“Đêm yên lặng” có yên lặng thật không? - Chuyện về một ca khúc Giáng sinh bất hủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bối cảnh chộn rộn, thời tiết lạnh giá, nơi trú ẩn tuềnh toàng và một sản phụ trẻ đang đau đẻ… là lý do khiến nhiều người ngày nay không tin rằng đó có thể là một “Silent Night” - đêm yên bình. Sự thực thì sao?

Sự ra đời của ca khúc “Silent Night” - “Đêm Giáng sinh yên lặng”

Vào một đêm Giáng sinh cách đây 203 năm, những người dân làng tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Nicholas ở Oberndorf nước Áo, lần đầu tiên được thưởng thức giai điệu đơn giản nhưng thiêng liêng, trong sáng, tràn đầy Thần khí của một ca khúc có tên gọi “Stille Nacht Heilige Nacht”. Một linh mục trẻ tên Joseph Mohr là người đặt lời và Franz Xaver Gruber - giám đốc dàn hợp xướng - là người đã viết giai điệu cho ca khúc. Họ cũng là hai ca sĩ trong buổi ra mắt của “Stille Nacht Heilige Nacht”, sau này có thêm cái tên Anh ngữ là “Silent Night”. Ca khúc mô tả về đêm Chúa Jesus Christ ra đời.

Lời Việt được dịch từ ca từ của Joseph Mohr như sau:

Đêm tĩnh mịch, đêm thiêng liêng!
Mọi vật thật bình yên và rạng rỡ
Xung quanh Đức Mẹ đồng trinh và con của bà
Đức Chúa hài đồng thật hiền hậu và bé bỏng
Yên ngủ trong cảnh thái bình thiên giới
Yên ngủ trong cảnh thái bình thiên giới

Đêm tĩnh mịch, đêm thiêng liêng!
Những mục tử chấn động trước thần tích triển hiện
Những luồng sáng mỹ diệu từ thiên đường phía xa
Những thiên sứ hát vang bài “ngợi ca Thiên Chúa”
Đấng Ki-Tô Cứu Thế đã ra đời
Đấng Ki-Tô Cứu Thế đã ra đời

Đêm tĩnh mịch, đêm thiêng liêng!
Người con của Thiên Chúa, ánh sáng thánh khiết của tình yêu thương
Những tia sáng lộng lẫy từ dung nhan của Thiên Chúa
Với bình minh của ơn cứu rỗi
Chúa Jesus giáng thế
Chúa Jesus giáng thế.

Nhà soạn nhạc/nhạc trưởng John Conahan cho biết: “Câu chuyện hậu trường là vị linh mục đã đi dạo trước khi viết lời ca khúc, và khi ấy ông nhìn ra một thị trấn rất yên tĩnh, ngập tràn mùa đông. Ông ấy đã được truyền cảm hứng... thị trấn thật sự bình yên."

Kinh Thánh không cho chúng ta biết không gian trong đêm mà Chúa hài đồng ra đời có tĩnh lặng hay không. Nhưng dường như đa số thính giả của “Silent Night” trong đêm Giáng sinh năm 1818 và từ bấy đến nay vẫn chấp nhận quan điểm ấy của Joseph Mohr như đương nhiên phải thế. Bằng chứng là sức sống, sự phổ biến, sự ưa chuộng của ca khúc này từ các nước theo truyền thống Cơ Đốc đã lan tỏa đi toàn thế giới.

Đêm Chúa hài đồng ra đời. (Ảnh: Pixabay)

Nhưng ngày nay, thế giới cũng đang thay đổi chóng mặt.

Giáng Sinh náo nhiệt của thời hiện đại.

Giáng sinh giờ đây đối với những giáo dân ngoan đạo, vẫn là thời điểm tưởng niệm sự ra đời của Đức Chúa Jesus Christ, thậm chí có cả sự mong ngóng ngày tái lâm của Ngài. Nhưng với đa phần nhân loại, đây đơn giản là một kỳ nghỉ lễ, hoặc một dịp vui chơi; Đối với giới sản xuất kinh doanh và những “tín đồ mua sắm”, đây chính là một cơ hội để thúc đẩy sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Người ta không nhất thiết hiểu rõ ý nghĩa về mặt tâm linh, tín ngưỡng hay giá trị văn hóa truyền thống trong ngày tưởng niệm này.

Do đó, trái với không khí Giáng sinh truyền thống vốn giới hạn trong sinh hoạt mang tính gia đình và niềm tin tôn giáo trong cộng đồng, đây là một thời điểm hết sức náo nhiệt, đặc biệt ở các quốc gia không có truyền thống Giáng sinh. Càng gần đêm Giáng sinh, khung cảnh sẽ càng nhộn nhịp: Cây thông Noel được trang trí ở nhiều khu vực công cộng; Âm nhạc Giáng sinh vang lừng khắp nơi; Các siêu thị tấp nập người mua sắm; Thanh niên náo nức đổ ra đường; Gia đình bạn hữu tụ họp tiệc tùng; Những “ông già Noel” bận rộn ngược xuôi và lũ trẻ háo hức đợi quà v.v.

