Luận đàm thư pháp: “Lan Đình tự” - ‘Thiên hạ đệ nhất hành thư’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong “Tấn thư - Vương Hi Chi truyện” ghi chép việc Đường Thái Tông ca ngợi thư pháp Vương Hi chi là: đệ nhất nhân ‘Tận thiện tận mỹ’ từ cổ chí kim.

Thế nhân ái mộ thư pháp Vương Hi Chi, đại thư pháp gia thời Tống Mễ Phất gọi tác phẩm “Lan Đình tự” là ‘Thiên hạ hành thư đệ nhất’ (thư pháp thể chữ Hành bậc nhất thiên hạ). Tôn Quá Đình trong ‘Thư phổ’ nói: người muốn học Hành thư đều cần lấy ‘Lan Đình tự’ (tức Lan Đình tập tự) để làm chỉ đạo, học thành sẽ trở thành cao thủ thư pháp. Đường Thái Tông vô cùng ái mộ thư pháp Vương Hi Chi, nhất là với tác phẩm ‘Lan Đình tự’, đến mức ‘Bán dạ khởi, bả chúc học’ (nửa đêm trở dậy, lấy đuốc học chữ).

Cảm hứng sáng tác ‘Lan Đình tự’ của Vương Hi Chi

Tranh Nguyên Tiền Tuyển “Vương Hi Chi quan nga đồ” (Miền công cộng)

Vương Hi Chi xuất thân từ thế tộc Lang Gia triều nhà Tấn, phụ thân là Vương Khoáng. Các quyền thần Đông Tấn Vương Đôn, Vương Đạo là bác ruột của ông. Trong “Tấn thư” có ghi chép rằng, Vương Hi Chi nổi danh với cốt cách chính trực, đạm bạc ung dung, không bị danh lợi thế gian níu kéo. Hi Chi tự thuật: ‘Tố tự vô lang triều chí’ ( vốn không có chí hướng làm quan), chí hướng ông không nằm ở quan trường, mà là tu Đạo. Công khanh triều đình quý mến tài đức của ông, nhiều lần mời làm quan, ông chẳng động lòng, ban cho chức Hộ quân tướng quân, ông vẫn từ chối.

Sau đó Thứ sử Dương Châu Ân Hạo thụ mệnh triều đình khuyên ông vào triều làm quan. Ân Hạo nói quốc gia đang vào lúc hưng suy thay đổi, ‘Mệnh nước đang vào thời khắc sống còn, sao ông có thể ung dung đứng nhìn?’

Do vậy mà Vương Hi Chi mới buông bỏ sự ung dung nhàn tản, nhận chức Hộ quân tướng quân, với tâm nguyện ‘Tuân theo Thiên mệnh, tuyên dương uy đức quốc gia’, nhưng ông không gặp thời. Về sau, ông muốn nhậm chức quan quận Tuyên Thành, nhưng không được chấp thuận, chuyển thành Hữu quân tướng quân, Nội sử Cối Kê.

Vương Hi Chi yêu thích tu đạo dưỡng tâm, khi mới tới Cối Kê Chiết Giang, ông có tâm nguyện kết thúc sự nghiệp quan trường tại đây. “Lan Đình tự” được viết ra ở Cối Kê Giang Nam nơi non xanh nước biếc. Khi ấy có rất nhiều danh sĩ ở Cối Kê, Tạ An khi chưa ra làm quan cũng ở Cối Kê Đông Sơn, còn có nhiều danh sĩ nức tiếng về văn chương cùng nghĩa khí cũng cư trú nơi ấy, có cùng sở thích với Vương Hi Chi.

Tranh “Lan Đình đồ” thời Minh của Lý Tông Mô . (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc).

Một ngày cuối xuân mùng ba tháng ba tiết Thượng Tị, cổ nhân có tập tục tới bên sông tắm gội cầu may trừ tà, gọi là Tu Hễ. Tới thời Tấn, lễ hội đạp thanh (đi trên cỏ) vào ngày mùng ba tháng ba còn cử hành tiệc rượu ở khúc quanh sông, hình thành một trào lưu. Năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời Tấn Mục Đế, tức trước lúc Vương Hi Chi từ quan hai năm, Hi Chi đang làm Nội sử Cối Kê, ông cho cử hành tiệc rượu ở Lan Đình vào ngày mùng ba tháng ba tiết Thượng tị. Ông mời các danh sĩ cùng con em trong nhà tổng cộng 41 vị tụ hội, thư thái làm thơ tác phú, nơi non cao nước biếc, trúc xanh bạt ngàn mà thả hồn vào cảnh. Để nước trong trôi nhẹ rửa thân tâm, để sinh mệnh phàm tục được hòa cùng Trời Đất.

