Từ ngữ lễ Tết: Tết, Nguyên đán, Táo quân, Trừ tịch, Giao thừa, Lì xì... có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tết, Nguyên đán, Táo quân, Trừ tịch, Giao thừa, Lì xì v.v… - đó là những từ ngữ đã ăn sâu vào tâm thức, vô cùng thân thuộc đối với người Việt Nam chúng ta, tuy nhiên nguồn gốc cũng như nội hàm ý nghĩa của chúng thì không phải ai cũng tỏ tường.

Tết

Từ “Tết” có nguồn gốc từ chữ Hán “Tiết” - 節.

Trong tiếng Hán, “tiết” có nhiều nghĩa. Nghĩa gốc của “tiết” là "mấu tre", “mấu trúc” (vì thế, chữ này có bộ thủ Trúc). Rồi nó dần chuyển nghĩa, chỉ sự tiếp nối giữa hai gióng cây, hai khúc, hai đoạn vật thể. Từ đây, nó tiếp tục mở rộng để chỉ thời điểm tiếp xúc giữa hai khoảng thời gian phân chia theo thiên văn - khí tượng trong năm, ví dụ như một năm chia làm 24 tiết (lập xuân, vũ thuỷ, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, xử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn). Sau đó tiết chuyển thành nghĩa "ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng" - đây chính là nguồn gốc trực tiếp của tết mà ta đang đề cập.

Ngoài ra, tiết còn có nghĩa là "bộ phận nhỏ của một chỉnh thể" (chi tiết, tình tiết...), "khoảng, đoạn nhỏ" (chương tiết, tiết học, tiết mục...), "phẩm chất trong sạch, khảng khái" (tiết tháo, tiết hạnh, tiết khí, trinh tiết...).

Phần lớn tiếng Hán Việt có phiên âm -iê khi sang tiếng Việt biến thành -ê, như: Thiêm biến thành Thêm; Thiết (yến) biến thành Thết (tiệc); Chiết biến thành Chết v.v…

Tiết cũng vậy - biến thành Tết. Ngoài nghĩa "ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng" như tết Khai hạ, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trùng cửu v.v… thì trong tiếng Việt, Tết còn dùng để chỉ một dịp đặc biệt duy nhất đầu năm - như người ta thường nói: ăn Tết, đi Tết, chơi Tết, chúc Tết...

Như vậy, từ danh từ chung, nó trở thành danh từ riêng (vì thế phải viết hoa). Nó là kết quả của sự rút gọn và biến âm từ “xuân tiết” trong tiếng Hán và cũng là sự nói gọn từ “Tết Nguyên đán” (Tết Cả) trong tiếng Việt.

Tháng Chạp, tháng Giêng

Theo ‘Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt’ do Giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Tài Cẩn biên soạn, thì tháng 12 Âm lịch có tên là “tháng Chạp”, là từ 2 chữ gốc Hán "Lạp nguyệt", người Việt đã đọc chệch từ Lạp (臘) thành Chạp. Hiện người Việt chúng ta còn dùng các từ như: “giỗ Chạp”, "lễ Chạp", "lễ lạt"....

Lạp (臘) nghĩa là Liệp (獵 - săn bắt). Dùng thú săn được để làm lễ tế. Do đó dùng thịt (nhục - 肉) để cúng tế. Nghĩa theo bộ Nhục, âm theo chữ Liệp (巤 - lông cổ con thú).

Người Việt cũng còn gọi tháng Chạp là tháng “củ mật" (纠密) bởi tháng ấy nhiều trộm đạo. "Củ" là củ soát, kiểm soát, còn "mật" là cẩn mật, nghĩa là kiểm soát cẩn mật. Đến tháng Chạp này, các quan phủ thường hay nhắc nhở những người dân cần cẩn mật, các tuần đinh phải tăng cường kiểm soát cẩn mật để phòng ngừa trộm cắp.

Tương tự là tháng Giêng, bắt nguồn từ hai chữ "Chính nguyệt", “giêng” là âm Nôm hóa của chữ “chinh”, “chính” (正).

Sự tương ứng ngữ âm của “giêng” - “chính” có thể thấy được qua các ví dụ sau: trước hết, về phần vần thì -iêng và -inh đã thường được dùng lẫn, ví dụ như "tứ chiếng” - “tứ chính” (bốn phương); "chiềng làng chiềng chạ" - "trình làng trình xã"; kiêng (kỵ) - kinh (hãi); kiếng - kính v.v… Về phần phụ âm đầu "gi" - "ch" cũng có những ví dụ như giấy - chỉ; giống - chủng v.v…

Ông Công ông Táo

Táo (灶/竈) gốc tiếng Hán có nghĩa là “bếp”. Táo Quân hay Ông Táo nghĩa là “ông quản bếp”, “ông vua bếp”. Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ và hình thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.