Đêm giáng sinh. (Ảnh: Pixabay)

Giáng sinh nay đã không còn yên lặng.

Trong bối cảnh ấy, đã có người không sẵn lòng tin rằng Chúa Jesus được sinh ra vào một đêm yên lặng.

Theo Kinh Thánh Tân Ước, đó là thời điểm mà dân Do Thái khắp nơi đang tất tả tìm về nguyên quán để kê khai dân số, theo lệnh của Hoàng đế La Mã Augustus. Đức mẹ Maria, dù sắp đến kỳ khai hoa nở nhụy cũng cắn răng chịu đau để theo chồng là người thợ mộc Joseph vượt chặng đường chừng hơn 100km để trở về nguyên quán Bethlehem. Chặng đường gập ghềnh lên dốc xuống đèo ấy chắc hẳn là không yên bình với một sản phụ. Rồi khi đến Bethlehem, hai vợ chồng họ thấy thị trấn nhỏ đã chật ních những người là người và không tìm đâu ra một nơi nghỉ trọ. Họ buộc lòng phải trú tạm trong một chuồng gia súc. Bối cảnh chộn rộn, thời tiết lạnh giá, nơi trú ẩn tuềnh toàng và một sản phụ trẻ đang đau đẻ… là lý do khiến nhiều người ngày nay không tin rằng đó có thể là một “Silent Night” - đêm yên bình.

Đạo lý đơn giản như vậy, lẽ nào người xưa không nhìn ra? Chắc hẳn quan niệm này có một sự sai khác nào đó so với nhận thức truyền thống.

Ý nghĩa của sự tĩnh lặng với Cơ Đốc nhân trong Mùa Vọng

Đối với cộng đồng Cơ Đốc Nhân ngoan đạo thì Mùa Vọng - thời điểm bắt đầu từ trước Lễ Giáng sinh khoảng gần một tháng - là khoảng thời gian mà sự im lặng có ý nghĩa thiêng liêng. Sự im lặng này không chỉ là việc giảm thiểu lời nói hay các hoạt động ồn ào, mà còn là sự dọn dẹp tư tưởng và tâm hồn để đón chờ lời của Thiên Chúa, để trau dồi đức tin và hiệp nhất cùng với Thiên Chúa của họ.

Kinh Thánh bản Tiếng Việt 1925, phần Thi Thiên 46:10 viết: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.”

Trong cuốn “Đêm tối của linh hồn”, Thánh Gioan Thánh Giá (San Juan de la Cruz) coi việc im lặng này như một sự thanh tẩy, giống như việc linh hồn cởi bỏ những ràng buộc trần thế, được thanh lọc khỏi các đam mê, ham muốn ích kỷ.

Một Cơ Đốc Nhân nổi tiếng khác là Mẹ Teresa thì nói rằng: “Nếu bạn đối diện với Chúa trong sự cầu nguyện và im lặng, Chúa sẽ nói với bạn. Sau đó, bạn sẽ biết rằng bạn không là gì cả. Chỉ khi bạn nhận ra sự hư vô, trống rỗng của mình, thì Đức Chúa Trời mới có thể lấp đầy bạn bằng chính Ngài. Linh hồn cầu nguyện là linh hồn của sự tĩnh lặng cao cả.”

Lễ Giáng Sinh có phải chỉ để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giê-su?
Nếu bạn đối diện với Chúa trong sự cầu nguyện và im lặng, Chúa sẽ nói với bạn. (Ảnh: Tổng hợp)

Và để cho tâm hồn bình lặng, người ta cũng giảm bớt các hoạt động không cần thiết.

Ở các nước phương Tây theo truyền thống Cơ Đốc, cho đến sau buổi thánh lễ vào chiều ngày 24 tháng 12, ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng ngày 25 tháng 12, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.

Tại Đức, chiều ngày 24, và cả ngày 25, 26 tháng 12 là ngày nghỉ quốc gia có trả lương và không được phép mở cửa tiệm buôn bán (ngoại trừ tại nhà ga xe lửa hoặc sân bay). Chiều tối và đêm 24 tháng 12 là nằm trong danh sách luật "những ngày lễ yên lặng" (Stille Tage), có những luật cấm tùy theo các bang như cấm tổ chức khiêu vũ, cấm làm ồn, cấm tổ chức tất cả các sự kiện giải trí bên ngoài nhà...

