Bức tranh ‘Nữ Thần nhìn thấy đầu của chàng Orpheus’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một khoảnh khắc trong cuộc sống phản ánh chúng ta là ai và chúng ta muốn trở thành ai. Chúng ta hãy ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, thay vào đó nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Chúng ta có thể dành hàng tuần, hàng tháng, hoặc thậm chí hàng năm để trau dồi bản thân thành ‘anh hùng trong câu chuyện của riêng mình’.

Nhưng, cũng có khoảnh khắc trong cuộc đời mà chúng ta bị quyến rũ bởi sự tự mãn của chính mình; chúng ta buông lơi và trở thành nạn nhân của những cám dỗ phải trả giá sau này.

Gần đây tôi đã xem một bức tranh của họa sĩ John William Waterhouse thời Tiền Raphaelite có tựa đề ‘Nữ Thần nhìn thấy đầu của chàng Orpheus’. Bức tranh này khơi dậy trong tôi sự tò mò về cách chúng ta đối phó với những cám dỗ và hậu quả như thế nào.

Bức tranh ‘Nữ Thần nhìn thấy đầu của chàng Orpheus’ khơi dậy sự tò mò về cách chúng ta đối phó với những cám dỗ và hậu quả như thế nào. (Phạm vi công cộng)

Hành trình Orphean

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Orpheus được sinh ra bởi thần âm nhạc Apollo, và là một trong những người thuộc dòng dõi Thần thánh. Chàng Orpheus chơi đàn lia và hát rất hay, tuyệt vời đến mức chàng có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bằng âm nhạc của mình.

Chàng Orpheus yêu và kết hôn với nàng Eurydice. Một ngày nọ, nàng Eurydice bị một con rắn độc cắn. Nàng chết và bắt đầu cuộc hành trình vào địa ngục, nơi cai quản của Thần Hades.

Thần Hades cảm động trước âm nhạc tuyệt vời của Orpheus, đồng ý trả lại nàng Eurydice với một điều kiện: Orpheus không được nhìn lại nàng Eurydice cho đến khi họ rời khỏi địa ngục. (Ảnh: wikimedia)

Chàng Orpheus không thể thay đổi định mệnh, nhưng chàng có thể sử dụng phép màu của âm nhạc lấy cảm hứng từ Thiên đường để tiến nhập vào địa ngục và cứu nàng Eurydice.

Chàng cất giọng hát và chơi đàn lia một cách tuyệt vời đến nỗi ‘quyến rũ’ Charon, người lái đò chở linh hồn qua hai con sông Styx và Acheron, và con chó ba đầu Cerberus canh giữ cổng của địa ngục.

Chàng Orpheus hát và chơi nhạc theo cách của mình với Thần Hades. Khi gặp Hades, Orpheus yêu cầu nàng Eurydice được trở lại dương gian với mình.

Thần Hades cảm động trước âm nhạc tuyệt vời của Orpheus, đồng ý trả lại nàng Eurydice với một điều kiện: Orpheus không được nhìn lại nàng Eurydice cho đến khi họ rời khỏi địa ngục.

Chàng Orpheus bắt đầu cuộc hành trình ra khỏi địa ngục với nàng Eurydice, nhưng chàng không chắc liệu nàng có thực sự theo bước chân mình hay không. Bởi chàng không thể nghe thấy hoặc cảm nhận được sự hiện diện của nàng.

Khi sắp ra khỏi địa ngục, Orpheus không thể chịu đựng được nữa và quay lại nhìn vào mắt nàng Eurydice, và khi chàng làm vậy, nàng đã biến mất trở lại địa ngục.

Khi trở về dương gian thì Orpheus không còn quan tâm đến bất kỳ cô gái nào khác nữa. Trong tuyệt vọng và quẫn trí, Orpheus cất cây đàn lia của mình và ngừng hát mãi mãi. Có lẽ vậy mà chàng bị người ta xem là ngạo mạn!

Chàng đi lang thang trong vô vọng cho đến khi gặp “những người đàn bà phóng đãng”, là tín đồ của Thần rượu nho Dionysian, họ gặp chàng và xé nát chàng ra từng mảnh vì sự thờ ơ lãnh đạm của chàng.

