Âm nhạc ban cho con người khả năng giao tiếp với Thần?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - “Nhạc” trong “Nhạc ký” không đơn thuần chỉ là âm nhạc, mà là một thuật ngữ chung với nghĩa rộng để chỉ sự hợp nhất của bộ ba thơ ca, âm nhạc và vũ đạo

“Nhạc ký” là một luận toàn diện về “nhạc” trong Nho gia cổ đại trước thời Tây Hán, có tác động sâu sắc đến lịch sử phát triển của tư tưởng âm nhạc Trung Quốc. “Nhạc” trong “Nhạc ký” không đơn thuần chỉ là âm nhạc, mà là một thuật ngữ chung với nghĩa rộng để chỉ sự hợp nhất của bộ ba thơ ca, âm nhạc và vũ đạo. Nho gia xem trọng ‘nhạc’ trên hết không phải là ở tính nghệ thuật, mà là ở phương diện về mặt tu dưỡng đạo đức cá nhân. “Nhạc ký” phản ánh những đặc điểm chính của giáo dục âm nhạc cổ đại: người ta tin rằng âm nhạc là thể hiện của thiên lý, tức là đức tính lương thiện bẩm sinh; “chỉ quân tử mới biết nhạc”, âm nhạc có thể dùng để ca ngợi đức độ của người quân tử; nó nhấn mạnh vẻ đẹp của tính trung hoà trong âm nhạc, nhấn mạnh rằng nghe nhạc biết đức và nghe nhạc biết tác phong.

“Nhạc ký” có nội hàm phong phú, lấy tư tưởng Nho gia làm chủ đạo, bao hàm các trường phái tư tưởng khác nhau, và liên quan đến nhiều vấn đề lớn như nguồn gốc của âm nhạc, đặc trưng của âm nhạc, âm nhạc và các giá trị xã hội, hình thức và nội dung âm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc.

Giáo dục âm nhạc cổ đại có quan hệ mật thiết với lễ giáo, luôn kết hợp chặt chẽ với tu dưỡng con người, đạo đức xã hội và cả trời đất tự nhiên, hình thành một chế độ giáo dục hoàn chỉnh và trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tư tưởng âm nhạc chủ yếu của nó thể hiện ở các khía cạnh sau:

Nguồn gốc của âm nhạc

“Nhạc ký” cho rằng “nhạc” do “âm” tạo thành. “Âm” sinh ra trong tâm con người; “nhạc” liên quan đến đạo đức, vì vậy tâm con người và âm nhạc có mối quan hệ tương tác. Điều này đặt cơ sở cho khám phá sau này về cách sử dụng của âm nhạc để giáo hóa nhân dân, để đạt được mục đích trị thế an dân. Vì vậy, “nhạc do tâm sinh” là gốc của “nhạc hoá”. Có thể nói “Nhạc ký” bắt đầu bằng tâm và kết thúc bằng tâm. Bắt đầu từ tâm là đã bàn luận về nguồn gốc của âm nhạc, và mục đích cuối cùng là làm thế nào để sử dụng âm nhạc nhằm tác động đến lòng người, giáo hoá nhân tâm, khiến cho con người quy về thiên lý và chính đạo.

Trần Nhật Duật là một vị đại tướng đa tài hiếm thấy trong sử Việt 1
Bắt đầu từ tâm là đã bàn luận về nguồn gốc của âm nhạc, và mục đích cuối cùng là làm thế nào để sử dụng âm nhạc nhằm tác động đến lòng người, giáo hoá nhân tâm, khiến cho con người quy về thiên lý và chính đạo. (Ảnh họa sĩ ML/ETviet.com)

