Vương triều vĩ đại nhất trong lịch sử Anh quốc: Vương triều Tudor

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những bậc thầy vẽ chân dung quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật laf Hans Holbein con. Vị họa sĩ này giúp chúng ta hiểu thêm về một trong những thời kỳ thú vị nhất trong lịch sử nước Anh: "Triều đại Tudor" nổi tiếng, "Cuộc chiến hoa hồng" đẫm máu, hàng loạt tên tuổi nổi bật, những vị vua tỏa sáng trong lịch sử!

Khi nói đến lịch sử nghệ thuật phương Tây, dù là mỹ thuật hay âm nhạc, có một quốc gia lớn ở châu Âu dường như không có gì quá nổi bật. Đó chính là Vương quốc Anh! Nếu không tin, bạn hãy nghĩ kỹ thử xem, nước Anh có họa sĩ hay nhạc sĩ nào nổi tiếng không? Nếu không phải là sinh viên chuyên ngành lịch sử nghệ thuật, có lẽ bạn sẽ không nghĩ ra được người nào cả.

Tuy nhiên có một điều rất thú vị: mặc dù bản thân nước Anh không sinh ra nhiều nghệ sĩ xuất chúng, nhưng nơi đây lại thu hút và tạo điều kiện cho không ít nghệ sĩ tài năng từ các quốc gia khác phát triển và gặt hái thành công rực rỡ. Về lĩnh vực âm nhạc, có Handel, một nhạc sĩ vĩ đại nổi tiếng thời kỳ Baroque. Handel và Bach được người đời sau gọi là “hai người khổng lồ của âm nhạc Baroque".

Trên lĩnh vực nghệ thuật, ngoài họa sĩ người Đức Holbein sẽ được chúng ta tìm hiểu hôm này, còn có Anthony van Dyck, một học trò xuất sắc của Peter Paul Rubens, bậc thầy Baroque người Bỉ. Van Dyck không chỉ trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái Baroque, mà còn được phong tước quý tộc tại Anh, trở thành một trong số ít những nghệ sĩ có tước vị này trong lịch sử!

Nhắc đến Hans Holbein, tên tuổi của ông có thể không nổi tiếng như những họa sĩ lừng danh khác. Cuộc đời ông cũng khá bình lặng, ít có giai thoại hay biến cố. Nhưng thời kỳ của ông lại là một trong những thời kỳ sôi động và có nhiều biến động nhất trong lịch sử nước Anh.

Triều đại Tudor lừng lẫy của nước Anh

Những câu chuyện xảy ra trong thời gian một trăm năm này đã không ngừng được các thế hệ tiểu thuyết gia và sử gia đời sau nghiền ngẫm, thổi phồng, cải biên và lưu truyền! Hơn nữa, giai đoạn lịch sử đó còn đi kèm với một những cái tên vô cùng hiển hách: Vua Henry VIII, Mary đẫm máu, Elizabeth I, Shakespeare, trận Gravelines đánh bại hạm đội Armada của Tây Ban Nha, v.v. Tất cả những tên tuổi này đều gắn liền với "Triều đại Tudor" nổi tiếng. Trước "Triều đại Tudor" từng có một cuộc chiến có tên cái tên rất đẹp nhưng lại là một cuộc chiến đẫm máu - "Cuộc chiến hoa hồng"!

Các bạn thấy sao? Nghe có vẻ giống một bộ phim bom tấn hoành tráng phải không? Lịch sử giai đoạn này nếu kể chi tiết thì có thể làm thành một bộ phim truyền hình dài tập. Bài viết chỉ tóm tắt một vài sự kiện và nhân vật tiêu biểu để chúng ta cùng ôn lại giai đoạn lịch sử đầy biến động này!

Tranh chân dung của Holbein trở thành mặt hàng được săn đón

Holbein được sinh ra ở Augsburg, Bavaria - một thị trấn công nghiệp quan trọng đồng thời là trung tâm tài chính của Đức. Cha của Holbein cũng là một họa sĩ nên để phân biệt hai người, người đời sau gọi Holbein là Holbein con. Vào tháng 10 năm 1517, một linh mục người Đức tên là Martin Luther đã dán một mảnh giấy lớn lên cửa nhà thờ ở Wittenberg, châm ngòi cho một phong trào cải cách tôn giáo mạnh mẽ lan rộng khắp châu Âu. Mảnh giấy lớn ấy có tên là: 95 Luận đề.

