Thương gia nhặt được bạc không tham, xuất hiện ba kỳ tích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con trai Lã gia bị lừa bắt cóc, thương nhân họ Lã vừa buôn bán hàng hóa, vừa tìm kiếm đứa con thất lạc. Một hôm, nhà buôn này tình cờ nhặt được một cái túi, bên trong chứa đầy bạc trắng nặng trịch. Thương gia giữ vững thiện lương, trả lại bạc, kết quả được Trời cao ban phước, cho ông ba kỳ tích bất ngờ…

Huyện Vô Tích Giang Nam, có một hộ nhỏ họ Lã. Ba anh em nhà họ là Lã Ngọc, Lã Bảo, Lã Trân. Lã Ngọc lấy vợ là Vương Thị, cậu em thứ hai Lã Bảo lấy vợ tên Dương Thị, còn cậu út Lã Trân chưa lấy vợ.

Vương Thị sinh con, tên gọi yêu lúc nhỏ là Hỉ Nhi. Năm lên sáu, Hỉ Nhi cùng bạn hàng xóm đi xem lễ hội, bị lừa bắt đi. Vợ chồng họ dán thông báo tìm con, liên tục tìm mấy ngày mà không thấy tung tích. Vương Ngọc vừa lo vừa hận, đứng ngồi không yên, bèn vay tiền làm vốn, thu mua bông vải, vừa đi buôn bán, vừa đi tìm con.

Hàng năm ông đi từ tháng hai, đến tầm tháng tám tháng chín thì về, sau đó lại thu mua hàng hóa tiếp tục đi buôn. Trong bốn năm đầu vất vả khổ sở, cũng kiếm được chút lợi nhuận, nhưng vẫn không tìm thấy con. Tới đầu năm thứ năm, Vương Ngọc lại từ biệt vợ Vương Thị, lên đường buôn bán tìm con.

Chuyến này, Vương Ngọc đi liền vài năm, thu gom sổ sách, chuẩn bị quay về. Vào một buổi sáng sớm, ông đi tới huyện Trần Lưu, khi đi vệ sinh thì nhặt được một túi nặng trịch. Mở ra thấy toàn bạc trắng sáng lóa, khoảng hai trăm lượng. Lã Ngọc nghĩ ngay đến người đánh mất, nhất định sẽ khổ sở cấp bách đi tìm. Ông không tham thứ của rơi này, liền đứng đó chờ người đánh mất. Nhưng chờ cả ngày không thấy ai đến, hôm sau ông đành phải lên đường, hành trình hơn năm trăm dặm, tới Nam Túc Châu.

Đêm hôm ấy, tại quán trọ ông gặp một vị thương nhân tên là Trần Triêu Phụng, mở hàng buôn lương thực ở Dương Châu. Hai người trò chuyện về buôn bán mưu sinh. Ông Trần kể rằng do mình sơ ý, năm ngày trước đã đánh rơi một túi vải màu xanh ở huyện Trần Lưu, bên trong có hai trăm lượng bạc. Đến tận tối nay khi đi ngủ mới phát hiện ra túi bị rơi mất. Ông ấy nghĩ là đã qua một ngày rồi, chắc có người lượm được, quay lại tìm cũng vô ích, đành tự an ủi cho là không may.

Lã Ngọc nghe xong, mượn lời muốn đi cùng Trần Triêu Phụng tới Dương Châu, tiện đường đến thăm cửa hàng. Ông Trần đồng ý ngay. Sáng sớm hôm sau, hai người lên đường. Chưa đầy một ngày đã tới Dương Châu. Tại nhà ông Trần, Lã Ngọc kể lại chuyện nhặt túi bạc ở huyện Trần Lưu, hỏi cặn kẽ về hình dạng túi bạc. Ông Trần tả lại không sai chút nào, Lã Ngọc liền trả lại túi bạc cho ông Trần.

Ông Trần vừa nhìn thì thấy đúng là túi bạc của mình đã đánh mất, không ngờ rằng lại có người mang đến tận nhà trả lại. Trần Triêu Phụng cảm tạ, nằng nặc chia bạc cho Lã Ngọc để tạ ơn, nhưng Lã Ngọc nhất định không nhận. Ông Trần cảm kích mãi không thôi, vội cho bày tiệc lớn đáp tạ quý nhân. Ông thầm nghĩ: Thật khó mà gặp được người tốt như Lã Ngọc, ơn này khó trả. Ông có một cô con gái 12 tuổi, muốn kết thông gia với nhà Lã Ngọc, nên hỏi ông Lã có con trai không?

Lã Ngọc nghe xong động lòng rơi nước mắt, kể ra chuyện con trai thất lạc, nay vợ cũng không sinh nở được, ông định nhận con nuôi, sau này trông nom công việc buôn bán. Ông Trần bảo nhà mình có một đứa nhỏ, vài năm trước có người mang tới, trông thanh tú lanh lợi, tuổi mới 13, đang cùng học với con trai ông. Ông Trần muốn tặng thư đồng này cho Lã Ngọc làm con nuôi. Nói xong ông Trần cho người đi gọi Hỉ Nhi tới. Lã Ngọc nghe tên gọi giống hệt tên con mình, lòng sinh nghi hoặc.

