Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (1): Tổ Long xuất thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Thuận Thiên ý, nhất thống thiên hạ, cứu nguy trăm họ khỏi lầm than. Thành đại nghiệp, mở mang bờ cõi, lập nên cơ nghiệp cho Hoa Hạ. Thọ thiên ân, thiên thu vạn đại ngợi ca Tần Thủy Hoàng”...

Xem lại bài giới thiệu (có link các phần): Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng

Nhắc đến Tần Thủy Hoàng, có thể rất nhiều người sẽ liên tưởng đến một kẻ bạo chúa, một quân vương bạo ngược, nghĩ đến sự kiện đốt sách chôn Nho, hay câu chuyện Mạnh Khương Nữ khóc đổ Trường Thành… Nhưng sau hơn hai ngàn năm nhìn lại, rất nhiều sử học gia danh tiếng thông qua khảo chứng đã ca ngợi Tần Thủy Hoàng là một trong những anh hùng vĩ đại nhất lịch sử, huy hoàng mấy ngàn năm Hoa Hạ là do Tần Thủy Hoàng khai sáng. Tần Thủy Hoàng xứng đáng được gọi là “Thiên cổ nhất đế”, những cống hiến của ông đối với lịch sử Trung Hoa cũng được lưu danh trong sử sách, công lao to lớn ấy là không thể xóa nhòa.

Loạt bài “Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng” sẽ kể cho bạn lịch sử chân thực về Tần Thủy Hoàng, từ chuyện Tổ Long ra đời, cho đến thống nhất giang sơn, thuận thiên thời, hợp nhân hòa, trị bách loạn, vì Hoa Hạ thiên cổ mà giữ vững chính đạo, củng cố nền tảng vững chắc, kiến lập tấm bia đá muôn đời. Bài viết này bắt đầu bằng câu chuyện “Tần Thủy Hoàng xuất thế”, cũng gọi là “Tổ Long giáng thế”.

Tổ Long giáng thế

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Vì sao lại gọi là “Tổ Long”? Đúng vậy, Tần Thủy Hoàng chính là Tổ Long - thủy tổ rồng trời nơi nhân thế. Tần Thủy Hoàng vốn là Long Tổ trên thiên thượng, mang theo sứ mệnh vĩ đại mà thác sinh vào cõi nhân gian. Từ khi sinh ra, trên lưng Tần Thủy Hoàng đã có đường vảy rồng, đến khi sắp hết mệnh về trời lại có cao nhân dự báo “Kim niên Tổ Long tử” (năm nay Tổ Long sẽ chết). Quả nhiên, cùng năm ấy Thủy Hoàng đế băng hà.

Nhắc đến nguồn gốc xuất thân, chúng ta hãy bắt đầu từ phụ thân của Tần Thủy Hoàng. Cha của Thủy Hoàng đế là ai? Khi ấy là vào cuối thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các nước chư hầu liên tiếp tranh chấp, nhiều năm liền chinh chiến thôn tính lẫn nhau, cuối cùng chỉ còn lại bảy đại quốc là Tần, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tề. Hai nước láng giềng là Tần và Triệu cũng chiến tranh liên miên không ngừng, đánh rồi hòa hảo, hòa hảo rồi lại đánh, không có ngày nào yên. Vì để biểu thị thành ý không còn gây chiến nữa, các vương triều bèn cắt cử người thân từ nước mình sang ở nước bạn để làm con tin. Những con tin như vậy thông thường đều là vương tử hoặc vương tôn. Phụ thân của Tần Thủy Hoàng lúc ấy chính là một con tin của nước Tần được đưa sang nước Triệu, trên bề mặt lấy danh phận là tiết sứ ngoại giao, nhưng kỳ thực là con tin làm bảo đảm. Cha của Tần Thủy Hoàng tên là Dị Nhân, là Tần Trang Tương Vương - con trai của Thái tử An Quốc quân Doanh Trụ - cũng chính là cháu nội của Tần Vương lúc ấy, tức Tần Chiêu Tương Vương.

Dị Nhân cô độc một thân một mình ở Triệu quốc, sống cảnh bơ vơ, lênh đênh phiêu dạt. Vương thất nhà Tần hoàn toàn không coi trọng ông, cũng không cân nhắc đến sự an nguy của ông. Mặc dù đã gửi Dị Nhân đến nước Triệu làm con tin, nhưng nước Tần vẫn không ngừng phái quân đến đánh Triệu, khiến chiến tranh giữa Tần và Triệu không biết ngày nào mới kết thúc. Triệu Vương hay tin, trong lòng vô cùng tức giận, định bụng sẽ giết Dị Nhân cho hả giận. Đại thần Bình An Quân kịp thời ngăn cản, nói rằng: “Dị Nhân ở Tần quốc hoàn toàn không được ân sủng, bệ hạ giết ông ta rồi thì nước Triệu chúng ta không có chút lợi nào hết, hơn nữa còn cho Tần thêm lý do để ồ ạt tiến công sang”. Nhờ đó, Dị Nhân mới có cơ may được bảo toàn tính mệnh.