Phong trào cải cách tôn giáo đã có những tác động to lớn và sâu rộng đến mọi mặt đời sống ở châu Âu. Phong trào này ảnh hưởng lớn các họa sĩ, rất nhiều họa sĩ đã phải thất nghiệp. Trước đây, phần lớn các họa sĩ kiếm sống bằng cách vẽ các biểu tượng và tranh tường cho những nơi như nhà thờ và tu viện.

Tuy nhiên, sau phong trào Cải cách Tôn giáo, vẽ tranh Thánh trở thành một hành động không phù hợp với tinh thần thời đại. Đạo Tin lành cải cách đã yêu cầu các tín đồ hướng đến niềm tin vào Chúa trong tâm hồn, chứ không cần phải bày tỏ lòng sùng đạo trước các bức tranh tranh hoặc các pho tượng. Hơn nữa, điều mà những người theo đạo Tin lành phản đối nhiều nhất chính là hành vi kiếm tiền dựa vào niềm tin tôn giáo của Giáo hội Công giáo. Một trong những nguyên chính khiến Giáo hội Thiên Chúa Giáo thu gom tiền bạc chính là để sửa chữa một số lượng lớn nhà thờ cũng như vẽ những bức tranh tường và tranh Thánh.

Vào thời điểm này, nhiều họa sĩ, trong đó có Holbein gặp phải tình cảnh khó khăn do không có việc làm. May mắn thay, lúc này, giai cấp tư sản giàu có và giai cấp tiểu thương nghiệp không ngừng xuất hiện. Một thể loại hội họa khác đã trở thành xu hướng chủ đạo, đó là tranh chân dung.

Nhờ kỹ thuật vẽ điêu luyện, tranh chân dung của Holbein trở thành một mặt hàng được săn đón. Sau đó, Holbein đến Basel, Thụy Sĩ. Lúc bấy giờ, Basel là trung tâm xuất bản lớn nhất châu Âu, thu hút nhiều học giả nhân văn. Do đó, vẽ minh họa cho sách trở thành một ngành quan trọng, nhiều họa sĩ kiếm sống bằng nghề này. Khi mới đến, Holbein cũng bắt đầu làm việc trong vai trò là một họa sĩ minh họa. Nhờ kỹ thuật tinh tế và hơi thở văn hóa dần toát lên từ các tác phẩm, Holbein đã lọt vào mắt xanh của người sẽ trở thành người thầy suốt đời của ông: học giả nhân văn nổi tiếng Erasmus.

Chân dung của Desiderius Erasmus do Hans Holbein con vẽ (Ảnh thuộc miền công cộng)

Holbein vô cùng kính phục học vấn uyên bác và nhân cách cao quý của Erasmus nên đã tôn Erasmus làm thầy. Đối với Holbein, cách thể hiện sự tôn kính cao nhất chính là vẽ chân dung người mình kính trọng. Do đó, Holbein đã vẽ bức chân dung kinh điển lưu danh hậu thế cho Erasmus. Erasmus yêu thích bức tranh này đến mức đã thuê người sao chép hàng loạt và tặng lại cho mọi người.

Trong bức tranh này, Erasmus, mặc áo choàng đen, bình thản nhìn về phía trước. Hai tay Erasmus đặt trên sách - biểu tượng của tri thức. Bối cảnh phía sau là những cột trụ theo phong cách Phục hưng, đại diện cho tinh thần nhân văn. Bức tranh đã thể hiện rõ tính cách trầm ổn và khí chất thanh cao của Erasmus.

Sau này, những bức chân dung mà Erasmus yêu thích nhất đều do Holbein vẽ. Có thể nói, chính nhờ những bức chân dung vẽ Erasmus mà Holbein đã gặt hái được nhiều danh tiếng quốc tế.

Holbein tới nước Anh

Đương nhiên rồi, nếu không có phần sau về nước Anh, cuộc đời Holbein dường như sẽ chỉ dừng lại ở đó! Mức độ mạnh mẽ của phong trào Cải cách tôn giáo đã vượt qua dự đoán của mọi người, cuộc sống ở Thụy Sĩ lúc ấy cũng không còn dễ dàng nữa! Do đó, Erasmus đã chỉ cho Holbein một con đường sáng: đến nước Anh! Erasmus viết cho Holbein một lá thư giới thiệu đầy nhiệt huyết. Năm 1526, Holbein mang theo lá thư giới thiệu của Erasmus đến Anh, tìm gặp một người tên là Thomas More.

