30 năm thủ tiết chuyên cần Tư Mã Thiên viết Sử Ký thành tựu chí hướng 2 đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuốn "Sử ký" của Tư Mã Thiên đã khai sáng một trang mới trong sử sách về Thể kỷ truyện và trở thành khuôn mẫu cho việc ghi chép chính sử của mọi triều đại. Vì sao ông ấy lại cống hiến cuộc đời mình để hoàn thành kiệt tác này?

“Sử ký” của Tư Mã Thiên kế thừa tinh thần bút pháp thời Xuân Thu, tuy nhiên có những đổi mới chưa từng có trong phong cách. Thay vì theo hình thức biên niên ký sự, ông đã dựa vào tiểu sử của các nhân vật, văn cùng sử hòa hợp tốt đẹp, trở thành một tượng đài cho cách viết chính sử muôn đời. Thời nhà Minh có Mao Khôn, trong “Tuyển tập Sử Ký”, ông đã khen ngợi Tư Mã Thiên là “văn Tiên”. Chính bởi vì Tư Mã Thiên đã trải qua những gian khổ khắc cốt ghi tâm, dùng cả đời mình để hoàn thành tác phẩm khổng lồ, ghi lại giai đoạn lịch sử của 2413 năm trong 52 vạn chữ này.

Tư Mã Thiên, đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường

Dân gian có câu: “Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”. Câu nói này chính là khắc họa chân thực quá trình chuẩn bị để viết sách sử của Tư Mã Thiên.

Tư Mã Thiên sinh ra tại huyện Hạ Dương (ngày nay là tỉnh Thiểm Tây, huyện Hàn Thành), núi Long Môn. Lúc thiếu thời ở phía bắc của Hoàng Bắc, làm ruộng chăn nuôi ở phía Nam núi Long Môn. Năm lên 10 tuổi, bắt đầu bái danh sư học cổ văn cổ sử như “Thượng thư”, “Tả truyện”, “Quốc ngữ”, “Thế bản” (世本 Shiben hay Book of Origins là cuốn bách khoa toàn thư đầu tiên của Trung Quốc đã ghi lại lịch sử các phả hệ ốc từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế huyền thoại cho đến cuối thời Xuân Thu, giải thích về nguồn gốc của tên các tộc, và các ghi chép về các nhà phát minh lịch sử và huyền thoại của Trung Quốc....)

Năm 20 tuổi, ông rời nhà đi du lịch, khảo sát các di tích cổ quan trọng. Ông xuống phía Nam đi đến Trường Giang, sông Hoài, lên Cối Kê thăm Vũ Huyệt (mộ vua Vũ), đến Cửu Nghi Sơn để thăm và tìm di tích vua Thuấn. Ông đi theo đường thủy sông Nguyên và sông Tương, băng qua hai sông Mân và Tứ, đến nơi giảng học ở đô thành Tề Lỗ để khảo sát phong thái xưa của Khổng Tử. Tại núi Dịch, huyện Trâu, ông làm nghi lễ Hương Xạ. Ông đã đi vạn dặm đường, khảo sát các nghi lễ chế độ xưa của Khổng Tử và các Thánh vương. Trên đường đi cũng không thuận lợi giống như đi du ngoạn thưởng cảnh. Tại đất Bà ở Lỗ Quận, đất Tiết ở Bành Thành, quận Cối Kê (tên cũ của Từ Châu), ông đã gặp tai ách khốn cùng ghi tạc cả đời. Cuối cùng, ông chuyển qua đi đường đi qua đất Lương, Sở để quay về nhà.

Bức tranh “Truyền” của người đời Nguyên vẽ ba Thánh nhân là Khổng Tử, Nhan Hồi, Tăng Sâm. Bộ sưu tập tại nhà Lưu trữ Di tích Văn hóa Khổng Phủ của Ủy ban Quản lý Di tích Văn hóa thành phố Khúc Phụ.

Sau khi quay về nhà, Tư Mã Thiên bắt đầu con đường làm quan. Ông làm chức quan lang trung, phụng chỉ xuất chinh phía nam Ba Thục. Năm Nguyên Đỉnh thứ sáu, Tư Mã Thiên đã bình định xong các tộc di ở Tây Nam, đi kinh lược ngang qua các vùng đất ở Côn Minh, hoàn thành sứ mệnh. Chính vào lúc ấy, Hán Vũ Đế cử hành lễ Phong Thiện ở Thái Sơn, phụ thân của Tư Mã Thiên là Thái Sử Công Tư Mã Đàm bị bệnh nặng nên không thể theo trước xa giá, vẫn coi đó là một mối ân hận lớn. Vừa đúng lúc đó Tư Mã Thiên trở về gặp cha, phụ thân của ông liền đem di nguyện cả đời mình giao phó cho ông hoàn thành. Vậy di nguyện cả đời của cha Tư Mã Thiên là gì?

