Dùng Chân hỏa Tam muội tự hóa - Quan chức và dân địa phương đến bái lạy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói xong Hư Vân Pháp sư rung nhẹ chiếc chuông khánh, chỉ sau ba tiếng chuông, toàn thân tro bụi của hòa thượng Cụ Hành đổ sập xuống.

Vào một đêm năm 1924, trong chùa Chúc Thánh trên núi Kê Túc, thuộc huyện Tân Xuyên, châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đột nhiên bừng lên ánh lửa thắp sáng cả bầu trời.

Dân làng gần đó hét lên: “Không ổn, không ổn rồi, chùa Chúc Thánh cháy rồi, mau đi cứu hòa thượng Hư Vân”.

Dân làng vừa hô hào, người xách thùng nước, người bê thau chậu chạy lên chùa cứu hỏa. Nhưng khi họ tới nơi, phát hiện trong chùa không một bóng người, không thấy một vị hòa thượng nào, ánh lửa cũng đã biến mất. Họ không thấy dấu vết của đám cháy. Mọi người cảm thấy rất kỳ lạ, hoảng sợ la lên: “Hòa thượng Hư Vân, ngài ở đâu?”.

Liệu dân làng có tìm thấy hòa thượng Hư Vân và ngọn lửa không? Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Câu chuyện này cần bắt đầu từ một anh thanh niên ngốc nghếch đến từ vùng thôn quê.

Cậu thanh niên chân quê

Vào năm Quang Tự thứ 33 đời nhà Thanh (năm 1907), có một chàng trai chân quê chất phác, mặc bộ quần áo thô sơ rách nát, đến chùa Chúc Thánh trên núi Kê Túc. Anh ngơ ngơ ngây ngây đi vào chùa, nhưng bị trụ trì Thánh Không Pháp sư ngăn lại.

Vị trụ trì già hỏi, thí chủ từ đâu đến, có chuyện gì vậy? Chàng trai trẻ chắp tay hợp thập sư trụ trì và nói: “Thưa thầy, con… con là người huyện Diêm Nguyên, tỉnh Vân Nam. Năm nay con 20 tuổi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Người nhà cho con đi ở rể tại nhà họ Tăng ở huyện Tân Xuyên, từ đó con đổi sang họ Tăng. Chẳng ngờ năm nay Tân Xuyên lũ lụt, mùa màng thất bát. Nhà con vốn đã bần khổ, lại có hai cậu con trai, con thực sự không thể nuôi nổi gia đình, nên rất sầu não. Con nghe nói lão hòa thượng Hư Vân đang xây dựng chùa Chúc Thánh ở núi Kê Túc, con không có gì ngoài sức lực, nên tới đây xin lão hòa thượng thu nhận con ở lại làm công, kiếm chút tiền nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Ngài chính là Hư Vân Pháp sư sao, con xin khấu đầu lạy ngài”.

Cậu thanh niên vừa dứt lời liền bái lạy vị hòa thượng. Trụ trì nghe anh nói vậy liền động lòng trắc ẩn, mau chóng đỡ anh dậy rồi nói: “Bần tăng là Thánh Không, không phải là Hư Vân Pháp sư. Nếu thí chủ không chê tiền công của nhà chùa ít ỏi, vậy hãy sống và làm việc trong ngôi chùa này. Hòa thượng Hư Vân lòng đầy từ bi, việc nhỏ này không cần đích thân đi gặp ngài ấy đâu. Ta đồng ý rồi, thí chủ cứ ở lại đây”.

“Đa tạ thầy” - anh thanh niên vừa nói vừa quỳ sụp xuống đất.

“Mau đứng dậy đi, thí chủ tên gì?” - trụ trì hỏi.

“Người nhà đều gọi con là Tiện”.

“Tiện à, từ giờ con hãy sống ở phòng chứa củi ở phía sau kia”.

Từ đó, Tiện sống trong phòng đựng củi, anh vô cùng chăm chỉ, ngày ngày tự giác dậy sớm không cần ai đánh thức. Mỗi ngày, trời còn chưa tỏ đã thấy anh đi khai hoang trồng trọt, liền một mạch một, hai canh giờ (1 canh giờ bằng 2 tiếng đồng hồ). Khi trời vừa sáng, anh lại tất bật gánh đất, khiêng đá xây chùa. Tiện làm những công việc nặng nhọc và vất vả nhất, cứ như vậy không ngừng nghỉ từ sáng đến tối. Giờ ăn cơm coi như là giờ nghỉ ngơi, anh chẳng nói chẳng rằng. Người khác bắt chuyện với Tiện, anh coi như không nghe thấy gì, không bao giờ tán dóc với mọi người.

