Văn võ toàn tài (3): Ngũ Tử Tư an bang định quốc, Yêu Ly dụng kế giết Khánh Kỵ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi đâm chết vua Liêu, Hạp Lư phong con trai của Chuyên Chư làm thượng khanh, phong Ngũ Tử Tư làm đại phu, thu nhận Bá Dĩ. Ngũ Tử Tư đã giúp Hạp Lư quy hoạch và xây dựng thủ đô, huấn luyện binh lính, làm cho nước Ngô trở nên cường thịnh. Nhưng Hạp Lư vẫn còn một mối lo, đó là Khánh Kỵ, con trai của vương Liêu. Khánh Kỵ là một người có võ công cực cao, nhưng Yêu Ly được Ngũ Tử Tư tiến cử làm thích khách lại là một người lùn sức trói gà không chặt. Vậy Yêu Ly đã dùng cách gì để thích sát Khánh Kỵ?

Lúc này, vua Ngô Hạp Lư đã giết chết vua Liêu, ông ta rất lo lắng sự trở về của công tử Khánh Kỵ nên đã phái quân đến đợi Khánh Kỵ ở bên sông. Khi xe của Khánh Kỵ chạy tới, vua Ngô dùng cung tên bắn, Khánh Kỵ dùng tay bắt được mũi tên. Tên bắn tới như châu chấu, Khánh Kỵ rất giỏi bắt tên, động tác vô cùng nhanh nhẹn, rồi xuống xe bỏ chạy. Vua Ngô dẫn xe đuổi theo nhưng không đuổi kịp. "Đông Chu liệt quốc chí" nói rằng Khánh Kỵ “Tẩu du bôn mã” (chạy nhanh hơn ngựa phi), chữ "Tẩu" trong từ cổ có nghĩa là chạy. Khánh Kỵ chạy thoát.

Hạp Lư trở về kinh đô, lúc này, một sự kiện lớn khác đã xảy ra ở nước Sở, Phí Vô Kỵ của nước Sở đã bày ra gian kế giết cả nhà một vị đại tướng nước Sở tên là Bá Khước Uyển. Sau khi gia tộc bị diệt vong, một trong những người con trai của Bá Khước Uyển đã chạy từ nước Sở đến nước Ngô, người này tên là Bá Dĩ. Khi Bá Dĩ đến nước Ngô gặp Ngũ Tử Tư, không chỉ là cảnh đồng hương xa quê mà cả hai đều có một kẻ thù chung là Phí Vô Kỵ.

Vì vậy, Ngũ Tử Tư rất thông cảm với Bá Dĩ, ông cũng bẩm báo với vua Hạp Lư và phong Bá Dĩ làm đại phu.

Lúc này vị thầy tướng Bị Ly nói với Ngũ Tử Tư, ngươi làm sao có thể giữ được Bá Dĩ? Ngũ Tử Tư nói, tục ngữ có câu "Đồng ưu tương cầu, đồng bệnh tương lân” (tạm dịch: cùng mối lo thì dễ sẻ chia, cùng bệnh tật thì hay thương xót), tôi và anh ta có một kẻ thù chung. Anh ta cũng bị diệt tộc như tôi, rồi chạy đến đây, làm sao có thể không giúp anh ta được?

Bị Ly nói ông chỉ nhìn thấy bề mặt của sự vật mà không nhìn thấy bản chất của sự vật. Bá Dĩ có ánh mắt như đại bàng, đi như hổ, người có tướng mạo như vậy là “chuyên công nhi thiện sát”, tức là đố kỵ với công lao của người khác và giết người không chớp mắt. Nếu cùng hắn mưu sự, tương lai nhất định sẽ bị hắn giết chết. Nhưng Ngũ Tử Tư không nghe lời.

Hãy xem Phí Vô Kỵ, hắn đã giết cha và anh của Ngũ Tử Tư, sau đó thông qua việc giết Bá Khước Uyển mà đưa Bá Dĩ sang nước Ngô, về sau Ngũ Tử Tư bị Bá Dĩ giết. Điều này có nghĩa là Phí Vô Kỵ không chỉ trực tiếp giết chết cha và anh trai của Ngũ Tử Tư mà còn gián tiếp giết chết Ngũ Tử Tư. Sau đó Bá Dĩ ở lại nước Ngô và trở thành quan đại phu, là tướng quân.