Kế tục di chí của cha

Cha Tư Mã Thiên khích lệ ông viết sử ký (thời đó sách sử gọi chung là sử ký), muốn ông kế thừa nền học vấn của gia đình, kế tục sự nghiệp tổ tiên cho trọn đạo hiếu lớn.

Vào thời cổ đại, viễn tổ của ông là con cháu của vua Chuyên Húc, xem xét việc thiên văn địa lý cả quốc gia, công danh rất hiển hách. Đến thời Chu Tuyên Vương thì gia tộc bị mất chức quan, đổi thành họ Tư Mã (Tư Mã là một chức quan võ, vốn không phụ trách việc chép sử), kiêm quản việc sử sách. Đến thời Chu Huệ Vương, Chu Tương Vương, gia tộc Tư Mã gặp nạn lớn, người trong gia tộc phải rời khỏi nhà Chu trốn chạy sang Tấn rồi sau đó tản đi khắp nơi. Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm lại làm Thái sử công cho nhà Hán. Ông kỳ vọng con trai có thể kế thừa tổ nghiệp, không để cho danh tiếng tổ tiên bị mai một trong đời của mình.

Khi cha của Tư Mã Thiên ốm nặng, ông đã nắm chặt tay Tư Mã Thiên và khóc: "Sau khi cha chết, con phải làm chức Thái sử, và khi con trở thành Thái sử lệnh, đừng quên rằng cha mong ước viết một cuốn sách lịch sử. Lòng hiếu thảo của một người con bắt đầu từ việc phụng dưỡng cha mẹ, sau đó vào triều phụng sự quân vương, và cuối cùng là xây dựng đạo đức của chính mình, để có thể làm rạng danh cho thế hệ mai sau, làm rạng danh cha mẹ của mình, đây chính là chữ hiếu lớn nhất”. (nguyên văn: Dư tử, nhữ tất vi thái sử; vi thái sử, vô vong ngô sở dục luận trước hĩ. Thư phu hiếu thủy vu sự thân, trung vu sự quân, chung vu lập thân. Dương danh hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu thử hiếu chi đại giả”).

Tư Mã Đàm hy vọng rằng con ông sẽ không quên rằng việc viết một cuốn sách lịch sử, và tiếp tục di sản của mình. Vậy tại sao ông ta lại muốn viết lịch sử?

Tư Mã Đàm nói với con trai Tư Mã Thiên rằng: “Sau thời U Vương Lệ Vương nhà Chu, vương đạo mất, lễ nhạc suy bại. Khổng Tử sửa lại những điều đã mất, luận Thi Thư, viết Xuân Thu cho đến nay các học giả vẫn noi theo. Từ đó đến nay đã hơn 400 năm, chư hầu thôn tính lẫn nhau, việc chép sử ký bị bỏ mất. Nay nhà Hán hưng khởi, bốn biển thống nhất, vua sáng tôi hiền trung thần nghĩa sĩ, ta là quan Thái sử mà không ghi chép lại được, làm cho văn sử của thiên hạ bị phế, ta rất lấy làm lo lắng, không biết con suy nghĩ thế nào!”

Chính là nói rằng: “Sau thời U Vương Lệ Vương nhà Chu, vương đạo mất, lễ nhạc suy vi. May nhờ có Khổng Tử biên soạn lại văn hiến xưa, chấn hưng lại lễ nhạc đã bị bỏ phế. Làm cho Thi Thư phát triển, viết Xuân Thu. Học giả từ xưa đến nay đều noi theo coi đó như chuẩn mực. Lịch sử trong Xuân Thu viết đến năm Lỗ Ai Công bắt được kỳ lân, đến nay đã hơn 400 năm, các chư hầu thôn tính lẫn nhau, sách sử thất lạc rất nhiều, thậm chí dứt mất hẳn. Hiện nay nhà Hán lập quốc, bốn bể thống nhất, thời kỳ của vua sáng tôi hiền và sự tích của các trung thần nghĩa sĩ mà ta thân là quan Thái sử mà không thể ghi chép lại được, làm cho văn học sử của thiên hạ bị mất đi, điều đó làm ta lo lắng vô cùng. Con phải toàn tâm kế tục việc viết Sử ký này vậy”.

Tư Mã Thiên dập đầu hứa với cha: “Hài tử tuy không thông minh, nhưng con nhất định sẽ đem những gì cha đã viết mà thu thập chỉnh lý toàn bộ theo đó mà viết thành sách để không phụ lòng mong mỏi của phụ thân”.