Thomas More là sủng thần của Vua Henry VIII nước Anh thời bấy giờ, và là một nhân vật lớn trong văn hóa và chính trị Anh. Thomas More được người đời sau biết đến nhiều nhất là qua cuốn sách nổi tiếng "Utopia" (Xã hội không tưởng). Dưới góc nhìn của các thế hệ sau, "Utopia" đã đưa ra những thảo luận ban đầu về lý thuyết chủ nghĩa xã hội không tưởng. Quan điểm và lý thuyết của Thomas More được một số nhà chủ nghĩa xã hội khoa học đời sau xem là tiêu chuẩn. Tuy nhiên, là người khởi xướng lý thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa cộng sản phi lý và viển vông, Thomas More đã có kết cục không mấy tốt đẹp. Cuối cùng ông đã bị đưa lên đoạn đầu đài vì làm trái ý Vua Henry VIII.

Tuy nhiên, khi Holbein 29 tuổi đến gặp Thomas More vào năm 1526, More vẫn đang ở giai đoạn đỉnh cao. Là một chuyên gia về luật pháp và một nhân vật quyền lực trong chính trường, khi ấy More đang được Vua Henry VIII sủng ái. Holbein đã vẽ cho More một bức chân dung vô cùng tinh tế: Khuôn mặt của More không biểu cảm, ánh mắt u sầu, thể hiện một nhà chính trị gia luôn che giấu cảm xúc, khách quan và bình tĩnh, là một triều thần hoàn hảo.

Henry VIII - Vị vua kịch tính nhất

Henry VIII là vị vua thứ hai của triều đại Tudor. Triều đại Tudor cai trị nước Anh trong một thời gian không dài, chỉ hơn một trăm năm, với sáu vị vua. Ngoại trừ vị vua thứ ba Edward VI là một nhân vật chuyển tiếp, những vị vua còn lại đều có những câu chuyện và truyền thuyết riêng. Do đó, các nhà sử học sau này đều công nhận triều đại Tudor là triều đại kịch tính nhất trong lịch sử nước Anh và cũng là triều đại có ảnh hưởng lớn nhất đến hậu thế!

Trước triều đại Tudor, vương tộc Plantagenet nắm quyền ở Anh. Sau này, hai nhánh của vương tộc Plantagenet đã chiến tranh dữ dội để giành quyền kế vị ngai vàng. Đó là cuộc Chiến tranh Hoa hồng nổi tiếng. Vì sao lại có tên gọi như vậy? Là vì hai bên tham chiến, một bên là nhà Lancaster có biểu tượng hoa hồng đỏ, và bên kia là nhà York có biểu tượng hoa hồng trắng

Cuộc chiến tranh nghe có vẻ đẹp đẽ này, thực ra lại vô cùng đẫm máu, kéo dài gần 30 năm. Cuối cùng, cả hai bên đều kiệt quệ, không còn sức lực để chiến đấu. Henry Tudor của gia tộc Tudor đã thu được món lời lớn từ cuộc chiến này. Với tư cách là người thừa kế hợp pháp của nhà Lancaster (hoa hồng đỏ), Henry Tudor đã kết hôn với Elizabeth thuộc nhà York (hoa hồng trắng). Sự thống nhất hai dòng họ hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng đã chấm dứt cuộc Chiến tranh Hoa hồng. Henry Tudor lên ngôi vua với danh hiệu Henry VII, mở ra triều đại Tudor huyền thoại.

Sau Henry VII, chính là vị vua nổi tiếng Henry VIII. Vài năm trước, có một bộ phim truyền hình Mỹ tên là "The Tudors" lấy Vua Henry VIII làm nhân vật chính. Tuy nhiên, khi xem bộ phim này, ngoài những cảnh tàn bạo và man rợ tràn ngập màn ảnh, tôi phát hiện rằng cách kể chuyện của phim không hay, và nội dung phim hoàn toàn sai lệch so với lịch sử thực tế. Do vậy, sau đó tỷ suất người xem của phim đã giảm mạnh.

