Một mai gương vỡ lại lành, là ai nối lại mộng trần duyên xưa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đức hạnh là nguồn cội của hết thảy mọi phúc khí và phúc báo, người hành thiện tích đức sẽ có được một đời trường thọ, phú quý, an khang.

Vào thời nhà Đường, ở huyện Vạn Tuyền, vùng Tấn Châu có vị thư sinh tên là Đường Bích, từng làm huyện lệnh ở Long Tông, Quát Châu, sau lại làm phó quan ở Cối Kê, Việt Châu. Trước khi làm quan Đường Bích từng đính ước ở quê nhà, hôn thê của chàng là thiếu nữ xinh đẹp như hoa tên là Hoàng Tiểu Nga. Tiểu Nga hiền dịu, nết na, am hiểu âm luật và tinh thông các loại nhạc cụ như sáo trúc, tỳ bà...

Khi việc quan sắp đến kỳ hạn, Đường Bích dự định về quê thành thân với Tiểu Nga, sau sẽ lại lên kinh thành nhận chức mới. Nhưng không ngờ thứ sử Tấn Châu đã tiến cống nàng Tiểu Nga cho tể tướng đương triều làm lễ vật mừng thọ.

Vị tể tướng ấy chính là Bùi Tấn Công - một vị danh quan dưới triều Đường Hiến Tông. Trước kia một thầy tướng số xem mặt cho Bùi Tấn Công đã nói: “Số ông sẽ phải chết vì đói”.

Sau này thầy tướng gặp lại Bùi Tấn Công thì vô cùng ngạc nhiên: “Thật kỳ lạ, nay tôi thấy ông có tướng đại phú đại quý”.

Bùi Công bèn kể rằng, ông từng nhặt được chiếc đai ngọc trị giá ngàn vàng trả lại cho gia chủ, không chỉ cứu được ba mạng người mà còn tích được âm đức. Do đó, sau này ông làm quan đến chức tể tướng. Sau khi làm tể tướng, ông vẫn thường đi khắp nơi tìm hiểu dân tình thế thái, giúp đỡ những người nghèo khổ cùng cực.

Lại nói về Đường Bích, lúc này chàng đã lên kinh thành, nhân tiện hỏi thăm tin tức về vị hôn thê của mình. Nhưng chưa kịp hỏi thăm về Tiểu Nga, chàng đã nhận được sắc lệnh từ triều đình ban xuống, bổ nhiệm chàng đến Hồ Châu nhậm chức. Trên đường đến Hồ Châu, ngồi thuyền đi qua Đồng Tân, chàng không may bị đạo tặc cướp sạch hành lý.

Tình cảnh thật khéo trêu người, giờ thì chàng không còn lộ phí để về quê, cũng không có bằng chứng để làm quan, chàng đành ngồi bên đường khóc mãi cho đến khi trời sáng. May sao lúc ấy cha của huyện úy Võ Nguyên ở Hồ Châu đi ngang qua đó, ông đã hào hiệp chu cấp cho chàng 20 lượng bạc làm lộ phí về kinh thành bẩm báo.

(示意图片:[明] 沈周画作局部)
Đường Bích trên đường đến Hồ Châu nhậm chức (Ảnh minh họa: Một phần trong bức tranh “Kinh Khẩu Tống Biệt đồ” của Trầm Chu, đời Minh)

Đường Bích trở lại kinh thành và đến Lại Bộ xin cấp sắc lệnh mới, nhưng sau 5 ngày chờ đợi vẫn chưa có kết quả, Lại Bộ phúc đáp rằng vì không có hồ sơ nên không cấp lại sắc lệnh mới. Đường Bích thất thểu bước về nhà trọ, chàng ngồi xuống thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa. Lúc này, bỗng có một vị quan đầu đội mũ sa cánh mềm, thân mặc áo bào tím, bước đến trước mặt chàng. Vị quan hỏi: “Túc hạ là người ở đâu? Vì sao lại ảo não như vậy?”.

Đường Bích nói: “Thưa ngài, tôi có nỗi khổ riêng mà không sao giãi bày cho được”.

Vị quan nói: “Túc hạ đừng ngại, có chuyện gì thì xin hãy cứ cho lão phu được biết”.

Đường Bích kể lại một lượt những gì bản thân đã trải qua, vị quan nhân tỏ vẻ thông cảm và khuyên chàng hãy đến tìm tể tướng Bùi Tấn Công nhờ giúp đỡ. Nhưng vừa nghe nói ba chữ “Bùi Tấn Công”, chàng đã nghẹn ngào: “Nhắc đến Bùi tể tướng, tim tôi như dao cắt vậy”.

