Vì sao người Trung Quốc quỳ khóc kêu oan trước tượng Bao Công?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công lý nay đâu mà thảo dân phải khóc trước tượng Bao Chửng?

Trung Quốc thời nay có còn ai như Bao Công để dân oan làm chỗ dựa? Thật hiếm như sao buổi sáng, như lá mùa thu. Thế nên vào ngày 10/3, tại Khu thắng cảnh Đền Bao Công ở Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc, có một người phụ nữ đeo ba lô quỳ trước Đại đường Phủ Khai Phong, hai tay ôm lấy hàng rào khóc thảm thiết. Hình ảnh của cô đã được quay lại và đưa lên mạng khiến nhiều người rất tò mò.

Thế rồi cơn khóc nhanh chóng lây lan, từ hôm đó có nhiều người cũng tới đây để khóc, đến độ vào ngày 15/3, chính quyền địa phương này đã cho dỡ bỏ tượng Bao Công. Ngày hôm sau, họ thông báo “khu danh lam thắng cảnh tạm thời đóng cửa để thi công duy tu”.

Hóa ra, đó đều là những dân oan trên toàn quốc, vật vã trước tượng Bao Thanh Thiên để trình bày nỗi oan khổ. Còn người phụ nữ trên video đã công khai cho biết cô quê ở huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh, do tư pháp bất công, bị hãm hại vu khống nên gia đình tan nát. Cô đã thắng kiện tại Tòa án Xương Đồ, nhưng không có tiền đút lót theo gợi ý của thẩm phán thi hành án, do đó cơ quan thi hành án của tòa án đã trả lại tài sản bị phong tỏa điều tra, đồng thời cho phép người chịu thi hành án - là bên làm hại cô - được tự ý xử lý tài sản đóng băng. Người phụ nữ nông thôn này chẳng biết kêu ai cho thấu.

Ngày 10/3, cô đến nhà anh họ ở Khai Phong nghỉ ngơi. Khi đến thăm đền thờ Bao Công, nghĩ đến một vị quan thanh liêm công bằng chính nghĩa nổi tiếng trong lịch sử, rồi cám cảnh đời mình, cô đã không kìm được lòng mà bật khóc.

Bao Công là ai mà khiến một dân oan thời hiện đại có thể xúc động như vậy? Có thể nhiều người đã nghe nói đến nhân vật này, nhưng câu chuyện của những Bao Công xưa và nay có thể giúp chúng ta hiểu được nhiều điều trong xã hội Trung Quốc lúc này, bao gồm cả sự kiện vừa đề cập.

Bao Thanh Thiên, vị quan thanh liêm như trời xanh vằng vặc

Bao Chửng, tự Hy Nhân, thường được gọi là Bao Thanh Thiên hay Bao Công, là người Lư Châu, Hợp Phì (nay là huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy). Ông sống vào thời Bắc Tống, đời vua Tống Nhân Tông, làm quan tới tòng nhị phẩm Xu Mật Viện phó sứ, tương đương với phó tể tướng. Ông nổi tiếng vì sự chính trực, "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình", tài xử án của ông được dân gian lưu truyền qua nhiều giai thoại.

Bao Chửng đảm nhiệm nhiều chức trách, vừa dâng những kế sách lớn về trị quốc an dân, vừa thiết tha can gián quân chủ tránh xa điều xấu. Chẳng hạn, ông dâng sớ tâu rằng thiên tử cần phải “Sáng suốt nghe tiếp thu can gián, phân biệt rõ bè đảng, quý tiếc nhân tài”, một mặt phát huy cái lợi trừ bỏ cái hại, một mặt cần tuyển chọn người hiền năng. Trong bản sớ tấu “Xin chớ dùng quan lại bẩn”, ông chỉ ra rằng “Người liêm khiết là tấm gương của dân; kẻ tham ô là giặc của dân”.

Bao Chửng chủ trương dùng người phải là bậc quân tử trung hậu, chính trực, liêm khiết và sáng suốt. Những người như thế dẫu gặp oan khuất cũng được ông cứu, lại kiến nghị hoàng đế tái sử dụng họ. Còn với kẻ tham ô bẻ cong pháp luật thì nghiêm khắc trừng trị, thải hồi vĩnh viễn. Kiến nghị của ông đa phần được Tống Nhân Tông tiếp thu áp dụng, khiến kẻ quyền thần hay thân thích cũng không dám lộng hành tác oai tác quái.

