Khổng Tử luận về Đạo của ẩm thực, tế lễ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu cổ ngữ rằng “dân dĩ thực vi thiên”. Câu đó xuất xứ từ “Sử ký - Lịch Sinh, Lục Giả liệt truyện”: "Vương giả dĩ dân nhân vi thiên, nhi dân nhân dĩ thực vi thiên.", nghĩa là: vị vua hoàn thành đại nghiệp thống nhất lấy người dân làm Trời, mà người dân thì lại lấy lương thực làm Trời.

“Văn Tử - Thượng nhân” có câu: "Ăn là cơ bản của con người, dân là cơ bản của quốc gia", cũng chính là lý đó.

“Hồng phạm Bát chính” có 8 mục về chính sự, thì mục thứ nhất là “Thực”.

“Ban đầu của lễ, khởi đầu từ ẩm thực”

Theo”Lễ ký - Lễ vận”, Khổng Tử nói: "Phù lễ chi sơ, thủy chư ẩm thực”, nghĩa là: “Ban đầu của lễ, khởi từ ẩm thực”.

Sự xuất hiện của lễ lạt thời thượng cổ, là bắt đầu từ ẩm thực, khi đó mọi người rang nướng ngũ cốc, thịt heo ở trên khối đá đun nóng, đào hố đất chôn bình rượu, lấy tay bưng rượu mà uống, dùng đất để làm trống và dùi trống - dùng phương thức sinh hoạt như thế để biểu thị kính ý đối với quỷ Thần. Đó là nghi thức tế lễ nguyên thủy nhất, cũng nói lên rằng đạo ẩm thực và việc tế tự là có liên hệ với nhau.

Trong “Luận ngữ - Hương đảng” có ghi chép: "Tề tất biến thực, cư tất thiên tọa." Chữ "Tề" cũng có khi dùng như chữ "Trai", nói rằng vào thời gian tế tự, cần phải trai giới, phải thay đổi thói quen ẩm thực thường ngày, việc ăn ở trong nhà cũng phải chọn chỗ, không cùng phòng với thê thiếp.

Bởi vì tế tự là một việc trọng đại, nên có yêu cầu đối với ẩm thực: “Lương thực giã kỹ thì tốt, cá thịt cắt nhỏ thì tốt. Lương thực đã cũ và biến vị, cá và thịt ôi thiu, thì đều không ăn. Thực phẩm màu sắc biến xấu, không ăn. Mùi biến xấu, không ăn. Nấu nướng không vừa lửa, không ăn. Đồ trái mùa, không ăn. Thịt thái không vuông vắn, không ăn. Gia vị không thích đáng, không ăn. Dẫu thịt có nhiều, nhưng không ăn hơn lượng cơm. Rượu không có hạn chế, nhưng không uống say. Thịt khô và rượu mua ở ngoài chợ, không ăn. Mỗi bữa phải có gừng, nhưng cũng không ăn nhiều.”

Đồng thời, Khổng Tử khi tham gia tế lễ của quốc quân mà được chia thịt, thì không để sang hôm sau. Thịt tế tự đã nấu nướng sử dụng thì không để quá ba ngày, quá ba ngày thì sẽ không ăn nữa.

Khổng Tử hội tụ những đỉnh cao của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, ông cho rằng Chu Lễ đối với tín ngưỡng Thần và Thiên mới có thể giúp con người tìm lại cái gốc của làm người (Ảnh: Wikipedia)
Khổng Tử hội tụ những đỉnh cao của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, ông cho rằng Chu Lễ đối với tín ngưỡng Thần và Thiên mới có thể giúp con người tìm lại cái gốc của làm người (Ảnh: Wikipedia)

“Khổng Tử gia ngữ - Tại ách” ghi chép, khi Khổng Tử bị nạn ở đất Trần, Thái. Nhan Hồi, Trọng Do nấu cơm ở trong một gian phòng đất, Tử Cống từ xa trông thấy Nhan Hồi ăn cơm trong nồi, rất không cao hứng, cho rằng Nhan Hồi đang ăn vụng. Khổng Tử gọi Nhan Hồi đến, nói: "Mấy hôm trước ta mộng thấy tổ tiên, đây chẳng phải là tổ tiên dẫn dắt phù hộ chúng ta sao? Con nấu cơm xong nhanh bưng lên, ta muốn vào cúng cho tổ tiên."

Nhan Hồi nói: "Vừa có bụi bẩn rơi vào trong cơm, nếu để lại trong cơm thì tất không thanh tịnh; giả như bỏ đi, lại rất uổng. Con ăn cơm này rồi, cơm này không thể dùng để tế tổ."

