Thành bại đời người bắt đầu từ lựa chọn phò tá minh chúa hay hôn quân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ấy là đấng minh chúa, kẻ hiền thần đều sáng suốt lựa chọn được nhau. Đấng minh quân biết kính người hiền, yêu kẻ sĩ, dùng đúng người đúng chỗ; còn kẻ sĩ cũng phải nhìn ra được phẩm đức hơn người của đấng minh quân từ thuở hàn vi để theo phò. Đó là điều Hán Canh Thủy đế, chư tướng của ông ta và các sứ quân khác không có được.

Câu chuyện phế lập nổi tiếng trong sử Việt

Chuyện kể rằng, năm 1556, vua Lê Trung Tông mất mà không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê, nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Trạng Trình, tức Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng không nói năng gì, mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương, rồi bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”. Rồi Trạng lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh của Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mang danh “phù Lê” nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cung vua - phủ chúa cùng tồn tại tới hơn 200 năm.

Trong văn hóa Thần truyền, cổ nhân cho rằng “quân quyền Thần thụ” - Đế vị, vương vị là do Trời ban cho người có đức, chứ sức người không thể tự lập nên. Đức này tích lại từ nhiều đời, không phải chỉ trong hiện kiếp. Chỉ khi nào khí số dòng họ ấy đã hết, khi thiên ý thể hiện ra bằng những dấu hiệu của trời đất, gọi là thiên tượng, và cả lòng dân nữa, thì một dòng họ khác sẽ lên thay, khai mở một triều đại khác.

Trịnh Kiểm lúc đó là quyền thần của nhà Lê, nghe Trạng dạy biết rằng từ phương diện huyền học hay đoán định tương lai mà nói, Trạng Trình đã khẳng định rằng họ Trịnh không thể làm vua. Xét về bối cảnh chính trị mà một chính trị gia lão luyện như Trịnh Kiểm rất thông hiểu, ông ta biết rằng con cháu cựu thần, thế lực thờ nhà Lê còn rất nhiều, trong tình thế ấy cũng không thể và không dám tự lập mình làm vua, mà chỉ dám tìm hậu duệ nhà Lê để lập, dẫu chỉ là để họ làm bù nhìn, còn thực quyền thì họ Trịnh nắm hết.

Trong một tình huống xã hội phức tạp hơn nhiều, khi triều đại chưa tận số, đối tượng thừa kế cũng nhiều như các thế lực chính trị muốn đưa họ lên, thì việc lựa chọn đối tượng để theo phò chính là thể hiện tầm nhìn, trí lực và đạo đức của mỗi cá nhân, cũng như quyết định số phận của họ về sau này. Từ xưa có câu: “chim khôn chọn cây mà đậu, người khôn chọn chủ mà thờ”. Lịch sử cuối thời Tây Hán cung cấp cho hậu thế những bài học rất thú vị và đáng suy ngẫm.

Bối cảnh lịch sử cuối thời Tây Hán

Vị hoàng đế cuối cùng của thời Tây Hán là Hán Bình Đế. Thực ra sau đó còn có Nhũ Tử Anh, nhưng chỉ là một cậu bé được quyền thần Vương Mãng lập nên làm bù nhìn. Vương Mãng được phong làm Giả hoàng đế, nhiếp chính thay cho tiểu hoàng đế. Vương Mãng hứa sẽ trả lại quyền kiểm soát triều đình cho Tử Anh khi cậu bé đủ lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là một lời nói dối, chẳng bao lâu sau ông ta đàn áp các cuộc nổi loạn phản đối của giới quý tộc. Ngày 10 tháng 1 năm 9, Vương Mãng tuyên bố nhà Hán không còn giữ Thiên mệnh và đã tới hồi diệt vong, nhường chỗ cho triều đại mới của chính mình: nhà Tân.

Những chính sách mới yếu kém của Vương Mãng khiến cho xã hội rối loạn, đời sống nhân dân cực kỳ khổ sở. Lòng người lại hướng về Hán triều, những thế lực quân sự địa phương nổi lên ở khắp nơi chống lại triều đình nhà Tân, họ tìm kiếm những hậu duệ của họ Lưu, lập làm quân chủ để có tính chính danh.