Hạp Lư hỏi Ngũ Tử Tư về triều chính, nói rằng nước ta ở bờ biển phía đông nam, đường đi hiểm trở, địa hình thấp và ẩm ướt, thủy triều nguy hiểm, không xây kho chứa, không khai khẩn đất đai, đất nước không có thành quách bảo vệ, người dân không có chí hướng vững chắc, làm sao có thể kháng cự với các cường quốc?

Ngũ Tử Tư nói, thần nghe nói rằng đạo an dân là để họ an cư lạc nghiệp, kẻ xưng bá phải xây thành quách, đặt phòng ngự, làm đầy kho tàng, trị quân nghiêm, chuẩn bị đủ quân sự và kinh tế, thì mới có thể vừa công vừa thủ được.

Hạp Lư nói, ta giao phó việc này cho khanh. Vì vậy, Ngũ Tử Tư đã chọn một vùng đất có địa hình phong thủy đẹp, bắt đầu quy hoạch thành quách mới. Thành có 8 cửa trên đất liền và 8 cửa thông nước, vị trí của mỗi cổng cùng hình dáng trang trí trên đó đều rất cầu kỳ. Trong thành, nơi đặt tông miếu, nơi vào triều, nơi đặt chợ, nơi đặt đàn tế Thần đất, v.v., đều do Ngũ Tử Tư quy hoạch.

Tranh vẽ Ngũ Tử Tư (phạm vi công cộng)

Sau đó, Ngũ Tử Tư bắt đầu dạy chúng dân cách tác chiến, cách bắn tên và cách phòng thủ. Thành quách này hiện nay là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Ngũ Tử Tư thực sự có tài năng giúp nước giúp dân, có năng lực an bang định quốc.

Lúc này Hạp Lư lên ngôi, lòng người cũng hướng về ông, nhưng ông vẫn có một nỗi lo lớn nhất, đó là công tử Khánh Kỵ vẫn sống. Ông đã thảo luận việc này với Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư nói rằng nếu muốn giải quyết Khánh Kỵ, hạ thần sẽ tiến cử một người. Hạp Lư hỏi: Vẫn còn dũng sĩ như Chuyên Chư sao?

Ngũ Tử Tư nói rằng người này không phải là một vị cao lớn khôi vĩ, võ công cao cường, anh ta chỉ là một người bình thường tên là Yêu Ly. Về người này, võ công tuy không cao nhưng có trí tuệ rất đắc dụng. Hạp Lư nói khanh đưa hắn đến gặp ta. Vì vậy Ngũ Tử Tư đã đưa Yêu Ly đến gặp vua Ngô.

Vua Ngô vừa nhìn thấy anh ta, cảm thấy rất thất vọng. Hắn cao chưa tới năm thước (khoảng hơn 1 m), chỉ cao bằng một nửa Ngũ Tử Tư, đeo thắt lưng, nhưng vòng eo lại rất nhỏ, hoàn toàn không phải là kẻ có tướng vai hùm lưng gấu, lại rất xấu trai. Khi đó, Hạp Lư nói với Ngũ Tử Tư, làm sao khanh có thể giới thiệu một người như vậy? Khánh Kỵ gân cốt cứng như sắt thép, sức địch vạn người, một kẻ lùn tịt như vậy làm sao có thể trở thành thích khách?

Ngũ Tử Tư nói: Hạ thần xin kể một câu chuyện, có một dũng sĩ tên là Tiêu Khâu Hân ở vùng Đông Hải, khi ấy đang cho ngựa uống nước bên sông. Người khác nói với anh ta rằng, có Thủy Thần ở khúc sông đó, một khi ngựa uống nước nơi này, Thủy Thần sẽ xông ra và ăn thịt ngựa. Khâu Hân nói, ta là một dũng sĩ, không ai dám mạo phạm ta. Anh ta không nghe lời khuyên, và con ngựa thực sự đã bị thứ gì đó dưới sông kéo xuống. Tiêu Khâu Hân cầm bảo kiếm nhảy xuống nước và quyết chiến với Thần sông. Sau ba ngày ba đêm, anh ta nhảy lên bờ. Lúc này anh ta bị mù một mắt và không mang được ngựa về. Nhưng cậy vào mình đã kinh qua trận chiến với Thần sông, anh ta đã kiêu ngạo, coi thường mọi người trong một bữa tiệc lớn.

