Từ một kẻ nghèo đói thành người giàu nhất huyện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời nhà Thanh, ông Viên từ một người nghèo đói, ngày không đủ bữa cơm, bỗng trở thành giàu có nhất vùng, việc này nói lên điều gì?

Tất cả được mất thành bại trong đời đều đã định sẵn trong vận mệnh, nhiều kẻ khổ tâm lao lực truy cầu mà chẳng được gì, dẫn chứng thực tế có rất nhiều. Cứ an phận giữ mình, thuận theo an bài của Thiên ý, sẽ có được những gì đáng được, sao phải xuôi ngược tranh đấu mà tự chuốc ưu phiền?

Trong “Sử ký - Khổng Tử thế gia” có ghi chép rằng:

Khổng Tử bị cạn lương thực ở nước Trần, người đi theo bị đói lả, không nhấc nổi chân, Tử Lộ bất bình nói với Khổng Tử: “Không lẽ quân tử cũng có lúc khốn cùng sao?”

Khổng Tử trả lời: “Quân tử cho dù cùng đồ mạt lộ, vẫn y nhiên giữ vững tiết tháo và bản phận, tiểu nhân gặp cùng đồ nghịch cảnh, thì dễ vứt bỏ tiết tháo mà làm càn.

Sự việc cứ thuận Thiên ý mà làm, không vứt bỏ chuẩn tắc đạo đức làm người, được mất đã có định số.

Chúng ta cùng xem câu chuyện của Viên lão ông ở Trường Sơn thời nhà Thanh.

Viên lão ông thời nhỏ rất nghèo khốn, sống trong căn nhà rách ngoài thành, nhưng ông an phận thủ thường, cần mẫn làm việc, tiết kiệm chắt chiu, không để mình phải đi ăn xin. Một năm mất mùa, ông bị đói nhiều ngày, chẳng nói được bữa cơm, ngay cả một hạt gạo cũng chẳng có. Trong nhà cũng không có gì đáng giá, cuối cùng đành gom chút quần áo rách, định mang đi cầm cố lấy vài đồng.

Chủ tiệm cầm đồ liếc qua gói đồ nói: “Thứ này chẳng đáng một xu, mau mang đi.”

Viên ông than thở: “Tôi không phải là kẻ làm càn, chỉ là đói quá không còn cách nào khác, cũng không còn chỗ nào vay mượn, lại không muốn đi xin ăn, vạn bất đắc dĩ mới nhặt chút đồ này mang cầm cố, cũng là để làm bằng cứ, sau có tiền sẽ tới chuộc mà thôi. Hy vọng ông chủ thương xót, cho cầm lấy vài chục tiền, giúp tôi kéo dài sinh mệnh.

Chủ tiệm cho đó là chuyện nực cười, không thèm để mắt. Viên ông phẫn nộ nói: “Nếu có ngày ta phát tài, ta thề sẽ mở tiệm cầm đồ. Khi ấy cho dù có người đem đứa trẻ đã chết đến cầm cố, ta cũng chấp thuận.

Nghề cầm đồ kỵ húy nhất là câu nói này, chủ tiệm nghe vậy rất bực mình, chỉ là thấy ông ta quả thực bần cùng, không đáng để so đo, nên cố nhẫn cho qua.

Viên ông trên đường về nhà khổ tâm suy nghĩ, nước mắt tuôn rơi, bất giác ngửa mặt kêu Trời: “Trời ơi, con Viên mỗ này đặt tay lên ngực tự hỏi lòng mình, làm việc gì cũng không hổ thẹn, tại sao lại lạc đến đường cùng này vậy?”

Ông than khóc một hồi rồi lại đi tiếp.

Bỗng nhiên, tấm áo rách bị vướng vào cành gai, không đi tiếp được, ông cúi xuống gỡ ra thì thấy đất dưới gốc gai rất tơi mềm, nên thử nhổ lên một cái, thấy ánh trắng phát ra, ông cầm lên một thỏi nằng nặng, thì ra đây là bạc nguyên chất. Ông lấy áo rách bọc lấy vài thỏi, lấp lại đất cẩn thận rồi về nhà.