Trong suốt cuộc đời, Vua Henry VIII đã cưới sáu người vợ, trong đó có hai người bị ông xử trảm. Tuy nhiên, đây không phải là điều nổi tiếng nhất của Vua Henry VIII. Điều nổi tiếng nhất của Vua Henry VIII chính là việc ông bất chấp Giáo hội La Mã để cưới người vợ thứ hai, Anne Boleyn, dẫn đến việc thành lập Giáo hội Anh. Sự kiện này có ảnh hưởng to lớn đến nước Anh và cả thế giới sau này. Sự tồn tại của Giáo hội Anh đã làm gia tăng mâu thuẫn tôn giáo trong nước, đặc biệt sau khi đạo Tin Lành du nhập vào Anh sau phong trào Cải cách Tôn giáo. Những người Tin Lành ở Anh bắt đầu bị Giáo hội Anh đàn áp. Bởi vậy, vào năm 1620, 102 người theo đạo Tin Lành đã đi thuyền buồm bằng gỗ tên là "Mayflower" đến vùng Cape Cod ở phần đông bắc của lục địa Bắc Mỹ.

Nhiều người chúng ta đều đã biết đoạn lịch sử sau đó. "Mayflower" chỉ là một trong số những con tàu di cư đến Bắc Mỹ. Trước và sau "Mayflower", có rất nhiều con tàu khác đã đưa người Anh đến Tân lục địa này. Nhiều người đến đây để tránh sự đàn áp tôn giáo. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng, việc Vua Henry VIII cưới vợ đã gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của Bắc Mỹ. Đây là một điều thú vị của lịch sử, giống như hiệu ứng domino, từng bước liên kết và đan xen lẫn nhau.

Vương hậu đầu tiên: Công chúa Tây Ban Nha Catherine bị ly hôn.

Lúc bấy giờ vương hậu đầu tiên của Vua Henry VIII là công chúa Catherine của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do Catherine không thể sinh con trai, cùng với việc Catherine hơn Vua Henry 6 tuổi và nhan sắc đã phai tàn, Vua Henry VIII đã nung nấu ý định phế truất vương hậu để lập người mới. Nhưng vào thời điểm đó, hôn nhân của các vị vua châu Âu được Chúa ban phước, không thể tùy tiện ly hôn. Việc kết hôn và ly hôn của các vị vua đều cần được Giáo hoàng Công giáo La Mã chấp thuận mới có hiệu lực pháp lý. Vì vậy, Vua Henry VIII đã tìm đến Giáo hoàng Clement VII lúc bấy giờ, lấy lý do vương hậu không sinh được con trai để yêu cầu ly hôn.

Thực ra Giáo hoàng Clement VII cũng muốn thuận theo Vua Henry VIII, nhưng lại không dám! Giáo hoàng đã không dám làm như vậy, bởi vì lúc đó, Rome vừa bị quân đội Tây Ban Nha cướp phá. Sự kiện này được gọi là "Thảm họa Rome". Giáo hoàng Clement VII cũng suýt mất mạng trong thảm họa này. Rất nhiều kiến trúc và di vật cổ đại của Rome đã bị phá hủy. Vì thế, quá trình tái thiết sau đó mới hình thành thành phố Rome có nhiều phong cách kiến trúc Baroque như ngày nay!

Khó khăn lắm quân đội Tây Ban Nha mới rút lui. Giáo hoàng Clement VII vốn đã rất khiếp sợ sau khi may mắn thoát chết, làm sao dám đắc tội với người Tây Ban Nha? Lúc bấy giờ, vua Charles V đang cai trị Tây Ban Nha, chính là cháu trai ruột của Catherine, vị vương hậu mà Vua Henry VIII muốn ly hôn. Nếu Giáo hoàng Clement VII đồng ý yêu cầu ly hôn của Vua Henry VIII, đồng nghĩa với việc giáo hoàng đang trực tiếp đối đầu với vua Charles V. Vậy phải làm sao? Đành phải kéo dài thời gian vậy.

Vị vương hậu thứ hai: Anne Boleyn ngang ngược bị xử trảm

Vua Henry VIII không thể chờ đợi lâu hơn nữa, bởi vì người tình mới của ông là Anne Boleyn đã mang thai! Người ta đồn rằng Anne Boleyn không chỉ xinh đẹp động lòng người mà còn vô cùng khéo léo, khiến Vua Henry VIII say mê đến mức bất chấp tất cả. Hơn nữa, Anne Boleyn đã thề rằng khi trở thành hoàng hậu, bà nhất định sẽ sinh cho Vua Henry một hoàng tử. Tuy nhiên, Giáo hoàng vẫn chưa đưa ra quyết định về thỏa thuận ly hôn, vậy phải làm sao?