Các thẻ tre ghi chép thời cổ đại. (Shutterstock)

Ba năm sau khi Tư Mã Đàm qua đời, Tư Mã Thiên trở thành quan Thái sử. Ông bắt đầu biên soạn các tư liệu sử sách trong Thư viện quốc gia. Năm năm sau đó, vào tiết Đông chí, ban bố bộ lịch Thái Sơ, nhân đó cải niên hiệu thành năm Thái Sơ, làm lễ tế cáo trời đất tại Minh Đường (Thái Miếu nơi Thiên tử cử hành lễ tế tự). Đây là một thời khắc vô cùng trọng đại trong lịch sử đối với cả trời đất và con người, Tư Mã Thiên lúc này cũng bắt đầu kế tục việc viết Sử Ký, chính là việc “nghiên cứu đến tận cùng việc của trời và người, chỉnh lại cho đúng đắn lịch sử xưa nay, lưu lại tác phẩm và tư tưởng cho đời sau. (“dục dĩ cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biện, thành nhất gia chi ngôn”)

(Ghi chú của người dịch: Theo Lịch Thái Sơ, một năm có 365,25 ngày được chia làm 12 tháng âm lịch, mỗi tháng có 29,53 ngày. Ngoài việc áp dụng hệ thống 24 tiết khí. Lịch Thái Sơ còn lấy tháng giêng là tháng đầu năm như thường thấy ngày nay, thay vì lấy tháng 10 làm tháng đầu năm như Lịch Chuyên Húc. Sự xuất hiện của bộ lịch mới này đã đánh dấu một cuộc cách mạng trong lịch sử lịch pháp ở Trung Quốc. Đây có thể xem là bộ lịch có độ chính xác cao nhất thời bấy giờ, được lập ra nhờ quá trình cẩn thận quan sát thiên văn. Cũng từ đây mà Lịch Thái Sơ trở thành bộ lịch chính thức được người Trung Quốc sử dụng suốt 2 ngàn năm lịch sử tiếp theo-nguồn Wikipedia).

Bảy năm sau, vào năm Thiên Hán thứ ba, Tư Mã Thiên về bênh vực Lý Lăng mà gặp họa, bị giam vào đại lao, biến cố đột ngột này làm cho cuộc đời của ông thay đổi to lớn. Ông đau lòng cảm thán: “Đó là tội của ta! Đó là tội của ta! Thân tàn không dùng được nữa rồi!”.

Nhưng Tư Mã Thiên vẫn muốn hoàn thành tác phẩm lịch sử để đời của gia tộc, “nếu nó đã hoàn thiện thì tai họa này cũng vừa lúc, nhưng tiếc là nó chưa hoàn thành”. Ông lùi một bước suy nghĩ thật sâu sắc về ý chí và sự nghiệp của phụ thân và bản thân. Các tác giả của tác phẩm Thi, Thư cổ đại đều viết bằng loại ngôn ngữ giản lược sâu sắc với đầy nội hàm để truyền lại chí hướng. Nhưng tất cả tác gia thời xưa đó, đều trải qua những đại nạn lớn trong đời, không như thế thì chí hướng của họ không đại thành được. Ví dụ như Chu Văn Vương bị giam ở ngục Dữu Lý, Khổng Tử suýt chết đói ở giữa nước Trần, Thái. Khuất Nguyên bị vua trục xuất, nửa đời không thể quay về triều đình, Tôn Tẫn bị chặt chân, Hàn Phi bị giam tại nước Tần… Trong khi suy nghĩ về điều đó, ý chí của Tư Mã Thiên càng được truyền cảm hứng bởi các bậc thánh hiền cổ đại khi phải đối mặt với gian khổ này. Ông không cam lòng chịu đựng sự sỉ nhục to lớn với hình phạt "hủ hình”, “cung hình” và kiên quyết hoàn thành sự nghiệp viết Sử ký của hai cha con.

Ông học tập vô cùng cần mẫn, đọc rất nhiều sách, biên tập viết sách, trong hơn 30 năm nỗ lực hoàn thành cuốn Thái Sử Công Thư mà người đời nay gọi là Sử Ký, rửa được đại nhục không hề hối hận.

Tư Mã Thiên và cuốn Thái Sử Công Thư (Sử Ký) (Tranh vẽ năm Vạn Lịch thứ 26 nhà Minh)

Truyền thừa đại nghĩa của “Xuân Thu”

Sử Ký viết từ thời Đào Đường, phần Bản Kỷ lấy Hoàng Đế làm khởi đầu viết đến năm Nguyên Thú đời Hán Vũ Đế khi bắt được Kỳ Lân thì dừng.So với tác phẩm Xuân Thu của Khổng Tử cũng lấy sự kiện bắt được Kỳ Lân để kết thúc, ta có thể thấy Sử Ký kế thừa tinh thần của Xuân Thu rất rõ ràng.

