Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kỳ 4: Một lòng trung nghĩa, chết không cúi đầu

Miền Nam trù phú, vựa lúa lớn nhất và trù phú nhất của Đại Nam phải mất hơn 300 năm hình thành và phát triển mới có ngày hôm nay. Trong quá trình lâu dài đó, vô số tiền nhân trong quá trình mở cõi đã muôn đời lưu lại dấu ấn của mình bằng những công tích kỳ vĩ mãi làm nức lòng hậu nhân. Họ Mạc đất Hà Tiên là một trong những dòng họ đặc biệt như thế ở miền Nam này. Họ đã biến một vùng đất hoang vu thành một thị trấn văn minh sầm uất đi vào thi ca muôn đời.

Nhà họ Mạc kể từ khi quy phục chúa Nguyễn và đem đất Hà Tiên về cho lãnh thổ nước ta đã chứng minh bản thân là những con người trung can nghĩa dũng hiếm thấy. Sau khi Mạc Cửu qua đời, Mạc Thiên Tứ con ông cùng rất nhiều tinh anh họ Mạc đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất khách khi lưu vong cùng chúa Nguyễn.

Năm 1771, Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương và khởi binh chiếm thành Quy Nhơn, mở đầu cho một triều đại mới và bắt đầu chuỗi dài những ngày tân khổ của nhà chúa.

Nhưng khi lưu vong về miền Nam, các chúa Nguyễn vẫn được sự ủng hộ rất to lớn vì đây là vùng đất được họ cho khai phá và bảo vệ trong gần 200 năm. Nhà họ Mạc là một trong những người ủng hộ kiên trung nhất của nhà Chúa.

Chuyển lương giúp đỡ trước khi chúa lưu vong

“Năm Giáp Ngọ (1774), mùa đông, "giặc" Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc thế rất dữ dội, chúa Trịnh lại sai quân vào xâm lấn miền Nam. Thiên Tứ ở Trấn Giang, hay tin biến ấy, sai thuộc hạ chở thóc vào kinh để cung lương quân. Thuyền lương đi đến ngoài biển Quy Nhơn thì bị quân giặc đón cướp mất.” (Đại Nam liệt truyện)

lịch sử miền nam việt nam 01
Chúa Trịnh sai quân vào xâm lấn miền Nam. (Ảnh: Wikipedia)

Hết lòng phò tá bày mưu giúp sức khi Chúa lưu vong vào Gia Định do bại trận trước Tây Sơn.

“Năm Ất Mùi (1775), mùa xuân, ngự giá chúa Duệ Tông vào Gia Định, đóng ở Bến Nghé. Thiên Tứ lập tức đem các con đến yết kiến ở hành tại. Chúa khen và yên ủi. Đặc cách cho Thiên Tứ làm Quốc lão Đô đốc quận công, cho con là Hoàng làm Chưởng cơ, con là Xướng làm Cai cơ, con là Duyên làm Tham tướng Cai cơ. Sai điều về đạo Trấn Giang đóng giữ.

Năm Bính Thân (1776), "giặc" Tây Sơn nhiều lần vào cướp. Quân nhà chúa nhiều trận bất lợi. Năm Đinh Dậu (1777), chúa đến Cần Thơ, hợp lại với quân Thiên Tứ, bèn sai Tham tướng Duyên đem quân bản bộ vào đạo Đông Khâu, tập hợp các quân cần vương khép lại đánh "giặc" Tây Sơn. Giặc bị thua. Duyên lại về Trấn Giang, giữ chỗ hiểm để chống giặc. Thiên Tứ chầu hầu chúa, rất kính cẩn. Chúa thấy quân bộ thuộc người ít, sức yếu, khó chống nổi giặc, mới sai Đỗ Thanh Nhân ngầm đến Bình Thuận, triệu Chu Văn Tiếp vào cứu.

Trước đó, "giặc" Tây Sơn sắp đem đại binh xâm phạm Trấn Giang, Thiên Tứ bày kế tránh giặc, rằng "Trấn Giang không phải là nơi hiểm trở có thể đóng giữ để chống giặc. Xin chúa theo đường sông cạn Cần Thơ, ra đất Kiên Giang. Nếu có sự bất trắc thì ra hải đảo, đợi tình thế rồi hành động". (Đại Nam liệt truyện)

Trung nghĩa tận tâm, lưu vong cùng Chúa sang Xiêm La.

“Mùa thu năm ấy, Thiên Tứ hầu chúa đi trước, sai con là Duyên vào đất Hiệp Giang, đẵn cây to, lấp đường thủy. Chúa ngày càng bồn chồn lo lắng, triệu Thiên Tứ đến, bảo rằng: "Thế giặc nay đang dữ dội, việc nước như thế mong sao gây dựng lại được?". Thiên Tứ khấu đầu lạy khóc, nói rằng: "Thế thì nên triệu thuộc hạ của thần đem thuyền đi biển tới đón thánh giá và cung quyến. Thần xin đem hết sức khuyển mã, không ngại gian lao, sang Quảng Đông nhà Thanh, kêu xin Trung Quốc giúp quân đánh giết bọn giặc hung ác, thu phục lấy đất đai của ta. Cứ như thần nghĩ nếu không tính xa như thế thì không có chỗ trú chân nữa đâu". Chúa chuẩn y lời tâu. Rồi chúa đi Long Xuyên. Thiên Tứ bèn sai thuộc tướng là Ngũ nhung Cai cơ tên Khoan, hầu chúa đi trước. Thiên Tứ lưu lại ở cửa biển Kiên Giang, để đợi thuyền đến. Chốc lát, Long Xuyên thất thủ, giặc sai người đến dụ Thiên Tứ xuống hàng. Thiên Tứ không theo chạy ra đảo Phú Quốc. Khi được tin giặc đem chúa về Gia Định, Thiên Tứ, kêu trời, than khóc. ‘Từ nay về sau, ta không còn mặt nào trông thấy chúa nữa!’