Vào thời điểm đó, toàn bộ lục địa châu Âu đang rầm rộ phong trào Cải cách Tôn giáo, vậy tại sao đế quốc Anh vĩ đại không thay đổi?

Vậy là Vua Henry nghĩ ra một kế hoạch. Ông tuyên bố rằng từ nay nước Anh sẽ tách khỏi phạm vi cai quản của Giáo hội Công giáo La Mã và thành lập một hệ thống giáo hội mới có tên là: Giáo hội Anh. Vua Henry VIII tự xưng là lãnh đạo tôn giáo tối cao của Giáo hội Anh. Họ vẫn tin vào Chúa, vẫn là con chiên của Đấng Christ, nhưng không còn chịu sự quản lý của Giáo hội Công giáo La Mã nữa, mà tự quản lý dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Chúa! Như vậy, nếu nhà vua muốn ly hôn, chỉ cần báo cáo với Chúa là xong! Thật đơn giản! Kế hoạch này khiến Vua Henry vui mừng khôn xiết!

Cuối cùng, Vua Henry đã ly hôn với Catherine và cưới Anne Boleyn. Tuy nhiên, Anne Boleyn không sinh cho Henry hoàng tử mà chỉ sinh được một công chúa. Công chúa này chính là nữ vương nổi tiếng sau này: Elizabeth I. Việc con gái ra đời khiến Henry VIII khá thất vọng với Anne Boleyn. Mặc dù thất vọng, nhưng Henry vẫn sủng ái Anne như trước.

Chân dung Anne Boleyn, người vợ thứ hai của Henry VIII. (năm 1570) (Ảnh thuộc miền công cộng)

Tuy nhiên, những hành động tiếp theo của Anne Boleyn lại khiến Henry vô cùng thất vọng. Vị Vương hậu này không chỉ tham vọng lợi dụng sự sủng ái của Henry để nắm quyền lực, mà còn sống xa hoa phung phí, đối xử với người hầu kẻ hạ vô cùng tệ bạc, ra oai hống hách, khiến cho danh tiếng và nhân phẩm của bà ngày càng tệ đi. Sau đó, dù Anne Boleyn mang thai lần nữa nhưng đều sảy thai, khiến cho sự kiên nhẫn của Henry dần dần cạn kiệt! Do thiếu hụt trí tuệ chính trị và tính cách kiêu căng ngang ngược, Anne Boleyn đã gây thù hằn với rất nhiều người trong cung!

Cuối cùng, Anne Boleyn không những mất đi sự sủng ái của Henry VIII mà còn bị xử trảm vì chọc giận Vua Henry! Anne là người vợ đầu tiên bị Henry xử trảm, nhưng không phải là người cuối cùng. Sau đó Vua Henry đã kết hôn với sáu người vợ, trong đó có hai người bị xử trảm, hai người bị ép ly hôn, một người chết vì sốt sau khi sinh con. Người vợ cuối cùng, Catherine Parr, may mắn được chết yên bình do Vua Henry VIII đã chết trước bà.

Vương hậu thứ ba Jane Seymour

Ngay ngày hôm sau Anne bị xử tử, Henry VIII đã đính hôn với người vợ thứ ba, Jane Seymour, và kết hôn chỉ sau mười ngày. Lúc này, con gái của Anne Boleyn, Elizabeth, chưa đầy ba tuổi, đã bị tước bỏ danh hiệu công chúa, và trục xuất khỏi cung điện như một đứa con hoang. Đây lại là một câu chuyện quen thuộc về việc "người được Trời trao trọng trách". Elizabeth trải qua một cuộc đời vô cùng gian khổ, và cuối cùng đã lên ngôi, trở thành một nữ vương vĩ đại! Chúng ta sẽ thảo luận câu chuyện này sau.

