Lấy vợ lấy đức: Câu chuyện lịch sử của 8 hiền thê cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Người xưa thường khuyên con cháu là lấy vợ thì lấy đức chứ không lấy sắc, có được người vợ hiền thì sẽ tạo phúc cho cả ba thế hệ, thậm chí cho con cháu nhiều đời sau.

1. Hiếu kính cha mẹ chồng

Sách Cựu Đường Thư có ghi chép rằng: Thời nhà Đường, phi tử của Sở Vương Lý Linh Quy là Thượng Quan thị, cô thờ phụng cha mẹ chồng vô cùng cẩn thận chu đáo. Tất cả những món ngon, sơn hào hải vị, cô đều dâng lên cha mẹ chồng ăn trước. Sau đó, thức ăn còn thừa lại thì cô mới ăn.

2. Công chúa thờ phụng mẹ chồng

Sách Tân Đường Thư có ghi chép rằng: Công chúa Trang Thục thờ phụng cha mẹ chồng rất chú ý lễ nghĩa. Mẹ chồng bệnh, nằm trên giường đã nhiều ngày, Công chúa Trang Thục ngày đêm hầu hạ, thậm chí không ngủ. Mỗi lần sắc thuốc xong, trước tiên cô tự nếm, sau khi đã yên tâm, cô mới mời mẹ chồng uống.

3. Lâm nguy mạo hiểm cứu mẹ chồng

Phần Lễ Chí, sách Tấn Thư có ghi chép rằng: Thời nhà Tấn, vợ của Trần Sân gặp loạn giặc giã, mẹ chồng cô bị quân giặc bắt đem đi. Cô đi chợ mua thức ăn về, biết được sự tình này, liền mạo hiểm tự mình đến doanh trại quân giặc, gặp người liền khấu đầu, thỉnh cầu thả mẹ chồng cô, cho bà một con đường sống. Lòng hiếu thuận của cô cuối cùng đã khiến quân giặc cảm động, và đã thả mẹ chồng cô ra. Cô cõng mẹ chồng, đi được một đoạn lại bò một đoạn, cuối cùng trở về đến nhà.

Có vị học giả, làm quan Tư mã là Vương Khiên Kỳ đã bình luận sự việc này rằng: “Vợ của Trần Sân vốn là người phụ nữ quê mùa, nhưng lại có thể lâm nguy mà không sợ, xin tha mạng cho mẹ chồng. Trong hoàn cảnh nguy hiểm, cô không quên hiếu thuận, gian nan vất vả cõng mẹ chồng trở về nhà. Quả là một vị hiếu phụ”.

4. Người vợ xấu xí khiến chồng kính nể

Phần Hạ Hầu Thượng Truyện, sách Ngụy Chí có ghi chép rằng: Người vợ của Hứa Doãn là Trần thị, cô hiền huệ lại thông minh, chỉ là dung mạo xấu xí. Hứa Doãn vào phòng, chỉ một lát liền muốn đứng dậy rời đi. Vợ ông nắm lấy vạt áo lưu giữ. Hứa Doãn quay đầu nói với vợ rằng: “Là người phụ nữ, cần phải có đủ tứ đức, xin hỏi cô có được bao nhiêu đức?”

Vợ chồng bất hòa làm theo lời khuyên của ni cô này thì dễ dàng hòa thuận
“Là người phụ nữ, cần phải có đủ tứ đức, xin hỏi cô có được bao nhiêu đức?”. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Vợ Hứa Doãn dịu dàng nói: “Thiếp là cô dâu mới, thứ khiếm khuyết chỉ là không có dung mạo xinh đẹp. Nhưng thiếp cũng nghe nói: Kẻ sĩ cần phải có trăm loại phẩm hạnh, không biết phu quân có được bao nhiêu?”

Hứa Doãn nói: “Ta có đủ cả”.

Vợ Hứa Doãn nói: “Kẻ sĩ có trăm loại phẩm hạnh, đức đứng đầu. Phu quân háo sắc chứ không hiếu đức, sao có thể nói là có đủ cả được?”

Hứa Doãn lộ vẻ xấu hổ, biết vợ mình không phải người bình thường. Thế là, ông cực kỳ kính trọng cô. Hai vợ chồng tương kính tương ái đến trọn đời.

5. Cô gái nhà giàu và người chồng nghèo cùng kéo xe

Sách Hậu Hán Thư có ghi chép: Vợ của Bào Tuyên họ Hoàn, tên gọi Hoàn Thiếu Quân. Bào Tuyên là học trò của phụ thân Hoàn Thiếu Quân. Phụ thân cô thấy Bào Tuyên khổ cực nhưng thanh khiết nên rất ngưỡng mộ, và đã gả con gái là Hoàn Thiếu Quân cho Bào Tuyên, những đồ trang sức và tiền bạc tùy giá rất nhiều. Bào Tuyên rất không vui vì điều đó.

Hoàn Thiếu Quân nói: “Thiếp đã được gả cho phu quân rồi, hết thảy đều nghe theo chàng”.

Thế là, cô mặc y phục vải thô, cùng Bào Tuyên kéo chiếc xe nhỏ trở về quê nhà. Bái lạy mẹ chồng xong, cô cầm vò ra ngoài lấy nước, làm tròn nghĩa vụ của người vợ và người con dâu. Hoàn Thiếu Quân được người làng ca ngợi.

