Tào Tháo mà bạn chưa từng biết: Ngụy Vũ Đế phong cốt vô song

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đều biết Tào Tháo là một chính trị gia, quân sự gia kiệt xuất, ông giỏi nhìn nhận người, giỏi dùng người, và có tài năng chính trị, quân sự phi phàm. Tuy nhiên, có lẽ khá nhiều người chưa biết Tào Tháo còn là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, khai mở ra dòng văn học Kiến An.

Nhìn lại những trang sử chói sáng của văn minh Trung Hoa, không thể không đề cập đến những áng văn thơ được các thi nhân yêu thích qua các triều đại, trong vòng hai ngàn năm trở lại đây trên thi đàn xuất hiện nhiều nhân tài kiệt xuất.

Thơ văn của họ, có áng văn nhẹ nhàng diễm lệ, chứa nỗi buồn sâu xa; có lời từ trong sáng ngắn gọn, ai oán trầm hùng; có bài mang cốt khí cao thượng, lời từ chau chuốt; có vị tiêu dao tự tại, văn phong trong lành như gió mát; lại có khi trầm uất âm thầm, tinh tế vô cùng…

Nhưng có một vị thi nhân, thơ ca của ông cao rộng sâu xa, nuốt nhả gió mây, đại khí hùng hồn, không chỉ nói lên hùng tâm tráng chí của bậc vương giả, mà còn hợp nhất đao bút, làm lên một cốt cách văn phong riêng biệt trong thi đàn của các đại văn nhân.

Vị văn nhân ấy chính là Tào Tháo, sống ở những năm cuối thời Đông Hán, Tam Quốc. Một điều chắc chắn, Tào Tháo là một chính trị gia, quân sự gia kiệt xuất. Ông hiểu người, giỏi dùng người, cùng tài năng chính trị, quân sự phi phàm mà dựng lập lên lực lượng quân sự lớn mạnh, sau khi đánh bại Viên Thiệu - thế lực cát cứ phương Bắc mạnh nhất khi đó - trong đại chiến Quan Độ, ông đã từng bước thực hiện thống trị miền bắc Trung Quốc.

Trong quá trình thống nhất, Tào Tháo thực thi “Ngoại định võ công, nội hưng văn hóa” (Lấy vũ lực để an định bên ngoài, bên trong thì chấn hưng văn hóa), một mặt thu nạp nhiều văn sĩ, hình thành lên dòng văn học Kiến An - “bân bân chi thịnh” (Thịnh vượng hoàn hảo); mặt khác ông tự mình rèn giũa, sáng tác ra không ít thi phẩm lưu truyền hậu thế.

Đúng như lời của nhà lý luận văn học Lưu Hiệp thời Nam Triều viết trong “Văn tâm điêu long - Thời tự”: “Xem văn thời ấy, khẳng khái cao nhã, vào đúng lúc thời thế loạn ly, phong tục suy bại, mà thể hiện ý chí cao thâm, bút lực dồi dào, sơ lược mà chứa đầy chí khí”.

Đặc biệt là Tào Tháo có những vần thơ bi tráng khẳng khái, rung động cổ kim, xưa nay chưa từng có. Thơ ca của ông mang đầy tâm sự, biểu hiện ra một phong cách hào sảng cương kiện, được hậu nhân xưng tụng là “Kiến An phong cốt” (phong cách Kiến An), không ai khác, Tào Tháo chính là một đại diện tiêu biểu của phong cách ấy.

Ngụy Vũ phong cốt, khí vận trầm hùng

Thi ca Tào Tháo hiện nay còn lại 26 bài. Nhìn từ góc độ nghệ thuật, thơ của ông toàn bộ đều là ca từ nhạc phủ, ông thường dùng chủ đề nhạc phủ khi xưa để kể về những sự thực thời mạt Hán, cũng có một số ít chủ đề thời ấy được ông phỏng theo.

