cảnh xuất thân của anh.

Ông nội của Hứa Tốn là y quan trong Thái y viện của nhà Đông Hán, làm nhiều việc thiện, cứu tế người dân. Cha là Hứa Túc cũng rất thích làm việc thiện. Vì vậy có thể nói rằng cả gia đình Hứa Tốn đều là những người lương thiện.

Có người kể rằng: Sau khi Hứa Tốn tự tu hành một thời gian, liền bái một người vô cùng nổi tiếng là Ngô Mãnh làm thầy. Có thể độc giả không quen thuộc lắm với Ngô Mãnh nhưng câu chuyện của ông vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Sư phụ Ngô Mãnh

Ngô Mãnh là người nổi tiếng bởi câu chuyện để cho muỗi đốt mình trong “Nhị thập tứ hiếu” - 24 tấm gương hiếu trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Lúc 8 tuổi, Ngô Mãnh thương cha mẹ cực nhọc. Bởi vì mùa hè có nhiều muỗi nên mỗi tối Ngô Mãnh thường cởi trần nằm ngủ bên cạnh để cho muỗi hút máu mình, không ảnh hưởng đến giấc ngủ của cha mẹ. Tấm lòng hiếu thảo chân thành này đã làm cảm động Trời cao. Sau này Ngô Mãnh gặp được một cao nhân tên là Đinh Nghĩa dạy phương thuật của Thần Tiên.

Để muỗi đốt mình
Ngô Mãnh cởi trần nằm bên cha để muỗi đốt mình. (Tranh của Trần Thiếu Mai)

Trong “Sưu thần ký” có chép: “Trong một lần Ngô Mãnh qua sông, lúc đó sông Trường Giang nước chảy rất xiết, không thể đi thuyền. Ngô Mãnh dùng chiếc quạt lông vũ trên tay vẽ lên mặt sông, dòng nước của sông Trường Giang đột nhiên xuất hiện một con đường bộ. Sau khi ông đi qua, dòng nước trở lại như cũ. Những người nhìn thấy đều kinh ngạc khôn xiết”.

Câu chuyện này chẳng phải rất giống với câu chuyện Môi-se dùng thần trượng rẽ nước ở Biển Đỏ sao. Vì vậy có thể thấy rằng Ngô Mãnh rất giỏi phép thuật. Hứa Tốn muốn tìm Ngô Mãnh để bái làm thầy, nhưng người đến xin làm đệ tử của Ngô Mãnh rất nhiều.

Đạo gia chọn đồ đề, dạy một nhóm đồ đệ rất đông, nhưng chỉ có một người là chân truyền. Vậy Hứa Tốn làm sao để trở thành đệ tử chân truyền của Ngô Mãnh?

Không màng gái đẹp, thích chém rắn

“Dậu dương tạp trở” có chép:

Lúc đó có nạn rắn ở Giang Đông, một con rắn lớn chiếm giữ đường đi. Có mấy trăm người đã trở thành bữa ăn của con yêu quái này. Quan binh cũng không biết làm sao, Ngô Mãnh quyết định phải đi trừ hại. Ông mang theo hơn 100 đồ đệ, hiên ngang đi trên đường. Một ngày nọ, khi đi đến biên giới Cao An (thành phố Cao An, Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây), cả đoàn ở lại qua đêm. Ngô Mãnh cho người mua hơn 100 cân than củi, chặt thành từng miếng dài khoảng 1 thước, để trên bàn thờ.

Tối đó, các đệ tử nghỉ trong quán trọ đều gặp thấy có những cô gái đẹp vào phòng. Kết quả ngày hôm sau, Ngô Mãnh kiểm tra quần áo của họ, thấy ai cũng dính đầy bụi than, chỉ có mình Hứa Tôn cả người vẫn sạch sẽ. Thì ra những người con gái kia đều là do than gỗ biến thành. Lần này, Ngô Mãnh muốn khảo nghiệm tâm tính của các đệ tử. Kết quả khiến ông rất thất vọng, liền quở trách các đệ tử và chỉ mang theo một mình Hứa Tốn vượt sông để diệt trừ con rắn lớn.