Hán Văn Đế nhân đức minh xét, biết kính Thần mà không cầu. Đường Văn Tông kính Thần và tự trách tội mình. Họ đều có thể thành kính lễ kính Thần linh, thành kính tự kiểm điểm bản thân mình, mà không đòi hỏi quá đáng Thần linh ban phúc, nhưng phúc phận lại tự nhiên giáng lâm. 
Lòng người lại hướng về Hán triều, những thế lực quân sự địa phương nổi lên ở khắp nơi chống lại triều đình nhà Tân, họ tìm kiếm những hậu duệ của họ Lưu, lập làm quân chủ để có tính chính danh. (Ảnh: Epoch Times)

"Ứng viên" thứ nhất - anh em nhà Lưu Diễn, Lưu Tú

Anh em Lưu Diễn, Lưu Tú là cháu 9 đời của Hán Cao tổ, ở hương Thung Lăng, quận Linh Lăng (Hồ Nam hiện nay). Tổ 6 đời của họ là Hoàng lục tử Trường Sa Định vương Lưu Phát - Hoàng tử thứ sáu của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Lưu Diễn là anh cả, cương nghị, chí lớn lại đảm lược, trọng nghĩa khinh tài, bán hết sản nghiệp, giao kết với anh hùng thiên hạ để khôi phục xã tắc nhà Hán. Lưu Tú là em, bản tính cần mẫn, chăm chỉ học hành, bề ngoài không tỏ vẻ ham mưu việc lớn, chỉ thấy thích việc cấy hái. Trong khi anh trai Lưu Diễn ăn to nói lớn, chê bai em chỉ làm những việc nhỏ, thì Lưu Tú khiêm tốn không nói gì, ông cũng ít được mọi người chú ý hơn. Ngoài ra họ còn có một người anh em nữa là Lưu Trọng, nhưng mất sớm khi mới khởi binh.

Có người huyện Nhưỡng tên Thái Thiếu Công biết sấm đồ, nói: “Lưu Tú sẽ thành thiên tử”. Người xung quanh đều cho đó là Quốc sư công Lưu Tú trong triều đình, vốn là con của Lưu Hướng - một danh gia thế phiệt. Lưu Tú cười nói: “sao biết không phải kẻ hèn này?” Người ta nghe thế đều cười ầm lên chế giễu.

Lại có người huyện Uyển là Lý Thủ, thích xem thiên văn lịch số và sấm ký, làm Tông khanh sư của Vương Mãng, thường bảo với con mình là Lý Thông rằng: “Lưu thị sắp hưng, Lý thị là phụ tá”. Em họ của Lý Thông là Lý Dật cũng cho rằng chỉ có anh em Lưu Diễn có thể hưng được nhà Hán. Họ kết ước với Lưu Tú cùng khởi sự. Lưu Diễn triệu tập hào kiệt các nơi bàn kế, phát động con em ở Thung Lăng khởi nghĩa. Con em các nhà đều hoảng sợ, trốn náu, lo bị liên lụy. Nhưng khi đích thân Lưu Tú mặc y phục của võ quan để tỏ rõ chí hướng, thì họ biết rằng anh em họ Lưu đầy quyết tâm, dần dần đều theo phục, anh em họ Lưu thu phục được chừng bảy, tám nghìn tử đệ.

Như vậy, trong số những hậu duệ họ Lưu, anh em Lưu Diễn Lưu Tú có uy tín nhất và khởi sự đầu tiên.

"Ứng viên" thứ hai - Lưu Huyền tức Hán Canh Thủy đế sau này

Lưu Huyền, quê ở Thái Dương, Nam Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), là cháu sáu đời của Hán Cảnh đế Lưu Khải. Năm 17 có quân khởi nghĩa Lục Lâm chống Vương Mãng. Sang năm 22, quân Lục Lâm chia làm 2 cánh: một cánh theo Vương Khuông, Vương Phượng, Mã Vũ đi về Nam Dương, gọi là quân Tân Thị; cánh kia theo Vương Thường, Thành Đan đi về Nam Quận gọi là quân Hạ Giang. Tháng 7 năm 22 tại huyện Tùy, Lưu Huyền trong hàng ngũ quân Bình Lâm của Trần Mục cũng gia nhập quân Tân thị.

Lưu Huyền tuy cũng là tôn thất nhà Hán nhưng hèn kém bất tài, lại không có vây cánh, nhưng sau lại được lập làm Hán Canh Thủy đế. Chúng ta hãy tiếp tục điểm mặt hậu duệ Hán thất trước khi quay lại với sự việc kỳ lạ này.