Vị quan nhân ngạc nhiên hỏi: “Túc hạ, đã xảy ra chuyện gì sao?”.

Đường Bích kể lại chuyện hôn thê bị bắt làm lễ vật tiến cống. Vị quan nhân hỏi thăm về Tiểu Nga và câu chuyện đích ước của hai người, Đường Bích lại đáp cặn kẽ từng lời một. Sau đó, quan nhân chắp tay hành lễ và đứng dậy cáo từ, dặn dò chàng hãy chờ đợi tin tốt vào ngày hôm sau.

Suốt đêm ấy Đường Bích không sao chợp mắt được, mới sớm tinh mơ chàng đã đứng ngóng ở cửa, nhưng đợi đến giữa trưa cũng không thấy bóng dáng vị quan nhân. Tối hôm ấy có hai lệnh sử đến gõ cửa, Đường Bích vẫn chưa hết ngỡ ngàng thì đã bị đưa đến tướng phủ.

Trong tướng phủ đèn đuốc sáng choang, ánh sáng rực rỡ như ban ngày. Hai lệnh phủ dẫn Đường Bích đến một căn phòng nhỏ, chỉ thấy Bùi tể tướng mặc thường phục đang đứng đợi ở đó. Chàng sợ hãi đến mức mồ hôi ướt đẫm, quỳ bái dưới đất một hồi lâu không dám ngẩng mặt lên. Bùi Tấn Công đỡ Đường Bích ngồi dậy, đến lúc này chàng mới giật mình nhận ra: Đó chính là vị quan mà chàng gặp trong quán trọ! Đường Bích lặng người đi một lúc, hồi hộp đến nghẹt thở không thốt lên được lời nào.

Thì ra, sau cuộc gặp hôm qua, Bùi tể tướng quay về phủ tìm Hoàng Tiểu Nga và hỏi lai lịch của nàng, những gì nàng kể giống hệt như lời Đường Bích nói. Bùi Tấn Công dặn dò gia nhân chuẩn bị ngàn quan tiền, sau đó sai người đến Lại Bộ bổ sung sắc lệnh mới thay thế cho sắc lệnh đã mất. Sau khi đã chuẩn bị chu toàn mọi thứ, ông lại cho người đến nhà trọ dẫn Đường Bích về phủ.

Bùi Tấn Công nói: “Hôm qua nghe câu chuyện của túc hạ, thực lòng ta rất thông cảm. Lão phu không ngờ vì lễ vật mừng thọ mà lại thành kẻ chia uyên rẽ thúy, khiến túc hạ không được hưởng cái duyên cầm sắt âu cũng là tội của lão phu vậy”.

Ngừng một lát, ông nói tiếp: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, lão phu sẽ làm chủ hôn để tác thành cho hai người. Ở đây có ngàn quan tiền gọi là món quà mọn, cũng là để lão phu chuộc lại lỗi lầm. Hy vọng túc hạ loan phượng vui vầy và kịp lên đường sang Hồ Châu nhậm chức”.

Đường Bích cảm kích không biết nói sao, chỉ dập đầu bái tạ mãi không thôi.

Dẫu có nằm mộng chàng cũng không thể ngờ rằng đến một ngày có quý nhân phù trợ, không chỉ giúp chàng gặp lại kiều thê, mà còn chu cấp cho chàng ngàn quan tiền làm lộ phí. Với lòng cảm kích vô hạn, chàng quyết định chạm khắc một bức tượng nhỏ bằng gỗ trầm hương để sớm tối lễ bái, cầu cho tể tướng được phúc trường lộc thọ. Sau này Bùi Tấn Công thọ hơn 80 mới quy tiên, con cháu đông đúc, người ta đều cho rằng đó đều là nhờ âm đức mà ông đã tích được trong đời. Có thơ rằng:

“Vô thất vô quan khổ mạc luân,
Chu toàn hảo sự lại hồng ân
Nhân năng bộ bộ tồn âm đức
Phúc lộ miên miên cập tử tôn”.

Tạm dịch:

Không cửa không quan, khổ trầm luân
Chu toàn hảo sự cậy hồng ân
Nếu mỗi việc làm lưu âm đức
Phúc trạch lâu bền ấm tử tôn

Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Thượng thiên đối với hết thảy chúng sinh đều bình đẳng, sẽ không thiên vị bất cứ ai, lại chiếu cố những người có tấm lòng nhân hậu và thiện lương.

Minh Hạnh
Theo Tống Gia Minh - Sound of Hope

Tham khảo: “Dụ Thế Minh Ngôn”



BÀI CHỌN LỌC

Một mai gương vỡ lại lành, là ai nối lại mộng trần duyên xưa?