Nhưng cũng chính trong khoảng thời gian này, Dị Nhân chìm trong nỗi buồn chán, thất vọng, và quẫn bách khốn cùng, nên đã mở lòng giao hảo với Lã Bất Vi.

Lã Bất Vi vốn là người có tiếng tăm lừng lẫy, khắp thành Hàm Đan không ai là không biết đến. Lã Bất Vi là thương nhân ở Dương Địch, thường ngày vẫn qua lại giữa các nước, dựa vào mua rẻ bán đắt để kiếm lời. Một ngày khi đang kinh doanh ở Hàm Đan, Lã Bất Vi vô tình gặp Dị Nhân trên đường. Họ Lã bình sinh đã gặp vô số người, quen biết cũng vô số, nhưng đây là lần đầu tiên thấy một người kỳ lạ khác thường đến như vậy. Anh chàng tên là Dị Nhân kia mặt như thoa phấn, môi như tô son, cử chỉ cao nhã, toát lên khí chất cao quý, không giống như người bình thường, tuy vậy lại ăn mặc giản dị chất phác. Bất Vi thầm cho là kỳ lạ, bèn chỉ vào Dị Nhân và hỏi: “Vị tiên sinh kia là ai?”. Người kia đáp: “Đó là cháu của Tần Vương, con trai của Thái tử An Quốc Quân, hiện làm con tin ở Triệu quốc”.

Lúc ấy Lã Bất Vi cho rằng Dị Nhân là bậc quý nhân rất đáng để mắt đến, có thể dựa vào ông mà làm kế tiến thân sau này. Vì vậy, Lã Bất Vi bèn tìm cách làm quen và kết giao với Dị Nhân, dần dần hai người trở thành bạn thân chí cốt, điều gì cũng sẵn sàng thổ lộ chia sẻ cùng nhau. Sau đó Lã Bất Vi lại giúp Dị Nhân tìm thê tử, vốn là tiểu thư một gia đình giàu có ở nước Triệu, gọi là Triệu Cơ, cũng chính là mẫu thân của Tần Thủy Hoàng sau này.

Một đêm nọ, Dị Nhân vừa mới lên giường nằm ngủ thì nhìn thấy một một con rồng to lớn từ trên trời hạ xuống, con rồng ấy lấy từ trong thân thể của mình ra một con rồng con và đặt vào bụng Triệu Cơ. Ông chấn động bừng tỉnh dậy, thì ra chỉ là một giấc mơ. Không lâu sau Triệu Cơ nói rằng mình đã mang thai, Dị Nhân lúc này nhớ lại giấc mộng hôm trước, tự nhủ rằng đứa trẻ này rất có thể có lai lịch bất phàm.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, chớp mắt đã đến tháng Giêng năm 259 TCN. Cổ thư chép rằng, lúc ấy trong dinh thự nằm ở đô thành Hàm Đan của nước Triệu bỗng xuất hiện ánh sáng đỏ chiếu sáng rực trời, rất nhiều chim chóc không đếm xuể với đủ mọi sắc màu cùng bay đến đậu trên nóc nhà, cất tiếng hót véo von.

Mọi người thấy lạ ùn ùn kéo nhau ra xem, ai cũng nói đây là điềm lành cát tường, chắc hẳn sắp có hảo sự gì đây. Sau đó đột nhiên vang lên tiếng khóc lanh lảnh của đứa trẻ sơ sinh, thì ra thê tử của Dị Nhân là Triệu Cơ vừa mới sinh hạ một bé trai.

Bà đỡ ôm đứa trẻ trong tay, không ngừng ngắm nghía xuýt xoa rồi lại chúc mừng Dị Nhân. Bà nói, tôi đã đỡ đẻ rất nhiều rồi, nhưng trước nay vẫn chưa từng thấy có trường hợp nào lạ thường như hôm nay. Rồi bà nói với Dị Nhân: "Ngài xem, tướng mạo của cậu bé thì khỏi phải bàn cãi, phu nhân thì đẹp như trăng như hoa, còn lão gia cũng là vương tôn công tử, là con phượng cháu rồng. Đứa trẻ này quả là mắt phượng mày ngài, vầng trán đầy đặn, thật là có tướng của bậc đế vương. Kỳ lạ hơn nữa là, đứa trẻ vừa sinh ra đã có răng, đôi mắt lại có song đồng tử".