Sử gia viết về ông: “Cầm quân chinh chiến hơn ba mươi năm, … mỗi khi đăng sơn là đề thơ tạo phú, phối cùng đàn sáo, đều thành khúc nhạc”; cụm từ “Thi ngôn chí” là chỉ ‘cái chí của người làm thơ. Ở trong tâm là chí, phát ngôn ra thành thơ, cảm xúc rung động mà thốt ra lời’. Do vậy, từ nội dung thơ ông có thể thấy được lý tưởng chính trị thiên hạ thái bình, hoặc biểu lộ tâm tư tế thế an dân, hùng tâm cùng trách nhiệm thống nhất quốc gia, hoặc phản ánh ra sự động loạn thời mạt Hán, bách tính lầm than, chiến trận gian nan hay lòng mong nhớ cố hương của tướng sĩ, hoặc gửi gắm tâm tình hướng về thế giới Thần Tiên.

Tranh màu Kim Hiệp Trung: Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi thứ 48, Tào Tháo làm thơ phú trong yến tiệc trên sông Trường Giang. (Miền công cộng)

Về lý tưởng chính trị, Tào Tháo có hai bài thơ phản ánh lý tưởng chính trị của ông. Trong bài "Độ quan sơn", thơ viết: “Trong Trời Đất, người là quý. Làm bậc quân vương coi sóc dân, phải theo quy tắc … Xa xỉ là tội ác lớn, cần kiệm để gom đức. Xưa kia Hứa Do chối từ vương vị, còn tranh cãi gì? Yêu người như mình, sơ cũng thành thân”.

Từ câu ‘người là quý’, ‘quân vương coi sóc dân’, nói lên pháp tắc trị dân của bậc quân chủ thời cổ đại, cho rằng: tránh tiểu nhân mà trọng dụng người tài đức song toàn, ấy là bảo chứng cơ bản cho sự hưng thịnh của một quốc gia; đồng thời nhấn mạnh “Kiệm vi cộng đức” (cần kiệm là đức chung của mọi người), thì mới ngăn chặn được xu thế xa xỉ suy đồi. Trên nền tảng này, Tào Tháo đề xuất ‘Nhường’(nhường nhịn) và ‘kiêm ái’(yêu mình yêu người) thì mới có quốc quân hiền minh, quân dân bình đẳng, chấp pháp công chính, ngục tù giảm thiểu, biểu đạt khát vọng thống nhất quốc gia, an định thiên hạ.

Trong bài “Đối tửu” có miêu tả cuộc sống của nhân dân trong cảnh thái bình như sau: “Nha lại không gọi cửa. Vương giả hiền minh, tể tướng và bề tôi trung lương. Lễ nghĩa đủ đầy, dân không tranh tụng. Ba năm canh tác đủ trữ chín năm, kho vựa đầy ắp … Các tước vị công hầu, bá, tử, nam lấy tiêu chí yêu thương dân chúng mà thăng giáng phân minh. Chăm sóc dân như cha anh mình, phạm lễ pháp thì tùy theo nặng nhẹ mà xử phạt. Trên đường không nhặt của rơi. Nhà ngục trống trơn, mùa đông cũng không dừng lễ hội. Người già cả, đều hưởng thọ đến cuối đời. Ân đức rộng khắp đến cả thảo mộc côn trùng”.

Từ cái nhìn của Tào Tháo, không có quan lại đến cửa giục thu tô, chính trị sáng rõ, nhà giam trống không, trên đường không nhặt của rơi, người già được chăm sóc đến cuối đời là một xã hội lý tưởng mà nhân sinh truy cầu. Mà Tào Tháo chính là vị quân vương truy cầu lý tưởng như vậy.

Một đặc điểm lớn trong tác phẩm của Tào Tháo đó là bày tỏ nội tâm trực tiếp, bộc bạch sự việc. Trong bài “Quan thương hải” (ngắm biển xanh), “Quy tuy thọ”, “Đoản ca hành”, ba tác phẩm tiêu biểu này đều bộc lộ hùng tâm tráng chí của ông.

Hai bài thơ trước được Tào Tháo sáng tác trên đường thắng lợi trở về sau khi bình định cường hào phương bắc Ô Hoàn, khí phách anh hùng làm chấn động lòng người. “Quan thương hải” viết:

Đạp trên đá nhọn ngắm biển xanh
Sóng nước nhấp nhô núi chọc trời
Rừng rậm thâm u hoa cỏ mọc
Gió thu se sắt sóng trào dâng
Tinh tú xoay vần ai ra khỏi
Hán triều xán lạn cũng ở đây
May đến lúc này, lời thơ tỏ chí.