Yêu Ly là người có mặt trong bữa tiệc đó, anh thấy bất bình. Yêu Ly nói, một người như anh đã mất 3 ngày 3 đêm không thể cứu được con ngựa của mình, còn bị mù một mắt. Tôi nghĩ anh là kẻ vô dụng nhất trên đời, sao còn có thể coi thường người khác? Khi đó, Tiêu Khâu Hân không nói một lời, ngượng ngùng đứng dậy rời khỏi bữa tiệc.

Yêu Ly trở về nhà và nói với vợ rằng tối nay có một kẻ sẽ đến giết tôi vì tôi đã làm nhục anh ta nơi đông người. Vì vậy, Yêu Ly cho mở cửa nhà , kể cả cửa phòng ngủ nơi anh ngủ, rồi nằm lên giường. Tiêu Khâu Hân thực sự đã đến vào lúc nửa đêm, đi đến giường Yêu Ly, rút ​​kiếm ra và kề vào cổ Yêu Ly.

Tiêu Khâu Hân nói rằng: “Ngươi đã làm ba điều đáng chết, ngươi biết chăng?”

Yêu Ly bảo: “Không biết, xin nói ra cho tôi biết”.

Tiêu Khâu Hân nói: “Điều đầu tiên là làm nhục ta ở chốn đông người; điều thứ hai là để cửa mở khi về nhà; điều thứ ba là thấy ta đến mà không thèm dậy chạy”.

Yêu Ly nói: “Tôi không có ba việc đáng chết, nhưng tôi nghĩ có ba việc anh làm đặc biệt vô giá trị. Điều đầu tiên là khi tôi nói anh vô dụng, nếu anh có lý thì anh cứ nói, nhưng anh lại không nói một lời nào, rõ ràng anh đã sai và bỏ đi. Điều thứ hai là , vào nhà không hắng giọng, rõ là có tâm ám toán, cũng không gõ cửa cứ thế đi vào, đó là không có lễ độ. Điều thứ ba là nếu anh cho rằng mình là dũng sĩ thì có thể gọi tôi ra đánh một trận quyết định, nhưng anh đã không làm vậy, sau khi ngươi kề kiếm vào cổ ta, ngươi mới dám nói chuyện với ta, ngươi rõ ràng là rất nhát gan, đây là việc chẳng ra gì thứ ba của ngươi”.

Tiêu Khâu Hân nói: “Ái chà, tôi luôn nghĩ rằng mình là một dũng sĩ, chưa bao giờ nghĩ rằng trên đời có người nào dũng cảm hơn tôi”.

Tiêu Khâu Hân nói rằng thực sự không còn mặt mũi nào sống trên đời nữa nên đã đập đầu vào cột chết. Người mà Ngũ Tử Tư muốn tiến cử cho Ngô vương Hạp Lư chính là Yêu Ly.

Yêu Ly nói với Hạp Lư rằng, nếu chúng ta muốn ám sát Khánh Kỵ, thì phải tìm cách đến gần hắn. Tất nhiên kế cá nướng lần này không dùng được nữa rồi. Yêu Ly nói, hạ thần có kế này, hãy chặt tay phải của thần, giết hết vợ con của thần, giả vờ như hạ thần đã đắc tội với ngài . Sau đó hạ thần đến nương nhờ công tử Khánh Kỵ.

Đây là khổ nhục kế, thật thảm độc. Yêu Ly nói Khánh Kỵ sẽ tin tôi. Yêu Ly đã dựa vào kế này để tiếp cận Khánh Kỵ. Ban đầu Khánh Kỵ không tin nên cử người đi điều tra, thấy đúng là như vậy nên đã tin tưởng cho Yêu Ly đi cùng. Một kẻ lùn yếu như vậy thì có thể làm nổi việc gì lớn.

Khi đó, công tử Khánh Kỵ đang ở nước Vệ, thủ phủ của nước Vệ là Triều Ca, nay là huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam. Khánh Kỵ dẫn quân Vệ tiến về nước Ngô, chuẩn bị báo thù, Yêu Ly đứng bên cạnh. Khi đó họ đang ở trên sông, Yêu Ly nói với Khánh Kỵ rằng công tử nên ngồi ở mũi thuyền để chỉnh đốn quân binh. Thế là Khánh Kỵ ngồi trên mũi thuyền chủ soái. Yêu Ly cầm một ngọn giáo đứng phía sau Khánh Kỵ.

