Đại Pháp nạn lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc (P-2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc cải tạo Phật giáo của ĐCSTQ đã loại bỏ việc theo đuổi thăng hoa tâm linh và cảnh giới tinh thần của các tín đồ Phật giáo. Cải cách và mở cửa khiến mọi thứ đều nhìn vào tiền bạc. Còn “Ngậm miệng phát tài” của Giang Trạch Dân đã khiến mọi người không ngừng xóa bỏ ranh giới  đạo đức tối thiểu của họ, cho đến khi không còn một giới hạn đạo đức nào nữa.

(Xem Phần 1;)

Sau cải cách và mở cửa: Sử dụng "Phật giáo nhân gian" để xóa bỏ tinh thần, dùng "Ngậm miệng phát tài" để xóa bỏ đạo đức

Cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến ĐCSTQ mất lòng dân và nền kinh tế đang trên đà sụp đổ. Để giải trừ nguy cơ thống trị và kinh tế, ĐCSTQ đã phải gác lại cuộc đấu tranh tư tưởng và chuyển sang đường lối thực dụng, tuyên bố đó thực hiện chính sách “Cải cách và mở cửa” - cải cách trong nước và mở cửa với thế giới bên ngoài.

Đối với Phật giáo, ĐCSTQ đã nối lại đường lối tôn giáo ôn hòa của mình trước Cách mạng Văn hóa, tức là với tiền đề phối hợp với các chính sách của chính quyền, cho phép tôn giáo tồn tại "ở một mức độ hạn chế". Kết quả là, Hiệp hội Phật giáo vốn đã bị đình chỉ hoạt động trong mười năm, lại bắt đầu hoạt động trở lại, các tài sản nhà chùa và tăng xá bị xâm chiếm khắp nơi lần lượt được trả lại, các tăng ni bị ép hoàn tục thì giờ đây lại được phép trở lại chùa.

Đối với những công trình kiến ​​trúc Phật giáo bị phá hoại, do số lượng quá lớn, ĐCSTQ đang túng bấn, không thể có đủ tiền để sửa chữa và xây dựng lại để bồi thường. Thế là trước tiên tập trung tu sửa những ngôi chùa trọng điểm thu hút khách du lịch. Những mục tiêu tham quan du lịch này, dù có tu bổ xong cũng không giao cho các nhà sư tự quản lý, lý do không nói thì ai cũng biết.

Bề ngoài, ĐCSTQ đã nới lỏng quyền kiểm soát đối với Phật giáo, nhưng về bản chất, nó vẫn kiểm soát mọi thứ bằng cách thao túng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Triệu Phác Sơ, một cư sĩ Phật giáo được ĐCSTQ gọi là "bạn thân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng và một nhà lãnh đạo tôn giáo yêu nước kiệt xuất", từng là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa, lãnh đạo một loạt các cải cách của Phật giáo, có ảnh hưởng to lớn đến hướng đi của Phật giáo Trung Quốc.

1. Thành lập ban quản lý chùa

Các ngôi chùa Phật giáo truyền thống đã phát triển độc lập trong hàng nghìn năm, chủ yếu được sử dụng làm nơi để những người xuất gia tu hành, hoằng Pháp, và là nơi chúng sinh lễ Phật và sám hối. Về mặt kinh tế, nhà chùa dựa vào làm Pháp sự, cúng dưỡng của các tín đồ, và canh tác trên đất nhà chùa để tự nuôi sống bản thân. Họ không giống như Thiên chúa giáo phương Tây với Tòa Thánh đứng đầu, phát triển một hệ thống cấp trên và cấp dưới nghe theo lệnh của một tu viện lớn.

Truyền thống Phật giáo đã bị phá hủy hoàn toàn trong Cách mạng Văn hóa, và nó không được khôi phục sau Cách mạng Văn hóa, thay vào đó, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc trở thành cơ quan lãnh đạo cao nhất cho các ngôi chùa trong toàn quốc. Các hiệp hội Phật giáo địa phương là những người lãnh đạo các chùa địa phương. Ban quản lý các chùa phải hoạt động dưới sự lãnh đạo của các hiệp hội Phật giáo địa phương. Một số chùa thậm chí còn được quản lý trực tiếp bởi các hiệp hội Phật giáo. Hiệp hội Phật giáo có thể bổ nhiệm và bãi miễn các trụ trì của nhiều tự viện khác nhau, và quyền lực của ban quản trị ở các chùa đôi khi áp đảo các sư trụ trì. Các nhà sư không thể tự mình quản lý nhà chùa, điều đó có nghĩa là sự vận hành và vận mệnh của nhà chùa nằm trong tay người khác.