Các sáng tác thi ca của ngày hội ấy, được kết tập thành ‘Lan Đình tập’, Vương Hi Chi ngay lúc ấy viết đề tựa cho thi tập, đó chính là bút tích thiên cổ lưu danh “Lan Đình tập tự” (gọi tắt là ‘Lan Đình tự’)

Trong yến tiệc, Vương Hi Chi dùng giấy tơ tằm, bút lông làm từ râu chuột, viết ra lời tự gồm 28 hàng, 324 chữ. “Thư pháp yếu lục” ca tụng chương hành thư này: ‘Tươi đẹp nhanh mạnh mê hồn, không đâu có được’. Chữ viết trong “Lan Đình tự” tự nhiên thể hiện ra công phu thâm hậu của cả một đời luyện chữ của ông - khi bên ao luyện chữ, lúc chép chữ cổ bia. Tác phẩm mang theo sự bao la vô cùng của Vũ Trụ, là sự dung hợp tự nhiên của cảm hứng cổ kim, triển hiện được chí hướng xa vời, tránh xa danh lợi của ông trong đó, đường nét thư pháp tùy tâm hồi chuyển, lưu luyến chứa đựng nội hàm sâu xa cùng triết lý về sự vô thường của sinh mệnh, làm người xem rung động về sự hài hòa cổ kim tinh tế, xen nỗi thương cảm ngậm ngùi man mác về một kiếp nhân sinh.

Đời người ngắn ngủi ‘Hướng chi sở hân, phủ ngưỡng chi gian, dĩ vi trần tích’(Tạm dịch: Tìm mấy chút vui, thoáng cúi ngẩng đầu, đã thành hoang phế), mà phàm nhân thì không thể siêu việt khỏi vòng tuần hoàn bao la sinh tử. Vương Hi Chi cảm thấy buồn bởi sự vô thường của sinh mệnh. Ông viết ‘Thọ mệnh, tùy hóa, chung kỳ vu tận’ (thọ mệnh người ta, tùy duyên biến hóa, nhưng cuối cùng thì cũng đi về chốn tận), ngẫm lời cổ nhân ‘Tử sinh diệc đại hỹ’ (Sống chết là việc lớn), lại đang trong cảnh Lan Đình an vui mặc lòng thỏa sức, tâm tư bất giác gợn niềm đau! Hãy nhìn chữ ‘Thống’ (đau) và chữ ‘Bi phu’「悲夫」(ôi buồn thương!), Vương Hi Chi đều dùng nét đậm, chữ ‘Bi phu’ đó là oán, là bi thương, bộc lộ niềm cảm khái sâu sắc của một kiếp người! Chữ ‘Bi phu’ trầm trọng nét bút cũng là chữ kết thúc của tập Lan Đình, hàm chứa ý nghĩa gì lưu lại cho hậu nhân? Có lẽ đó là lời nhắn từ một tấm lòng trong trắng, rằng chỉ có tu đạo mới có thể siêu việt khỏi những trói buộc của vô thường trong muôn kiếp nhân sinh!

Bản sao chép ‘Lan Đình tự’- được coi là bản chép truyền thần nhất của Phùng Thừa Tố thời Đường “Thần long bản Lan Đình”. (Miền công cộng).

Cái đẹp của “Lan Đình tự”

Vương Hi Chi đam mê thư pháp, từ nhỏ ông đã thể hiện tài năng đặc biệt của mình, học chữ, luyện chữ khiến ông quên ăn quên ngủ. Người ta tôn xưng ông là ‘Thư Thánh’, thư pháp của ông với các thể chữ Thảo, Lệ, Bát phân, Phi bạch, Chương, Hành đều hết sức công phu, tận thiện tận mỹ. Cảnh giới thư pháp trong ‘Lan Đình tự’ được các thư pháp gia trong lịch sử đánh giá là tác phẩm tiêu biểu của Hành thư.

Thưởng thức cái đẹp trong ‘Lan Đình tự’, ngoài việc thấy tận mắt cái đẹp trong từng nét bút, bố cục chữ ra, cần có cái nhìn tổng thể về liên kết giữa các chữ, các hàng, các chương, tương tác làm nổi bật lên cái đẹp tổng thể. Đồng thời cũng không thể xem nhẹ chí hướng biểu đạt của văn chương và sự hòa hợp của khí vận thư pháp.