Khi hai thầy trò nhìn thấy con rắn, nó ngóc đầu cao mấy trượng, lớp da rất dày, có thể vút lên để ăn thịt người. Lúc đó, tuổi của Ngô Mãnh cũng tương đối cao rồi, nên đánh nhau với rắn cũng không thuận tiện. Hứa Tốn xông đến phía sau con rắn lớn, chém vào đầu nó. Tay giơ lên, kiếm chém xuống, một kiếm đã chém đứt đầu con rắn, rất điệu nghệ. Ngô Mãnh nhìn thấy cho rằng người đệ tử này có thể dạy được bèn mang tất cả Đạo thuật của mình dạy cho Hứa Tốn.

Hứa Tốn chuyên tâm tu Đạo, cũng không muốn làm quan. Thế nhưng đến năm 42 tuổi, Hứa Tốn đã đến Tinh Dương ở Tứ Xuyên làm huyện lệnh. Đó là bởi vì Hứa Tốn có phẩm chất đạo đức cao thượng, được tiến cử nhiều lần, cuối cùng không thể từ chối được nữa. Vào năm đầu thời Thái Khang của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nhà Tây Tấn (năm 280), Hứa Tốn đến Tinh Dương nhậm chức.

undefined
Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm. (Miền công cộng)

Một năm nọ bệnh dịch hoành hành, tỷ lệ tử vong đến bảy, tám phần. Lúc đó Hứa Tốn đã dùng biện pháp gì để cứu người?

Theo ghi chép của “Lịch thế Chân Tiên thể Đạo thông giám”, Hứa Tốn lấy ra bùa chú học được từ sư phụ Ngô Mãnh, ném vào trong nước rồi dùng nước phép để cứu người. Người bệnh sau khi uống nước này nhanh chóng khỏi bệnh. Thậm chí những bệnh đã kéo dài rất lâu trước đó, điều trị thế nào cũng không lành đều có thể khỏi hẳn.

Tin này truyền đến những vùng khác. Dân chúng nhiễm bệnh lần lượt kéo đến. Trong vòng một ngày, có đến mấy ngàn người từ những nơi khác đến trị bệnh. Số người này nhiều đến mức thành Tinh Dương cũng không chứa đủ. Hứa Tốn liền ở một bờ sông cách thành Tinh Dương mười dặm dùng cây trúc làm ký hiệu, đổ nước phép vào nước sông. Người nhiễm bệnh ở chỗ cây trúc uống nước sông đều sẽ khỏi bệnh.

Hứa Tốn còn nghĩ đến có rất nhiều người lớn tuổi, già yếu, mắc nhiều loại bệnh không thể đến, liền cho người múc nước mang về để những người đó dùng, sau khi uống xong cũng đều khỏi bệnh. Từ trong ghi chép này có thể thấy rằng một dịch bệnh khó chữa được như vậy, phương pháp của Hứa Tốn lại vô cùng hiệu quả.

Trong văn hóa truyền thống, khi dịch bệnh hoặc tai nạn xảy ra đều là do Trời cao muốn nhắc nhở thế đạo nhân tâm bại hoại, từ đó sửa đổi và thức tỉnh dân chúng. Đây mới là phương thuốc đặc trị. Đối với một người tu luyện như Hứa Tốn, ông biết rằng dùng những phù lục chú ngữ, những pháp thuật này cũng có thể giúp đỡ dân chúng. Những người dân nhiễm dịch bệnh, chịu dùng nước phép cũng thể hiện họ còn có tín tâm với Thần. Vì vậy đó là những người có thể cứu được nên mới có thể khỏi hoàn toàn.

Hứa Tốn đề xướng đạo đức nhân hiếu, khiến lòng người hướng thiện, nhận được sự tôn kính của người dân. Trong thời gian làm quan, Hứa Tốn thi hành rất nhiều chính sách ích nước lợi dân. Những huyện lân cận đều kính trọng đức hạnh của Hứa Tốn, lần lượt kéo tới Tinh Dương khiến số người ở đây tăng mạnh. Mọi người đều thân thiết gọi ông là “Hứa Tinh Dương”.

Hứa Tốn nhận chức ở thành Tinh Dương nhiều năm, mãi đến những năm cuối thời Tây Tấn. Ông dự đoán được rằng thiên hạ sắp đại loạn nên từ quan về quê. Ngày khởi hành, dân chúng kéo đến rất đông. Tục ngữ nói rằng: “Tiễn người nghìn dặm, cuối cùng vẫn phải ly biệt”. Thế nhưng dân chúng đưa tiễn Hứa Tốn, có người không ngại xa ngàn dặm, tiễn ông đến tận nhà. Sau đó họ còn dựng nhà bên cạnh nhà ông để sinh sống, giống như doanh trại quân đội, họ còn dùng cả họ của ông, gọi là Hứa Gia Doanh. Địa danh này vẫn còn lưu lại đến ngày nay.