Bao Chửng còn nhiều lần dâng sớ để thực thi những chính sách làm giảm nhẹ gánh nặng đóng góp của dân, nhất là những năm mất mùa đói kém, không để dân vì đói khát phải ly tán lưu lạc, có lần còn kiến nghị hoàng thượng để bãi bỏ nợ thuế các loại cho người dân lên đến con số rất lớn là một nghìn hai trăm vạn tiền. Sách sử sách chép về ông rằng: “Những chức vị mà ông đảm nhiệm, thường nghiêm khắc với quan lại và khoan dung với dân chúng, hễ người nào lạm thu, đa phần đều bị loại bỏ.” Còn văn hào đại thần nổi tiếng đời Tống là Âu Dương Tu đã dành cho Bao Chửng những lời bình luận: "Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình". Người ta gọi ông với tên Bao Thanh Thiên có nghĩa là trí tuệ cao vời, tấm lòng trong sạch như trời xanh lồng lộng.

Người phụ nữ ở tỉnh Liêu Ninh và những dân oan khắp nơi tập trung kêu khóc ở đền thờ Bao Công ở Khai Phong, Hà Nam có lẽ đã đau xót vì đời mình không gặp được một vị quan thanh liêm chính trực như vậy. Nhưng cần biết rằng, có minh quân mới có hiền thần. Một vị quan thanh liêm như Bao Chửng lại phải có một hoàng đế biết nghe lẽ phải như Tống Nhân Tông mới có thể phát huy tác dụng.

Bao Thanh Thiên ba lần hạch tội bác vợ của hoàng đế Tống Nhân Tông

Vào thời Hoàng đế Tống Nhân Tông, số lượng quan lại khá nhiều và không phải ai cũng xứng đáng với trọng trách. Nguyên nhân của việc này là vì Tống Nhân Tông muốn bắt chước theo Đường Thái Tông bằng việc mở rộng con đường làm quan thi cử, nhưng ông lại không có được năng lực và tâm thái của Đường Thái Tông. Bởi vậy Bao Chửng khi ấy làm Giám sát Ngự sử, đã đề cao việc trọng dụng người hiền, đặc biệt nghiêm khắc với quan lại bất tài. Ông đã nhiều lần can gián Tống Nhân Tông khi đề bạt những quan lại bất tài vô đức mà trường hợp nổi tiếng nhất là bá phụ của Trương Quý phi là Trương Nghiêu Tá. Trương Quý phi là một phi tần rất được sủng ái của Tống Nhân Tông, dựa vào đó, bà đã thỉnh cầu cho Trương Nghiêu Tá làm Tam Ti sứ.

Bao Chửng chỉ ra rằng thăng chức liên tục cho Trương Nghiêu Tá là trọng dụng họ hàng thân tín, không hợp với pháp độ của Đại Tống, lại là để cho hậu cung can dự việc triều chính. Tống Nhân Tông đành phải thu hồi lại chiếu mệnh bổ nhiệm đã ban.

Đến tháng Giêng năm sau, Tống Nhân Tông vì không thể từ chối Trương Quý phi, lại lần nữa hạ chỉ cất nhắc Trương Nghiêu Tá. Bao Chửng lại lần nữa chỉ ra rằng, Trương Nghiêu Tá bất tài vô năng, không xứng đáng trọng trách, thỉnh Hoàng Đế lựa chọn người hiền có năng lực khác. Quan viên triều đình cũng nhất trí với Bao Chửng. Trương Nghiêu Tá thấy e ngại, liền bày tỏ không tiếp nhận bổ nhiệm. Tống Nhân Tông lại lần nữa thu hồi chiếu mệnh bổ nhiệm đã ban hành.