Trong bếp xưa, thường có ba “ông đầu rau” - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn thứ ba. Và nhân dân có tục lệ ngày 23 tháng Chạp hàng năm làm “lễ Táo quân”, “tiễn ông Táo lên chầu trời”, “Tết ông Công ông Táo” (trong đó Công là rút gọn của Thổ Công hoặc Táo Công, Táo là rút gọn của Táo Quân).

Ông Táo cưỡi cá chép lên Thiên đình. (Tranh Mona - Epochtimesviet)

Lễ cúng ông Táo thường được liên hệ với phong tục thờ Thần lửa - một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc, tuy nhiên cách thể hiện ở mỗi nơi một khác. Ví như ở Trung Quốc, từ thời cổ đại, Táo quân (còn được gọi là “Táo Thần”, “Táo Vương”) đã được coi là một trong bảy vị Thần đất được người dân cúng lễ. Nhưng nguồn gốc của Táo quân thì không nhất quán.

Theo sách ‘Hoài Nam Tử’, Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm Thần bếp.

Sách ‘Lã Thị Xuân Thu’ lại coi Chúc Dung mới là Thần quản lý lửa (do Viêm Đế mang tới) nên khi chết người dân thờ làm Thần lửa.

Còn sách ‘Dậu Dương tạp trở’ thì kể: Thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ngôi hay Trương Đan, tự là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên Trời tâu về việc người nào có lỗi.

Truyền thuyết Trung Quốc lại cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào tối cuối tháng âm lịch để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình (nhất là về những người đàn bà làm điều xấu); sau này mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Đến ngày ấy, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo; đặc biệt có thêm cả nước và cỏ khô (cho ngựa của vua bếp “ăn” để bay và chở vua lên trời - khác với Táo quân của ta thì cưỡi cá chép).

Tất niên, Trừ tịch, Giao thừa, Nguyên Đán

“Tất niên" được viết bằng Hán tự là 畢年. Trong đó, “tất” là “xong/hết”, “niên” là “năm”. Như vậy, “tất niên” hiểu nôm na là hoàn thành một năm.

Thông thường, người Việt hay tổ chức lễ Tất niên vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Đây là dịp các thành viên ngồi lại tổng kết một năm đã qua, gắn kết tình cảm giữa mọi người lại với nhau.

Tùy từng vùng miền mà mâm cơm cúng Tất niên lại khác nhau, chẳng hạn như: Miền Bắc thường có các món như canh măng, bánh chưng, giò lụa, miến xào, nem rán... Miền Trung có gà bóp rau răm, bát miến Huế, canh măng khô… Trong khi đó, mâm cơm Tất niên miền Nam lại bao gồm bánh tét, thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt…

“Trừ tịch” chữ Hán viết là 除夕. Tịch có nghĩa là “đêm”, “trừ” là “thay đổi”. Như vậy, trừ tịch nghĩa là “đêm thay đổi từ năm cũ sang năm mới” - đêm cuối cùng của năm cũ.

Tác giả Phan Kế Bính trong ‘Việt Nam phong tục’ lại lý giải trừ tịch là xua đuổi, trừ khử ma quỷ: “Nguyên tục bên Tàu ngày xưa, cứ về hôm ấy thì dùng 120 đứa trẻ độ 9, 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, cho nên gọi là trừ tịch”.

“Giao thừa” được viết là 交承. “Giao” nghĩa là “xen kẽ nhau, thay nhau” hoặc “nối tiếp nhau, trao đổi lẫn nhau”; “thừa” nghĩa là “đảm nhận, thi hành (nhiệm vụ, nghĩa vụ)” hoặc “thừa kế, kế tiếp”. Gọi là “giao thừa” vì theo quan niệm tín ngưỡng, 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp - thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới - là lúc mà hai vị Thần cai quản trần gian (gọi là ông Hành khiển), một cũ và một mới, “bàn giao và tiếp nhận” công việc của nhau.

Vào ngày này, nhân dân ta hay làm lễ Thiên Địa để cầu mong các vị Thần ấy ban cho nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Lễ thường được bày ngoài trời vì mọi người cho rằng các vị Thần rất bận, không thể vào tận trong từng nhà để hưởng lễ.