Hứa Thiên Sư trảm yêu trừ ma

Thầy trò hoán đổi vị trí

Sau khi Hứa Tốn trở về Nam Xương, phát hiện một đám thuồng luồng tụ tập ở hồ Bành Lễ (nay là hồ Bà Dương) làm mưa làm gió, thường gây ra lũ lụt, trở thành tai họa ở đây.

Rồng là loài vật có linh tính, còn thuồng luồng sao có thể gây ra tai họa như vậy được?

Thuồng luồng không phải là rồng. Tương truyền rằng, giao long là một con rắn lớn có linh tính tu luyện trong núi. Trong truyền thuyết dân gian, thuồng luồng khi xuống nước có cơ hội thành rồng. Nhưng để hóa rồng phải có cơ duyên ngàn năm và vượt qua được kiếp nạn, từ sông hồ ra được biển lớn gọi là “Tẩu giao” tạo ra mưa gió rất lớn. Nếu có thể trải qua kiếp nạn Thiên lôi, có thể hóa thân thành rồng nhưng không vượt qua được sẽ hình thần toàn diệt. Trong quá trình này, thuồng luồng có thể tạo thành sóng cao ba thước, trên đường đi cuốn tạo ra cả ngàn con sóng lớn, khiến vùng sông nước trở thành nơi rất nguy hiểm.

Hứa Tốn quyết tâm trừ yêu diệt ma, giúp dân trừ hại. Ông và Ngô Mãnh nghe nói Kham Mẫu có Đạo pháp cao thâm, liền cùng nhau đến bái sư học nghệ. Cuối cùng sư đồ hai người trở thành hai huynh đệ.

Trong “Dung thành tập Tiên lục” có chép:

Kham Mẫu có thân hình của một cô bé 10 tuổi nhưng nhận được chân truyền của Hiếu Đạo Minh Vương. Kham Mẫu nói với hai người rằng:

Ngô Mãnh, ngươi tuy rằng từng là sư phụ của Hứa Tốn, nhưng Hiếu Đạo Minh Vương có lời rằng: “Pháp thuật của ông chỉ có thể truyền cho Hứa Tốn. Hơn nữa theo sự an bài của Ngọc Hoàng Đại Đế, sau này chức quan của Hứa Tốn sẽ cao hơn ông. Hứa Tốn sẽ thống quản các Tiên quan từ ngũ phẩm trở xuống, ông sẽ là cấp dưới của Hứa Tốn”.

Thế nên Ngô Mãnh lại bái Hứa Tốn làm thầy. Đệ tử trở thành thầy, thầy lại trở thành đệ tử. Sau đó hai người cùng đề xuất ra “Tịnh Minh trung hiếu”, xây dựng nên Tịnh Minh Đạo phái. Hứa Tốn làm tổ sư, Ngô Mãnh là một trong 12 Thiên quân của Tịnh Minh phái, xưng là Đại Động Chân Quân. Sau khi Hứa Tốn tu thành Tiên thuật, bắt đầu trảm yêu trừ ma. Có một vị Tiên nhân tặng cho ông một thanh bảo kiếm thông linh tên là “Vạn Nhẫn”.

Hứa Tốn từng mang một con thuồng luồng hoành hành ở Văn Thành Hoàng Long Sơn đóng trên tường đá. Ở huyện Tây An, Hứa Tốn chém hai con thuồng luồng trốn dưới cầu. Ỏ Tân Ngô, Hứa Tốn dùng Trấn giao văn để trấn yểm thuồng luồng, không cho chúng hại người. Ở vùng Hải Hôn (nay là Vĩnh Tu, Giang Tây), Hứa Tốn cũng chém một con rắn lớn có yêu lực cao thâm.

Hứa Thiên Sư trảm yêu trừ ma vô cùng nổi tiếng, rất nhiều người đến bái sư học nghệ. Hứa Tốn liền dùng phương pháp khảo nghiệm bằng than gỗ của Ngô Mãnh, kiểm tra tâm tính của người đến bái sư. Cuối cùng chỉ có 10 người có thể giữ vượt qua, trở thành đệ tử của Hứa Tốn, cùng với Hứa Tốn, Ngô Mãnh thành “Thập Nhị Chân Quân”. Cuối cùng con thuồng luồng tinh lớn nhất cũng xuất hiện.

