8 thiếu sót lớn nhất của đời người: Ai có thể vượt qua, ắt sẽ công thành danh toại…

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đôi khi, sự khác biệt giữa người có thành tựu và người tầm thường chính là ở chỗ: người thành tựu luôn biết nhìn ra những thiếu sót của chính mình, họ không ngừng sửa đổi, hoàn thiện bản thân, từ đó vượt qua nghịch cảnh, làm tốt mọi việc. Còn người tầm thường thì lại luôn nghĩ rằng mình tài ba, hoàn thiện, cái gì cũng hay, điều gì cũng biết, họ ít chịu tu dưỡng bản thân, lại càng không muốn lắng nghe lời khuyên từ người khác, kết cục điều họ phải đối diện luôn luôn là hai chữ: ‘Thất bại!’...

Vậy làm thế nào để nhìn ra thiếu sót, hoàn thiện bản thân và trở thành người có thành tựu? Xin kính mời quý vị độc giả cùng chúng tôi mạn đàm về chủ đề: 8 thiếu sót lớn nhất của đời người: Ai có thể vượt qua, ắt sẽ công thành danh toại…

1. Tài không đủ thì tính toán nhiều

Mỗi khi có sự việc xảy ra mà chúng ta phải hao tâm tổn tứ suy nghĩ, cân nhắc, tính toán rất nhiều... có nghĩa kiến thức của chúng ta chưa đủ, năng lực còn hạn hẹp. Tình trạng này xuất hiện khá phổ biến, đặc biệt hay diễn ra ở những người trẻ tuổi sống trong thời hiện đại.

Bởi lẽ, khi có thời gian rảnh rỗi, họ hoặc là lười biếng, hoặc là ham tận hưởng cuộc sống, chỉ lo ăn chơi du ngoạn, mà không hề nghĩ đến việc đọc sách trau dồi, học hỏi bổ sung thêm kinh nghiệm và kiến thức cho mình, cho nên khi gặp vấn đề thì lập tức lo lắng rối loạn không có cách giải quyết.

Vậy nên hãy ghi nhớ rằng: chỉ có chuyên tâm học hỏi, tích lũy, không ngừng hoàn thiện bản thân thì chúng ta mới có đủ tự tin đối mặt với mọi hoàn cảnh, sự việc. Khi cần quyết đoán có thể quyết đoán, cương - nhu hài hòa, trong - ngoài điềm tĩnh, gặp tình huống nào cũng có thể ứng biến và hóa giải.

2. Trí không đủ thì lo lắng nhiều

Kiến thức và trí tuệ là kết quả của cả một quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà hình thành, cũng là thể hiện tầm nhìn rộng lớn của một con người và những phán đoán cho tương lai. Nhận thức tương lai mơ hồ như màn sương mỏng bắt nguồn từ nỗi bất an trong suy nghĩ, và những yếu kém của bản thân, loay hoay với mớ kiến thức nông cạn, cách nhìn hạn hẹp mà thành…

Thật ra, nếu như có đầy đủ kiến thức, trí tuệ mở mang thì bạn sẽ hiểu tương lai chẳng qua là hiện tại kéo dài, chỉ cần chuyên tâm sống cho tốt những tháng ngày hiện tại thì sẽ tiêu trừ hết thảy những lo ngại, nghi hoặc trong tương lai. Muốn cải biến tình trạng lo lắng bất an thì bản thân phải nâng cao trí tuệ, phải có tầm nhìn rộng lớn, mà cách tốt nhất chính là chăm chỉ học hỏi, ham mê đọc sách - đặc biệt là những cuốn sách bổ ích, những lời chỉ dạy của bậc Thánh hiền.

Ảnh: Pixabay

3. Uy không đủ thì tức giận nhiều

Nhiều khi con người ta tức giận là bởi vì cảm thấy người khác không tôn trọng mình, cho nên mới đành phải sử dụng những biện pháp cực đoan để lôi kéo sự chú ý của người khác, hoặc tệ hơn nữa là để lấn át người khác. Càng tức giận như thế càng cho thấy chính mình thiếu hụt trí tuệ và lòng nhân từ. Đây là biểu hiện của việc không đủ uy tín.