Vào tháng 8 năm đó, Trương Quý phi nhiều lần đề xuất với Tống Nhân Tông phong cho Trương Nghiêu Tá làm Tuyên Huy sứ. Sáng hôm ấy trước khi thiết triều, Trương Quý phi đã đưa tiễn Tống Nhân Tông đến cửa cung, không quên lặp lại: “Hôm nay Hoàng thượng chớ quên chuyện phong Tuyên Huy sứ nhé.”

Tuy vậy, ngự chỉ của Tống Nhân Tông vừa ban xuống, Bao Chửng lập tức dâng tấu. Lần này, Tống Nhân Tông kiên trì hơn, ông nói: “Trương Nghiêu Tá không có lỗi gì lớn, có thể đề bạt được”.

Bao Chửng phản bác rằng: “Quan lại các nơi thu thuế trái pháp luật, khiến dân chúng khắp nơi oán hận. Trương Nghiêu Tá là chủ quản, sao bệ hạ lại nói là không có lỗi lớn?”

Tống Nhân Tông thở dài nói: “Đây đã là lần hạ chỉ chiếu mệnh bổ nhiệm lần thứ ba rồi. Trẫm ở ngôi cao thiên tử, lẽ nào bổ nhiệm một người lại khó khăn thế này?”

Bao Chửng nghe xong liền đến ngay trước long tọa, cao giọng nói: “Lẽ nào bệ hạ nguyện bất chấp ý dân? Thần đã là quan can gián, sao có thể lo cho sự an nguy của bản thân mà không coi quốc gia làm trọng!”

Trương Nghiêu Tá đứng ở bên, im lặng sợ hãi, còn các đại thần thì đều ca ngợi Bao Chửng.

Tống Nhân Tông không tìm thấy lý do chính đáng để phản bác, tức giận phất áo hồi cung. Trương Quý phi sớm nghe được tin tức trong triều, liền bước tới nghênh đón và tạ tội. Tống Nhân Tông trách mắng rằng: “Nàng chỉ lo đến cái chức Tuyên huy sứ, Tuyên Huy sứ, mà không nghĩ đến Bao Chửng vẫn đang làm Ngự sử.”

undefined
Chân dung Bao Chửng. (Miền công cộng)

Tống Nhân Tông dẫu không phải là dạng minh quân kiệt xuất như Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ hay Khang Hy đại đế, song cũng là vị vua biết phục thiện, lắng nghe điều phải trái. Còn Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xưa nay vẫn thêu dệt bôi nhọ các triều đại phong kiến và tự cho mình mới là “vĩ đại, quang vinh, chính xác”, nhưng đã đối xử thế nào với một Bao Thanh Thiên đã khuất và những Bao Thanh Thiên đương thời?

Kiếp nạn của Bao Thanh Thiên trong thời Đại Cách mạng Văn hóa

Quay trở lại vụ việc ở đền thờ Bao Công ở Hà Nam, một nhà hoạt động nhân quyền họ Vương ở Thiểm Tây, nói với phóng viên Epoch Times rằng: “Trong xã hội cũ, người ta vẫn có quyền đánh trống và kêu oan, nhưng bây giờ người dân trong xã hội thậm chí còn không có quyền khóc? Bao Công nổi tiếng công bằng vị tha trong hàng ngàn năm, giờ đã trở thành đối tượng duy trì sự ổn định của chính quyền.”

Nghe như một chuyện hài hước, dù đã khuất núi ngót nghìn năm, Bao Công vẫn có thể bị ĐCSTQ xem là thế lực thù địch vì là nơi mà người dân oan gửi gắm nỗi uất ức oan khổ. Nhưng đây chẳng phải là lần đầu tượng Bao Công bị chính quyền ĐCSTQ dỡ bỏ.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, phong trào "Phá tứ cựu, lập Tứ tân" lan rộng khắp Trung Quốc. Bao Công bị xem là đáng trừng trị hơn cả tham quan vì đã ủng hộ, duy trì chế độ phong kiến, bị xếp vào loại "ngưu quỷ xà thần" phải quét sạch. Từ đường nhà ông trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã. Nơi trước kia ông làm việc bị đập phá từ trong ra ngoài, bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán đều nát vụn. Bức tượng Bao Công được làm từ gỗ đàn hương, lớn như người thật, bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát. Bộ gia phả "Bao thị tông phả" và bức họa truyền thần Bao Công lúc sinh tiền được truyền từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân quốc đã bị treo lên cây đốt cháy thành tro. Sau năm 1949, đền thờ Bao Công do nhà nước quản lý, thuộc Công viên Bao Hà. May mà bức họa Bao Công từng được đưa vào Tử Cấm Thành triển lãm, nhờ đó còn giữ được tấm ảnh chụp lại.