Maenads, tín đồ nữ của Thần Dionysus, mang theo một cây cỏ xạ hương và một con báo với một con rắn cuộn trên đầu. Năm 490-480 trước Công nguyên, bảo tàng Staatliche Antikensammlungen, Munich, Đức. (Ảnh: wikimedia)

Chân tay của Orpheus bị quăng ra biển, còn đầu chàng vẫn vang lên tiếng thì thầm tên của nàng Eurydice, dạt vào bờ biển Lesbos, nơi được chôn cất bởi những vị Muse (thường gọi là Muse Thần nàng thơ)

Các ‘Muse Thần nàng thơ’ khiêu vũ với Thần Apollo, họa sĩ Baldassare Peruzzi. (Ảnh: wikimedia)

‘Nữ Thần nhìn thấy đầu của chàng Orpheus’

Trong bức tranh, họa sĩ Waterhouse đã mô tả khoảnh khắc mà đầu của chàng Orpheus và đàn lia lơ lửng về phía hai nữ Thần. Dường như hai nữ Thần đang lấy nước vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, lúc này đầu và đàn lia xuất hiện trên mặt nước khiến hai nàng không khỏi chăm chú nhìn.

Tâm điểm của bức tranh là hai nữ Thần: Nước da trắng sáng của họ nổi bật trên nền tối, bố cục có độ tương phản cao này thu hút sự chú ý của người xem. Ánh mắt của hai nữ Thần và dòng nước chảy từ những tảng đá bên dưới dẫn mắt chúng ta đến tiêu điểm thứ hai là: đầu của chàng Orpheus và cây đàn lia.

Nhìn về tương lai

Câu chuyện của chàng Orpheus khiến tôi nghĩ về sức mạnh của nghệ thuật. Khi nghệ thuật được tác động từ Thiên đường, có thể ‘khuấy động’ tâm hồn theo những cách khó tả. Orpheus sử dụng sức mạnh âm nhạc được truyền cảm hứng từ Thiên đường để cứu nàng Eurydice khỏi địa ngục. Cứ như thể tất cả các bài hát và phong cách chơi đàn lia của Orpheus đều được luyện tập cho lần giải cứu này thôi.

Nhưng chàng Orpheus bị choáng ngợp bởi khao khát mãnh liệt với người mình yêu, chàng không thể kiềm chế được sự cám dỗ thôi thúc được nhìn nàng ấy. Chỉ một giây mất kiểm soát trước cám dỗ đã khiến chàng mất đi hai thứ: người vợ yêu quý Eurydice và mối liên hệ Thiên đường với âm nhạc.

Trớ trêu thay, sự cám dỗ khiến chàng đánh mất điều bản thân mong ước nhất. Chàng rơi vào trầm cảm sâu sắc vì không thể kiểm soát được sự cám dỗ và cuối cùng đã bị nó xé nát.

Hậu quả không thể vượt qua cám dỗ đã ám ảnh chàng sang tận thế giới bên kia. Chàng bị ám ảnh bởi quá khứ mà mình không thể thay đổi. Ngay khi đã chết, trong đầu chàng vẫn vang lên cái tên mà chàng khao khát, và chàng trôi nổi bên một cây đàn lia mãi mãi không còn chơi được nữa.

Họa sĩ Waterhouse mô tả hai nữ Thần bị phân tâm khỏi nhiệm vụ của mình khi họ nhìn thấy cái đầu đang trôi… Họ không lấy được nước - một nguồn để duy trì sự sống - chỉ vì cái đầu lơ lửng và cây đàn lia. Có thể nói, đầu và đàn lia là đại diện cho hậu quả của việc trở thành nạn nhân bởi cám dỗ.

Có phải cám dỗ làm chúng ta phân tâm khỏi những điều quan trọng trong cuộc sống, những điều sẽ duy trì và hoàn thành cuộc sống của chúng ta? Hậu quả từ cám dỗ của bản thân có thể tác động tiêu cực đến những người xung quanh?

Khi nhìn về tương lai, chúng ta sẽ làm gì với ‘quá khứ ám ảnh hiện tại’ của chúng ta?

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật đẹp nhưng không biết nó có ý nghĩa gì chưa? Trong loạt bài “Tiếp cận bên trong: Những gì mà nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác cổ điển một cách sâu sắc hơn về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng tác phẩm nghệ thuật để xem những sáng tạo lịch sử có thể truyền cảm hứng như thế nào cho đức tính tốt đẹp sẵn có trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

Cao Nguyên

Theo Eric Bess - The Epoch Times

Giới thiệu tác giả: Eric Bess là một nghệ sĩ theo trường phái tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (Institute for Doctoral Studies in the Visual Arts - IDSVA)



BÀI CHỌN LỌC

Bức tranh ‘Nữ Thần nhìn thấy đầu của chàng Orpheus’