Đồ điếc, đồ câm, người khác đều gọi anh như vậy. Nhưng Tiện không cảm thấy bị sỉ nhục. Trong mắt người khác, Tiện là một tên quê mùa ngờ nghệch, đần độn ngốc nghếch, vừa câm vừa điếc.

Gia đình vợ con lên chùa tá túc

Tiện đã làm việc ở chùa được hơn một tháng. Một hôm, vợ anh đưa hai con đến tìm, còn có cả em vợ, các cháu bên nhà mẹ vợ, 7-8 con người chen chúc trong phòng chứa củi.

Hòa thượng Thánh Không nghe tin liền tới tìm Tiện nói: “Tiện à, ta thu nhận con làm công, sao con lại mang cả vợ con lên chùa thế này. Đây là nhà chùa, không thể cho phụ nữ ở lại”.

Tiện trả lời: “Con không muốn họ đến, nhưng địa chủ đến thu hồi đất, rồi đuổi cả nhà ra ngoài, họ chẳng còn nơi nào để đi”.

Trong lúc trụ trì Thánh Không tiến thoái lưỡng nan, thì hòa thượng Hư Vân đã đứng ở cửa phòng từ lúc nào. Ông nói: “Thánh Không Pháp sư, cả nhà họ vô gia cư, lại vừa nghèo vừa khổ, chúng ta cứ để họ sống trong bổn tự đi”.

Hòa thượng Thánh Không vội đáp: “Sư phụ, sao nhà chùa lại có thể thu nhận phụ nữ được?”.

Hư Vân Pháp sư nói: “Đây là một tình huống khác, chúng ta đang thu nhận những người tị nạn, con cho họ dựng một túp lều sống ở ngọn núi phía sau tự viện là được rồi, cứ để cả nhà họ làm công ở đây”.

Cả nhà tám người đều vô cùng cảm kích, không ngừng cúi đầu cảm tạ. Ai ai cũng biết ơn sâu sắc nên đều làm việc vô cùng chăm chỉ. Họ khai khẩn vùng đất phía sau núi thành từng ruộng từng ruộng và trồng rất nhiều loại rau củ quả để cung ứng cho nhà chùa, còn quét dọn chùa chiền sạch sẽ không một hạt bụi. Tiện sống ở ngôi nhà lá và không sống chung cùng vợ.

Hòa thượng Hư Vân. (Phạm vi công cộng)

Nhất tâm niệm Phật, cả nhà tám người xuất gia

Chớp mắt đã hai năm trôi qua. Nhân lúc hòa thượng Hư Vân đi tuần sát vùng núi, Tiện liền quỳ xuống không ngừng dập đầu. Hư Vân Pháp sư nói: “Tiện à, con có gì muốn nói?”.

Tiện trả lời: “Thưa sư phụ, xin ngài hãy dạy con niệm Phật. Con ngốc thế này, một chữ bẻ đôi cũng chẳng biết, không biết niệm Phật”.

“Con niệm Phật làm gì?”.

Tiện đáp: “Đời này con ngu ngốc xấu xí như vậy, chắc hẳn là đời trước đã tạo nghiệp chướng gì nên không thể tu hành. Cho nên con muốn đời này học Phật tu đạo, thoát kiếp trầm luân”.

Lão hòa thượng lại hỏi: “Con muốn tu thế nào?”.

Tiện liền thưa: “Con không biết chữ, lại ngốc nghếch, con làm sao biết tu thế nào ạ. Con thường nghe Sư phụ giảng kinh nhưng không hiểu. Nhưng con nghe ngài nói, chỉ cần nhất tâm bất loạn, cần mẫn niệm Phật hiệu, cũng có thể vãng sinh về Tây phương. Sư phụ, vậy xin ngài dạy con cách niệm Phật hiệu”.

Hòa thượng Hư Vân nói: “Ngu ngốc mới là tốt! Con sẽ không bị cái thông minh kia làm cho lầm lỡ! Tiện à, con một lòng chuyên tâm, quả là đáng quý, ta sẽ dạy con niệm Phật hiệu”.

“Con vốn là đứa ngu ngốc, học đến mấy cũng không thành thông minh được” - Tiện trả lời.