Cùng một hình chữ nhưng mỗi chữ lại có một phong mạo riêng biệt, chỉ một chữ ‘Chi’ (之) trong Lan Đình tự có 19 loại tự thể. Trương Hoài Quán thời Đường nói về thư pháp của Vương Hi Chi: ‘Có cái tinh túy riêng, tự hình thành bút pháp, thiên biến vạn hóa, đạt tới Thần công’, giải thích cho khởi nguồn của sự biến hóa bất tận trong thư pháp của ông.

Theo ghi chép trong “Tuyên hòa thư phổ”, chúng ta có thể thấy sự quảng bác trong học vấn của Vương Hi Chi: ‘Hi Chi lúc nhỏ học chữ Vệ phu nhân, cho là đã học hết chữ, bèn vượt sông ngao du sơn thủy, gặp Lý Tư, Tào Hỷ, Chung Lựu, Lương Hộc học chữ, rồi lại tới đất Lạc xem thạch kinh của Thái Ung, cùng người em tới đất Hợp xem lại bia Hoa Nhạc của Trương Sưởng’, mới thấy ‘Thánh thư’ đã dụng công học chữ thâm sâu đến mức nào.

Trong “Tấn thư - Vương Hi Chi truyện”, Đường Thái Tông đích thân khen ngợi bút pháp Vương Hi Chi: ‘Khói tỏa sương ngưng, định ngừng nhưng lại tiếp, phượng hoàng cao vút, rồng lượn trong mây, thế như nghiêng nhưng lại thẳng đứng.’ Thưởng thức mãi không thấy mệt.

‘Định ngưng nhưng lại tiếp’, ‘Thế như nghiêng nhưng lại thẳng đứng’ là chỗ đặc sắc trong thể Hành của Vương Hi Chi. Thư pháp gia, thư luận gia Tôn Quá Đình thời Đường bình luận về bút pháp Vương Hi Chi: ‘ý trước bút sau, nhẹ trôi du khoái, vận chuyển ung dung, phong cách xa vợi’.

Các chữ, các hàng làm nền cho nhau, liên kết tương hỗ mà tạo nên vẻ đẹp của bút pháp, của bố cục, trong bút ý lại ẩn tàng pháp tắc. Thời Minh, đại gia thư họa Đổng Kỳ Xương tán tụng là ‘Thần phẩm’, ‘Tay đưa tùy ý, đều theo pháp tắc’, ‘Cổ kim đệ nhất’!

Ông nói về Lan Đình chương pháp thế này: ‘Các chữ đều liên hệ chặt chẽ với nhau mà tuôn ra, dù to hay nhỏ, tùy tay đưa bút, nhưng đều theo pháp tắc, đó là tác phẩm của Thần’, đó cũng là nguyên nhân tại sao 19 chữ ‘Chi’ trong tác phẩm đều có tư thái riêng, vẻ đẹp riêng.

Thời Nam Tống, thừa tướng Du Tự lưu giữ bản in rập “Lan Đình tự” (Ôn Văn Thanh/ Epoch Times)

Tài tử Giải Tấn thời Minh cũng khen “Lan Đình tự”: ‘Chữ tận mỹ, bố cục điêu luyện’, ‘Thêm một chút thì thừa, bớt một chút cũng thiếu...mỗi chữ đều có đặc trưng riêng. Tung hoành khúc triết, như ý thuận tâm, chân tơ kẽ tóc, không chút sai sót.’ Thật đúng như lời Tôn Quá Đình: ‘Vận dụng thuần thục tinh vi, quy củ đã có sẵn trong tâm rồi’.

Vào một ngày xuân tại Lan Đình cao hứng, Vương Hi Chi xuất thần hạ bút, ý cảnh tuôn trào, sau đó ông viết lại mấy chục lần ‘Lan Đình tự’, nhưng không có bức nào đẹp bằng bức ban đầu. Ông tự cảm thấy khi ấy dường như có Thần tương trợ!

“Lan Đình tự” khí vận trầm bổng, triển hiện cái đẹp của thư, văn cùng nhân sinh ở nhiều tầng diện, có ảnh hưởng lớn đến hậu thế, đặc biệt là đối với thi ca, mỹ học Đông Doanh Nhật Bản. Thưởng thức ‘Lan Đình tự’, ‘Hậu chi thị kim, diệc do kim chi thị tích’ (Tạm dịch: hậu thế nhìn ta hôm nay, cũng như hôm nay ta nhìn về tiền nhân), Vương Hi Chi cảm động trước cơ duyên tụ hội của sinh mệnh, sự ngắn ngủi của đời người, muốn đắc cơ duyên tu đạo để vượt thoát khỏi quy luật của tử sinh!