"Ứng viên" thứ ba, gã thầy bói Vương Lang

Vốn không phải hậu duệ Hán thất, tại sao Vương Lang cũng có tên trong danh sách này? Trong thành Trường An, có kẻ tự xưng là Lưu Tử Dư, con của Hán Thành đế, nhưng đã bị Vương Mãng giết. Có gã thầy bói tên Vương Lang trá xưng là Lưu Tử Dư, được các hào kiệt nước Triệu tin lời, lại tiếp tục gây thanh thế trong dân chúng. Bách tính nước Triệu đa phần tin lời ấy, nên Vương Lang được lập làm thiên tử, nghiễm nhiên chiếm cứ từ Hàm Đan nước Triệu lên phía Bắc, từ Liêu Đông sang tây đều hưởng ứng.

"Ứng viên" thứ tư, cậu bé chăn bò Lưu Bồn Tử

Ngoài quân Lục Lâm, còn có một tổ chức quân khởi nghĩa nữa có quy mô lớn là quân Xích Mi, do Phàn Sùng làm chủ soái, về sau có thêm cánh quân của Phùng An và Dương Âm gia nhập. Còn có Từ Tuyên, Tạ Lộc. Khi Vương Mãng bị giết, Hán Canh Thủy đế làm chủ Trường An, Phàn Sùng sai người đến yết kiến và tỏ ý quy phục. Lưu Huyền phong cho hơn 20 tướng Xích Mi tước hầu. Tuy nhiên một thời gian sau, phe Lục Lâm lại bài xích phe Xích Mi, vì vậy Phàn Sùng và các thủ hạ quyết định ly khai Lưu Huyền.

Khi đi qua huyện Thức, quân Xích Mi bắt giữ được ba người con của Thức hầu Lưu Manh - một hậu duệ khác của nhà Hán, đó là Lưu Cung, Lưu Mậu và Lưu Bồn tử. Lưu Cung đã ở lại với Hán Canh Thủy đế, chỉ còn Lưu Mậu và Lưu Bồn tử đang làm công việc chăn bò trong quân. Hai người này bắt thăm xem ai được quân Xích Mi tôn làm Hoàng đế. Lưu Bồn tử bắt trúng, nên được tôn làm vua, nhưng rách rưới bẩn thỉu như ăn mày, sợ hãi muốn khóc khi được bái lạy làm vua. Hàng ngày vẫn bái lạy cấp trên trước kia của mình và vẫn trốn việc vua để ra ngoài làm chăn bò.

Đó là những hậu duệ của Hán thất được quần hùng đưa lên làm vua, mong rằng có thể có được chính thống, sau này có cơ hội “vin rồng dựa phượng”. Giờ hãy nói về lựa chọn của các cá nhân trong chư tướng và kết quả của nó.

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già

Lưu Diễn phái người đi thuyết phục quân Tân thị, Bình Lâm, cùng hợp lại với quân Hán mà anh em mình mới mộ được. Sau đó lại tiếp tục thuyết phục quân Hạ Giang gia nhập khi liên minh Hán quân, Tân thị, Bình Lâm thua quân triều đình. Tuy vậy, trong nội bộ quân Hạ Giang, các tướng Thành Đan, Trương Ngang không phục, muốn tự mình làm chủ. Chỉ có Vương Thường có kiến thức thuyết phục được họ tham gia liên minh, lực lượng lại mạnh lên, đánh thắng quân triều đình.

Chúa công yêu thích lời ngon tiếng ngọt, Loan Doanh liền lợi dụng điều này. Nếu nói người như vậy là trung, thế thì ai là kẻ bất trung?
Lưu Diễn phái người đi thuyết phục quân Tân thị, Bình Lâm, cùng hợp lại với quân Hán mà anh em mình mới mộ được. (Ảnh: NTDTV).

Lúc này hợp quân đông lên nhưng không có người thống nhất chỉ huy, nên muốn lập người họ Lưu để thuận ý trời, hợp lòng người. Vương Thường và hào kiệt Nam Dương muốn chọn Lưu Diễn, ngược lại tướng soái quân Tân thị, Bình Lâm như Vương Khuông, Vương Phượng, Chu Vị, Trần Mục… lại muốn chọn Lưu Huyền - kẻ bất tài vô đức, để họ được phóng túng. Trương Ngang tỏ ý kiên quyết phản bác Lưu Diễn. Kết quả, Lưu Huyền được lập.