Từ đó, Tiện nhất tâm niệm Phật, ngày đêm không quản. Bất kể là cuốc đất, trồng rau, chuyển gạch, khiêng đá, anh đều niệm Phật hiệu. Không lâu sau, cả gia đình 8 người họ một lòng xin hòa thượng Hư Vân cho cạo đầu xuất gia tu hành.

Xuất gia tức là không còn nhà

Hòa thượng Hư Vân ban pháp danh “Cụ Hành” cho Tiện, từ đó anh trở thành hòa thượng Cụ Hành. Mỗi ngày, hòa thượng Cụ Hành đều như xưa, chủ động chăm chỉ làm việc, trồng rau, bón ruộng, gánh phân, gánh đất, quét dọn, v.v. Đến năm Dân Quốc thứ tư (năm 1915), dường như tai ông ngày càng nghễnh ngãng hơn, tính cách cũng ngày một trầm mặc hơn. Cho dù làm bất kể việc gì, mọi thời khắc ông đều đang niệm Phật trong tâm, ai gọi ông cũng không nghe thấy.

Hôm đó, hòa thượng Hư Vân gọi Cụ Hành đến nói: “Cụ Hành, con đã khổ tu 4 năm, cảnh giới rất khá. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe còn quá ít, giờ con nên xuống núi ra ngoài tham học. Con hãy tới những nơi tu Phật tu Đạo trên các ngọn núi nổi tiếng trong thiên hạ. Sau này, nếu con nguyện ý quay về đây thì hãy trở về. Nếu như có cơ duyên tốt, cũng có thể tùy duyên mà hành”.

Đến năm Dân Quốc thứ chín (năm 1920), hòa thượng Hư Vân bắt đầu xây dựng lại chùa Vân Tê, hòa thượng Cụ Hành cũng đột nhiên quay trở về. Ông hành lễ trước mặt hòa thượng Hư Vân và nói: “Sư phụ, con trở về rồi”.

Hư Vân Pháp sư vô cùng kinh ngạc, vui mừng hỏi: “Chuyến này con ra ngoài tham thiền học đạo, đã tới những danh sơn nào, sao đã trở về rồi?”.

Cụ Hành trả lời: “Các danh sơn trong thiên hạ, con hầu như đã lui tới. Đệ tử thấy rằng, ở đâu cũng vậy cả. Con nghe người ta nói, Sư phụ đang ở đây để xây dựng chùa Hoa Đình. Con biết Sư phụ thiếu nhân lực nên con liền trở về”.

Hòa thượng Hư Vân nói: “Con trở về là tốt, con định quay về sẽ làm gì?”.

Cụ Hành đáp: “Sư phụ, ngài xem con vừa ngu vừa ngốc, lại không biết chữ. Con có thể làm nên việc lớn gì ngoài việc hầu hạ thầy, làm những việc nặng nhọc người ta không muốn làm hoặc làm không nổi”.

Hư Vân Pháp sư lại hỏi: “Lần này trở về, con đã đi thăm gia đình chưa?”.

Cụ Hành lắc đầu thưa: “Con không đi. Đã là người xuất gia tu hành rồi, xuất gia tức là không còn nhà. Còn gì phải lưu luyến. Gặp nhau cũng không tiện. Không đi, không đi”.

Một câu đủ thành tựu

Cụ Hành giúp hòa thượng Hư Vân xây chùa Hoa Đình, hết thảy công việc nhọc nhằn nhất ông đều chủ động nhận hết, không có phút nào ngơi tay, cũng chẳng có phút nào ngừng niệm Phật trong tâm. Khi xây tháp Hải Hội, lúc Cụ Hành đang dùng đá xây tường thì thấy lão hòa thượng Hư Vân đi tới. Ông đột nhiên nói hồn nhiên như đứa trẻ: “Sư phụ, sau này tháp Hải Hội xây xong, con đến trông coi tháp, thầy thấy có được không?”.

Hòa thượng Hư Vân nhìn Cụ Hành mà chẳng nói gì. Ông biết, câu nói này của Cụ Hành nghe có vẻ rất ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực là lời sấm ngữ.

“Được không ạ? Được không Sư phụ?” - Cụ Hành tiếp tục hỏi dồn.

Hư Vân Pháp sư xúc động tới mức lệ rưng khóe mắt, ông hiền từ gật đầu nói: “Được”.

“Cảm tạ Sư phụ!” - nói xong hòa thượng Cụ Hành lại chuyên tâm làm việc.