Tuân theo thiên lý là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt “Nhạc ký”. “Nhạc ký” cho rằng có rất nhiều loại âm thanh với các cung bậc khác nhau, chỉ những âm thanh phù hợp với Đạo mới có thể gọi là âm nhạc, còn những âm thanh cao tầng là thể hiện của Đạo Trời. Chỉ có quân tử mới hiểu được nhạc, hiểu được nhạc là đã gần với biết lễ, có được tinh hoa của lễ nhạc trong tâm, mới gọi là có đức. Con người sinh ra thường thích yên tĩnh, đó là bản chất của con người, nhưng sau khi nhận thức được ngoại vật, một số người vì quá ham muốn vật chất đã sa đọa, mê mất tâm trí. Chỉ có nhạc có thể tiết chế tư dục của con người mới có thể lấy lại được sự bình tĩnh thiên bẩm, mới có thể “giữ Thiên lý”.

Vì vậy, người ta nói rằng mục đích Tiên Đế chế định lễ nhạc, không phải để thỏa mãn sự thèm muốn của ăn uống nghe nhìn, mà là dùng nó để giáo hoá nhân dân, dùng đạo nghĩa để chấn chỉnh hành vi của con người, và quan tâm đến người khác bằng trái tim nhân hậu.

Hòa hợp với vạn vật trong trời đất

“Nhạc ký” kế thừa và phát triển những tư tưởng của âm nhạc cổ đại về “hòa hợp âm luật”, “hài hoà quãng tám”, “Thần nhân hòa hợp”, và tin rằng “âm nhạc tuyệt vời là hòa hợp với trời đất”, “trái đất và khí trời giao hòa, thiên hạ, Âm dương tiếp xúc với nhau, trời đất lay động cùng nhau, tiếng trống rền vang, gió mưa náo nức, bốn mùa chuyển động, nhật nguyệt chiếu sáng, thật hài hòa và mỹ diệu.

“Nhạc ký” đã mô tả mối quan hệ giữa âm nhạc và lễ, và cho rằng “Đại nhạc là hòa hợp với trời đất, và đại lễ là hòa tiết với trời đất. Âm nhạc đến từ bên trong và lễ được tạo ra từ bên ngoài” , âm nhạc và lễ cùng nhau hàm ý “Thiên địa hòa hợp” và “Trật tự của trời đất”. Hòa hợp mới có thể khiến vạn vật sinh sôi nảy nở; có trật tự, có thể khiến vạn vật trở nên khác biệt.

Tư tưởng “Lễ nhạc” là một bộ phận quan trọng nhất của Nho gia. “Nhạc ký” đã mô tả một xã hội luân lý Nho gia hài hòa, kính trọng thiên địa, định vị vua tôi, hòa hợp cha con, làm rõ già trẻ, đã trường tồn trong lịch sử lâu dài hàng nghìn năm, khắc sâu trong tâm người dân, ảnh hưởng sâu rộng tới văn hoá truyền thống Trung Hoa. “Nhạc Ký” cho rằng âm nhạc là sự giao hòa, hòa hợp giữa trời, đất và vạn vật. Cái gọi là “nhạc giả đôn hoà, suất thần nhi tòng thiên” (nhạc đôn hậu hài hoà, dẫn dắt tinh thần thuận theo Đạo Trời), nói rất rõ là người chế tạo lễ nhạc là “Thánh”, còn người dạy và quảng bá âm lễ nhạc là “Minh”.

Vì vậy, các bậc Thánh nhân làm ra nhạc để tương ứng với trời, chế ra nghi lễ để tương ứng với đất, âm nhạc có thể chăm sóc giáo hóa vạn vật, đó là gần với nhân từ; lễ là quyết đoán, nó gần với chính nghĩa. Lễ nhạc chi tiết, tỉ mỉ lại vừa đầy đủ hoàn mỹ thì thiên hạ mới tôn trọng yêu thương nhau, trời đất nắm mỗi chức trách riêng, cảm hoá Thần linh trên dưới sẽ thành tựu tất cả mọi thứ.

Chức năng giáo hoá xã hội

“Nhạc ký” rất nhấn mạnh đến vai trò của âm nhạc trong giáo dục đạo đức, và cho rằng Thánh nhân sau khi đã thiết lập tam cương ngũ thường để ổn định thiên hạ, tiếp theo đó tạo ra “đức âm” - “âm nhạc”.