Thế là xuất hiện hiện tượng các nhà chùa bắt đầu tổ chức các hoạt động thường xuyên, ngoài các nghi lễ thông thường với nhiều tên gọi khác nhau dành cho các tín đồ, chẳng hạn như niệm kinh, sám hối, các lễ cầu phúc, tiêu tai, siêu độ vong linh… và tổ chức các lễ hội của Phật giáo, các lễ khác cũng được tổ chức với danh nghĩa khánh thành chùa, cung nghinh tượng Phật, và thăng chức cho các trụ trì, sinh nhật cho các trụ trì... Mục đích của tất cả những hành vi này có thể được giải thích trong một câu: "Hoạt động mang lại đám đông và đám đông mang lại tiền"

Ngoài ra còn có các hiệp hội Phật giáo và tu viện Phật giáo gây quỹ để kinh doanh công nghiệp và thương mại. Ví dụ, Hiệp hội Phật giáo Vân Nam đã thành lập "Công ty Kim Luân", ngoài việc dựa vào các tăng nhân làm các hoạt động kinh doanh khác nhau ra, còn đem phòng ốc bất động sản của tu viện cho thuê, hoặc làm các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, v.v., ngoài ra còn kinh doanh xuất khẩu đá cẩm thạch và đồ thủ công mỹ nghệ sang Thái Lan.

Hoạt động kinh doanh của Thiếu Lâm Tự là ví dụ nổi tiếng nhất. Thích Vĩnh Tín, trụ trì hiện tại, người đã một tay xây dựng vương quốc thương mại Thiếu Lâm Tự, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc có chức danh chính trị. Trước khi trở thành phương trượng, Thích Vĩnh Tín là Chủ nhiệm "Ủy ban quản lý dân chủ" của chùa Thiếu Lâm.

Năm 1999, 12 năm sau khi pháp sư Phương Chính qua đời, Thích Vĩnh Tín vì đã chạy theo ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công, và đã lập “đại công”, được Cục Tôn giáo Quốc gia và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc chống lưng, nên được thăng chức phương trượng. Trong 12 năm trước khi trở thành phương trượng, ông đã sử dụng danh nghĩa Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý để thành lập các tổ chức khác nhau liên quan đến Thiếu Lâm Tự, chẳng hạn như Đoàn võ tăng Thiếu Lâm Tự, Công ty TNHH Điện ảnh và Truyền hình Thiếu Lâm Tự, Công ty TNHH Phát triển Sản xuất và Thương mại Thiếu Lâm Tự, v.v.

Năm 1999, Thích Vĩnh Tín (người ngồi trong ảnh) vì đã chạy theo ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công, và đã lập “đại công”, được Cục Tôn giáo Quốc gia và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc chống lưng, nên được thăng chức phương trượng. (Hình ảnh Cancan Chu / Getty)

Thích Vĩnh Tín đã nhiều lần đưa đoàn võ tăng biểu diễn ở nước ngoài và đồng tổ chức các cuộc thi truyền hình Kung Fu với các đài truyền hình. Các công ty điện ảnh và truyền hình cũng như hiệu sách của ông đã xuất bản một số lượng lớn các bộ phim truyền hình, phim tài liệu, sách, video, audio liên quan đến Thiếu Lâm Tự. Với hoạt động thương mại đa dạng và thu nhập từ hoạt động kinh doanh riêng của mình, Thiếu Lâm Tự có thể được coi là một trong những ngôi chùa giàu có nhất ở Trung Quốc, và nó cũng mang lại cho Thích Vĩnh Tín biệt danh "CEO Thiếu Lâm Tự", "Hòa thượng kinh tế" và "Hòa thượng chính trị".

2. Xây dựng nội quy, quy chế thống nhất cho các nhà sư

Một cách khác để chuyển hóa Phật giáo là trao cho Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc quyền xây dựng các quy tắc và quy định thống nhất, chẳng hạn như tổ chức thống nhất các nghi lễ Phật giáo như Lễ hội Tắm Phật, và ban hành "Các biện pháp thử nghiệm để quản lý các ngôi chùa Phật giáo Trung Quốc", v.v. Lấy cớ là thiết lập cái gọi là "Các nghi thức, quyền và nghĩa vụ của tăng ni đáp ứng yêu cầu của tiến bộ xã hội đương thời", mục đích thực sự là thay đổi truyền thống và các quy định khác nhau trong các tông phái khác nhau. Điều này tương đương với việc thiết lập một hệ thống riêng biệt ngoài các giới luật truyền thống của Phật giáo, quy định những gì tăng ni được phép và không được phép làm, lấy lý do là quy phạm để hạn chế phạm vi tự do tín ngưỡng của những người xuất gia.