Đến ngày Xuân giới trên chùa Chúc Thánh, lão hòa thượng Hư Vân đặc biệt chỉ định hòa thượng Cụ Hành đảm nhiệm vị trí “tôn chứng”, tức là người chứng nhận cho các tỳ kheo đã thọ giới đầy đủ, để Cụ Hành khai thị cho các đệ tử thọ giới. Cụ Hành nói: “Con xuất gia giữa đường, lại không biết chữ, chỉ biết nhất tâm niệm Phật!”.

Hư Vân sư phụ gật đầu nói: “Nhất tâm niệm Phật, nếu ai cũng giống Cụ Hành tinh tấn không buông lơi, một câu cũng đủ thành tựu rồi. Nếu như tự cao, cho mình thông minh, tạp niệm ngổn ngang, cho dù có niệm vạn cuốn kinh thì cũng chẳng có tác dụng gì”.

Hòa thượng Cụ Hành biến mất

Vào một đêm, hòa thượng Cụ Hành đến gặp Hư Vân Pháp sư thưa chuyện: “Thưa Sư phụ, đệ tử phải đi rồi, con đến khấu đầu từ biệt ngài”.

Nói xong, Cụ Hành liền phủ phục dưới đất. Lão hòa thượng nói: “Đệ tử tốt, con cần làm gì thì cứ làm đi. Thân là sư phụ, ta sẽ ở đây niệm kinh trợ giúp con”.

Sau khi bái biệt sư phụ, hòa thượng Cụ Hành đi thẳng về phía hậu viện. Khi pháp sư giám viện (người đứng đầu chúng tăng) đi kiểm tra các phòng, phát hiện hòa thượng Cụ Hành không có ở đó, liền hỏi các vị tăng lữ: “Có ai trông thấy Cụ Hành không? Lẽ nào hôm nay ngài ấy xuống núi? Mọi người mau đi tìm xem”.

Tìm khắp cả chùa cũng không thấy bóng dáng hòa thượng Cụ Hành. Có một vị tăng nói: “Lẽ nào đêm nay ngài ấy lén xuống núi, bỏ tu hoàn tục về gặp vợ rồi?”.

Một vị khác nói: “Đừng ăn nói hàm hồ, Cụ Hành không phải là người như vậy. Ngài ấy mà muốn đào ngũ thì sao mấy năm nay lại quay về làm việc vất vả như vậy. Ngài ấy vân du bên ngoài, nếu muốn hoàn tục còn phải đợi tới hôm nay sao?”.

“Phải đó” - các vị tăng khác nói theo: “chúng ta không được nói xấu sau lưng hòa thượng Cụ Hành. Thật có lỗi, có lỗi”.

Pháp sư giám viện nói: “Đừng nói nữa, mau đi tìm thôi”.

Mọi người vừa hô lớn gọi tên hòa thượng Cụ Hành, vừa đi tới vườn rau ở hậu viện. Đột nhiên trông thấy một luồng sáng rất mạnh phát ra từ hậu viện, vô cùng chói mắt, chiếu sáng cả một vùng, và xông thẳng lên trời. Các thôn dân sống gần chùa cũng nhìn thấy luồng sáng này, họ đều tưởng rằng chùa Chúc Thánh có hỏa hoạn, vậy nên mới xuất hiện cảnh dân làng cứu hỏa như nói ở trên.

Hòa thượng Cụ Hành. (Chụp video)

Thần tích làm kinh động thế nhân, hoằng dương Phật Pháp

Chúng tăng và thôn dân cầm đuốc đi tới khu phơi khô ngoài bãi trồng rau.

“Hả, Cụ Hành Pháp sư?” - hòa thượng Tu Viên kêu lên: “Hóa ra ngài ngồi đây đả tọa tham thiền, làm chúng tôi tìm kiếm khắp nơi”.

Mọi người đều thấy hòa thượng Cụ Hành đang ngồi xếp bằng, hai tay hợp thập, vô cùng nghiêm trang, sừng sững bất động, hai mắt nhắm hờ, nét mặt hiền hòa. Dường như ngài không nhìn thấy, cũng không hay biết có người xung quanh.

“Cụ Hành!” - hòa thượng Tu Viên vừa định tiến tới lay động thì lão hòa thượng Hư Vân xuất hiện hô lên: “Chớ động! Không được chạm vào Cụ Hành, mọi người hãy giãn ra một chút!”.

Một mình Hư Vân Pháp sư tiến đến quan sát kỹ lưỡng hòa thượng Cụ Hành. Dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, chỉ thấy mõ gỗ và dùi gỗ của họa thượng Cụ Hành đã hóa thành tro, cán chiếc chuông khánh cũng biến thành than. Nhưng toàn thân và áo cà sa lại không biến đổi gì. Ngay cả đôi giày, đệm cói cũng đã biến thành tro.