Cảnh vật trong mắt ông dung hòa cùng tâm tình nơi lồng ngực, mượn lời miêu tả biển xanh để nói hộ tấm lòng rộng lớn cùng hùng tâm chinh phục thiên hạ của bản thân, mang khí tượng hùng vĩ, thổ nạp gió mây, nuốt nhả vũ trụ.

Trong bài “Quy tuy thọ”, thông qua lối văn ẩn dụ Thần rùa, cưỡi rắn, biểu đạt quan điểm rằng sinh mệnh nào cũng sẽ phải tới điểm cuối cùng, nhưng ông viết: “Ngựa già cúi đầu, chí ngoài ngàn dặm. Hào kiệt xế chiều, hùng tâm vẫn giữ”.

Tào Tháo tự ví mình như thiên lý mã về già, tuy thân hình già lão, phải ở trong trại, nhưng trong tâm vẫn ôm hào khí rong ruổi ngoài ngàn dặm. Cũng muốn nói, tuy vào cảnh xế chiều, nhưng hùng tâm sôi nổi vẫn y nhiên không mai một như thuở nào, vĩnh viễn không ngừng truy cầu lý tưởng thống nhất giang sơn.

“Đoản ca hành” được sáng tác sau khi Tào Tháo bình định bắc phương, xuất quân nam chinh tới bờ Trường Giang, đánh trận quyết chiến với Tôn Quyền.

Trần Tộ Minh thời nhà Thanh nhận định trong “Thái thúc đường cổ thi tuyển” rằng: ‘Đây chính là tác phẩm thể hiện khí độ của Tào Mạnh Đức’. Thơ “Đoản ca hành” viết:

Nâng chén hát ca, đời người có mấy! Như sương buổi sớm, ngày càng khổ thêm.
Vui được cứ vui, ưu tư khó bỏ. Lấy gì giải sầu? Chỉ có Đỗ Khang.
Áo bào xanh xanh, lòng ta tiếc nuối. Nhưng vì nghĩa trọng, làm ta trầm ngâm.
U u hươu kêu, ăn cỏ đồng hoang. Ta có khách quý, đàn trống nổi lên.
Trăng sáng vằng vặc, bao giờ mới rơi? Sầu đến từ tâm, không sao dứt được.
Khách xa ngàn dặm, muôn trùng gặp nhau. Yến tiệc tâm đầu, lòng nhớ ân xưa.
Trăng tỏ sao mờ, quạ bay về nam. Lượn vòng trên cao, biết đậu nơi đâu?
Núi đâu sợ cao, biển đâu ngại sâu. Chu Công đối đãi, thiên hạ theo về.

(Chú thích: Đỗ Khang còn được gọi là Thiếu Khang, sống vào cuối thời Tây Chu, tương truyền là người phát minh ra cách nấu rượu ở Trung Quốc. Ông được những người nấu rượu, bán rượu thờ là ông tổ của nghề rượu, được nhân dân Trung Quốc tôn xưng là Tửu Thần, Tửu Thánh.

Ông là một trong mười vị Thánh trong lịch sử Trung Hoa. Trong các sách cổ như 'Thuyết văn giải tự' của Hứa Thận đời Hán, 'Bát vật chí' của Trương Hoa đời Tấn, 'Sự vật ký nguyên' của Cao Thành đời Tống… đều ghi chép Đỗ Khang là người phát minh ra cách nấu rượu, song không có sách nào ghi rõ lai lịch của ông. Đỗ Khang cũng là tên của một loại rượu.)

Mở đầu bài thơ với nỗi ngậm ngùi về nhân sinh đoản tạm, đời người được bao lâu, đại để là Tào Tháo lúc này đã 54 tuổi, thấy tuổi đã cao, thời gian còn lại không nhiều, nhưng đại nghiệp thống nhất chưa thành. Do vậy mà ông khao khát hiền tài phò tá. Trong thơ biểu đạt: Đối với những bậc hào kiệt đến từ ngàn dặm xa xôi được ông trọng dụng, thì ông cùng họ yến tiệc luận bàn tâm đầu hợp ý; với những hiền sĩ còn do dự như quạ bay vòng chưa tìm chỗ đậu, thì ông nói ra: ‘Núi đâu sợ cao, biển đâu ngại sâu’, ý tứ là đừng ngại chi cả, ông sẵn lòng tiếp đãi.