Sau khi pháp sư Thánh Nghiêm của Đài Loan đến thăm Trung Quốc vào năm 1988, ông đã tiết lộ xu hướng này: “Các tăng ni ở Trung Quốc đại lục ngày nay không còn tương ứng với quan niệm của nhà sư tôn giáo nữa, vì họ không có cơ hội truyền bá Phật Pháp, cũng như không có nơi dẫn dắt tín đồ thực hành Phật pháp. Trừ một số rất nhỏ trong số họ làm công tác tuyên truyền, hầu hết đều phục vụ cho những công việc được gọi là sản xuất như làm du lịch, quản lý chùa, điều hành hiệp hội Phật giáo, làm lễ cho tín chúng thu tiền, canh tác. Họ nhận lương cố định hàng tháng từ các cán bộ lãnh đạo".

3. Để thế tục hóa các tín đồ Phật giáo, đề ra "Phật giáo nhân gian"

Triệu Phác Sơ cũng đưa ra khái niệm "Phật giáo nhân gian", chủ trương "thực hiện lý tưởng Tịnh thổ nhân gian, phát triển Phật giáo Đại thừa lợi lạc cho các hữu tình chúng sinh, và kế thừa và phát triển tư tưởng của Thiền tông "Phật Pháp tại nhân gian, bất ly thế gian pháp”. Ông yêu cầu các tín đồ Phật giáo không nên thoát ly thế gian, thoát ly xã hội, và nên thực hiện Tịnh độ Phật quốc trong thế giới hiện thực.

Đề xuất “Phật giáo nhân gian” có liên quan mật thiết đến những mưu đồ nỗ lực liên tục của ĐCSTQ nhằm giảm số lượng Phật tử và xóa bỏ tín ngưỡng Phật giáo. Một mặt, ĐCSTQ sử dụng điều này để thuyết phục những tín đồ muốn tu hành theo Phật giáo không nên xuất gia, bởi vì ở trong một xã hội đầy cám dỗ sẽ làm tiêu tan dần ý chí tu hành, điều này sẽ làm chậm lại sự gia tăng của tăng ni.

ĐCSTQ sử dụng thuật ngữ “Phật giáo nhân gian” để khuyến khích các tăng ni đã xuất gia tích cực tham gia vào cuộc sống thế tục. Điều này thực tế chính là phiên bản tiến hóa ẩn giấu của chính sách “tăng lấy vợ, ni lấy chồng” của ĐCSTQ đã mưu đồ áp dụng trước khi thành lập Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. (Hình ảnh Theodore Kaye / Getty)

Mặt khác, nó được sử dụng để khuyến khích các tăng ni tích cực tham gia vào cuộc sống thế tục, đây thực sự là phiên bản tiến hóa ẩn giấu của chính sách “tăng lấy vợ, ni lấy chồng” của ĐCSTQ đã mưu đồ áp dụng trước khi thành lập Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Vào thời điểm đó, chiến lược này đã bị đại sư Hư Vân chặn lại. Hiện nay, thừa cơ sau Cách mạng Văn hóa, các đại pháp sư, các hòa thượng chân tu không còn tại thế nữa, không ai có thể phản đối nữa, những tà thuyết này được khoác lên những ngôn từ cao thượng mê hoặc lòng người rồi tái xuất giang hồ, trở thành tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Trung Quốc hiện đại.

Hàng loạt hoạt động chuyển hóa Phật giáo đã tác động khôn lường đến các tự viện, nhà sư và đông đảo tín đồ: vốn là tịnh đại Phật môn để tu hành và hoằng pháp, nay dần dần biến thành nơi làm việc kinh doanh, trục lợi. Các tăng ni là người mang nội hàm tâm linh của Phật giáo đã bị “hủy diệt tinh thần”. Các hành vi tâm linh như tu hành, hoằng pháp, chứng Đạo... dần dần tách rời khỏi cuộc sống thường ngày của các tăng ni. Những tín đồ bình thường đến nhà chùa tham bái, lễ Phật thì bị nhồi nhét tư tưởng danh lợi, nghĩ rằng thắp hương cúng Phật là để tiêu tai giải nạn, cầu phúc phát tài, hoàn toàn không biết là kính bái Thần Phật cần phải có tâm thái thuần chính, không được mang ý niệm tham lam hoặc tâm truy cầu nào.