“Nguyên Đán” chữ Hán viết là 元旦. Nguyên là “đứng đầu, số một, nhất”; đán là “buổi sáng”. Do đó, Nguyên Đán nghĩa là sáng đầu năm, bắt đầu năm mới.

Có thể nói, sáng ngày mồng Một tháng Giêng là thời gian quan trọng nhất trong năm; năm mới chính thức bắt đầu, mọi hoạt động tiêu biểu nhất cho Tết được tiến hành (lễ gia tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi, chúc thọ người già, đại tiệc đầu năm...).

Điều kiện ngoại cảnh cũng rất đẹp và thuận lợi: bắt đầu sang xuân, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa nở, chim hót, không khí ấm áp, trời quang đãng, nhịp độ lao động vất vả của một năm tạm ngừng... Con người thư thái, vui vẻ về tinh thần, trở nên lịch sự, cởi mở hơn về phong cách; rực rỡ hơn với dung nhan, trang phục mới... Tất cả những hiện tượng trên đều tập trung vào buổi sáng đầu năm khiến người ta cảm thấy buổi sáng đó thật quan trọng, thiêng liêng. Ai cũng tin tưởng, mơ ước mọi việc trong năm đều diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, may mắn như buổi sáng đầu năm và cố gắng không làm điều xấu để khỏi xúi quẩy cả năm.

Bánh tổ, xì loòng cấu

Bánh tổ có nguồn gốc từ người Hoa, chữ Hán là 年糕 - “niên cao”, là loại bánh chế biến từ bột gạo nếp, được dùng làm món tráng miệng hoặc để cúng lễ trong ẩm thực Trung Quốc, sau du nhập và trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Mặc dù có thể ăn quanh năm, nhưng theo truyền thống, nó phổ biến nhất trong dịp Tết. Ăn bánh tổ được coi là may mắn trong thời gian này, bởi vì chữ “cao” chỉ bánh hài âm với chữ “cao” trong nâng cao. Như vậy, ăn bánh tổ có ý nghĩa tượng trưng cho việc nâng cao bản thân trong mỗi năm tới, tựa như lời chúc “年年高升” - “niên niên cao thăng” - thăng tiến cao mỗi năm. Một số địa phương miền Bắc Việt Nam gọi bánh này là “xì loòng cấu”, phỏng âm tên gọi loại bánh này trong tiếng Quảng, tức “đại long cao” (大龍糕, daai6 lung4 gou1).

Lì xì

Lì xì là tên gọi của tục lệ người lớn hơn mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu đỏ hoặc vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em.

undefined
Lì xì. (Miền công cộng)

Đến nay, người ta chấp nhận rộng rãi rằng “lì xì” là phỏng âm tiếng Quảng của hai chữ "lợi thị" (利是, lei6 si6). Trong tiếng Quan Thoại, tục này được gọi là 紅包 (hồng bao), trong tiếng Quảng Đông thì có nhiều phiên bản như 利是 (lợi thị), 利市 (lợi thị) hoặc 利事 (lợi sự).

Ở Trung Quốc và các cộng đồng người Hoa, tục lệ lì xì không chỉ có trong Tết Nguyên Đán mà còn trong nhiều dịp khác, và cũng không chỉ dành cho trẻ em. Chẳng hạn trong phong tục cưới hỏi, gia chủ thường tặng lì xì cho đội bưng quả (bê tráp), hoặc trong ngày khai trương, sinh nhật v.v… chủ nhân cũng tặng lì xì cho khách.

Cây quất, chậu quất

Chữ “quất” (橘) hài âm với chữ “cát” (吉) trong tiếng Hán cổ và tiếng Quảng, cho nên mọi người lấy quất để ví với điềm cát tường, quất cũng trở thành biểu tượng may mắn. Chủng loại của quất rất nhiều, như: Kim quất - 金橘 - báo phát tài; Tứ quý quất - 四季橘 - chúc bốn mùa bình an; Chu sa quất - 朱砂橘 - treo ở đầu giường để cầu may mắn “cát tinh củng chiếu” (吉星拱照) v.v…

Trong nhiều hình trang trí cát tường mọi người thường lấy quất làm đề tài. Vẽ vài trái quất biểu thị “đại cát” (大吉); trang trí gồm hoa bách hợp, trái thị, trái quất có thể biểu đạt ý nghĩa “bách sự đại cát” (百事大吉). Vẽ một giỏ đựng 2 con cá và 2 trái quất biểu thị “cát khánh hữu dư” (吉慶有餘).