Người càng không có thực lực thì càng dễ dàng nổi giận, và tính khí lại càng thất thường đến kinh ngạc! Một khi họ đối mặt với thất bại, đối mặt với bất lợi liền dễ dàng sinh ra phẫn nộ, mà phẫn nộ hay tức giận lại càng dễ khiến cho người khác chỉ trích, ghét bỏ và xa lánh... Người không có thực lực như thế, dĩ nhiên lại càng dễ gặp thất bại, càng dễ bị mất uy nghiêm. Trái lại, những người có tấm lòng bao dung, sự điềm đạm, bình tĩnh, khi gặp nghịch cảnh hoặc khó khăn, họ sẽ bình thản đón nhận và tìm cách giải quyết cho tới khi đạt được kết quả như ý. Những người như vậy sẽ nhận được lòng kính trọng chân thành từ người khác.

4. Tín không đủ thì nói nhiều

Cổ nhân từng nói: Người có chữ tín và uy đức thì ít lời, người gian giảo, xảo biện mới dùng nhiều lời để nói. Người có tu dưỡng, lời nói đơn giản ngắn gọn, cũng không bàn luận tùy tiện. Người nông cạn nóng vội thì lời nói thao thao bất tuyệt, cũng thích nói chuyện vô căn cứ.

Người quân tử, có hàm dưỡng, có uy danh, ăn nói thận trọng, từ tốn hẳn là Hiền nhân. Lời lẽ ba hoa khoác lác chỉ xuất ra từ những người không có tài năng, và uy tín phải dùng cái miệng "hót hay" của mình để lấp liếm cho trí tuệ. Nếu bạn tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào những thành tựu, mối quan hệ bạn xây đắp, thì hãy để nó "tự nhiên diễn ra như vốn có", thay vì tô vẽ những hư danh ảo diệu giả dối bằng chiếc "lưỡi không xương".

5. Dũng không đủ thì làm nhiều

Người không có dũng khí, khi làm việc luôn sợ hãi rụt rè, không dứt khoát, chỉ có thể làm được những việc nhỏ nhặt thường ngày, đã định là một đời bình thường. Còn người có dũng khí thật sự là dựa vào hàm dưỡng nội tâm mà có được khí khái, can đảm. Họ chỉ cần có một chút khích lệ là tựa như hồi trống trận, lập tức tinh thần hăng hái, làm nên đại sự, hành động bề ngoài của họ tưởng như dung dị mà công trạng rất lớn.

Sự khác biệt giữa người vĩ đại và người bình thường chính là: người vĩ đại thường chỉ cần một khích lệ tinh thần nho nhỏ cũng có thể xuất ra dũng khí, biết tập trung tinh lực để chuyên tâm thực hiện cho tốt một việc, mà người bình thường lại chia tinh lực ra để đi làm rất nhiều việc, kết quả việc gì cũng không nên. Năm tháng qua đi không dấu vết, đời người ngắn ngủi. Cùng với phương thức làm nhiều mà được ít của cuộc sống bình thường lặng lẽ, không bằng hãy tập trung tinh lực, xuất ra dũng khí, làm cho tốt một việc mà đạt được thành tựu to lớn. Cổ ngữ có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; cũng lại có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, xem ra cũng rất có đạo lý vậy!

Ảnh: Sasin Tipchai (Pixabay)

6. Nhìn không đủ thấu thì xét nét nhiều

Trong cuộc sống hàng ngày, thường có rất nhiều công việc lặt vặt khiến cho chúng ta ‘hoa mắt chóng mặt’. Mà đây chính là biểu hiện cho việc "nhìn không thấu", nhìn không rõ mọi việc, cũng biểu hiện trình độ trí tuệ. Một người thông minh, tất cả thể hiện ở những chi tiết, hành động nhỏ như:

Biết sửa tất cả những gì "không đúng" thành "đúng". Không nên dễ dàng phủ nhận, xét nét, chê bai người khác… trước hết hãy khẳng định quan điểm của đối phương, rồi sau đó mới đưa ra những kiến giải của riêng mình.

Có thể cùng bạn bè đùa giỡn, nhưng tuyệt đối không được lấy sở thích của họ ra trêu đùa.

Lần đầu gặp mặt, nhất định cố gắng nhớ tên đối phương. Rất nhiều người nói rằng không thể nhớ tên của đối phương, kỳ thực không phải là không nhớ được, mà là vì không để ý.

Cho dù có tức giận cỡ nào, cũng không nên nói những lời gây tổn thương đối phương, kể cả là người thân, người quen.