Bao Thanh Thiên đã khuất núi còn bị lăng nhục, cán bộ Đảng thời ấy mà học tấm lòng thương dân của Bao Thanh Thiên cũng bị kết án, chẳng hạn như vụ án của Trương Khải Phàm.

Trương Khải Phàm là phó bí thư tỉnh ủy An Huy, ông đã được người dân hết lời ca ngợi là “Bao Thanh Thiên”, lý do như sau: Từ năm 1959 đến năm 1962, Trung Quốc xảy ra nạn đói khủng khiếp, tỉnh An Huy có số người chết đói lên đến gần 7 triệu người. Vào năm 1959, nghe nói ở vùng nông thôn có nhiều người chết đói, Trương Khải Phàm liền xuống huyện Vô Vi điều tra. Huyện Vô Vi là một kho thóc của cả nước, là một huyện rất lớn với 1,4 triệu dân, nhưng khi Trương xuống điều tra thì đã có 900.000 dân chết đói. Trương Khải Phàm bứt rứt lương tâm, quyết định giải tán nhà ăn công cộng, mở kho phát lương thực, cứu sống 500.000 dân.

Nhưng Trương lại bị cấp trên của ông là bí thư tỉnh ủy Tăng Hy Thánh bắt giữ, bị còng tay xích chân. Còn bản thân Tăng Hy Thánh gây ra cái chết cho gần 7 triệu người trong nạn đói thì lại không hề hấn gì. Mao Trạch Đông tuyên bố Tăng Hy Thánh là người tốt do làm theo chỉ thị của ĐCSTQ và bảo vệ ông ta. Còn Trương Khải Phàm cứu nạn dân là đi ngược lại chủ trương của ĐCSTQ, nên bị luận tội là phần tử chủ nghĩa cơ hội cánh hữu, chịu án 20 năm tù.

Năm 1960: Nạn đói lớn bùng phát ở Trung Quốc, kéo dài suốt 3 năm khiến mấy chục triệu người chết đói.
Năm 1960: Nạn đói lớn bùng phát ở Trung Quốc, kéo dài suốt 3 năm khiến mấy chục triệu người chết đói. (Ảnh: Getty)

Nhưng một Bao Thanh Thiên đương đại còn làm Trung Nam Hải sợ hãi và căm ghét hơn nữa.

Cao Trí Thịnh - Bao Thanh Thiên đương đại giờ ở đâu?

Cao Trí Thịnh sinh ngày 20/4/1964 trong một gia đình nghèo ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Khi còn trẻ, ông làm việc cực khổ trong một mỏ than. Vì nghèo nên ông phải theo học bằng cách nghe giảng bên ngoài cửa sổ trường làng. Sau đó, một người họ hàng đã giúp ông theo học trung học, đủ điều kiện để gia nhập Quân đội và trở thành đảng viên của ĐCSTQ.

Khi xuất ngũ, Cao Trí Thịnh bán rau để mưu sinh. Năm 1991, ông đọc được trong một bài báo cũ nói rằng Trung Quốc sẽ cần 150.000 luật sư trong tương lai. Mặc dù chỉ được đến trường có 3 năm, nhưng nhờ nỗ lực tự học và trí thông minh, luật sư Cao đã vượt qua kỳ thi và trở thành một luật sư thực thụ vào năm 1995 với mong muốn “có thể góp phần cải biến xã hội Trung Quốc”.

Ông bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1996 tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương sau đó là Bắc Kinh. Nghề nghiệp đã cho ông cơ hội đi khắp Trung Quốc, càng đi nhiều ông càng chứng kiến nhiều án oan dành cho những người dân nghèo khổ. Điều ấy thôi thúc ông dành 1/3 quỹ thời gian trong năm để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và những người bị áp bức. Sự tận tụy ấy đã khiến Cao Trí Thịnh được Bộ Tư Pháp Trung Quốc xếp vào nhóm “10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc”, ông nổi tiếng với tên gọi "Lương tâm của Trung Quốc" khi mới 34 tuổi.