Hàng năm khi Tết đến xuân về, mọi người thường mua một chậu Kim quất hoặc Tứ quý quất, vừa thưởng thức vừa dùng làm vật may mắn, dự báo bước sang năm mới được phát tài, tứ quý bình an, vạn sự như ý.

Pháo

Pháo chữ Hán viết là 炮/砲.

Mọi người thích đốt một bánh pháo trước bữa tối đêm giao thừa, thường gọi là “bế môn pháo trượng” (đóng cửa đốt pháo). Đến giờ Tý, mọi người lại dùng tiếng nổ mãnh liệt của pháo để xua đuổi yêu ma quỷ quái, nghênh đón năm mới. Đến mùng một tết, khi mở cửa nhà lại đốt thêm một bánh pháo, gọi là “khai môn pháo trượng” (mở cửa đốt pháo), đốt ba bánh thì gọi là “liên trúng tam nguyên” (đỗ liền 3 giải nguyên), đốt bốn bánh gọi là “phúc, lộc, thọ, hỷ”, đốt sáu bánh gọi là “lộc lộc đại thuận”, đốt một chuỗi trăm quả pháo nhỏ gọi là “bách tử bộc”, để xác pháo phủ đầy cửa nhà thì được gọi là “mãn địa kim tiền”.

Đốt pháo, bắn pháo hoa trong dịp năm mới không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ác, mà còn là sự mong chờ một năm mới thật nhiều bình an và may mắn trong cuộc sống. Khi đến nhà ai chúc Tết khách có thể đốt một dây pháo để cầu may mắn cho gia chủ.

Pháo còn xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng của người dân như: đám cưới, lễ kỷ niệm, khai trương v.v…

Ngoài ra, tiếng pháo còn dùng để để dự đoán cho tương lai, nếu như năm mới nhà nào đốt pháo/ bắn pháo hoa bị xịt, hoặc pháo nổ tiếng bé, rời rạc xem như năm đó sẽ không làm ăn thuận lợi, gặp chuyện không như ý.

Nghiên cứu cho thấy tục đốt pháo đầu năm để trừ tà, đuổi ôn dịch là có lý giải hết sức khoa học. Thuốc pháo được gọi là "thuốc", tiếng Trung gọi là "hỏa dược", là có lý do sâu sắc.

Thành phần chính của thuốc pháo là diêm tiêu (KNO₃), lưu huỳnh và than củi - khi đốt sẽ giải phóng ra một số chất có lợi.

Ví dụ : Lưu huỳnh cùng một số hợp chất của nó (như các sulfoxide, các organosulfur...) có tác dụng sát khuẩn và ức chế virus cúm. Kali và các hợp chất của nó có tác dụng tăng sức đề kháng, làm dày thành tế bào, loại bỏ sự tích tụ carbohydrate chuỗi ngắn và nitơ phi protein - là những chất nền giúp vi khuẩn và virus xâm nhập.

Vào mùa đông năm 1910, bác sĩ Malaysia gốc Hoa Ngũ Liên Đức (Wu Lien-teh, 伍連德), đã đi đến Cáp Nhĩ Tân để điều tra một căn bệnh không xác định, giết chết 99,9% nạn nhân. Hóa ra đó là khởi đầu của đại dịch hạch thể phổi ở Mãn Châu và Mông Cổ, cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của 60.000 nạn nhân. Bước ngoặt xảy ra khi ông cương quyết hỏa táng xác người nhiễm bệnh, đồng thời cho đốt thuốc pháo thật dày. Dịch bệnh đã được chặn đứng.

Xông đất

Xông đất có lẽ là tục lệ đặc hữu của Việt Nam, các nước khác không thấy nhắc đến.

Chữ “xông" này bắt nguồn từ chữ “xung" (衝) trong tiếng Hán, nghĩa là “xông vào”, người xông đất là người đầu tiên bước chân vào nhà sau thời khắc giao thừa.

Người Việt quan niệm rằng “đầu xuôi đuôi lọt”, nếu ngày đầu tiên của năm mới suôn sẻ, cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy mà cứ mỗi dịp cuối năm, mỗi nhà sẽ tìm trong họ hàng, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp xem ai là người hợp tuổi với gia chủ, ai là người hoạt bát, vui vẻ, đạt được nhiều thành công đến xông nhà, cầu cho một năm mới may mắn, mọi việc diễn ra trôi chảy, thuận lợi.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Từ ngữ lễ Tết: Tết, Nguyên đán, Táo quân, Trừ tịch, Giao thừa, Lì xì... có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?