Ngũ hổ tướng thời Tam Quốc được trả 'tiền lương' như thế nào?
Tào Tháo. ( Hình ảnh: Shizhao/ Wiki, CC BY-SA 3.0)

Tào Tháo biết trân quý nhân tài, là chính trị gia có tấm lòng quảng đại lễ hiền đãi sĩ, có khát vọng cùng tín tâm làm ‘thiên hạ quy tâm’ (thiên hạ theo về), tất cả đều được thể hiện trong thơ ông, mà những ý cảnh quảng đại, chí khí cao vời đó chỉ có thể được bắt nguồn từ một bậc chí sĩ mang hùng tài đại lược, một nhân tài mang tâm tình hào sảng, mà ngâm vịnh cất lên.

Thơ Tào Tháo phản ánh hiện thực xã hội thời Hán mạt, cảnh bách tính lầm than trong thơ ông làm người ta rung cảm, đại biểu là những bài “Hao lý hành”, “Khổ hàn hành”, “Khước đông tây môn hành”, “Giới lộ hành”…

Bài “Hao lý hành” được Tào Tháo viết lúc thảo phạt nghịch thần Đổng Trác. Lời thơ miêu tả tác hại của chiến tranh: ‘Áo giáp đã sinh rận, vạn người tử vong. Xương trắng phơi đầy đồng, ngàn dặm không tiếng gà. Dân trăm người còn một, ngẫm đau như cắt ruột’. Qua đó nói lên sự đồng cảm sâu sắc của ông đối với chúng dân bị hãm trong khổ nạn.

Bài “Khổ hàn hành” được viết khi Tào Tháo chinh thảo cháu của Viên Thiệu là Cao Can. Thơ miêu tả hành trình gian khổ, đường núi quanh co, mưa gió theo chân, ăn nghỉ thiếu thốn: ‘Đường ruột dê khúc khuỷu, bánh xe bị vỡ hỏng. Cây cỏ sao thê lương! Gió bắc thổi buồn lạnh. Gấu ngồi chặn trước mặt, hổ báo hai bên gầm. Suối hang ít người qua, trời tuyết rơi mù mịt!’. Do vậy mà tướng sĩ mới có tâm trạng nhớ quê xa: ‘Dướn cổ thở dài thượt, đường xa nhiều ưu tư. Chỉ muốn quay về đông’.

Tào Tháo tả cảnh chân thực, làm người ta thấy như đặt mình trong cảnh, chỉ có thể cảm nhận mà khó nói lên lời.

Về thơ du Tiên, trong các tác phẩm theo dòng thơ du Tiên của Tào Tháo, có hai bài “Thu hồ hành”, ba bài “Khí xuất xướng”, cùng “Tinh liệt” và “Mạch thượng tang” (cây dâu bên bờ), tổng cộng là 7 bài. Con số này chiếm gần một phần ba các sáng tác còn được lưu giữ của ông, tỷ lệ rất cao, cơ bản là các sáng tác ở tuổi xế chiều. Điều đó nói lên sự tìm cầu về tâm linh của Tào Tháo khi về già.

Thơ du Tiên bắt nguồn từ ca phú của Đạo gia từ trước thời Hán, trong thơ chủ yếu miêu tả về Tiên nhân, Tiên cảnh hoặc những truyền thuyết Thần Tiên, đồng thời thể hiện cảnh tượng du lãm tiên cảnh cùng tiên nhân thưởng ngoạn. Ba bài “Khí xuất xướng” miêu tả cảnh tượng mỹ diệu nơi Tiên giới: ‘Tiên nhân muốn tới, nương gió lướt, mưa nhẹ phất. Tiếng sáo thổi, âm đàn cầm, sao êm ái! Rượu ngon cùng ca múa, hôm nay vui thực vui. Ngọc nữ nhẹ gót, múa ca một hồi’.

Tiên nhân ngọc nữ, hạ xuống lượn bay, ngồi xe sáu rồng uống sương ngọc. Nước sông cạn, ngừng về đông. Giải sầu ưu, uống sương ngọc’.