Khổng Tử nói: "Nói vậy rồi thì ta cũng ăn luôn thôi."

Câu chuyện này nói lên rằng quân tử đối với chuyện ăn uống cá nhân thì không tính toán, đúng là "Ăn uống thì cơm niêu nước lọ, ở thì hang cùng ngõ hẻm, người ta không chịu được nỗi buồn phiền ấy, chỉ có Nhan Hồi là không thay đổi niềm vui của mình." Thế nhưng đối với việc tế tự thì ắt phải chính tâm thành ý, hết sức lễ nghi.

Trong “Luận ngữ - Tần bá”, Khổng Tử nói: "Đối với vua Vũ, ta không có gì để mà bắt bẻ. Việc ẩm thực của ông rất đơn giản mà lại dốc lòng hiếu kính quỷ Thần; ông bình thường mặc y phục rất đơn giản, mà lúc tế tự thì hết sức ăn mặc đẹp đẽ, cung thất của ông thì rất lụp xụp, mà tận lực sửa sang công việc thủy lợi. Đối với vua Vũ, ta quả thực không có gì để bắt bẻ cả".

"Đạo của việc tế tự"

“Lễ ký - Tế thống” nói: "Ngoại tắc tẫn vật, nội tắc tẫn chí, thử tế chi tâm dã." - chỉ cần là thứ sinh ra dưới trời, lớn lên trên đất, chỉ cần là có thể dùng để hiến dâng lên thì không giới hạn, điều đó biểu thị vật phẩm tế lễ cực kỳ phong phú. Bên ngoài thì yêu cầu vật phẩm tế lễ cực kỳ phong phú, nội tâm thì cực kỳ thành kính, dốc hết tâm chí, như vậy mới được tính là dụng tâm tế tự.

Cho nên, thiên tử mới phải đích thân canh tác ở khu đất phía Nam, để cung cấp vật phẩm tế lễ; vương hậu tự mình nuôi tằm ở khu đất phía Bắc, để cung cấp y phục tế lễ; chư hầu đích thân canh tác ở khu đất phía Đông, cũng là để mà cung cấp tế phẩm; phu nhân của họ cũng tự mình nuôi tằm ở khu đất phía Bắc, cũng để cung cấp y phục tế lễ. Đó là để biểu đạt sự thành tín của bản thân, có thành tín mới được tính là tận tâm, đây là "Đạo của việc tế tự" .

Đến thời gian sắp sửa cử hành tế tự, quân tử sẽ phải trai giới. Quân tử không phải vì đại sự tế tự, tại trường hợp không yêu cầu cung kính, thì không trai giới. Không trai giới mà làm việc thì sẽ không kiêng dè, thèm muốn cũng không hạn chế. Nhưng đến khi trai giới, chuyện cấm kỵ thì không thể làm, thèm muốn là phải hạn chế lại, tai không nghe nhạc. Cho nên trong cổ thư có nói: "Người trai giới không cử nhạc." Chính là nói rằng thời gian trai giới không được phân tán tư tưởng. Trong lòng không tạp niệm, tự nhiên sẽ hợp với chính đạo; tay chân không loạn động, tự nhiên sẽ hợp với quy củ.

Vì thế sự trai giới của quân tử, mục đích là để đạt được thân tâm thuần khiết. Với mục đích như vậy, cho nên đầu tiên phải thực hiện 7 ngày “tán trai” (không đánh xe, không nghe nhạc, không điếu tang) để ổn định giữ gìn tâm chí, sau đó lại thực hiện 3 ngày “chí trai”. Ổn định tâm chí gọi là trai giới. Trai giới là thân tâm thuần khiết cao độ, sau đó mới có thể giao tiếp với Thần minh.

Trai giới là thân tâm thuần khiết cao độ, sau đó mới có thể giao tiếp với Thần minh. (Tranh Zhiqing)

Tế tự vào bốn mùa cũng không giống nhau: Tế mùa xuân tế gọi là Cấu, tế mùa hạ gọi là Đế, tế mùa thu gọi là Thường, tế mùa đông gọi là Tất. Tế tự là một việc trọng đại, đồ cúng tế cũng phải hoàn bị. "Không có lễ nào lớn bằng sự tôn kính", tấm lòng hiếu thuận thêm lên tế phẩm hoàn bị, ấy chính là lời dạy căn bản. Người xưa cho rằng tế tự có 10 ý nghĩa: Một là thể hiện đạo phụng sự quỷ Thần. Hai là thể hiện nghĩa quân thần. Ba là thể hiện quan hệ cha con. Bốn là thể hiện tôn ti giữa quý và tiện. Năm là thể hiện trật tự thân sơ. Sáu là thể hiện thi hành ban tước ban thưởng. Bảy là thể hiện tôn ti vợ chồng. Tám là thể hiện chính sự công bình. Chín là thể hiện trật tự già trẻ. Mười là thể hiện quan hệ trên dưới.