Các phiên bản “Lan Đình tự”

Bản gốc chép “Định Vũ Lan Đình” của Âu Dương Tuần. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc cung cấp)

Tác phẩm "Lan Đình tự" hay "Lan Đình tập tự", được viết vào thời Đông Tấn, năm Vĩnh Hòa thứ 9 Tấn Mục Đế (CN 353). Giấy tơ tằm, Hành thư, kích thước 24.5X69.9 cm.

Bức "Lan Đình tự" mà chúng ta được chiêm ngưỡng ngày nay đều là bản sao từ thời nhà Đường và đời sau lưu truyền lại, có hai loại là viết trên giấy và khắc trên bia đá, bản gốc đã thất truyền. Đường Thái Tông lệnh cho các đại thần là những thư pháp gia nổi tiếng đương thời, Âu Dương Tuần, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương sao chép lại, ban cho các cận thần. Ông cũng lệnh cho người in ấn Triệu Mô làm bản khắc trên đá. Lưu Thực Thúc thời Đường trong "Lan Đình ký" viết: ‘Vua lệnh cho người làm bản in Triệu Mô, Hàn Đạo Chính, Phùng Thừa Tố, Gia Cát Trinh bốn người, làm ra một số bản, để ban cho hoàng thái tử, chư vương, cận thần’.

Bản khắc trên bia "Định vũ bản Lan Đình" được tán thưởng nhất, đó là bản chép của Âu Dương Tuần trên bia đá. Hiện được coi là bản sao giống nhất với bản gốc là bức "Thần Long bản Lan Đình" của Phùng Thừa Tố, phiên bản này được Quách Thiên Tích phát hiện vào thời nhà Nguyên, ông phát hiện ra sau tờ giấy có hai chữ ‘Thần Long’ là niên hiệu của Đường Trung Tông, cho nên dùng đặt tên cho tác phẩm. Các phiên bản này thì bản in rập có nhiều, làm cho nhiều người được chiêm ngưỡng hoặc luyện thư pháp học theo, đóng góp công tích rất lớn cho sự hưng thịnh thư pháp thời nhà Đường. Tôn Quá Đình thời Đường viết: ‘Hữu quân chi thư, đại đa xưng tập, lương khả cứ vi tông tượng’ (Thư pháp của Vương Hi Chi (ông có chức vụ Hữu quân), được nhiều đời học theo, có thể nói ông là ông tổ của nghề.)

Phiên bản "Lan Đình Tự" của Triệu Mạnh Phủ thời nhà Nguyên. (Miền công cộng)

Nguyên văn "Lan Đình tự" (Bản dịch trang Thoái bút)

Năm thứ chín niên hiệu Vĩnh Hoà[5] nhằm năm Quí Sửu, đầu tháng ba[6], hội ở Lan Đình tại huyện Sơn Âm, quận Cối Kê[7] để cử hành lễ tu hễ[8]. Quần hiền tới đủ, già trẻ đều họp.

Nơi đó có núi cao, đỉnh lớn, rừng rậm, trúc dài, lại có dòng trong chảy xiết, chiếu quanh hai bên, dẫn nước uốn khúc là chỗ thả chén[9]. Mọi người ngồi theo thứ tự. Tuy không có tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng quản, tiếng huyền[10] cho vui tai, nhưng uống một hớp rượu, ngâm một câu thơ, cũng đủ sướng u tình[11]. Hôm đó khí trời trong sáng, gió nhẹ lâng lâng, ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật muôn vẻ, phòng tầm mắt, mở cõi lòng, đủ để hưởng hết cái thú của tai mắt, thực là vui vậy.

Người ta cùng cúi ngửa trong đời[12], có người đem cái hoài bão của mình ra đàm đạo với bạn bè trong một nhà, có kẻ gởi tấm lòng ở một sự tình gì mà phóng lãng ở ngoài hình hài; hai hạng người đó tuy thủ xả tĩnh động[13] khác nhau, nhưng đương lúc cái già sắp tới, kịp đến khi mõi mệt, tình ý theo thế sự mà thay đổi, thì đều sinh ra cảm khái. Cái mà trước kia vui trong lúc cuối ngửa, nay đã thành ra vết cũ, mà nhớ lại lòng không thể không hoài cảm. Huống đời người dài ngắn do trời, nhưng đều qui về cõi chết cả. Cổ nhân nói: “Tử sinh đều là việc lớn”, há chẳng đau lòng thay!