Lưu Diễn có công lớn trong trận chiến Uyển Thành. Lưu Tú thì tỏ ra vô cùng đảm lược trong trận chiến Côn Dương, góp công rất lớn trong việc đánh bại 42 vạn quân triều đình, mặc dù lúc đầu chư tướng rất coi thường ông.

Sau khi hạ Uyển Thành, Canh Thủy Đế Lưu Huyền lấy đây làm kinh đô. Chư tướng của Tân thị, Bình Lâm thấy uy danh của anh em Lưu Diễn ngày càng thịnh, nên ngầm bảo Canh Thủy đế trừ họ. Anh em Lưu Diễn cũng biết việc này.

Lưu Tắc, một bộ tướng của Lưu Diễn, bất phục Canh Thủy đế, bị bắt. Lưu Diễn can ngăn, bị bọn Lý Dật, Chu Vị, Vương Khuông, Thân Đồ Kiến nhân đó khuyên Canh Thủy đế giết cả Lưu Diễn.

Lưu Tú nghe tin, từ Phụ Thành đến Uyển Thành tạ tội. Khi gặp mặt người quen, Tú sắc mặt như thường, không bàn chuyện riêng, không khoe công lao đánh hạ Côn Dương, cũng không dám vì Lưu Diễn mặc áo tang mà vẫn ăn uống cười nói như thường. Canh Thủy đế vì vậy thẹn, phong Tú làm Phá lỗ Đại tướng quân, tước Vũ Tín hầu.

Lúc này, Lưu Tú hầu chưa chưa có một người tâm phúc hay nhân tài ủng hộ. Cả Lý Dật trước kia thân thiện đánh giá cao anh em ông, nay cũng trở mặt để nịnh nọt Lưu Huyền. Chư tướng lựa chọn Canh Thủy đế hoàn toàn không phải những kẻ có kiến thức, tầm nhìn hay nghĩ đến lợi ích quốc gia. Họ chỉ mưu cầu tư lợi. Các phe phái lập Vương Lang hay Lưu Bồn tử cũng thế. Xã hội lúc này cũng vô cùng loạn lạc, các sứ quân nổi lên cát cứ khắp nơi, có nhiều kẻ nhân Trung Nguyên có loạn, muốn làm vua một cõi.

Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du có câu: “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Nguyễn Công Trứ trong “Chí làm trai” có câu: “Đã hẳn rằng ai nhục với ai vinh. Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ”. Tình cảnh của Hán Quang Vũ đế Lưu Tú lúc này chính là như thế.

Vậy nhân tài ủng hộ Lưu Tú hiện đang ở đâu?

Chim khôn chọn cây mà đậu, người khôn chọn chủ mà thờ

Canh Thủy đế chuẩn bị đóng đô ở Lạc Dương, để Lưu Tú kiêm giữ chức Tư Lệ hiệu úy, sai đi trước sửa sang cung phủ. Quan dân vùng Tam Phụ đi đón Canh Thủy đế, thấy chư tướng của ông ta đều đội khăn vấn đầu lại mặc y phục nữ nhân, chẳng ai không cười chê. Trong khi đó Lưu Tú nhất nhất giữ phép tắc của Hán thất, mặc trang phục của nhà Hán, quan dân gặp mặt, có kẻ cao tuổi chảy nước mắt nói:

“Chẳng ngờ hôm nay lại thấy được cái nghi biểu uy nghiêm của quan lại nhà Hán!”

Từ đó kẻ có kiến thức đều có lòng quy thuận Lưu Tú.

Gặp lúc Canh Thủy đế cần sai đại thần thân tín đi tuần xét vùng Hà Bắc, Đại tư đồ Lưu Tứ liền tiến cử Tú. Chư tướng Bình Lâm, Tân thị đều cho là không nên, Canh Thủy hồ nghi, Tứ ra sức khuyên. Cuối cùng Lưu Tú được tạm quyền Đại tư mã đi vỗ yên các châu quận ở Hà Bắc. Lưu Tú đến đâu cũng ban rải ân đức, thể hiện sự công minh, trừ bỏ chính lệnh hà khắc thời Vương Mãng, rất được lòng dân, nhưng của cải lễ vật dân dâng lên, ông không nhận tí gì.

Đức Khổng tử có câu: “Làm chính trị mà dùng đức (để cảm hóa dân) thì như sao Bắc đẩu ở một nơi, mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức thiên hạ theo về với mình cả).”