Từ truyền thống ấy có thể thấy rằng, “yên lặng” ở đây không phải chỉ là sự vắng mặt tiếng ồn ngoại cảnh, mà còn là sự tĩnh lặng nội tâm, dẹp bỏ những ý nghĩ vẩn vơ lộn xộn. Trong sự tĩnh lặng đó, giáo dân mong đón nhận được Thần khí từ Thiên Chúa, từ Đức Chúa Jesus - con của Thiên Chúa, để hiệp thông cùng với các Ngài. Trong nội tâm tĩnh lặng, con người vươn lên để tới gần các Thần.

Vả lại, chính Kinh Thánh Tân Ước cũng kể rằng: Trong đêm Chúa hài đồng giáng sinh, một đạo thiên binh đã hiện ra chói lòa trước những mục tử đang chăn chiên ở Bethlehem để báo tin mừng, để những người này tới thăm Chúa hài đồng và tiếp tục đi rao truyền tin mừng về một vị Thánh giả mang sứ mệnh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên Trời
Bình an cõi thế cho người thiện tâm”
(Luca, 2 - 14)

Nếu xét từ góc độ ấy thì mới hiểu được ý nghĩa của sự tĩnh lặng và hiểu rằng dù hoàn cảnh ra đời của Chúa Jesus có khó nhọc ra sao, thì đối với người Cơ Đốc, đó vẫn là một thời điểm mang lại bình an và tĩnh lặng. Và cũng hiểu được lý do từ hơn hai trăm năm nay, các thính giả truyền thống của ca khúc “Silent Night” cho rằng Đêm Giáng sinh của Đức Chúa Jesus ắt phải là một đêm yên lặng, không cần bàn cãi.

Nếu vậy, văn hóa tu luyện phương Đông đã có cả một “kho” những kinh nghiệm về sự tĩnh lặng với nội hàm vô cùng phong phú và sâu sắc.

Sự tĩnh tâm - bí quyết của người tu luyện và các trí giả

Lão Tử từng nói: “Thục năng trọc dĩ trừng? Tĩnh chi từ thanh”, ý rằng nước đục mà muốn trong lại, thì chỉ có để yên cho tự lắng.

Tâm của con người cũng vậy, tâm động thì đục như nước vẩn, chẳng thể thấu tình đạt lý. Tâm phải phẳng như mặt nước trong, như mặt gương sáng mới có thể soi rọi vạn sự vạn vật, mới thấu rõ sự tình.

Tâm phải phẳng như mặt nước trong, như mặt gương sáng mới có thể soi rọi vạn sự vạn vật, mới thấu rõ sự tình.

Sách “Đạo Đức Kinh” của Đức Lão Tử cũng viết: “Tĩnh vi táo quân”, ý nói tĩnh chính là chủ thể chỉ huy sự vận động. Tĩnh có thể khống chế sự nóng nảy, manh động; lấy lý tính thay cho cảm tính. Người tâm tĩnh có thể làm chủ người tâm động.

Phật gia cũng có câu: “Tâm tĩnh thì huệ sinh”. Ở đây “huệ” là trí huệ sinh ra từ tu luyện, có được nhờ tĩnh tâm. Mà muốn tĩnh tâm, người ta phải biết buông bỏ, biết xả bỏ các tâm chấp trước, những ham muốn danh lợi, những trở ngại của cảm xúc tiêu cực v.v.

Danh thần triều Mãn Thanh là Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tâm tĩnh tắc thể sát tinh, khắc trị diệc tỉnh lực”, ý nói chỉ có người tĩnh tâm mới có thể quan sát được chỗ tinh vi của sự vật, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, đạt đến “sự bán công bội - làm ít công lớn”, tiết kiệm sức lực, thời gian.

Sự tĩnh tâm là điều kiện không thể thiếu, bí quyết thành tựu của các nhà khoa học nổi tiếng và các danh nhân văn hóa. Albert Einstein nói rằng: “Sự đơn điệu và đơn độc của cuộc sống tĩnh lặng kích thích trí óc sáng tạo.” Hoặc là: “Tôi nghĩ 99 lần và không tìm thấy gì. Tôi ngừng suy nghĩ, bơi trong im lặng, và sự thật đến với tôi.” Sự hiểu biết sâu sắc về Thuyết tương đối đã đến với ông trong những thời gian tĩnh lặng như thế. Còn William Shakespeare thì nói rằng: “Sự im lặng là báo hiệu hoàn hảo nhất của niềm vui”, khiếu văn chương của ông trở nên càng tinh tế trong thinh lặng.

Lợi ích của tĩnh tâm cũng là một chủ đề mà khoa học nghiên cứu.