Lúc sau, cậu bé tới, theo lễ nghi học đường, đứng trước Lã Ngọc chắp tay thi lễ. Lã Ngọc vui mừng khi thấy cậu bé có tướng mạo giống con mình, nguyên là khi bốn tuổi, Hỉ Nhi trượt ngã, sứt ở góc mày trái, để lại vết sẹo nhỏ. Góc mày của cậu nhỏ này cũng có vết sẹo. Lã Ngọc hỏi cậu về thân thế, cậu trả lời mình họ Lã, nhà còn có hai chú, Lã Ngọc kêu lên ‘Con ơi’ rồi ôm chặt vào lòng khóc nức.

Hỉ Nhi xa nhà nhiều năm, nay thấy cha trước mặt, vui mừng đến rơi lệ. Lã Ngọc đứng dậy bái tạ Trần Triêu Phụng. Ông Trần nói: ‘Do huynh nhặt bạc không tham, tích được đức lớn, nên Trời cao mới an bài cho huynh tới nhà tôi, để cha con đoàn viên.

Cha con Lã Ngọc, cuối cùng đã gặp nhau. Thế là hai nhà Trần, Lã định ra hôn ước, kết làm thông gia sau này.

Hôm sau, Lã Ngọc dẫn Hỉ Nhi tới từ biệt, ông Trần bày đại tiệc tiễn chân, còn tặng thêm 20 lạng bạc, mong bù đắp những thiếu sót trong việc đối xử với Hỉ Nhi trước đây. Lã Ngọc kiên quyết không nhận, nói nhà mình chưa có chút gì sính lễ, sao có thể để nhà gái đưa quà. Ông Trần nói: ‘Đây là do tôi tự nguyện cho con rể hiền của tôi, không liên quan tới việc nhà huynh. Nếu ông từ chối, thì coi như từ chối việc thành thân hai nhà rồi.’ Lã Ngọc không từ chối được, đành nhận.

Lã Ngọc nghĩ: Mình vì nghĩa hoàn tiền, mà cha con được gặp. Nay được kết thân hai nhà, như áo gấm thêm hoa. Thực là ơn Trời Đất không sao báo đáp. Thế là tính dùng 20 lạng bạc đó mua lương thực, cúng dường cho tăng nhân ở chùa, gieo trồng ruộng phúc.

Hãy cứu mạng người trên thuyền đó, tôi đưa cả 20 lạng bạc cho các ông đây. (Miền công cộng)

Sáng sớm hôm sau, cha con Lã Ngọc lên thuyền nhỏ, đi được vài dặm, bỗng nghe tiếng hô hoán, do có thuyền bị hỏng, khách bị rơi xuống sông. Người trên bờ gọi các thuyền nhỏ tới cứu vớt, chủ thuyền lại vòi tiền, hai bên tranh cãi cò kè. Lã Ngọc nguyên muốn dùng tiền mua gạo cúng dường tăng nhân, nhưng việc cứu người trước mắt là cấp bách. Thế là ông nói với mọi người: ‘Hãy cứu mạng người trên thuyền đó, tôi đưa cả 20 lạng bạc cho các ông đây!’

Các thuyền nhỏ liền lao đi cứu người, mấy người giỏi bơi trên bờ cũng lao xuống nước bơi ra cứu người. Một lúc sau, tất cả người trên thuyền hỏng kia được cứu. Lã Ngọc y lời, giao bạc ra cho họ. Những người được cứu đều hết lời cảm tạ. Bỗng thấy một người trong đó gọi lớn: ‘Anh trai, sao anh lại ở đây?’, Lã Ngọc nhìn ra thì thấy đó chính là cậu em út Lã Trân.

Lã Ngọc cảm kích chắp tay vái Trời cảm tạ, đã cho ông cứu mệnh em mình. Lã Ngọc gọi Hỉ Nhi tới gặp chú, rồi kể lại câu chuyện trả lại bạc rơi. Lã Trân nghe xong kinh ngạc không thôi. Lã Ngọc cũng rất muốn biết tại sao tam đệ lại có mặt ở đây?

Nguyên là nhị đệ Lã Bảo nghe được tin, nói Lã Ngọc mắc bệnh thân vong ở Sơn Tây, Lã Bảo thúc giục chị dâu Vương Thị phải cải giá. Vương Thị không nghe, nhờ Lã Trân đi Sơn Tây tìm tin tức Lã Ngọc, ai ngờ đâu lại được gặp anh giữa đường. Lã Trân giục anh về mau, kẻo trong nhà sinh chuyện. Lã Ngọc vội giục phu thuyền lên đường, đi suốt ngày đêm. May sao về kịp tới nhà, ngăn được việc Lã Bảo bán gả Vương Thị.

Lã Ngọc không tham tiền bạc, nghĩa khí trả lại bạc, được Trời cao ban phúc, làm cuộc đời ông như áo gấm thêm hoa, liên tục ba lần ban kỳ tích. Tìm được con trai thất lạc, lại ra tay cứu được người em. Vợ chồng Lã Ngọc tụ hội, anh em ruột thịt đoàn viên. Nhân quả báo ứng, Thiên lý sáng soi! Từ đó Lã Ngọc chuyên cần tu đức, gia cảnh càng ngày càng hưng thịnh.

(Theo “Cảnh thế thông ngôn” quyển 5 - Lã Đại Lang hoàn kim hoàn cốt nhục - của Phùng Mộng Long, thời nhà Minh)

Đỗ Nhược - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thương gia nhặt được bạc không tham, xuất hiện ba kỳ tích