Đặng Vũ, nhân tài ở Nam Dương, ruổi ngựa theo kịp Tú ở huyện Nghiệp, dâng kế cho Tú để lấy được thiên hạ, rằng không gì bằng thu phục lòng dân, yêu người hiền kính kẻ sĩ.

Phùng Dị, kẻ nhìn Tú bằng con mắt xanh từ thời bình định Côn Dương, Dĩnh Xuyên khuyên Tú phái bộ hạ đi tuần hành các huyện, ban rải ân trạch.

Cảnh Yểm, con của thái thú Cảnh Huống, tuyên bố Lưu Tử Dư tức Vương Lang là phản tặc, nghe nói Tú đang ở phía Bắc bèn ruổi ngựa lên theo, giúp bày mưu, lập kế.

An Lạc lệnh Ngô Hán nghe được lời một nho sinh thuật việc Tú ban ân cho dân nên mừng rỡ quy thuận. Anh hùng hào kiệt còn tiến cử lẫn nhau, đều ca ngợi tài đức của Lưu Tú, họ nườm nượp quy thuận Lưu Tú, như Cảnh Đan, Cảnh Yểm, Khấu Tuân, Cái Diên, Vương Lương, Trần Tuấn, Giả Phục… sau này còn có Trác Mậu là quan cai trị từ thời Tây Hán có đức lớn, sáng suốt, lúc đó đã hơn 70 tuổi. Quang Vũ đế Lưu Tú khi đăng quang, đầu tiên tìm hỏi Mậu, rồi hạ chiếu rằng:

“Người có danh tiếng đứng đầu thiên hạ, xứng đáng được thiên hạ trọng thưởng. Nay lấy Mậu làm Thái phó, phong tước Bao Đức hầu”.

Tể tướng Tư Mã Quang thời Tống trong “Tư Trị thông Giám” nhân đó đã bình rằng:

“Quang Vũ lúc mới tức vị, quần hùng đua tranh, bốn bể như vạc nóng, người phá lũy hãm trận, người quyền mưu trá biện, đều được xem trọng ở đời, nhưng riêng có Quang Vũ chọn dùng được tôi thần trung hậu, biểu chương quan lại vâng việc công giữ phép tắc, cất nhắc họ nơi bờ ruộng, xếp đặt cho đứng đầu công khanh, nên khôi phục lại được Hán thất, hưởng lộc lâu dài, đại để nguyên do là hiểu được cái việc cần kíp phải làm trước rồi mới thu được gốc rễ của nó vậy”.

Công thần có rất nhiều, trong thời loạn họ đều hữu dụng. Khi thành công, họ đều xứng đáng được đền đáp. Nhưng vị trí trụ cột quốc gia, tạo phép tắc, làm gương cho hàng ngũ quan lại ở dưới, thì phải là người có phẩm cách lớn mới được lựa chọn. Đức Khổng tử từng khuyên vua Lỗ Ai Công: “Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng người cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tùng.” Chính là ý ấy.

Còn có Vương Thường vốn đã ủng hộ anh em Lưu Diễn, Lưu Tú, rồi bất đắc dĩ đi theo Canh Thủy đế. Về sau quy hàng Quang Vũ đế, được ghi công lao thuở nào và cũng được phong chức lớn.

Quang Vũ đế lần đầu gặp Mã Viện, phong thái giản dị, cười bảo rằng:

“Khanh ngao du giữa hai vị Đế; hôm nay ta mới gặp được khanh, khiến người ta rất thẹn”.

Viện mới rập đầu thưa:

“Trên thế gian hiện nay, không phải chỉ có vua chọn bầy tôi, bầy tôi cũng phải chọn vua đấy!...”

Ấy là đấng minh chúa, kẻ hiền thần đều sáng suốt lựa chọn được nhau. Đấng minh quân biết kính người hiền, yêu kẻ sĩ, dùng đúng người đúng chỗ; còn kẻ sĩ cũng phải nhìn ra được phẩm đức hơn người của đấng minh quân từ thuở hàn vi để theo phò. Đó là điều Hán Canh Thủy đế, chư tướng của ông ta và các sứ quân khác không có được.

Đấng minh quân biết kính người hiền, yêu kẻ sĩ, dùng đúng người đúng chỗ; còn kẻ sĩ cũng phải nhìn ra được phẩm đức hơn người của đấng minh quân từ thuở hàn vi để theo phò.