"Dùng lễ nghĩa làm kỷ cương"

Vì sao người xưa coi trọng lễ nghi tế tự như vậy?

“Lễ ký - Lễ vận” ghi chép, Khổng Tử từng làm khách tham dự tế chạp, tế xong, Khổng Tử đi tản bộ bên trên đài cao ngoài cửa cung, bùi ngùi thở dài. Khổng Tử cảm thán, cảm thán vua Lỗ thất lễ, thi hành đại đạo không được. Bởi vì chỉ có thiên tử mới có thể tế Trời Đất, chư hầu chỉ có thể tế tự Thần Đất và Thần Ngũ Cốc của nội bộ nước đó. Khổng Tử cho rằng nước Lỗ cử hành lễ tế Trời Đất của thiên tử, không hợp quy định của lễ, Lỗ là nước do Chu công phong, điều này nói lên rằng Chu lễ thực sự đã suy bại rồi.

Khổng Tử cho rằng, "Đại đạo được thi hành, thiên hạ là của mọi người", chọn người có đạo đức năng lực, nói và làm điều tín nghĩa hòa mục. "Người ta không chỉ lo cho cha mẹ, con cái của mình", mọi người không vứt bỏ tài vật phí phạm trên đất, nhưng cũng không cần tàng trữ bỏ túi riêng; sợ thân mình không có sức lực, nhưng cũng không phải vì dùng cho bản thân. Không phát triển việc lục đục tranh chấp, không làm việc trộm cướp giặc giã, là buổi thịnh trị đại đồng đi ngủ không phải khóa cửa.

"Đại đạo bị che lấp, thiên hạ là của nhà mình, ai nấy vun vén cho cha mẹ, con cái của bản thân", sợ không sở hữu tài vật, sợ bản thân mình không có sức khỏe. Đắp thêm thành, đào thêm hào để phòng thủ.

"Dùng lễ nghĩa làm kỷ cương", dùng lễ nghĩa làm phép tắc căn bản, dùng để quy phạm quân thần, để cha con gần gũi, để anh em hòa mục, để vợ chồng hài hòa…

Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, Vũ Vương, Thành Vương, Chu Công - sáu vị quân tử này, không ai là không cẩn thận với lễ, dùng lễ để biểu dương chính nghĩa, kiểm tra sự thành tín, chỉ rõ sai lầm, noi theo nhân ái, coi trọng khiêm nhường, hướng cho hết thảy trong dân chúng đều có quy luật để tuân theo.

Hạ Vũ - vị quân tử cẩn thận với lễ, hồng dương chính nghĩa. (Tranh: Winnie Wang)

Khổng Tử nói: "Thị cố phù lễ, tất bản ư thiên, hào ư địa, liệt ư quỷ thần, đạt ư tang tế, xạ ngự, quan hôn, triều sính."

Khổng Tử cho rằng, lễ, nhất định là có nguồn gốc xuất phát từ Trời, mà hiệu quả thi hành hiện ra ở Đất, bày sắp ra với quỷ Thần, lễ diễn ra ở các nghi thức tang lễ, tế lễ, xạ lễ, lễ làng xã, quan lễ, hôn lễ, lễ chư hầu, sính lễ...

“Lễ ký - Tế thống” nói: “Phàm đạo trị người, không gì cần bằng lễ. Lễ có năm điều, không gì quan trọng bằng tế.”

Trong phương pháp quản lý rất nhiều loại người trong dân chúng, không gì quan trọng bằng lễ . Lễ có cát lễ, hung lễ, tân lễ, quân lễ, gia lễ... Trong đó quan trọng nhất là tế lễ.

“Chu lễ - Xuân quan - Đại tông bá”nói: "Dùng cát lễ để cầu quỷ Thần giúp cho quốc gia." Phàm là lễ tế tự trời đất, quỷ thần thì đều thuộc về cát lễ. Tế lễ, cũng không phải vì ngoại vật ép buộc mà làm, mà phát ra từ nội tâm. Lễ là thể hiện trong lòng kính sợ mà tuân theo. Cho nên, chỉ có người hiền mới có thể làm được cái nghĩa của việc tế tự. Mà việc tế tự của người hiền, nhất định sẽ được Trời cao ban phúc.

Hữu Đức
Theo Lý Hiểu Kính - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử luận về Đạo của ẩm thực, tế lễ