Bào Tuyên sau làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Hoàn Thiếu Quân vẫn mặc y phục vải thô. Mọi người trong làng càng ca ngợi Hoàn Thiếu Quân.

6. Vợ chồng lấy xấu làm đẹp

Sách Hậu Hán Thư có ghi chép rằng: Gia cảnh Lương Hồng rất nghèo khó, nên Lương Hồng không lấy vợ. Trong huyện có một cô gái nhà họ Mạnh, vừa mập vừa đen lại vừa xấu, nhưng lại có sức lực không ai bằng, có thể nhấc bổng chiếc cối đá. Cô kén chọn chồng mãi vẫn chưa tìm được người vừa ý. Cha mẹ cô hỏi nguyên nhân, cô nói: “Con muốn được gả cho người tài đức vẹn toàn như Lương Hồng”.

Sau khi nghe được lời này, Lương Hồng quyết định cưới cô gái nhà họ Mạnh. Khi kết hôn, cô gái nhà họ Mạnh trang điểm vô cùng hoa lệ, bước vào nhà Lương Hồng.

Lương Hồng nói: “Người ta muốn cưới là người vợ mặc trang phục thô xấu, như thế mới có thể cùng ta ẩn cư trong núi sâu. Cô mặc gấm thêu, mặt thoa phấn, đâu phải là người mà ta mong đợi?”

Cô gái nhà họ Mạnh nói: “Thiếp làm như thế này là muốn xem chí hướng của chàng rốt cuộc như thế nào? Thiếp đã chuẩn bị trang phục sống ẩn cư rồi”.

Thế là cô gỡ bỏ y phục và nữ trang đi, chải đầu vấn tóc, mặc bộ y phục vải thô.

Lương Hồng vô cùng vui mừng và nói rằng: “Đây mới thực sự là người vợ của Lương Hồng”.

Lương Hồng đặt tên cho cô là Mạnh Quang, tên chữ là Đức Diệu.

7. Phu nhân quan tri phủ mặc váy vải thô, cài trâm gai

Nam nữ hữu biệt: Chuyện nam nữ xưa và nayPhu nhân quan tri phủ mặc váy vải thô, cài trâm gai (Tranh: phạm vi công cộng)

Sách Hiến Chinh Lục có ghi chép rằng: Hoành Nhạc được bổ nhiệm làm Tri phủ Khánh Dương, ông luôn tự khuyên mình ‘làm quan thanh bạch’. Một lần, rất nhiều phu nhân các quan đồng liêu cùng nhau tụ hội ăn tiệc, phu nhân của Hoành Nhạc cũng tham gia. Trong bữa tiệc, các phu nhân ai nấy đều châu ngọc leng keng, rực rỡ lấp lánh, chỉ có vợ của Hoành Nhạc là mặc váy vải thô, cài trâm gai (dùng cành cây gai làm trâm, dùng vải thô làm váy, đây là trang phục đơn sơ của phụ nữ).

Sau khi tiệc tan, phu nhân của Hoành Nhạc không vui vì mình ăn mặc quá đơn sơ.

Tri phủ Hoành Nhạc hỏi vợ: “Phu nhân ngồi chỗ nào?”

Vợ ông nói: “Vị trí thứ nhất”.

Hoành Nhạc nói: “Đã ngồi vị trí thứ nhất, lại muốn trang phục hoa lệ đẹp tốt. Phú quý trên đời, sao có thể đều quy về một mình phu nhân được? Ai muốn chiếm hết những cái thứ nhất của thiên hạ, thì người đó sẽ thành kẻ điên, người đó có thể sẽ chết rất thảm hại”.

Sau này, phu nhân của Tri phủ đại nhân Hoành Nhạc vẫn mặc váy vải thô cài trâm gai như trước.

Người Khánh Dương đến nay vẫn thường kể về câu chuyện này như một giai thoại đẹp.

8. Phú quý bất nghĩa không đáng để nhận

Sách Thập Lục Quốc Xuân Thu có ghi chép rằng: Lao thị là vợ của Thượng thư Tả Thừa tướng Chung Doãn Chương.

Ngưu thị nói với Chung Doãn Chương rằng: “Trước kia thiếp ở nhà chàng, trong nhà không có chiếc nồi lớn đa dụng, chỉ có một chiếc nồi nhỏ, nhưng vẫn có thể khoản đãi tân khách và bằng hữu. Hiện nay, trong nhà chất đầy báu vật, nhưng lại không làm những việc nhân nghĩa. Cho dù đã phú quý rồi, nhưng có hay ho gì đâu”.

Thế là Ngưu thị lấy chiếc nồi nhỏ cũ xưa kia ra và gõ leng keng cho Chung Doãn Chương nhìn thấy.

Chung Doãn Chương nhìn thấy chiếc nồi nhỏ thời xưa, nghe được những lời của vợ, thì trong lòng vô cùng xấu hổ.

Trung Hòa
Theo Visiontimes

 



BÀI CHỌN LỌC

Lấy vợ lấy đức: Câu chuyện lịch sử của 8 hiền thê cổ đại