Kết cục của các vua giả và những kẻ theo phò tư lợi, thiếu tầm nhìn

Hán Canh Thủy đế bất tài vô đức, chỉ say sưa yến ẩm ở Lạc Dương, ân sủng gian thần, đàn bà hư, bọn tiểu nhân, kẻ nấu bếp cũng đều được lạm nhận quan tước, lại tru diệt trung thần, quân kỷ hỗn loạn, làm hại dân, bốn bề đều oán phản. Bấy giờ ở Lạc Dương, dân gian có câu: “Táo hạ dưỡng, Trung lang tướng; Lạn dương bị, Kỵ đô uý; Lạn Dương đầu, Quan nội hầu”. Tức là: “Lo nấu nướng, Trung lang tướng; Gọt vỏ bí, Kỵ đô uý; Kho thịt trâu, quan Nội hầu”.

Lý Dật khi trước phản anh em Lưu Diễn, nay thấy thế Canh Thủy thua sút, tính phản Canh Thủy, bị Chu Vị sai người đâm chết.

Canh Thủy lại bị bọn Trương Ngang, Thân Đồ Kiến, Liêu Trạm, Hồ Ân mưu phản, hai bên đánh lộn nhau, Thân Đồ Kiến bị chém chết, cả Trần Mục, Thành Đan cũng liên lụy. Chư tướng còn lại của Tân thị, Bình Lâm thị như Vương Khuông, Trương Ngang hàng quân Xích Mi. Canh Thủy đại bại, trốn thoát, về sau bị Trương Ngang trong quân Xích Mi sai người treo cổ chết.

Vương Khuông, Hồ Ân bị Thượng thư Tông Quảng của Quang Vũ đế chém chết.

Quân Xích Mi sau cũng bị Hán Quang Vũ đế đánh bại, đành mang Lưu Bồn tử ra hàng. Quang Vũ đế tha cho cả. Phàn Sủng, Phùng An tiếp tục mưu phản, bị giết.

Thầy bói Vương Lang và quần thần của hắn đã bị quân của Hán Quang Vũ đế đại phá từ trước.

Chư tướng Tân thị, Bình Lâm thị biết rõ anh em Lưu Diễn là người tài đức, xứng đáng kế vị Đế hiệu, khôi phục xã tắc, dẹp loạn cho muôn dân, nhưng họ đã không lựa chọn. Ngược lại, họ vì tư lợi, thiếu kiến thức, tầm nhìn mà chọn lựa Lưu Huyền, kẻ được đánh giá rằng hèn kém, nhu nhược, dễ khống chế. Cuối cùng họ đều có kết cục xấu.

Đọc truyện xưa lại ngẫm chuyện nay

Trong một thế kỷ tồn tại, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tàn ác gây nên bao tai họa cho người dân Trung Quốc và thế giới, lại bất lực kém cỏi trong việc dẫn dắt quốc gia đi đến đạo đức, văn minh, thịnh vượng… nhưng sở dĩ vẫn tồn tại là vì có nhiều người tư lợi đứng chung hàng ngũ, hoặc góp sức, góp tiền duy trì nó. Thực ra, nội bộ ĐCSTQ hiện rất bất ổn, các phe phái xung đột triệt hạ nhau gấp bội nội bộ Canh Thủy đế thời kỳ cuối. Thiên tượng liên tiếp giáng xuống, tai họa trập trùng, thời gian tồn tại của ĐCSTQ còn lâu dài hay không là điều bất cứ ai cũng không khẳng định được.

Trong hoàn cảnh đó, đã có đến 390 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới, cùng gần hai triệu người trên toàn thế giới ký tên vào bản thỉnh nguyện “Kết liễu ĐCS Trung Quốc”. Khi con người gạt bỏ sợ hãi và tư lợi, để dứt khoát đứng về phía lương tri, chính là lựa chọn tương lai của mình. Đứng chung hàng ngũ với ĐCSTQ lúc này, là lựa chọn bị kết liễu cùng với nó. Kết cục của chư tướng Tân thị, Bình Lâm thị thì thời nào cũng vậy.

Câu trả lời cho vấn đề đương đại, thực ra có thể tìm trong lịch sử.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Tài liệu tham khảo:

“Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang - bản dịch của nhóm “Cổ Thư Lâu”

“Hậu Hán Thư” của Phạm Diệp



BÀI CHỌN LỌC

Thành bại đời người bắt đầu từ lựa chọn phò tá minh chúa hay hôn quân