Trong 2 năm ở Urumqi, khu tự trị Tân Cương, 3/4 các vụ án do luật sư Cao thụ lý đều là các vụ kiện miễn phí cho những người nghèo yếu thế. Kết quả là ông bị một số đồng nghiệp đố kỵ, bị báo cáo và tấn công. Phóng viên đã hỏi ông rằng, bị như vậy thì sống ra sao? Cao Trí Thịnh trả lời: "Tôi xuất thân từ một gia đình rất nghèo, và tôi biết cảm xúc của những người nghèo, vì vậy tôi biết tôi cần phải làm gì... Tôi sẽ không xem việc giúp đỡ người khác thành bố thí. Tầm nhìn của tôi rất xa rộng, tôi muốn dùng cả đời này của mình để cứu những thế hệ sau".

Năm 2004, Luật sư Cao Trí Thịnh bắt đầu hỗ trợ pháp lý cho một học viên Pháp Luân Công bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức mà không hề được xét xử tại tòa án. Chứng kiến một cộng đồng lớn những người tu luyện theo nguyên tắc Chân – Thiện – Nhẫn lại bị chính quyền ĐCSTQ vu khống, bức hại tàn bạo, luật sư Cao Trí Thịnh đã nỗ lực giải cứu học viên Pháp Luân Công bằng cách đưa vụ việc ra Tòa án. Nhưng mọi ngả đường để đưa vụ việc ra ánh sáng Công lý đều bị chặn đứng.

Cuối năm 2005, Cao Trí Thịnh quyết định rằng sự việc nhạy cảm này cần được xem xét từ cấp cao nhất của nhà nước. Ông công bố thư ngỏ gửi tới ông Ngô Bang Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm làm rõ sự kháng cáo của ông bằng cách vạch trần sự tra tấn dã man của chính quyền đối với học viên Pháp Luân Công.

Chẳng cần đợi lâu, rắc rối đã tìm đến ông: mật vụ giám sát quanh nhà riêng của ông suốt ngày, giấy phép hành nghề của ông bị thu hồi và văn phòng luật sư của ông bị buộc phải đóng cửa. Những rắc rối nguy hiểm ấy không cản được Cao Trí Thịnh tiếp tục đi thu thập thông tin ở những địa phương nơi học viên Pháp Luân Công bị đàn áp dã man nhất.

Năm 2006, Luật sư Cao Trí Thịnh lại gửi thêm một bức thư trực tuyến nữa cho lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, công khai thông tin về phòng 610 – Cơ quan mật vụ chuyên theo dõi và trấn áp học viên Pháp Luân Công, tương tự như Gestapo của Đức Quốc Xã. Tiếp theo, Cao Trí Thịnh xin rút tên khỏi danh sách đảng viên ĐCSTQ vì lương tâm ông không cho phép mình ở trong một tổ chức tàn bạo như vậy. Thế là, Cao Trí Thịnh chính thức bị ĐCSTQ liệt vào hàng “kẻ thù của chế độ”.

Tháng 8/2006, Cao Trí Thịnh bị nhóm an ninh bắt cóc, tra tấn và buộc ông phải ký nhận tội “kích động lật đổ chế độ”. Ông bị kết án 3 năm tù giam và 1 năm quản chế, nhưng không rõ lý do gì lại được tạm tha. Năm 2007, Cao Trí Thịnh gửi thư tới Nghị viện Hoa Kỳ, tố cáo CCP là “Phát xít” và yêu cầu xét xử những người đàn áp các học viên Pháp Luân Công về “tội ác chống nhân loại”. Ông lập tức bị biệt giam từ tháng 9/2007.