Hôm sau, ông quay lại chỗ đó, bạc vẫn còn, ông lại dùng áo lấy một bọc to, nhưng lấy vẫn không hết. Cứ như vậy mà vận chuyển hơn chục ngày mới hết, ước tính hơn hai vạn lạng bạc. Viên ông không dám khoe giàu, trước tiên làm chút buôn bán nhỏ, dần dần buôn lớn, một năm sau đã thành đại thương gia. Viên ông cho cất nhà tậu đất, tuyển người làm, rồi mở một tiệm cầm đồ lớn.

Chủ tiệm cầm đồ kia nghe được sự việc này, kinh ngạc nói: “Kẻ nghèo đói họ Viên kia quả là có ngày này sao? Khi xưa chịu nhịn lời kỵ húy của lão ta, mỗi khi nghĩ lại, thấy vẫn tức trong lòng. Nay lão ta vừa mở tiệm, ta đi xem một chuyến, cố ý làm phạm húy, cho bõ tức ngày xưa!

Sau đó, chủ tiệm tìm một đứa bé đã chết, gói vào bọc, mang đến tiệm cầm đồ của Viên ông, đòi cầm cố 10 lạng bạc.

Thủ quỹ rất tức giận, như thể sắp đánh nhau. Viên ông vừa lúc đứng bên, vội vội can ngăn, vòng tay thi lễ, rồi nói với chủ tiệm cầm đồ kia: “Lão huynh đây muốn chứng minh tôi có phải là kẻ biết giữ lời hay không? Đứa bé này chết vào đúng ngày khai trương của tiệm, vậy là có duyên phận rồi, cứ thế mà trả tiền cho ông ta thôi.”

Rồi cho người đi mua quan tài, khâm liệm cẩn thận đưa đi chôn. Lại còn dặn: “Không cần đưa đi xa, cứ mai táng ở ngay dưới chỗ sân gạch nơi ta đứng đây là được rồi.

Người làm vội mang công cụ tới, đào một lỗ ngay dưới chân, mới đào sâu hơn thước, thì đào đến một tấm đá, lật tấm đá lên thì thấy hơn chục hũ lớn, trong chứa đầy bạc, mọi người kinh ngạc đứng ngây ra. Chủ tiệm kia nhìn thấy cảm thán vạn phần, biết Viên ông là người có đức lớn, được ông Trời lặng lẽ phù hộ, nên áy náy xin lỗi mấy lần rồi đi.

Mới đào sâu hơn thước, thì đào đến một tấm đá, lật tấm đá lên thì thấy hơn chục hũ lớn, trong chứa đầy bạc. (Tranh Chí Cường - ET)

Viên ông từ đấy trở thành giàu có nhất huyện. Không lâu sau lại sinh con trai, rồi cháu trai, đều học hành đỗ đạt, đỗ tiến sĩ, cử nhân liên tiếp, còn làm đến Tổng đốc, Tuần phủ, Thượng thư, gia đạo hưng thịnh.
(Nguồn “Dạ đàm tùy lục”).

Thân Hàm Quang, một trong ba vị “Kỳ Nam tam tài tử” sống vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh có nói: “Mọi thành bại được mất trong đời người đều đã được định sẵn rồi, khổ sở truy cầu mà chẳng được gì thì có rất nhiều dẫn chứng. Cho dù những thứ truy cầu mà được, cũng là thứ đã có sẵn trong mệnh là vậy rồi, chứ không phải là do truy cầu. Cho nên, người ta an phận giữ mình, thuận theo an bài của Thiên ý, thì lo gì không đắc, đâu cần khổ sở hơn thua mà tự chuốc ưu phiền?” (Kinh viên tiểu ngữ).

Thái Bình
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Từ một kẻ nghèo đói thành người giàu nhất huyện