Nghi tâm sinh ám quỷ: Vì sao Bát Giới gặp ma?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu nói: “Nghi tâm sinh ám quỷ”. Tâm nghi ngờ khiến người ta mất đi sự bình an, chiêu mời khổ nạn, thậm chí còn đánh mất những thứ tốt đẹp trong khoảnh khắc.

Xưa có người bạn đến thăm Lạc Quảng rồi ngồi lại uống rượu tại đây. Trên tường nhà Lạc Quảng treo một chiếc cung, bóng cung hắt vào khiến vị khách cứ ngỡ trong chung rượu có rắn. Anh ta vô cùng hoảng sợ, nhưng vì nể bạn nên đành uống một hơi cạn sạch. Sau đó, vì tin rằng đã nuốt phải nọc rắn nên anh ta về nhà phát bệnh. Lạc Quảng lâu ngày không thấy bạn đến chơi, bèn tới thăm mới biết đầu đuôi câu chuyện. Ông bèn trở về nhìn khắp phòng một lượt, phát hiện ra chiếc cung treo trên vách khẽ lay động, bóng chiếu xuống trông giống như con rắn nhỏ trong chung rượu. Lạc Quảng bèn mời bạn đến và giải thích mọi sự, đến lúc này anh bạn kia mới thở phào nhẹ nhõm, bệnh cũ cũng rất nhanh biến mất.

Câu chuyện trên là nguồn gốc của câu thành ngữ “bôi cung xà ảnh” (bóng rắn trong cốc), miêu tả việc lo sợ hão huyền đến mức thân tâm hoảng loạn, thần hồn nát thần tính. Có người vì sợ bóng sợ gió mà đổ bệnh, lại có người vì nghi ngờ quá lớn mà tự mình huyễn hoặc chính mình, đến mức “nghi tâm sinh ám quỷ”. Nói về chủ đề này, “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân và ngụ ngôn “Uất Ly Tử” của Lưu Bá Ôn đã lưu lại cho chúng ta hai câu chuyện vô cùng thấm thía.

Trong “Tây Du Ký” hồi thứ 32, khi thầy trò Đường Tăng đến địa giới Bình Đính Sơn, Ngộ Không đã lệnh cho Bát Giới đi tuần núi. Bát Giới bản tính lười biếng, thay vì đi thám thính yêu quái thì chú ngốc lại chui vào bụi cỏ tía đánh một giấc ngon lành. Ngộ Không bèn biến thành con bọ mát đậu sau tai Bát Giới, sau đó biến thành chim gõ kiến bay đến mổ vào miệng, rồi lại mổ vào tai. Chú ngốc bị mổ đến mức chảy cả máu, nằm ngủ cũng không yên, đành phải quay về báo cáo trước Đường Tăng, nói dối rằng trong núi có một bầy yêu quái.

Nhưng nào ngờ, Bát Giới dù đã chuẩn bị trước kịch bản nhưng vẫn bị Ngộ Không phơi bày, kết quả là chú ngốc lại phải đi tuần núi thêm lần nữa. Lần này Bát Giới đi mỗi bước một bất an, hễ nhìn thấy thứ gì đều tưởng là đại sư huynh biến thành. Tâm nghi hoặc khiến Bát Giới tâm tình rối loạn, tự mình làm mình hoang mang sợ hãi. Suốt chặng đường, chú ngốc luôn miệng nói, thao thao bất tuyệt mãi không ngừng.

Trong truyện viết:

Chú ngốc đành lồm cồm bò dậy lại đi tuần một lần nữa. Bước ra đường lớn, có tật giật mình, chỉ sợ Hành Giả biến hóa bay theo, nhìn vật gì cũng nghi là Hành Giả. Đi được khoảng bảy, tám dặm, bỗng thấy một con hổ già từ sườn núi vụt qua, Bát Giới cũng không sợ, giơ đinh ba lên nói: “Sư huynh lại đi theo ta nghe lỏm phỏng? Lần này ta không bịa chuyện nữa đâu”.

Nói rồi lại tiếp tục đi. Gió núi ở đây bỗng thổi rất mạnh, ầm một tiếng, cây khô đổ lổng chổng trước mặt. Bát Giới vò đầu giậm chân nói: “Anh ơi, thế là thế nào? Em đã nói là không nói dối nữa, mà anh lại còn biến ra cây cối đổ lổng chổng vào người ta!”.

Bát Giới lại tiếp tục đi, chợt thấy một con quạ khoang kêu quạ, quạ ầm ĩ ở trên đầu, bèn nói: “Anh không biết xấu hổ! Em đã nói là không bịa không bịa nữa, thế mà anh còn biến ra con quạ làm gì? Đi nghe lỏm à?”.