Giao chiến với thuồng luồng

Theo “Thập Nhị Chân Quân truyện” chép lại rằng:

Một ngày nọ, Hứa Tốn cùng hai đệ tử ở trong thành Nam Xương gặp được một người thiếu niên anh tuấn tự xưng là Thận Lang, đến hỏi thăm một chút rồi vội rời đi. Hứa Tốn nói với hai đệ tử rằng: “Người thiếu niên kia chính là con thuồng luồng tinh, cố tình đến để thăm dò pháp lực của chúng ta. Các con xem anh ta phong độ nhẹ nhàng, quần áo chỉnh tề nhưng khắp người đều là mùi tanh. Ở Giang Tây mấy năm liên tiếp tạo nên lũ lụt đó chính là con yêu quái này đang tác yêu tác quái. Ta cố ý giả vờ không biết, chuẩn bị xử lý nó”.

Thuồng luồng tinh biết rằng Hứa Tốn đã nhìn ra mình, liền chạy đến bờ sông. Hứa Tốn theo mùi của thuồng luồng đến bờ sông, nhìn thấy nó biến thành một con bò đang nằm trên bãi cát. Hứa Tốn liền hóa thành một con trâu để đấu với một con bò. Hai người đệ tử trợ giúp. Chân trái của con bò bị thương, chạy đến một miệng giếng từ Đàm Châu (Trường Sa, Hồ Nam), nó liền biến thành hình dạng con người đến nhà quan Thứ sử Đàm Châu Cổ Ngọc.

Thì ra, con thuồng luồng này là con rể của quan thứ sử. Mấy năm trước, thuồng luồng tinh biết được Cổ Ngọc có một người con gái xinh đẹp nên biến thành hình dạng của thiếu niên giàu có, thông minh, đẹp trai, được Cổ Ngọc đồng ý gả con gái cho. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng sống ở hậu viện của phủ quan, đã sinh được một trai, một gái. Mỗi năm vào mùa xuân, hạ, con thuồng luồng này thường đi ngao du sông nước đến mùa thu sẽ đem theo trân bảo, tài vật trở về, giống hệt như một thương nhân bình thường. Thật ra là do thuồng luồng tạo ra lũ lụt tràn lan, rồi nhân cơ hội cướp đoạt tài sản của người dân.

Nhưng lần này, thuồng luồng trở về tay không, nói với nhạc phụ rằng mình gặp phải giặc cướp, tài vật đều bị cướp sạch, cánh tay cũng bị thương. Người nhà họ Cổ đến khắp nơi tìm thầy thuốc, nên Hứa Tốn giả làm thầy thuốc đến nhà. Thuồng luồng biết được người thầy thuốc này là ai, nên không dám ra ngoài. Hứa Tốn lớn tiếng mắng rằng: “Yêu tinh hại người, ta truy tìm đến đây, há có thể để ngươi chạy thoát”.

Thuồng luồng tinh hiện ra nguyên hình làm người nhà họ Cổ vô cùng hoảng sợ. Cuối cùng thuồng luồng bị đánh chết tại chỗ. Hứa Tốn ngậm nước phép phun vào hai đứa nhỏ. Hai đứa nhỏ cũng đột ngột biến thành hai con thuồng luồng nhỏ, sau đó bị giết chết. Con gái của Cổ Ngọc ở cùng với những yêu quái này trong một thời gian dài nên cũng sắp biến thành thuồng luồng. Vợ chồng thứ sử Cổ Ngọc khẩn cầu Hứa Tốn ra tay cứu giúp. Hứa Tốn cho họ một đạo bùa chú, người con gái mới không biến thành thuồng luồng.

Thuồng luồng tinh là con rể của Thái thú, cuối cùng cũng bị Hứa Thiên Sư tiêu diệt. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Hứa Tốn lại bảo Cổ Ngọc đào sâu xuống dưới nền nhà, khi đào xuống được một trượng, chỉ nhìn thấy dưới đất đã bị thuồng luồng đào một hố lớn. Hứa Tốn nói với Cổ Ngọc rằng: “Người nhà của ông cũng sắp bị biến thành cá, ba ba rồi, nhất định phải nhanh chóng dọn đi, một khắc cũng không được chậm trễ”.