Hư Vân Pháp sư quỳ xuống hợp thập nói: “Chúc mừng Cụ Hành, con đã đột phá chấp chước, hiển thân “thụy tượng” (hình tượng may mắn, điềm lành viên mãn) cho thế nhân thấy, xin nhận ba vái của Hư Vân. Xin hãy bảo trì hình trạng thêm một ngày, để người làm thầy này mời đô đốc và nhân sĩ các giới trong xã hội tới chiêm ngưỡng thụy tượng của con, để phóng viên ghi hình, lưu lại hình ảnh này truyền rộng tới thế nhân, hoằng dương Phật Pháp”.

Hư Vân Pháp sư thân là sư phụ, nhưng lại hành lễ trước đệ tử Cụ Hành, chúng tăng và dân làng thấy vậy cũng đồng loạt khấu bái hòa thượng Cụ Hành.

Ngày hôm sau, các quan chức tỉnh Vân Nam, gồm Đô đốc Đường Kế Nghiêu (Tang Jiyao), Sở trưởng sở Tài chính Vương Trúc Thôn (Wang Zhucun), Cục trưởng cục Thủy lợi Trương Chuyết Tiên (Zhang Zhuoxian), đã vội đến sau khi nghe tin. Phóng viên ảnh của tờ Vân Nam Chính báo cũng có mặt, còn có những người có địa vị trong xã hội, các tín đồ Phật giáo ở Côn Minh. Hàng vạn người đã lên núi để chiêm ngưỡng và bái lạy.

Tờ Vân Nam Chính báo đã đưa tin kèm hình ảnh viên tịch của hòa thượng Cụ Hành lên trang nhất, làm chấn động cả tỉnh Vân Nam. Người người đều cảm thán: “Ai dám nói không có Phật Pháp? Xem đi, Cụ Hành Pháp sư không phải là chứng cứ tốt nhất về Phật Pháp sao?”.

“Thật là kỳ lạ!” - Đô đốc Vân Nam Đường Kế Nghiêu nói: “nếu như nói Cụ Hành Pháp sư đốt rơm tự thiêu, sao có thể thiêu toàn thân thành tro mà lại không tan biến, lại vẫn có thể giữ nguyên hình trạng? Sao áo cà sa lại không bị thiêu mất? Rõ ràng đây không phải do lửa thường thiêu đốt”.

Hòa thượng Hư Vân giải thích: “Cụ Hành Pháp sư là do tam muội chân hỏa trong tâm phát ra mà tự thân thiêu đốt, nên mới hiện ra kỳ tích thụy tượng này!”.

Ông lấy chiếc chuông khánh trong tay hòa thượng Cụ Hành và nói: “Cụ Hành, hãy để chúng ta đưa con vào tháp Hải Hội”.

Nói xong Hư Vân Pháp sư rung nhẹ chiếc chuông khánh, chỉ sau ba tiếng chuông, toàn thân tro bụi của hòa thượng Cụ Hành đổ sập xuống.

Lão hòa thượng Hư Vân từng làm thơ tưởng nhớ hòa thượng Cụ Hành. Trích đoạn như sau:

Nhân đương mạt kiếp đa duyên lụy
Quân chí lâm chung nhất hỏa hoàn;
Thương tâm lão lệ huy vô tận
Nhất khánh lưu âm thị diệu duyên

Tạm dịch:

Người thời mạt kiếp lắm phiền lòng
Lâm chung một ngọn lửa là xong;
Đau lòng lệ nhỏ lau khôn xiết
Một tiếng khánh vang hiển kỳ duyên

Khi dẫn dắt những người tu hành, lão hòa thượng Hư Vân luôn lấy những tấm gương nhân đức cổ xưa để răn dạy, và rất ít khi lấy đệ tử của mình làm ví dụ. Nhưng trong bài thơ này, ông đã lấy hình ảnh Đức Khổng Tử thương tiếc học trò Nhan Hồi để nói lên nỗi bi thương trong lòng. Đủ để thấy lão hòa thượng Hư Vân tán thưởng và trân quý hòa thượng Cụ Hành đến nhường nào.

Nam Phương
Theo China History Culture



BÀI CHỌN LỌC

Dùng Chân hỏa Tam muội tự hóa - Quan chức và dân địa phương đến bái lạy