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu họa sĩ Hans Holbein đã làm gì trong giai đoạn này. Nhờ mối quan hệ với Thomas More, Holbein dần trở thành người được yêu thích trong giới thượng lưu Anh, các quan chức và quý tộc đều mời Holbein vẽ tranh chân dung cho bản thân và người trong gia tộc của mình. Cuối cùng, Holbein trở thành họa sĩ cung đình chính thức của Vua Henry VIII. Holbein đã vẽ nhiều bức chân dung lịch sử cho vị vua khó đoán này. Đặc biệt, vào năm 1537, Holbein đã ghi lại hình ảnh nổi tiếng nhất của vị vua này. Henry VIII đứng sừng sững với hai chân dang rộng, thể hiện tư thế anh hùng. Sau đó bức tranh này trở thành bức chân dung được sử dụng mỗi khi nhắc đến Vua Henry VIII. Vua Henry VIII rất hài lòng với Holbein và từng nói rằng: "Chỉ cần trẫm vui, trẫm có thể biến bảy người nông dân thành bảy bá tước, nhưng dù là bảy bá tước cũng không thể biến ra một Holbein”.

Về sau, Vua Henry VIII vô tình bị thương ở chân, khiến việc đi lại trở nên rất khó khăn. Cộng thêm thói quen ăn uống vô độ, ở giai đoạn sau, Henry đã trở thành một người vô cùng béo. Năm 1544, Holbein đã gặp phải một thử thách lớn với vị vua 53 tuổi này! Vào thời điểm ấy, Henry đã nặng hơn 190 kg, thân hình mập mạp đến mức biến dạng. Làm thế nào để vừa thể hiện đúng sự thật, vừa khiến bức tranh có thể chấp nhận được, thực sự đã khiến Holbein phải vắt óc suy nghĩ! Cuối cùng, không hổ danh là họa sĩ bậc thầy, Holbein vẫn nhét được "thận hình khổng lồ" ấy vào khung tranh. Quả thật không hề dễ dàng!

Chân dung Vua Henry VIII của nước Anh, khoảng năm 1544. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Tất nhiên, Holbein cũng vẽ chân dung cho cả sáu vị vương hậu của Vua Henry. Nhưng chỉ có những bức tranh chặt đầu Anne Boleyn là không được giữ lại, tất cả đều bị tiêu hủy, chỉ còn lại bản vẽ phác họa.

Nghe đến đây, có thể bạn sẽ thấy rằng Henry VIII là một vị vua khó có thể một lời nói hết được? Nhưng có một chuyện lại khiến tôi thay đổi nhận thức về vị vua này. Có một bài dân ca Anh rất hay và gần gũi mà hầu như ai cũng biết đến tên là "Greensleeves". Tương truyền rằng bài dân ca này là Vua Henry VIII sáng tác.

Tương truyền rằng trong một lần Vua Henry VIII đi tuần tra, ông tình cờ gặp một cô gái xinh đẹp mặc váy xanh ở vùng quê. Henry say mê cô gái ngay từ lần đầu gặp mặt. Tuy nhiên, khi nhìn thấy Henry VIII, cô gái quay đầu bỏ chạy! Có vẻ như việc Henry thích xử trảm vợ đã trở thành chuyện "mọi người đều biết". Do đó, cô gái sợ hãi rằng nếu bị Henry chọn trúng, mạng sống của mình sẽ gặp nguy hiểm. Mặc dù cô gái đã chạy trốn, nhưng Henry lại say mê cô gái này. Tình yêu không thành đã khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác của Henry, và sau đó vị vua này đã viết nên bài dân ca cảm động mang tên "Greensleeves".

Mary đẫm máu lên ngôi sau khi Vua Henry VIII qua đời.

Sau khi Henry VIII qua đời, người con trai duy nhất của ông, Edward VI, mới 9 tuổi lên kế vị. Chỉ sau sáu năm, Edward VI mắc bệnh viêm phổi và qua đời. Tiếp theo, một nữ vương 16 tuổi tên là Jane Grey lên nắm quyền. Jane Grey bị đẩy lên ngai vàng một cách hoàn toàn bất ngờ. Chỉ sau chín ngày, Mary, con gái của Henry VIII với người vợ đầu tiên Catherine, đã tiến hành đảo chính, bắt giữ Jane Grey và đưa Grey lên đoạn đầu đài do không chịu từ bỏ tín ngưỡng. Do đó, Grey được sử sách gọi là "Nữ vương chín ngày".

Về sau, một bậc thầy của trường phái Học viện hàn lâm Pháp tên là Hippolyte-Paul Delaroche đã vẽ một bức tranh nổi tiếng có tên là "The Execution of Lady Jane Grey" (Vụ hành quyết Lady Jane Grey). Bức tranh xuất sắc này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia London.