Từ đó có thể thấy, cuộc cải tạo Phật giáo của ĐCSTQ có thực sự là một cuộc “phục hưng” như cách mà chính quyền tuyên truyền gọi hay không, hay nó vô hình trung phá hoại Phật giáo thêm một bước nữa?

4. Sử dụng "Ngậm miệng phát tài" khiến con người hoàn toàn mất đi ranh giới đạo đức tối thiểu của con người

Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đưa ra khẩu hiệu "Ngậm miệng phát tài" trong bối cảnh lịch sử bức hại Pháp Luân Công. Ông ta đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Vì cuộc đàn áp bị đa số người dân phản đối, và không có lời lẽ để biện hộ, ông Giang khẩn thiết cần có sự ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là cộng đồng Phật giáo và các nhà sư nổi tiếng để ủng hộ cuộc đàn áp và phỉ báng Pháp Luân Công.

Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Vì cuộc đàn áp bị đa số người dân phản đối, và không có lời lẽ để biện hộ, ông Giang khẩn thiết cần có sự ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là cộng đồng Phật giáo và các nhà sư nổi tiếng để ủng hộ cuộc đàn áp và phỉ báng Pháp Luân Công. Bức ảnh cho thấy cảnh một buổi luyện công lớn của các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc Kinh vào năm 1998, khoảng 2.000 người đã tham gia. (Minh Huệ Net)

Vào thời điểm này, Triệu Phác Sơ, chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm căn cứ cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông đã tấn công và bôi nhọ Pháp Luân Công thông qua các phương tiện truyền thông, và dẫn đầu các hành động chỉ trích trong cộng đồng Phật giáo. Thích Vĩnh Tín và Thích Học Thành, những người được Triệu Phác Sơ đề bạt, đã hoạt động như những người tiên phong và tích cực hợp tác với ĐCSTQ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cả hai đã dốc sức diễn xuất và được Giang ban thưởng. Thích Vĩnh nhanh chóng nhận chức trụ trì chùa Thiếu Lâm trong vòng một tháng kể từ khi bắt đầu cuộc trấn áp, và Thích Học Thành lên nắm quyền chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc sau đó. Một năm sau khi tấn công Pháp Luân Công, Triệu Phác Sơ chết.

Để thúc đẩy và duy trì sự đàn áp không được lòng dân này, Giang không chỉ sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia khổng lồ, mà còn sử dụng khẩu hiệu "Ngậm miệng phát tài" để dung túng những kẻ theo ĐCSTQ làm điều xấu xa bằng cách sử dụng đặc quyền, tham nhũng và hối lộ, làm những điều sai trái nhưng vẫn có thể được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì tiền tài, danh vọng, nữ sắc, họ có thể làm mọi thứ, không điều ác nào mà không làm, đạo đức ngày càng giảm sút nhanh chóng, độc hại đó đã tràn lan khắp xã hội, ngay cả giới tôn giáo cũng không miễn nhiễm.

Ngay từ năm 2006, doanh thu bán vé vào cửa của Thiếu Lâm Tự đã vượt quá 100 triệu nhân dân tệ, đến năm 2008, du khách muốn thắp hương tại Thiếu Lâm Tự thậm chí phải trả 6.000 nhân dân tệ. Các chi nhánh của Thiếu Tự ở hải ngoại mỗi năm thu nhập 10 triệu bảng Anh. Theo số liệu, chỉ một phần ba thu nhập là giao lại cho nhà chùa. Đối với thu nhập và tình trạng phân phối của hoạt động biểu diễn và của các công ty con của nó, không thể nào có được các thông tin công khai.

