Vẻ đẹp cổ điển siêu việt về Thần Vệ Nữ và Đức Mẹ Maria trong tranh vẽ của họa sĩ Ý Botticelli

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình dáng duyên dáng điềm tĩnh của Thần Vệ Nữ được khắc họa bởi bậc thầy thời Phục hưng Sandro Botticelli, bức vẽ siêu đẹp đến nỗi ngay cả những người không am hiểu nghệ thuật cũng có thể nhận ra. Điều ít được biết đến là những bức tranh của ông về Đức Trinh Nữ Maria cũng hàm chứa nét đẹp cổ điển tương đồng.

Trong suốt thời kỳ Phục hưng, các nghệ sĩ đã tham khảo các tác phẩm kinh điển cổ xưa. Nhà sử học nghệ thuật E.H. Gombrich viết trong cuốn sách “Câu chuyện nghệ thuật” rằng mọi người “bị thuyết phục về trí tuệ siêu việt của người xưa đến mức họ tin rằng những truyền thuyết cổ điển này phải chứa đựng một sự thật sâu sắc và bí ẩn nào đó”.

Trong bức “Sự ra đời của Thần Vệ nữ”, họa sĩ Alessandro Filipepi, thường được gọi là Botticelli (khoảng năm 1445–1510), đã dựa trên Thần Vệ nữ trên bức tượng cổ Aphrodite of Knidos (Thần Vệ nữ với người Ý) của nhà điêu khắc Hy Lạp Praxiteles.

Bức tranh “Venus Pudica”, khoảng năm 1485–1490, họa sĩ Botticelli. Tranh dầu trên vải; 1,58m x 68,58cm. Phòng trưng bày Nghệ thuật, Bảo tàng Nhà nước Berlin, Berlin. (Ảnh: BPK, Berlin, Dist. RMN-Grand Palais/Jörg P. Anders)

Vào thời của họa sĩ Botticelli, vẻ đẹp trần thế được sánh với thần thánh. “Trong suốt thế kỷ 15, vẻ đẹp nhanh chóng trở thành một đặc điểm quan trọng của các bức tranh sùng đạo và gần như là điều kiện cần trong nghệ thuật biểu tượng; điều này đã đạt đến sự phát triển toàn diện ở họa sĩ Botticelli”, người phụ trách Bảo tàng Ana Debenedetti viết trong cuốn sách “Botticelli: Nghệ sĩ và Nhà thiết kế ”.

Triển lãm “Botticelli: Nghệ sĩ và Nhà thiết kế” tại Bảo tàng Jacquemart-André ở Paris khám phá thiên tài nghệ thuật của Botticelli thông qua khoảng 40 tác phẩm nghệ thuật của ông.

Những tác phẩm này bao gồm chân dung, tế đàn họa, tranh tâm linh của tư nhân và cả nghệ thuật trang trí như thảm trang trí, được trưng bày trong triển lãm cùng với các tác phẩm cùng thời của ông, thể hiện mối liên hệ giữa các tác phẩm của ông với văn hóa đương đại, cũng như sự trao đổi linh hoạt về ý tưởng và phong cách nghệ thuật chủ yếu giữa các nghệ sĩ Trường phái Florentine.

Bức tranh “Minerva yên bình - Peaceful Minerva”, khoảng năm 1491–1500, bởi một nhà máy sản xuất của Pháp phỏng theo tranh của họa sĩ Botticelli. Len và lụa; 2,56 x 1,55 m. Bộ sưu tập riêng. (Ảnh: Studio Sébert, Paris)
Bức tranh “Allegorical figure” hay “La Bella Simonetta,” vào khoảng năm 1485, bởi Botticelli. Màu keo và dầu trên gỗ dương; 82 x 54 cm. Bảo tàng Städel, Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: Bảo tàng Städel, Frankfurt am Main / CC BY-SA 4.0)

(Ghi chú: Simonetta Vespucci, biệt danh la Bella Simonetta, là một phụ nữ quý tộc người Ý đến từ Genova, vợ của Marco Vespucci ở Florence và là anh em họ của Amerigo Vespucci.)

Học hỏi từ bậc thầy

Triển lãm bắt đầu với quá trình học việc của Botticelli với Fra Filippo Lippi (khoảng năm 1406-1469), được biết đến nhiều nhất với những bức tranh sùng đạo của ông. Lippi nổi tiếng là một bậc thầy hàng đầu của thời kỳ đầu Phục hưng. Từ ông ấy, họa sĩ Botticelli đã học cách vẽ ra những bức Đức Mẹ dịu dàng trong tranh Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng.

Khách tham quan triển lãm có thể thấy bức “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng” (khoảng 1460–1465) của Lippi tương tự như thế nào với “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng” của Botticelli, còn được gọi là “Campana Madonna” (khoảng 1467–1470).