Kiệt tác của bậc thầy phái Hàn lâm Pháp Hippolyte-Paul Delaroche: "Vụ hành quyết Lady Jane Grey" (Ảnh thuộc miền công cộng)

Sau Jane Grey, ngai vàng nước Anh thuộc về Mary! Như đã nói ở trên, Henry VIII đã phế truất người vợ đầu tiên Công chúa Tây Ban Nha Catherine để cưới Anne Boleyn. Catherine và Henry có một người con gái, chính là Mary. Lúc đầu, Mary là công chúa đầu lòng của hoàng gia Anh, có địa vị cao quý, được mọi người tôn kính và hưởng cuộc sống sung túc. Nhưng khi Mary 15 tuổi, Henry đã thay lòng đổi dạ, trở nên lạnh nhạt với Mary và mẹ, khiến cuộc sống của hai người không còn như trước.

Năm 1552, Catherine đã bị phế truất trở thành dân thường, khi đó Mary chỉ mới 17 tuổi. Không chỉ lập tức phải rời khỏi cung điện xa hoa để đến ở một chỗ đơn sơ, từ một công chúa cao quý trở thành người hầu của người khác. Có thể hình dung, những thay đổi này có sức đả kích lớn như thế nào với Mary! Đặc biệt là sau khi Anne Boleyn được sủng ái, những hình phạt ngược đãi hà khắc của Boleyn với hai mẹ con Catherine đã khiến tính tình của Mary méo mó, ương bướng.

Vì thế khi lên ngôi và nắm giữ ngai vàng, vị nữ vương có tính cách méo mó này đã dùng phương pháp đẫm máu tàn bạo để cai trị nước Anh. Bởi vì Mary theo đạo Thiên Chúa, nên trong 5 năm cai trị của Mary, nước Anh đã sử dụng phương pháp xét xử dị giáo vô cùng tàn khốc để sát hại rất nhiều tín đồ đạo Tin Lành, khiến mâu thuẫn tôn giáo ở nước Anh rất gay gắt. Bởi vì cai trị bằng máu tanh nên Mary được mọi người đặt một biệt danh là "Mary đẫm máu".

Hiện nay, bất kỳ ai yêu thích rượu đều biết rằng ở phương Tây có một loại cocktail vô cùng nổi tiếng mang tên "Blood Mary" (Mary đẫm máu). Loại coctail này khá khó uống, thoạt nhìn cứ như một ly đầy máu tươi! Tuy nhiên, phải công nhận rằng đây là một cách thức sáng tạo để lưu lại dấu ấn trong tâm trí mọi người.

Sau khi Mary qua đời, Nữ vương Elizabeth vĩ đại lên kế vị

Trong suốt thời gian trị vì, Mary đã nhiều lần nảy sinh ý định sát hại người em gái cùng cha khác mẹ Elizabeth, nhưng cuối cùng vẫn không thể ra tay tàn độc. Sau khi Mary qua đời, một nữ vương vĩ đại đã bước lên vũ đài lịch sử, đó chính là nữ vương Elizabeth I. Nước Anh đã bước vào thời kỳ phát triển hoàng kim dưới sự lãnh đạo của bà.

Nữ hoàng Elizabeth I trị vì nước Anh trong suốt 45 năm. Trong thời gian trị vì của bà, đất nước Anh không chỉ có nền chính trị khai sáng, đời sống người dân sung túc mà sức mạnh của đất nước cũng ngày càng hùng mạnh. Trong thời kỳ cai trị của nữ vương Elizabeth I, nước Anh đã đánh bại hạm đội vô địch, bá chủ trên biển lúc bấy giờ của Tây Ban Nha, và vươn lên trở thành cường quốc hàng hải mới, đồng thời bắt đầu tiến hành xâm chiếm Bắc Mỹ. Cùng với sự phát triển rực rỡ của văn hóa, nước Anh đã mở ra thời kỳ phục hưng văn hóa của mình. Trong giai đoạn này, đã xuất hiện một số học giả văn hóa nổi tiếng như Shakespeare, Spenser, Bacon, v.v.

Nữ vương Elizabeth I vĩ đại của nước Anh (Ảnh thuộc miền công cộng)

Năm 2002, BBC đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến toàn dân nhằm bình chọn vị vua được người dân yêu mến nhất trong lịch sử nước Anh. Nữ vương Elizabeth I đã đứng đầu danh sách, trở thành vị vua được yêu thích nhất trong lịch sử Anh.