Xác nhận của khoa học về lợi ích của sự tĩnh tâm

Khoa học đã thực hiện những nghiên cứu và chứng minh tác dụng của thiền định đối với não bộ và sức khỏe. Trong “Chuyên san của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ” xuất bản ngày 16 tháng 11 năm 2004, các nhà khoa học đã công bố kết luận nghiên cứu rằng, “tĩnh tọa” có thể tăng cường hoạt động của não, và ảnh hưởng đáng kể đến các vùng não chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc và hạnh phúc, khiến người ta có phản ứng nhanh nhạy hơn. Đây là một phương pháp tốt để điều tiết trạng thái thân thể về cả hai phương diện thân và tâm. Đây cũng là phép dưỡng sinh mà giới y học phương Đông và phương Tây đang nghiên cứu hiện nay.

Y học hiện đại phương Tây đã nhận ra tính chất đa tầng, đa diện của sức khỏe, và đã đề xuất rõ ràng một mô hình mới của y học hiện đại: Mô hình Sinh học – Tâm lý – Xã hội – Tinh thần. Khi tâm hồn của một người khỏe mạnh thì tâm lý và hành vi xã hội của người ấy ắt sẽ lành mạnh, và sức khỏe thể chất của anh ta là một kết quả tất yếu. Trên thực tế, y học cổ truyền phương Đông và các phương pháp tu luyện chân chính không chỉ bao gồm mô hình này, mà còn cung cấp một bộ đầy đủ các phương pháp khả thi.

Một kết quả thí nghiệm khoa học cho thấy rằng, sau khi một học viên Pháp Luân Công thiền định trong một giờ, năng lượng sinh học giữa các ngón tay được tăng cường đáng kể, và sự tuần hoàn năng lượng của khí huyết được cải thiện. Bởi vì mười ngón tay thông với kinh lạc và huyệt đạo của toàn thân, do đó thí nghiệm này cho thấy luyện công có tác dụng thần kỳ đả thông kinh mạch toàn thân, khôi phục và tăng cường nguyên khí của sinh mệnh.

Năng lượng ngón tay của học viên PLC sau thiền định 1 giờ (nguồn: Minh Huệ Net)

Thế giới càng ồn ào, cá nhân càng phải tĩnh lặng

Đã hơn 2000 năm qua đi kể từ đêm giáng thế của Đức Chúa hài đồng, con người hiện đại nhìn nhận, lý giải về văn hóa truyền thống, tín ngưỡng đã rất khác với người xưa. Trong một thế giới có quá ít khoảng yên tĩnh thì Giáng sinh cũng trở nên ồn ào hơn, và có ít Thần tính hơn; Thế giới cũng trở nên bất ổn hơn, cuộc sống cá nhân mất kiểm soát hơn vì nhân tâm thiếu đi phần tĩnh lặng và lòng tin vào Thần có phần phai nhạt.

Cuộc sống hiện đại khiến tư tưởng con người luôn bận rộn, những suy nghĩ vẩn vơ gây hại cho sự tập trung, hạn chế trí lực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tâm động còn khiến con người có những suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến hành động tiêu cực, gây họa cho mình, gây hại cho người.

Thậm chí có người động tâm đến mức còn viết sách rằng Chúa Jesus chỉ là một nhân vật thần thoại, không có thực.

Chắc hẳn chúng ta sẽ cho là kỳ quặc nếu có người nhiệt tình tham gia tiệc sinh nhật của người khác nhưng lại không biết chủ nhân của tiệc sinh nhật ấy là ai? Ngày sinh ấy có ý nghĩa gì? Đó là tình huống của không ít người với Đức Chúa Jesus và Lễ Giáng sinh. Hơn 2000 năm trước, Đức Chúa hài đồng đến với nhân loại như một người vô danh. Đáng buồn là ngày nay với một số người, Ngài là một nhân vật “hữu danh” mà “vô thực”.

Vì thế, Giáng sinh càng là một dịp chúng ta để lòng mình lắng lại, để nhớ về Đức Chúa Jesus và không chỉ có Ngài, mà cả những Thánh nhân, Giác Giả khác đã hạ thế để đặt định văn hóa; để dạy dỗ nhân loại về sự lương thiện, về tình yêu thương con người, về lòng chân thật và bao dung; để giúp văn minh nhân loại có thể đi đến bước này.

Chúng ta cũng nhớ về những sứ đồ tha thiết đi rao truyền sự thật, giúp con người phục hồi lòng tin vào Thần Phật, vào truyền thống, để kết nối với quá khứ xa xưa, lắng nghe tiếng gọi thiêng liêng của sự “phản bổn quy chân”… bất chấp những tai họa rình rập, thậm chí phải trả giá bằng cả sinh mạng.

Thế giới càng ồn ào, cá nhân lại càng phải tĩnh lặng, giống như trong một “đêm yên lặng” khi Chúa Jesus ra đời.

[embed][/embed]

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

“Đêm yên lặng” có yên lặng thật không? - Chuyện về một ca khúc Giáng sinh bất hủ