Bức tranh “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng”, khoảng năm 1460–1465, họa sĩ Filippo Lippi. Màu keo trên gỗ dương; 76,8 x 54 cm. Alte Pinakothek, Bộ sưu tập tranh của bang Bavarian, Munich. (Ảnh: BPK, Berlin, Dist. RMN-Grand Palais/ image BStGS)

Cả hai nghệ sĩ đã mô tả một cách đáng yêu mối quan hệ mẹ con, kết nối chúng ta ngay lập tức với chủ đề của bức tranh. Lippi mô tả Chúa Hài Đồng đang cố gắng thu hút sự chú ý của Đức Mẹ, trong khi Chúa Hài Đồng của Botticelli lại muốn được quan tâm bằng cách nắm lấy một mảnh áo của Đức Mẹ.

Trong cả hai bức tranh, Đức mẹ đồng trinh được lý tưởng hóa với vầng sáng vàng nhẹ trên đầu khẳng định đây không chỉ là cảnh gia đình đơn thuần: Đây là nét đặc biệt đưa người xem đến gần Chúa hơn.

Bức tranh “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng” hay còn được gọi là “Campana Madonna” (khoảng 1467–1470), của họa sĩ Botticelli. Màu keo trên gỗ dương; 72 x 51 cm. Bức tranh tại Bảo tàng Petit Palais ở Avignon, Pháp, được chuyển vĩnh viễn từ Bảo tàng Louvre, năm 1976. (Ảnh: René-Gabriel Ojéda/ RMN-Grand Palais)

Các bức tranh về Đức Trinh Nữ của các nghệ sĩ gần như phản chiếu lẫn nhau, ngoại trừ bức tranh của Lippi, Đức Trinh Nữ được vẽ ở phía bên trái của bố cục, trong khi bức tranh của Botticelli, Đức Trinh Nữ lại ở bên phải.

Vào những năm 1400, nghiêng, đảo ngược và hoán đổi trên một kiểu mô hình là thông lệ phổ biến trong các bức vẽ ở Ý để tránh sự lặp lại rõ ràng, người phụ trách Debenedetti viết.

Các nghệ sĩ đã sao chép các họa tiết, hình vẽ, và thậm chí cả sáng tác của các nghệ sĩ khác, đặc biệt là trong các bức tranh thiêng liêng mô tả những câu chuyện giống nhau và cơ hội để thay đổi bố cục bị hạn chế.

Bức tranh “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng với Trẻ sơ sinh John the Baptist”, khoảng năm 1505, của họa sĩ Botticelli. Màu keo và dầu trên vải; 1,3 x 0,9 m. Phòng trưng bày Palatine, Cung điện Pitti, Phòng trưng bày Uffizi; Thanh phố Florence, Ý. (Ảnh: Văn phòng chụp ảnh của Phòng trưng bày Uffizi)

Một khía cạnh hấp dẫn trong tác phẩm của họa sĩ Botticelli là phong cách vẽ tâm huyết của ông đã thay đổi theo thời gian.

Được triển lãm là bức “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng”, còn được gọi là “Quyển sách của Đức Trinh Nữ” mà ông ấy vẽ vào khoảng năm 1482. Bức tranh vẫn thể hiện mối quan hệ mẹ con, nhưng so với các tác phẩm trước đó, khung cảnh đã thấm đẫm màu sắc. Nền kiến trúc nặng nề trong tác phẩm “Campana Madonna” giờ đây được thay thế bằng một cửa sổ đơn giản và một ngọn đồi nhỏ. Họa sĩ Botticelli đã thêm các biểu tượng tôn giáo vào cảnh - một cuốn sách cầu nguyện mở, vương miện gai - để khuyến khích người xem tham gia vào việc chiêm ngưỡng và cầu nguyện.

Bức tranh “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng” còn được gọi là “Quyển sách của Đức Trinh Nữ”, khoảng năm 1482–1483, của họa sĩ Botticelli. Màu keo trên gỗ; 58 x 39,6 cm. Bảo tàng Poldi Pezzoli, Milan. (Ảnh: Bảo tàng Fotoarte/ Poldi Pezzoli)

Nghệ sĩ đã vẽ Đức Trinh Nữ lên cõi Thiên đàng trong sự vinh quang “Lễ đăng quang của Trinh nữ Với Thánh Justus của Volterra, Chân phước Jacopo Guidi da Certaldo, Thánh Romuald, Thánh Clement, và một tu sĩ người Camaldolese”.