Nữ vương Elizabeth I còn có một biệt danh khác là "Nữ vương đồng trinh", bởi vì bà đã sống độc thân cả đời. Do không kết hôn, bà không có người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Vì vậy, sau khi bà qua đời, dòng họ Tudor cũng chấm dứt. Vương triều Stuart, một gia tộc mới từ Scotland, đã bước lên vũ đài lịch sử.

Mật mã trong kiệt tác của Holbein

Sau khi tóm tắt lịch sử triều đại Tudor, chúng ta hãy quay lại nói về họa sĩ Holbein. Trong thời gian ở Anh, ông đã để lại một lượng lớn tác phẩm quan trọng, trong đó có một bức tranh vô cùng đáng xem, một kiệt tác không thể không nhắc đến trong lịch sử mỹ thuật, đó chính bức là "Các đại sứ" (The Ambassadors)

Bức tranh “Các đại sứ” (The Ambassadors), tác phẩm của Hans Holbein con (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bức tranh được vẽ vào năm 1533. Những bạn tinh ý hẳn còn nhớ, chính vào năm này, Vua Henry VIII đã phát động cải cách tôn giáo, chính thức đối đầu với Giáo hội Vatican. Trong bối cảnh đó, Pháp đã cử một đặc sứ đến thăm Anh, chính là người thanh niên bên trái bức tranh tên là Jean de Dinteville. Người bên phải bức tranh là một giám mục người Pháp tên là Georges de Selve.

Bức tranh ẩn chứa nhiều chi tiết ẩn dụ. Trong tranh có nhiều đồ vật mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là một chiếc hộp sọ!

Các nhà sử học sau này luôn bối rối về việc Holbein vì sao lại vẽ vật này ở đây. Phải chăng đây là một màn trình diễn kỹ thuật cao siêu? Nhìn từ chính diện, bạn không thể nào thấy được hình ảnh hộp sọ, mà phải tìm đúng góc nhìn mới có thể nhận ra. Để vẽ được hình ảnh này, Holbein đã sử dụng kỹ thuật phối cảnh và kỹ thuật vẽ vô cùng điêu luyện! Nhưng tại sao vị họa sĩ này lại đặt hình ảnh này ở đây? Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về ý nghĩa của hình ảnh hộp sọ, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa thể kết luận được.

Các họa sĩ luôn có những điều muốn nói với người đời, và những điều này thường ẩn chứa trong các tác phẩm của họ. Giải mã ý nghĩa sâu xa của những tác phẩm này là một niềm vui lớn cho hậu thế!

Holbein là một họa sĩ vô cùng thú vị, và đóng góp lớn nhất của ông cho lịch sử nghệ thuật chính là giá trị lịch sử ẩn chứa trong các tác phẩm của ông. Ông đã miệt mài vẽ chân dung của các nhân vật lịch sử quan trọng, ghi lại diện mạo, khí chất, địa vị, tín ngưỡng, trang phục,... của những nhân vật này. Những chi tiết đầy tính lịch sử này, qua nét vẽ của Holbein, giúp chúng ta có thể nhìn thoáng qua sự thật của lịch sử, cảm nhận hơi thở của thời đại. Xếp những bức chân dung của ông lại với nhau, ta có thể hình dung ra một phần lịch sử nước Anh thế kỷ 16.

Nghe đến đây, trong đầu tôi bỗng hiện lên bài thơ "Hành cung" của Nguyên Chẩn đời Đường:

Liêu lạc cố hành cung, cung hoa tịch mịch hồng.
Bạch đầu cung nữ tại, nhàn tọa thuyết Huyền Tông.

Dịch nghĩa:

Cung điện xưa vắng vẻ, hoa cung rực rỡ mà hiu quạnh.
Nữ quan tóc bạc vẫn còn đó, nhàn nhã ngồi nói chuyện về vua Huyền Tông.

Triều đại Tudor đã tan biến theo thời gian, vương quyền và ngai vàng cũng đã biến mất từ lâu, chỉ còn lại những câu chuyện để người đời sau nhàn nhã ngồi kể lại.

(Theo Đại Thoại Tây Du)

Lý Hạo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vương triều vĩ đại nhất trong lịch sử Anh quốc: Vương triều Tudor