Ngày 7/8/2014, luật sư Cao Trí Thịnh được thả ra khỏi nhà tù, nhưng bị quản thúc tại gia tại tỉnh Thiểm Tây. Trong những ngày đầu ra khỏi tù, ông hầu như không thể nói được, khoảng một nửa số răng đã mất, nửa còn lại trong tình trạng lung lay sau các đòn tra tấn tàn bạo. Dù vậy, ông lại không được phép tiếp cận các dịch vụ y tế.

Luật sư Cao Trí Thịnh trước và sau những ngày ra tù. (Ảnh: The Epoch Times)
Luật sư Cao Trí Thịnh trước và sau những ngày ra tù. (Ảnh: The Epoch Times)

Luật sư Cao Trí Thịnh đã phải trải qua 8 năm trong và ngoài nhà tù, chịu các thủ đoạn tra tấn giống y như các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng, bao gồm đánh đập, sốc điện, châm tăm vào bộ phận sinh dục và không cho ngủ. Luật sư Cao Trí Thịnh kể rằng, cai ngục đã phát loa các đoạn băng tuyên truyền trong buồng giam của ông suốt 68 tuần liên tục.

Tháng 11/2017, RFA công bố một đoạn ghi âm ngắn, trong đó Cao Trí Thịnh cho biết ông hiện đang bị nhốt trong một căn phòng mà cửa sổ bị sơn đen, bị giới hạn trong thứ “bóng tối vô tận”. Ông cũng mô tả tình trạng của bản thân còn tồi tệ hơn trong thời gian 3 năm tù giam tại nhà tù Shaiya ở phía tây bắc tỉnh Tân Cương.

Ngày 13/8/2017, ông lại bị mất tích tại nơi ở và bặt vô âm tín cho tới nay. Ông David Kilgour, cựu Vụ trưởng Ngoại giao Canada về Châu Á - Thái Bình Dương đã mô tả rằng, luật sư Cao Trí Thịnh là sự kết hợp giữa Nelson Mandela và Mahatma Gandhi, và là "một trong những vị luật sư dũng cảm nhất trên thế giới”. Luật sư Cao Trí Thịnh đã ba lần được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình, nhưng dưới sự uy hiếp của ĐCSTQ, ông đã không thể được bầu chọn. Ở Trung Quốc, "Cao Trí Thịnh" được cho là một từ khóa tìm kiếm nhạy cảm và đã bị chặn.

Cuộc đời của luật sư Cao Trí Thịnh cho thấy Trung Quốc thời hiện đại vẫn có Bao Thanh Thiên, nhưng là một Bao Thanh Thiên tuẫn nạn. ĐCSTQ vẫn tuyên truyền rằng thời phong kiến là xấu xa còn nó mới là “vĩ đại, quang vinh, chính xác”, nhưng chẳng phải Bao Thanh Thiên sống vào thời ấy vẫn còn may mắn lắm sao?

Bao giờ lại thấy được 'thanh thiên'?

Người phụ nữ quỳ khóc ở đền Bao Công cho biết sẽ theo kiến nghị của mọi người, đi đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật để khiếu nại. Song Bao Thanh Thiên đương đại hiếm hoi thì đang ở trong tù, giờ đây sống chết không ai biết. Hỏi ai có thể giúp được cô? Chỉ e một là lại bị vòi tiền hối lộ như đã từng, hai là bị tống vào tù cho khỏi đi khiếu kiện khắp nơi. Củ khoai mà nhờ kiến phân xử thì chưa kiện đã biết kết quả rồi. Vả lại, hiện tình xã hội Trung Quốc cực kỳ rối ren, số phận các quan chức cũng nay mất mai còn, há có thể nói trước điều gì, ai cũng thấy ĐCSTQ khó kéo dài vận mệnh. Còn nhờ đến nó phân xử là còn thừa nhận nó và chịu liên lụy với nó, chi bằng hãy cắn răng chịu đựng, tránh xa ĐCSTQ, cố gắng làm một người tốt, một người chính trực, biết đâu đến ngày khổ tận cam lai.

Có thể hy vọng khi ĐCSTQ và những kẻ vào hùa chống đỡ cho nó không còn nữa thì trời xanh lại rạng, thế gian công bình cũng không cần đến ai phải làm Bao Thanh Thiên nữa.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người Trung Quốc quỳ khóc kêu oan trước tượng Bao Công?