Họa sĩ Bottticelli vẽ nửa trên của bức tranh, trong khi họa sĩ Domenico Ghirlandaio vẽ phần dưới. Khung cảnh hân hoan tả cảnh Đức Trinh Nữ lên Thiên đàng trong bản giao hưởng của các Thiên Thần báo trước lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ. Năm người sùng đạo chứng kiến cảnh tượng này. Ở góc dưới bên phải, tu sĩ Camaldolese đang dâng lời cầu nguyện được cho là chân dung của người bảo trợ, người đã đặt vẽ bức đa liên họa này.

Bức tranh “Lễ đăng quang của Trinh nữ Với Thánh Justus của Volterra, Chân phước Jacopo Guidi da Certaldo, Thánh Romuald, Thánh Clement, và một tu sĩ người Camaldolese”, khoảng năm 1492, họa sĩ Botticelli và Domenico Ghirlandaio. Màu keo và sơn dầu trên gỗ được chuyển qua vải; 2,69 ×1,75 m. Được John & Johanna Bass quyên tặng, Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Bass; Bãi biển Miami, Florida. (Ảnh: Zaire ArtLab)

Những bức Tondi tráng lệ

Người họa sĩ và xưởng vẽ của ông chuyên vẽ các bức tranh “tondi”, là những bức tranh hoặc phù điêu hình tròn được vẽ cho các cá nhân sùng đạo, rất phổ biến ở Florence vào thời điểm đó. Người phụ trách Debenedetti viết rằng “hình tròn thích hợp nhất để đại diện cho nền tảng của đức tin Cơ đốc, vì đây là dạng hình học hoàn hảo từ thời cổ đại”.

Tuy hoàn hảo về hình thức toán học nhưng bố cục tranh trong hình tròn rất khó, vậy mà họa sĩ Botticelli đã rất xuất sắc trong lĩnh vực này. Giống như nhiều tác phẩm của ông, một số tondi đã được các trợ lý của ông sao chép lại thành một loạt tranh theo chủ đề.

Bức tranh “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng với Năm thiên thần” những năm 1490, tác phẩm được cho là của bậc thầy kiến trúc Gothic, Jacopo Foschi, làm việc ở Florence, Ý, khoảng năm 1485-1520, phỏng theo tranh của họa sĩ Botticelli. Màu keo trên gỗ; đường kính 1,15 m. Viện Bảo Tàng Montpellier Mediterranean Metropolis, được cho mượn dài hạn từ Bảo Tàng Louvre, 1979. (Ảnh: Frédéric Jaulmes/Fabre Museum of Montpellier Mediterranean Metropolis)

Triển lãm có một số tác phẩm về loạt tranh này. Đặc biệt là bức “Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng với Năm thiên thần” được cho là của Jacopo Foschi, trợ lý của họa sĩ Botticelli và là bậc thầy kiến trúc Gothic. Trong tranh, Thiên Thần đội vương miện cho Đức Trinh Nữ đang ngồi trên ngai vàng và đang viết. Chúa Hài Đồng ngồi trong lòng Đức Mẹ, mắt hướng nhìn lên, một tay đặt trên tay Đức Mẹ dường như đang hướng dẫn bà viết, tay kia chạm vào một quả lựu, là tượng trưng cho ‘Cuộc Khổ Nạn của Chúa’.

Trong suốt sự nghiệp của mình, họa sĩ Botticelli và xưởng vẽ của ông đã tạo ra nhiều bức tranh sùng đạo cho các tổ chức và khách hàng quan trọng. Ông đã vẽ những bức bích họa trong Nhà Thờ Prato như một phần của quá trình học việc của mình, hoàn thành vô số ủy thác từ gia tộc Medici quyền lực và vẽ ba cảnh trong nhà nguyện riêng của Giáo Hoàng, sau này được gọi là Nhà Nguyện Sistine.

Sức ảnh hưởng từ các tác phẩm tâm linh của họa sĩ Botticelli rất sâu rộng, nhiều bức tranh của ông đã được sao chép hàng loạt để sử dụng cho mục đích sùng đạo cá nhân.

Do đó, mặc dù các bức tranh Thần Vệ Nữ của họa sĩ Botticelli thu hút sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật, nhưng các tác phẩm khắc họa vẻ đẹp cổ điển của Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng lại đưa chúng ta đến gần hơn với chân lý và đạo đức cao thượng.

Triển lãm “Botticelli: Nghệ sĩ và Nhà thiết kế” tại Bảo tàng Jacquemart-André ở Paris do người phụ trách Bảo tàng Ana Debenedetti thuộc Bảo Tàng Victoria & Albert và giám đốc di sản Pierre Curie tổ chức, kéo dài đến ngày 09/01/2022. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập Musee- Jacquemart-Andre.com

Cao Nguyên
Theo Lorraine Ferrier - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vẻ đẹp cổ điển siêu việt về Thần Vệ Nữ và Đức Mẹ Maria trong tranh vẽ của họa sĩ Ý Botticelli