Nhìn thấu, nhưng không cần nói ra, hãy lưu cho người khác một con đường - cũng chính là lưu cho mình một lối thoát. Phát hiện đối phương nói sai hoặc nói dối, không nhất thiết cứ phải vạch trần trực tiếp.

7. Lý không đủ thì tranh luận nhiều

Người hiểu đạo lý không cần nhiều lời tranh luận, thời gian rồi sẽ chứng minh lý lẽ đúng đắn của họ. Trái lại người vô lý, đã không hiểu ngọn nguồn lý lẽ, lại còn dùng nhiều lời nói khéo léo, hoa mỹ để ngụy biện, kỳ thực chẳng qua là để che lấp bản chất trống rỗng và kém cỏi của mình. Những người này trong tâm thường có quá nhiều tạp niệm, tư tưởng cầu danh, trục lợi, đoạt tình lại quá lớn, nếu mà sự nghiệp không thành, họ sẽ thân bại danh liệt chẳng còn gì.

Ngược lại, có người lại lựa chọn ẩn mình giấu tài, không thể hiện mình có tài năng xuất sắc; đặc biệt, nếu trình độ và năng lực của mình chưa đạt đến, thì họ càng không dễ dàng chạy theo danh lợi, mà sẽ yên lặng tích lũy đợi tài năng, phẩm đức và chờ cơ hội đến mới thực hiện, lúc ấy nhất định ra tay là sẽ thành công.

8. Tình cảm không đủ thì lễ nghi nhiều

Lễ nghi là chỉ những quy tắc quan hệ giữa người với người. Người càng xa lạ lại càng phải dùng lễ mà xử sự, đối đãi. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều khi con người ta coi những món quà giống như ‘vật thế thân’ của người tặng. Họ vừa không muốn mang tiếng thất lễ, vừa tranh thủ ghi dấu ấn với người nhận, thì nghi lễ quà tặng được "đôn" lên hàng đầu. Điều đó chỉ càng thể hiện tình cảm của bạn dành cho người nhận vô cùng hời hợt, nhạt nhẽo.

Đây không chỉ gói gọn trong phạm vi công sở, quan hệ giữa sếp với nhân viên, v.v… mà trong cả mối quan hệ gia đình, nhiều khi bạn sẵn sàng tặng cha mẹ hay bậc trưởng bối những món quà hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhưng lại không thể dành cho họ một cuộc trò chuyện, thăm hỏi kéo dài tới 30 phút. Bận rộn, không có thời gian, vướng bận công việc... là một trong số hàng tá lý do được đưa ra, nhưng hãy thử nhìn sâu vào chính mình, phải chăng do bản thân bạn không đủ tình yêu thương, sự trân trọng, vị nể dành cho họ. Nghi lễ, quà cáp được thay thế cho tình cảm, thử hỏi liệu mối quan hệ ấy có được viên dung và bền lâu?

Trước khi khép lại chủ đề này, xin trích dẫn mấy câu thơ làm chứng như sau:

'Tôi chính là rất tốt
Tôi ưu việt hơn người
Tôi sống rất tuyệt vời'...
Ấy là tôi đang xấu!

Bởi chỉ khi ta xấu
Mới nghĩ mình hơn người
Mới khuếch đại cái "tôi"
Quên trau dồi phẩm đức

Xe dễ trôi xuống vực
Nếu như để mất phanh
Cuộc đời rất mong manh
Nếu nghĩ mình hoàn thiện…
[Trích thơ: Vô danh cư sỹ].

Trong cõi nhân sinh đầy biến động này, người đáng để chúng ta khâm phục lại chính là người luôn nhận thức được những thiếu sót của bản thân, để rồi cố gắng thay đổi, tu dưỡng, hoàn thiện mình ngày một tốt hơn, từ đó mà thành tựu bản thân và giúp ích cho nhiều người khác. Có câu: Mưa tạnh thì trời trong, người biết hàm dưỡng và tự bù đắp cho những thiếu sót của bản thân, ấy mới là người thành tựu và đủ đầy mỹ đức.

Đường Phong - biên tập và tổng hợp
- Nguồn tư liệu tham khảo: Một số bài viết trên DKN; NTD; và thi phẩm của Vô danh cư sỹ.



BÀI CHỌN LỌC

8 thiếu sót lớn nhất của đời người: Ai có thể vượt qua, ắt sẽ công thành danh toại…