“Song đồng tử” là gì? Chính là mỗi con mắt có hai con ngươi, tức hai đồng tử. Thời thượng cổ, bậc Thánh vương là vua Thuấn cũng có song đồng tử giống như vậy. Còn nữa, phía sau lưng đứa bé còn có một đường vảy rồng! Bà đỡ hết lời khen ngợi, nói rằng đứa trẻ này thật là có tướng mạo đế vương, đại phú đại quý, quả là hiếm thấy trên đời!

Dị Nhân nghe xong, trong tâm mừng vui khôn xiết, ông nhớ đến giấc mộng của mình và cho rằng đứa trẻ này quả là không tầm thường, nhất định sau này sẽ làm nên việc lớn.

Bảy nước thời Chiến quốc năm 260 TCN - (Ảnh: wikipedia - CC BY SA 3.0)

Những tiên tri Chân Long xuất thế nhất thống thiên hạ

Lại nói, trong vương thất nhà Tần luôn có một bí mật được truyền lại suốt mấy trăm năm, nói rằng tương lai nước Tần sẽ xuất sinh bá chủ, sau này sẽ nhất thống thiên hạ. Sử Ký cũng ghi chép rằng, tổ tiên xa xưa của Tần Thủy Hoàng là vua Tần Văn Công từng mộng thấy một con cự long màu vàng từ trên trời hạ xuống nước Tần, dự đoán rằng Tần quốc sẽ là nơi sinh ra Chân Long Thiên Tử. Sau này, Văn Công có trong tay một bảo vật gọi là Trần Bảo (chữ “Trần” trong họ Trần, chữ “Bảo” trong bảo bối). Sử sách ghi chép rằng, Trần Bảo trông giống như một con gà trống lớn chạm khắc bằng ngọc. Người ta nói Trần Bảo ở đâu thì nơi ấy sẽ xuất sinh bá chủ, kiến lập nên sự nghiệp vĩ đại. Sau đó Văn Công cho xây dựng một từ đường làm nơi cúng lễ Trần Bảo, do đó từ đường mới có tên là Bảo Kê Thần Từ. Tên gọi của thành phố Bảo kê tỉnh Thiểm Tây ngày nay cũng là bắt nguồn từ câu chuyện này.

Sau này, Tần quốc xuất hiện một con rồng đen gọi là Hắc Long, màu đen tượng trưng cho nước, vậy nên có cao nhân cho rằng đó là “Thủy đức chi thụy”, chữ “thụy” ở đây nghĩa là cát tường. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, ngũ hành luân chuyển, tương sinh tương khắc. Người kế thừa triều đại cũng tất phải phù hợp với đức của ngũ hành mới có thể trở thành vị minh chủ do Thượng thiên lựa chọn. Nhà Chu thuộc về Hỏa, có thể thu phục nhà Chu thì cần phải là tân triều hiển lộ đức Thủy. “Thủy đức chi thụy” vừa khớp lại ứng với thiên tượng, dự báo là Tần quốc (ứng với Thủy) sẽ đến thu phục nhà Chu (ứng với Hỏa).

Thái sử quan của Chu Liệt Vương tên là Đam, có người nói rằng thái sử Đam chính là Lão Tử. Thái sử Đam từng dự ngôn với Tần Hiến Công rằng: Nhà Chu và nước Tần phân chia, 500 năm sau lại hợp lại, hợp lại được 17 năm thì nước Tần sẽ sinh ra bá chủ.

Các quân vương trong lịch sử nhà Tần đã bí mật lưu truyền rằng Tần quốc sẽ nhất thống thiên hạ. Đó là Thiên ý, sức người không thể thay đổi được. Tần Thủy Hoàng ứng với thiên mệnh mà sinh ra, sau này nhất thống giang sơn, kiến lập nên hoàng triều lớn nhất và đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một tay làm nên sự nghiệp vĩ đại kinh động cả đất trời.

Từ ngày con trai sinh ra, Dị Nhân vô cùng hoan hỉ, bèn kể riêng với Triệu Cơ bí mật do tổ tiên truyền lại. Hai vợ chồng rất cao hứng, vì lúc ấy là tháng Giêng nên đã đặt tên cho đứa bé là Chính, lấy theo họ của Triệu Cơ, gọi là Triệu Chính. Sau đó Dị Nhân cũng chính thức lập Triệu Cơ làm phu nhân.

Lúc ấy trong phủ ngập tràn một không khí tưng bừng, người người ra vào nhộn nhịp, ai ai cũng chúc mừng tiểu công tử mới chào đời. Đúng lúc ấy nha hoàn chạy vào báo: “Thưa lão gia, Lã Bất Vi tiên sinh đến diện kiến”.

Lã Bất Vi đến tiết lộ điều gì? Chuyện gì sẽ diễn biến tiếp theo? Muốn biết sự thể ra sao, mời quý độc giả đón đọc phần kế tiếp mang tên: "Thủy Hoàng về Tần quốc".

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (1): Tổ Long xuất thế