Thơ: NGƯỜI TA CAO QUÝ LÀ DO NỘI HÀM

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người lịch duyệt thấu rành truyền thống; Kẻ lố lăng 'thùng rỗng kêu to' (5). Qua sông nhờ bến nhờ đò; Người ta cao quý là do nội hàm...

'Càng thắm thì càng dễ phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu' (1)
Đâu cần trống trước hở sau
Càng yêu truyền thống càng sâu nội hàm...

Trải mấy thuở đá vàng lẫn lộn
Qua vài phen hao tổn suy vong
Biết bao 'xanh vỏ đỏ lòng' (2)
Biết bao đen trắng xoay vòng thị phi

Tướng mặt tốt xấu của một người, cuối cùng vẫn là quyết định ở trình độ tu dưỡng cao thấp của họ.
Đâu cần trống trước hở sau

Thuở xấu đẹp đương thì hỗn độn
Lúc thực hư trà trộn khó phân
Càng nên thuần Thiện thuần Chân
Có câu tốt gỗ đâu cần nước sơn

Dại hở bụng thời khôn xấu hổ
Đẹp chi phường làm lố khoe thân
Mến người ăn ở nghĩa nhân
Mến người trọng đức, tri âm khiêm hòa

Kìa sừng sững mấy tòa Đồng Tước
Khóa xuân đâu giữ được Nhị Kiều (3)
Sắc kia như sóng thủy triều
Sớm dâng tối cạn, mỹ miều chóng tan

ý nghĩa cuộc sống
Mến người ăn ở nghĩa nhân

'Lửa thử vàng, gian nan thử sức' (4)
Bất động tâm xứng bậc trượng phu
Nữ thời hiền dịu ôn nhu
Nam thời dung Nhẫn vô tư Chân thành

Người lịch duyệt thấu rành truyền thống
Kẻ lố lăng 'thùng rỗng kêu to' (5)
Qua sông nhờ bến nhờ đò
Người ta cao quý là do nội hàm...

FB: Vô danh cư sỹ
(1) Ca dao Việt.
(2) Thành ngữ Việt.
(3) Điển tích: Sự tích về Đồng Tước Đài của Tào Tháo và câu chuyện về Nhị Kiều là có từng được viết trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa"; sau này trong "Truyện Kiều", đại thi hào Nguyễn Du cũng nhắc tới điển tích này qua hai câu thơ:
"Vẫn nghe thơm nức hương lân
Một nền Ðồng Tước khoá xuân hai Kiều"...
[Trích: câu thơ 155 - 156, Truyện Kiều - Nguyễn Du].
(4) Tục ngữ Việt.
(5) Thành ngữ Việt.



BÀI CHỌN LỌC

Thơ: NGƯỜI TA CAO QUÝ LÀ DO NỘI HÀM