Ở tác phẩm tiêu biểu “Tinh liệt”, Tào Tháo biểu lộ ý chí thống nhất Hoa Hạ, nhưng do chí hướng chưa thành, nên muốn tới Côn Luân, Bồng Lai tìm thuật trường sinh, ‘Tư tưởng cư Côn Luân’, ‘Ý chí tại Bồng Lai’, để hoàn thành sự nghiệp. Nhưng đương lúc tư tưởng đang bay bổng chốn xa xôi, thì hiện thực lại không như vậy, làm ông đành buông lời cảm thán: ‘Niên chi mộ nại hà, thời quá thời lai vi’ (tuổi già biết làm sao, thời gian đến lại đi nhanh quá).

Ngoài ra, trong thi ca ông còn tán tụng Chu Văn Vương giúp triều Ân, sự tích Tề Hoàn, Tấn Văn phò tá nhà Chu, cho đến những đế vương, danh thần hiền đức, như “Thiện tai hành”, “Đoản ca hành - Chu Tây Bá Xương”. Ông mượn lời thơ để biểu đạt tấm lòng trung nghĩa đối với nhà Hán. Do vậy mà cả đời ông không thay thế nhà Hán để xưng đế.

Ảnh hưởng của ông đối với đương thế và hậu thế

Nhà thơ thời Thanh - Trần Đức Tiềm từng chỉ ra: ‘Tá cổ nhạc phủ tả thời sự, thủy ư Tào Công’ (mượn nhạc phủ cổ xưa để viết thời sự, bắt đầu từ Tào Tháo). Thời Hán sùng thể phú mà coi nhẹ thể thơ, nên dẫn đến sáng tác thơ ca ngày càng mai một. Nhưng Tào Tháo đã kế thừa thơ Hán nhạc phủ, với tinh thần ‘Cảm ư ai nhạc, duyên sự nhi phát’ (đồng cảm với khúc nhạc buồn thương mà thuận theo viết ra), lấy hiện thực cuộc sống làm tài liệu, đặc biệt là những miêu tả về các sự kiện chính trị trọng đại. Đây là bước đột phá quan trọng, hình thành lên đặc trưng khẳng khái bi tráng của văn học Kiến An, khởi tác dụng to lớn đối với việc hình thành phong cốt Kiến An, có thể nói ông không chỉ là người đặt nền móng, mà chính là vị khai sáng.

Nhiều thi nhân Kiến An bên cạnh Tào Tháo đã sáng tác ra không ít các tác phẩm ưu tú. Văn học Kiến An trên kế thừa Tây Hán, dưới khai mở thơ Đường, độc lĩnh văn đàn suốt mấy chục năm, đồng thời lưu lại cho lịch sử văn học Trung Hoa một viên ngọc lung linh.

Ngoài ra, về phong cách ngôn ngữ, Tào Tháo dùng tứ ngôn thi, thêm vào đó sắc màu, là ‘Ư tam bách thiên ngoại, tự khai kỳ hưởng’ (hơn ba trăm chương, tự làm nên tiếng vang); còn với thể loại ngũ ngôn thi (thơ 5 chữ), vốn không phải là thể thơ được trọng vọng mà đăng đường, nhưng sau khi được Tào Tháo dùng để phản ánh đời sống xã hội, ngũ ngôn thi đã trở thành hình thức cơ bản của thi ca thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều.

Các văn học gia trong lịch sử có nhiều bình phẩm về Tào Tháo, như Chung Vanh thời Nam triều có bình trong “Thi phẩm”: ‘Tào công cổ trực, thậm hữu bi lương chi cú’ (Văn Tào Tháo ngay thẳng, cổ phác, chứa đựng niềm bi tráng sâu sắc). Thời Tống có Ngao Đào Tôn viết trong “Thi bình”: ‘Ngụy Vũ Đế như U Yên lão tướng, khí vận trầm hùng’, hay Lưu Hi Tải viết trong “Nghệ khái”: ‘Thơ Tào Công, khí hùng lực kiên, đủ để bao trùm tất cả’.

Trăm ngàn năm sau, khi chúng ta đọc lại những tác phẩm khí khái trầm hùng của ông, nơi tâm linh thẳm sâu vẫn rung động bồi hồi, nhớ về xa xưa, phong cốt Ngụy vũ, đương thế vô song.

Theo Lưu Hiểu - The Epoch Times

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tào Tháo mà bạn chưa từng biết: Ngụy Vũ Đế phong cốt vô song