Giám đốc điều hành Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín làm ăn phát đạt là do ông ta theo Giang Trạch Dân làm điều ác, và ông ta được thăng chức làm trụ trì, sau đó lên như diều gặp gió. Ông ta bị các đệ tử của mình tố cáo, tiết lộ rằng ông ta sử dụng tài sản của ngôi chùa làm tài sản của gia đình, và có ít nhất 3 tỷ đô la Mỹ tiền gửi ở nước ngoài. Ông ta có biệt thự ở Hoa Kỳ và Đức. Ông ta có quan hệ tình ái với rất nhiều minh tinh, và đã bao nuôi một nữ sinh Đại học Bắc Kinh, và đã sinh một người con với cô ấy. Hiện tại hai mẹ con cô ấy sống ở Đức, v.v. Thích Vĩnh Tín không phủ nhận mình là một nhà sư “quan tâm”, tích cực tham gia chính trị, lợi dụng quyền lực của Giang để làm bất cứ điều gì mình muốn. Tuy chốc chốc lại truyền ra tin tức bị tố cáo phát giác, nhưng các bản tin ngay sau đó lập tức bị xóa, thế nên đến nay ông ta vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Một đồng phạm khác liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Thích Học Thành, cũng dính líu đến dâm dục và tham nhũng. Năm 2008, Thích Học Thành bị 2 nữ đệ tử dùng tên thật đứng ra tố cáo ông ta đã xâm phạm tình dục nhiều nữ đệ tử. Thư tố cáo dài 95 trang, đã tiết lộ chi tiết rằng ông ta đã sử dụng tin nhắn để quấy rối tình dục, dùng nhiều thủ đoạn kiểm soát tinh thần và tấn công tình dục các nhà sư nữ, và tố cáo số tiền khổng lồ không rõ tung tích, và các lý do bất hợp pháp khác. Tin tức này đã gây chấn động xã hội và chấn động giới lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ. Do ĐCSTQ muốn bát đầu đàn áp Phật giáo nên trong vòng một tháng, Thích Học Thành bị Hiệp hội Phật giáo cách chức trụ trì, và liền sau đó ông ta đã bị “mời từ chức” tất cả các chức danh chính trị.

Thích Học Thành, ủy viên Ủy ban Thường vụ Hiệp thương Chính trị Toàn quốc kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, bị nghi ngờ về các vụ bê bối tham nhũng và dâm loạn đã thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông quốc tế chính thống, và một số phương tiện truyền thông phương Tây gọi ông là "Ác ma khoác cà sa". Vào ngày 3 tháng 3 năm 2014, Thích Học Thành đã tham dự Lưỡng Hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Wang Zhao / AFP)

Năm 2017, nhân danh 12 cơ quan của chính phủ Trung Quốc, ĐCSTQ đã công bố "Một số ý kiến ​​về việc tăng cường quản lý thương mại hóa Phật giáo và Đạo giáo", tuyên bố rằng nó phải kiểm soát chặt chẽ nhiều nhược điểm hiện có của Phật giáo và Đạo giáo, chẳng hạn như các cơ sở hoạt động tôn giáo không được thu phí vào cửa giá cao, nghiêm cấm người tôn giáo và người làm du lịch xúi giục hoặc ép buộc du khách và tín đồ thắp hương, rút thẻ bói toán, làm ra cái bán “thắp nén hương đầu tiên”, “đánh tiếng chuông đầu tiên”. Không được lấy hình thức “cổ phần”, “liên doanh”, “đấu thầu cho thuê”, “chia hoa hồng” để tiến hành các hoạt động kinh doanh và thu lợi ích kinh tế từ các cơ sở Đạo giáo, Phật giáo. Bất kỳ tổ chức cá nhân nào cũng không được đầu tư tu sửa, xây dựng hoặc đấu thầu kinh doanh tạo tượng tôn giáo lớn, và các hoạt động của Phật giáo và Đạo giáo không được giành riêng chỉ mở cửa cho một nhóm thiểu số...

Từ các mục “bị cấm” và “không được phép” được liệt kê trong tài liệu, cũng như các vụ bê bối khác nhau theo thời gian giữa các nhân vật tôn giáo, người ta có thể hiểu rằng Phật giáo của Trung Quốc đã bị ăn mòn và hủ bại đáng kinh ngạc như thế nào dưới các chính sách và sự quản lý của ĐCSTQ.

Việc cải tạo Phật giáo của ĐCSTQ đã loại bỏ việc theo đuổi thăng hoa tâm linh và cảnh giới tinh thần của các tín đồ Phật giáo. Cải cách và mở cửa khiến mọi thứ đều nhìn vào tiền bạc. Còn “Ngậm miệng phát tài” của Giang Trạch Dân đã khiến mọi người không ngừng xóa bỏ ranh giới đạo đức tối thiểu của họ, cho đến khi không còn một giới hạn đạo đức nào nữa.

(Còn tiếp)

Đại Minh
Theo Thái Đại Nhã - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Đại Pháp nạn lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc (P-2)