Lần này Hành Giả đâu có đi theo, chỉ vì Bát Giới có tật giật mình, sợ quanh sợ quẩn, nghi ngờ lung tung, cái gì cũng cho là Hành Giả đi theo mình.

Chính tâm nghi hoặc của Bát Giới đã chiêu mời yêu quái. Bát Giới bị đám tiểu yêu bắt đem về sào huyệt của Kim Giác và Ngân Giác đại vương. Những gì chú ngốc đối mặt đều là do tâm nghi hoặc chiêu mời mà đến.

Nếu như nghi tâm khiến người tu luyện gặp phải ma nạn, thì tại nơi thế tục, mối ngờ vực sẽ khiến người ta lẫn lộn giữa thiện và ác, thị và phi.

Trong “Uất ly tử - Úy quỷ”, bậc kỳ nhân triều Minh là Lưu Bá Ôn cũng đàm luận về mối nguy hại của nghi tâm.

Chuyện kể rằng, xưa ở nước Sở có một người rất sợ quỷ, mỗi lần nghe thấy tiếng lá rơi hoặc tiếng rắn trườn bò anh ta đều tưởng là quỷ đến.

Có tên đạo tặc biết rằng anh ta sợ quỷ, liền trèo lên tường và nằm trực sẵn ở đó. Lợi dụng màn đêm tĩnh lặng, hắn ta phát ra tiếng âm u như quỷ ám. Người nước Sở này vừa nghe thấy tiếng quỷ liền sợ quá không dám mở mắt ra nhìn, hai chân quếnh quáng chạy tìm chỗ trốn.

Tên đạo tặc đóng giả làm quỷ và trêu chọc người nước Sở kia liên tiếp bốn, năm ngày. Thấy gia chủ sợ hãi đến cực điểm, hắn lại càng to gan lớn mật đi thẳng vào trong nhà lấy trộm hết tất cả của cải mà anh ta tích trữ được. Có người nói đùa với anh ta rằng: “Của cải trong nhà anh đều bị quỷ lấy đi rồi”. Anh ta nghe vậy lại càng tin rằng ma quỷ đang lộng hành.

Sau này, quan phủ bắt được tên trộm và tìm thấy rất nhiều tang vật trong nhà hắn ta. Tuy nhiên người nước Sở kia vẫn cho rằng đó đều là do quỷ lấy rồi đưa cho hắn, chứ một mực không tin rằng gã ta mới chính là thủ phạm. Thực vậy, khi tâm nghi hoặc quá mạnh sẽ khiến người ta không thể đưa ra nhận định về đúng sai, thiện ác.

Triệu Cao nhiều lần lợi dụng nghi tâm của người ta để đạt được mục đích mà hắn muốn. (Winnie Wang)

Lưu Bá Ôn bình luận: “Xưa kia, hoạn quan nhà Tần là Triệu Cao muốn hãm hại đại tướng Mông Điềm, y đã lợi dụng nghi tâm của Tần Nhị Thế, nói những lời gièm pha gây chia rẽ, khiến Tần Nhị Thế dần dần sinh lòng nghi kỵ đối với các công tử và các đại thần”.

“Triệu Cao cố ý làm đình trệ lời thỉnh cầu của Mông Điềm, khiến Mông Điềm bất mãn với Nhị Thế, sau đó lại kích động sự phẫn nộ của Nhị Thế, khiến ông cừu hận Mông Điềm. Khi biết Lý Tư sắp vào cung khuyên gián hoàng đế, Triệu Cao liền dự liệu lời của Lý Tư rồi nói trước với Tần Nhị Thế”.

“Triệu Cao nhiều lần lợi dụng nghi tâm của người ta để đạt được mục đích mà hắn muốn. Sau đó, mối nghi ngờ giữa Tần Nhị Thế và các đại thần càng lúc càng gay gắt đến mức không thể hòa giải được. Cho dù có người nói rằng ‘những điều này đều là Triệu Cao hữu ý gây ra’, thì Tần Nhị Thế cũng không tin”.

Qua đó có thể thấy, tâm nghi ngờ khiến người ta mất đi sự bình an, hơn nữa còn có thể phá hỏng mối giao hảo giữa người với người, nghiêm trọng hơn còn khiến bậc quân vương đánh mất cả giang sơn trong khoảnh khắc. Những gì tốt đẹp mà người ta dày công gây dựng, sau cùng chỉ còn lại khói bay. Giống như quả táo chín mọng trên bàn kia, chỉ vì tưởng rằng có sâu mà người ta gọt thành từng vòng, từng vòng, gọt cho đến cuối cùng mới phát hiện ra rằng sâu kia vốn dĩ không tồn tại, nhưng quả táo thì chỉ còn một cái hạt khô…

Minh Hạnh
Theo Đỗ Nhược - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghi tâm sinh ám quỷ: Vì sao Bát Giới gặp ma?