Đột nhiên, một cơn gió lạ từ sông thổi lên khiến Khánh Kỵ không thể mở mắt. Khi Khánh Kỵ nhắm mắt, Yêu Ly đột nhiên từ phía sau chạy lên phía trước và đâm ngọn giáo vào tim Khánh Kỵ, xuyên từ phía trước ra phía sau. Khánh Kỵ mở mắt ra, biết mình không thể sống sót. Anh ta tóm lấy Yêu Ly và dìm xuống nước từ mũi thuyền, anh ta dìm Yêu Ly tổng cộng ba lần, sau đó lôi Yêu Ly lên và đặt dưới chân mình.

Khánh Kỵ cười và nói: Người dũng mãnh như ta, mà ngươi vẫn dám giết, dưới gầm trời này còn có kẻ dũng cảm hơn ta chăng? Dứt lời anh nói với những người xung quanh, hôm nay ta nhất định phải chết, bởi trong một ngày không thể để chết hai dũng sĩ.

Anh ta nói Yêu Ly là một người dũng cảm, sau khi tôi chết, các người phải thả Yêu Ly đi. Nói xong, anh ta rút ngọn giáo ra khỏi ngực, máu chảy đầm đìa và chết ngay sau đó. Sau khi chết, các binh sĩ chuẩn bị thả Yêu Ly theo lời dặn của Khánh Kỵ.

Yêu Ly nói, tôi đã làm ba điều đại bất nghĩa, thứ nhất là tôi đến nương nhờ Khánh Kỵ để ám sát anh ta, đó là tội bất trung, điều thứ hai là vợ con tôi vô tội, nhưng vì việc này mà chết. Đây là điều bất nghĩa thứ hai, điều thứ ba là, chỉ để làm điều này, tôi đã yêu cầu vua Ngô chặt một cánh tay của tôi, ông ấy nói đó cũng là điều bất nghĩa và không có trí tuệ, nên tôi cũng không muốn sống trên đời này nữa. Sau đó anh ta cũng nhảy xuống nước chết.

Việc Yêu Ly ám sát Khánh Kỵ không được ghi trong “Sử ký” mà được ghi trong “Chiến Quốc sách” phần “Ngụy sách”.

Các học giả thời tiền Tần cũng đề cập đến việc Yêu Ly chịu bị giết vợ con để ám sát Khánh Kỵ, nhưng không chi tiết như vậy.

"Đông Chu liệt quốc chí" viết về sự việc này rất chi tiết. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, có một chương đặc biệt tên là “Thích khách liệt truyện”. Chuyên Chu đứng hàng thứ hai trong đó. Tuy nhiên, sự việc ám sát Khánh Kỵ của Yêu Ly không được đưa vào "Thích khách liệt truyện", cũng có thể liên quan đến kế sách của Yêu Ly quá ư tàn nhẫn.

Câu chuyện trở lại nước Ngô, vua Hạp Lư của nước Ngô hiện đã giải quyết được vấn đề Khánh Kỵ, thành trì đã được tu sửa xong, và ông cũng đã vỗ về dân chúng bằng cách cung cấp cứu trợ, triều chính đã khá ổn định, không ai có thể khiêu chiến từ trong nước nữa. Ngũ Tử Tư cũng từ việc này mà lập được đại công, ông nghĩ rằng đã đến lúc xin Ngô vương Hạp Lư phái binh đánh Sở giúp ông trả thù.

Hạp Lư nói, ta cũng muốn giúp khanh báo thù, nhưng ta nghĩ nếu chúng ta tấn công Sở nước sẽ là một điều rất nguy hiểm. Chúng ta cần một vị tướng có đủ lòng tin, tài trí và mưu lược, bách chiến bách thắng thì mới có thể xuất quân tiêu diệt nước Sở.

Vua Hạp Lư của nước Ngô rõ ràng không hoàn toàn tin tưởng vào khả năng cầm quân của Ngũ Tử Tư và Bá Dĩ. Ngũ tử Tư nói với vua Ngô: “Hạ thần biết một người nắm vững vi diệu của đất trời, cơ mưu khiến thần quỷ khó lường, chỉ cần ông ta đến cầm quân đánh Sở, tất sẽ giành chiến thắng”.

Ngũ Tử Tư đã tiến cử ai vậy? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo "Binh gia Tôn Vũ". Xin trân trọng cảm ơn.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 4 - Văn võ toàn tài (3)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Văn võ toàn tài (3): Ngũ Tử Tư an bang định quốc, Yêu Ly dụng kế giết Khánh Kỵ