Thái Sử Công đã khen ngợi giá trị lịch sử và đại nghĩa của Xuân Thu như sau:

“Kinh Xuân Thu trên làm sáng tỏ đạo của Tam Vương, dưới phân biệt quy tắc của con người, biệt bạch chuyện hiềm nghi, soi sáng điều phải trái, quyết định điều còn do dự, khen điều hay, chê điều dở, tôn người hiền, chê kẻ bất tiếu, bảo tồn lấy cái nước đã mất, nối lại cái đời đã đứt, vá lại cái đã rách, dựng lại cái đã bị bỏ, đó là một điều lớn của đạo vương vậy”. (Phu Xuân Thu, thượng minh tam vương chi đạo, hạ biện nhân sự chi kỷ, biệt hiềm nghi, minh thị phi, định do dự thiện thiện ác ác hiền hiền, tiện bất phi tiếu, tồn vong quốc, kế tuyệt thế bổ tệ, khởi vương đạo chi đại giả dã”)

Lương tài viết sử, chuyên cần học tập 30 năm

Nội dung Sử Ký gồm có: 12 bản kỷ, 10 niên biểu, 72 liệt truyện, kể chuyện Đế Vương các đời hưng và phế, ba mươi thế gia, chép lại lịch sử các nước bị mất, Bát Thư, ghi chép các chế độ văn hóa quan trọng của quốc gia, phong thái hành động chân chính của các bậc trung thần hiếu tử…

Nguồn sử liệu lấy từ Tả Thị Xuân Thu, Quốc Ngữ, Hệ Bản, Chiến Quốc Sách, Hán Sở Xuân Thu Ký và Chư tử bách gia thư cuối cùng quán xuyến hết tất cả kinh truyện từ xưa đến nay mà làm ra tác phẩm của một nhà. Thời gian trong Sử ký trên dưới khoản 2.400 năm, quả thật là lấy năm tháng dài mà viết thành sách, tự thành gia phái, chuyên cần vô cùng ( “niên tải du mạc, giản sách khuyết di, lặc thành nhất gia, kỳ cần chí hĩ”), ý nói đến chuyện Tư Mã Thiên chuyên cần học tập tu dưỡng hơn 30 năm, suốt cả cuộc đời. Lưu Hướng và Dương Hùng đều gọi Tư Mã Thiên là “lương sử chi tài”.

Sách “Sử ký tác ấn” khen ngợi Tư Mã Thiên và quyển Sử Ký do ông viết và giải thích: “Thái Sử là một hiền tài, đức độ, đã từng chu du khắp nơi đông tây nam bắc, sự việc chân thực, ngôn từ giản dị có thể coi là thực lục”, Tư Mã Thiên quả là một người viết sử chân chính nhất thời đại, kế thừa đức nghiệp của cha, dùng một đời làm việc vô cùng nghiêm cẩn, lời lẽ gọn gàng ý tứ đầy đủ, nhân vật sống động tái hiện chân thực như trong lịch sử. Ông tuân theo quy tắc chữ “Chân” như một quy chuẩn, khiến nó đối với hậu thế trở thành một tiêu chuẩn cho tinh thần sử học, một tài sản quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Ghi chú (1):

“Sử Ký” vì sao lại gọi là Thái Sử Công Thư và vì sao Tư Mã Thiên lại là “Thái Sử Công”.

“Sử Ký tập giải” giải thích “Sách Hán Nghi ghi Thái Sử Công là chức vụ do Hán Vũ Đế đặt ra, xếp trên thừa tướng. Sách Hán Cựu Nghi viết “Thái Sử Công là chức quan nhị thiên thạch, nói thẳng ra “Thái Sử Công” thời Hán Vũ Đế là một danh từ chỉ chức quan. Nhưng sách Sử Ký Chính Nghĩa dẫn dụng từ sách Chí Lâm của Ngu Hỷ giải thích rằng thời Chu trở về trước thì chức quan phụ trách Thiên văn là một chức vụ tôn quý, họ là người sùng thượng Thiên đạo, chức vụ được gọi là “Thượng Công”. Từ nhà Chu đến nhà Hán, chức vụ này dần trở nên thấp kém. Nhưng khi thượng triều thì vị trí ngồi vẫn được xếp trên tước Công, nên đến thời Hán, người ta vẫn dùng tên chức cũ để tôn xưng ông là “Thái Sử Công”.

Minh Bảo
Theo Epochtimes

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

30 năm thủ tiết chuyên cần Tư Mã Thiên viết Sử Ký thành tựu chí hướng 2 đời