Cổ Ngọc hốt hoảng đưa tất cả già cả lớn nhỏ trong nhà rời đi. Cả nhà vừa dọn ra xong thì đột nhiên ầm một tiếng. Toàn bộ phủ quan đều rơi xuống hố, sóng nước cuồn cuộn, tạo thành một cái hồ lớn.

Từ đó, Hứa Tốn dẫn theo đệ tử đi khắp sông hồ xung quanh. Không chỉ ở Giang Tây chém rắn diệt thuồng luồng, mà ông còn đến các nơi như Hồ Nam, Hồ Bắc, Phúc Kiến để trừ nạn sông nước, trảm yêu trừ ma. Hứa Tốn viết “Bát bảo trọng huấn văn” để giáo hóa người dân, dạy người khác “trung hiếu liêm cẩn, khoan dụ dung nhân”.

Lúc đó, Đông Tấn không ngừng xảy ra chiến loạn, vùng Giang Nam cũng gặp phải họa binh đao. Thế nhưng vài trăm dặm xung quanh chỗ Hứa Tốn không có giặc cướp, thường có chim hạc mây trắng vờn quanh. Người dần không gặp phải tai họa, đủ ăn đủ mặc.

Bạch nhật phi thăng

Theo “Thần Tiên truyện” và nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, năm Ninh Khang thứ 2 của Hiếu Vũ Đế nhà Đông Tấn (năm 374), Hứa Tốn đã 136 tuổi. Vào ngày 1 tháng 8, có Tiên nhân hạ xuống sân nhà của Hứa Tốn, tuyên đọc chiếu chỉ của Ngọc Đế, mời Hứa Thiên Sư đến Thiên Đình nhận chức. Đến ngày 5 tháng 8, ở Tây Sơn, Nam Xương, mây cát tường vờn quanh, Tiên nhạc vang lên, Tiên đồng Ngọc nữ, ô lọng xe rồng xuất hiện trên bầu trời, Hứa Tốn và các vị “Thập Nhị Chân Quân” cùng cả nhà 42 người và nhà cửa cùng bay lên, bạch nhật phi thăng, ngay cả gà chó cũng theo cùng lên Thiên cung. Sau khi Hứa Tốn phi thăng, Tinh Dương đổi tên thành Đức Dương với ý nghĩa là đức trạch ban ân huệ cho người dân. Dân chúng Tứ Xuyên lập đền thờ Hứa Thiên Sư. Nhà nhà đều treo chân dung của ông, thường lễ bái, thờ như Thần linh.

Nhà văn Vương An Thạch thời Bắc Tống từng viết bài “Trùng tu Hứa Tinh Dương từ ký” ca ngợi Hứa Tiên, công chính thanh liêm, yêu dân như con, công lao chém rắn trị thủy lưu truyền đến ngàn đời. Cả đời Hứa Tốn đã lưu lại rất nhiều công lao, ngoài ra ông còn để lại không ít lời cách ngôn khuyến khích người dân hành thiện như:

  • Tính toán vì bản thân, sau khi chết chẳng đến tay.
  • Tính toán vì con cháu, con cháu tự có phúc của con cháu.
  • Mang tâm bất thiện, phong thủy vô ích
  • Bất hiếu với cha mẹ, kính Thần vô dụng
  • Huynh đệ bất hòa, bạn bè giao hữu cũng không ích gì
  • Hành vi không đoan chính, đọc sách cũng vô ích
  • Tâm cao khí ngạo, học rộng cũng vô ích
  • Làm việc ương bướng, thông minh cũng vô dụng
  • Không giữ nguyên khí, dùng thuốc cũng vô dụng
  • Thời vận không thông, ước muốn cũng vô dụng
  • Lấy bừa của người khác, bố thí cũng vô dụng
  • Dâm ác phóng túng, âm đức cũng vô ích.

Còn có một câu: “Lương tâm tự có lương tâm báo, gian xảo vẫn cứ tiếp tục gian xảo, nếu trời cao không có báo ứng, hãy xem mười năm sau thế nào?”.

Vị Thiên Sư thứ 4 trong Đạo giáo - Tát Thiên Sư có những Đạo thuật và pháp thuật như thế nào, mới quý độc giả đón đọc bài tiếp theo.

Wenshidaguanyuan
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tứ Đại Thiên Sư trong Đạo giáo (3): Hứa Thiên Sư - Một người đắc đạo, gà chó thăng thiên