Bấy giờ vua Xiêm Trịnh Quốc Anh cho thuyền đến đón, Thiên Tứ bèn sang Xiêm. Tôn Thất Xuân cũng từ hải đảo sang Xiêm cầu cứu. Vua Xiêm hậu đãi, giữ ở lại.

(Đại Nam liệt truyện)

Nhà Mạc, lịch sử việt nam, miền nam
Vua Xiêm Trịnh Quốc Anh cho thuyền đến đón, Thiên Tứ bèn sang Xiêm. (Ảnh: Wikipedia)

Vua Xiêm nghe lời gièm pha, Mạc Thiên Tứ cùng gia đình tuẫn nạn trên đất Xiêm

“Năm Mậu Tuất (1778) mùa xuân, Thế tổ Cao Hoàng Đế mới nhiếp chính (lên ngôi chúa) sai Cai cơ Lưu Phước Trưng sang Xiêm giao hiếu và hỏi tin tức về lũ Thiên Tứ.

Năm Canh Tý (1780) mùa hạ, lại sai Cai cơ Sâm và Cai cơ Tĩnh (đều không nhớ họ) sang thăm nước Xiêm. Gặp lúc đó có thuyền buôn người Xiêm về nói rằng thuyền mình từ Quảng Đông về qua phần biển Hà Tiên, bị Lưu thủ Thăng giết người, cướp của. Vua Xiêm giận lây liền giam lũ Sâm, Tĩnh vào ngục. Lại có người Chân Lạp là Bồ-ông-giao gièm với vua Xiêm rằng: bắt được thư bí mật của Gia Định xui Mạc Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân làm nội ứng, mưu chiếm lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm lầm nghe lời ấy, lập tức bắt trói lũ Thiên Tứ tra hỏi. Mạc Tử Duyên cãi là bị vu oan. Vua Xiêm đem giết đi. Thiên Tứ bèn tự tử, thọ hơn 70 tuổi. Tôn Thất Xuân, Cai cơ Sâm, Cai cơ Tĩnh và quân đi theo hơn 50 người đều bị hại.
Con Thiên Tứ là Hoàng và Xướng cũng bị giết. Sanh là con thứ tư của Thiên Tứ, lúc gặp nạn, theo cha sang Xiêm. Từ khi Thiên Tứ bị vua Xiêm Trịnh Quốc Anh độc ác làm hại, những con cháu trưởng thành đều bị giết, duy có Sanh cùng các em là Tuấn, Thiêm, cháu là Công Bính, Công Du, Công Tài (con của Hoàng) và Công Thế (con của Xướng) còn bé được đại thần Xiêm là Khả La Hâm thương tình cứu cho thoát nạn, nhưng phải bị đày ra nơi ven biển.”

(Đại Nam liệt truyện)

Mộ Mạc Thiên Tứ, lịch sử miền nam, việt nam
Mộ Mạc Thiên Tứ trong khu mộ dòng họ Mạc, trên núi Bình San, Hà Tiên. (Ảnh: Wikipedia)

Thay cho lời kết

Thành phố Hà Tiên ngày nay là một đô thị nhỏ và thanh bình, không quá sầm uất, nằm ngay bờ biển vịnh Thái Lan. Dạo bước trên con đường ven biển lộng gió lúc hoàng hôn, ngắm nhìn bãi biển Mũi Nai nổi danh trong Hà Tiên thập cảnh vịnh, có lẽ ít người có thể tưởng tượng ra nơi đây từng là chiến trường khốc liệt giữa những thế lực hùng mạnh nhất Đông Nam Á một thời. Và dĩ nhiên sẽ càng ít hơn những người còn nhớ nghĩ về công sức của những người đã xây dựng và bảo vệ để tạo nên dải đất xinh đẹp hiền hòa này. Nhưng có lẽ nhà họ Mạc sẽ không quan tâm đến những điều đó, vì họ đã hóa thân thành lịch sử và bất tử cùng với mỗi một con người, cây cỏ đang sinh sống và tồn tại nơi đây. Tuy họ không cùng dòng máu của người Việt chúng ta, nhưng công đức và nghĩa cử anh hùng của họ đối với tổ quốc ta xứng đáng được truyền tụng đời đời.

Thành phố Hà Tiên ngày nay là một đô thị nhỏ và thanh bình
Thành phố Hà Tiên ngày nay là một đô thị nhỏ và thanh bình. (Ảnh: Wikipedia)

“Chẳng đội trời Thanh Mãn
Lần qua đất Việt bang
Triều đình riêng một góc
Trung hiếu vẹn đôi đường
Trúc thành xây vũ lược
Anh Các cao văn chương
Tuy chưa là cô quả
Mà cũng đã bá vương
Bắc phương khi vỡ lở
Nam hải lúc kinh hoàng
Giang hồ giữa lang miếu
Hàn mạc trong chiến trường
Đất trời đương gió bụi
Sự nghiệp đã tang thương.”

(Thi sĩ Đông Hồ)

Hết.

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 4)