Mỗi khi xét nguyên do người đời xưa cảm khái như in với người đời nay[14], không lần nào đọc văn người trước mà không than thở buồn rầu, trong lòng không hiểu tại sao. Cho nên bảo sinh tử cũng như nhau là lời hư ngoa[15]; bảo Bành Tổ không hơn gì kẻ chết yểu[16] là lời nói láo. Người đời sau nhìn lại đời bây giờ cũng như người bây giờ nhìn lại đời xưa[17], buồn thay!

Vì vậy tôi chép lại chuyện người trong tiệc, sao lục thơ họ làm, tuy đời và việc đều khác nhưng lẽ sở dĩ cảm khái thì là một[18]. Người đời sau đọc bài này chắc không khỏi bùi ngùi[19].

Chú thích:

  • [5] Vĩnh Hoà là niên hiệu Tấn Mục Đế (345-361).
  • [6] Nguyên văn: mộ xuân là cuối mùa xuân.
  • [7] Sơn Âm, Cối Kê đều ở Chiết Giang.
  • [8] Lễ tu hễ là một cuộc lễ vào ngày tị trong thượng tuần tháng ba; người ta ra bờ sông tắm rửa, vẩy nước để trừ ma và những điều bất tường.
  • [9] Trong khi làm lễ đó, người ta ngồi rải rác hai bên bờ sông, thả một chén rượu ở trên dòng nước, chén trôi xuôi xuống, tấp vào chỗ nào thì người ta lại vớt lên, uống rượu trong chén (vì vậy cho nên gọi là lưu thương: lưu là trôi, thương là chén rượu); có lẽ không muốn cho chén trôi xa, người ta lựa chỗ nào dòng nước uốn khúc mà thả; nếu không thì phải dẫn nước sao cho nó chảy uốn khúc (như vậy gọi là khúc thuỷ: khúc là uốn cong, thuỷ là nước).
  • [10] Quản là ống sáo, tiếng trúc tức là tiếng sáo. Huyền là dây đàn, cái đàn; tiếng tơ tức tiếng đàn.
  • [11] Nghĩa là lòng hả hê, vui vẻ, không buồn rầu nữa.
  • [12] Ý nói: sống ở trên đời.
  • [13] Thủ là lấy, xả là bỏ. Thủ và động trỏ hạng người xử thế, xả và tĩnh trỏ hạng người xuất thế. Hai hạng người đó, tác giả đã nói trong hàng trên: hạng đem hoài bão ra đàm đạo với bạn bè và hạng phóng lãng ở ngoài hình hài.
  • [14] Nguyên văn: nhược hợp nhất khế, nghĩa là như hai phần một tờ khế ước hợp với nhau. Cổ nhân làm khế ước, có hai phần: bên phải, bên trái; mỗi người giữ một bên, khi ráp hai phần lại thì hợp với nhau. Câu này ý nói cổ nhân cũng buồn về sinh tử như ta.
  • [15] Coi sinh tử như nhau là thuyết của Trang Tử, cũng là thuyết của nhà Phật.
  • [16] Ông Bành Tổ thọ tám trăm tuổi; Thương là đứa trẻ chết non. Coi thọ yểu cũng như nhau cũng là thuyết của Trang Tử. Ý nói: người thời nào cũng buồn về sinh tử mà lại bảo sinh tử là một, thọ yểu như nhau thì quả là không hợp nhân tình.
  • [17] Ý nói: đời sau có nhìn lại đời bây giờ thì cũng không thấy được người bây giờ, cũng như bây giờ nhìn lại thời trước, không thấy cổ nhân nữa.
  • [18] Câu này ứng với câu: “Mỗi lãm tích nhân hưng cảm chi do, nhược hợp nhất khế” ở trên.
  • [19] Câu này ứng với câu: “vị thường bất lâm văn ta điệu” ở trên.
Bia khắc văn: "Lan Đình tự" (Lại Nguyệt Quý/ Epoch Times)

Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Tư liệu tham khảo:

  • "Tấn thư. Liệt truyện đệ ngũ thập Vương Hi Chi"
  • "Vương Hữu Quân tập"...



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm thư pháp: “Lan Đình tự” - ‘Thiên hạ đệ nhất hành thư’