Thánh nhân sau khi đã thiết lập tam cương ngũ thường để ổn định thiên hạ, tiếp theo đó tạo ra “đức âm” - “âm nhạc”. (Ảnh qua Shutterstock).

Các Thánh nhân được nhắc trong “Nhạc ký” đều là chỉ các vị Tiên Vương trước đây trị thế an dân. “Tiên vương chi đạo, lễ nhạc khả vị thịnh hĩ” (Vua có đạo, lễ nhạc hưng thịnh). Ví dụ như khúc “Hàm trì” nổi tiếng thời Hoàng đế; “Đại Chương” thời vua Nghiêu, “Thiều nhạc” thời vua Thuấn, “Đại Hạ” thời vua Vũ…

Các bậc tiên vương rất cẩn trọng trước ảnh hưởng của ngoại vật, họ dùng lễ để dẫn dắt ý chí của con người, và dùng âm nhạc để điều hòa âm thanh của con người, vì lợi ích gắn kết lòng người và lập ra thế đạo cai trị thiên hạ.

Nội dung tư tưởng được thể hiện qua âm nhạc liên quan mật thiết đến trạng thái xã hội mà con người đang sống: “Trị thế chi âm an dĩ nhạc; kỳ chính hoà; loạn thế chi âm, oán dĩ nộ, kỳ chính quai; vong quốc chi ân ai dĩ tư, kỳ dân khốn” (Âm nhạc thịnh thế bình hòa, vui vẻ, chính trị hài hòa. Âm nhạc loạn thế thì oán hận và phẫn nộ, chính trị trái ngược. Âm nhạc vong quốc ai oán, suy tư, người dân khốn khó).

Tư tưởng này chỉ rõ âm nhạc khi cai trị thiên hạ được thái bình và hạnh phúc, cho thấy một nền chính trị thái bình và hòa hợp; âm nhạc của thời loạn thế đầy những oán hận và giận dữ, chính trị của nó phải bị đảo ngược, và người dân khốn khổ.

“Nhạc ký” cho rằng: “Khi nhạc ở trong tông miếu, từ vua tới các quan cùng nghe, đều hòa thuận và kính trọng; trong làng tộc trưởng, già trẻ cùng nghe, ai cũng hoà nhã; đều có sự hòa hợp;

Vì vậy, người viết nhạc suy xét kỹ để tạo nên sự hòa hợp, dựa vào vật để phản ánh nhịp điệu, và kết hợp nhịp điệu để thành văn. Vì vậy, sự hòa hợp phụ tử, quân thần, phụ thân vạn dân là cách Tiên vương lập ra nhạc”.

“Nhạc Ký” chủ trương sử dụng âm nhạc kết hợp với quản lý triều chính, làm ngay chính bầu không khí xã hội, lễ chế, giáo dục luân lý… Sau khi nghe những âm thanh mẫu mực, tán dương, chí hướng và tinh thần của con người trở nên rộng lớn hơn. Vì vậy người ta nói rằng âm nhạc là sự thống nhất của trời và đất, là phép tắc để tìm kiếm sự hòa hợp trong nội tâm. Vì vậy, khi Thánh nhân dùng lễ nhạc, thiên địa Thần linh đều giúp khai sáng, trời đất vui mừng giao hòa, âm dương hòa hợp, cây cối tươi tốt, chồi non mọc lên khỏi mặt đất, chim vỗ cánh bay cao, vạn vật thịnh vượng, sinh sôi và hạnh phúc. Đó là tất cả tác dụng, và cũng là tinh thần của âm nhạc! Vì vậy, Tiên vương hạ lệnh coi âm nhạc là một trong những nội dung của giáo dục, nên mới nói “đạo lý của nhạc là quá sâu sắc”.

Trong “Nhạc Ký” có ghi chép: Tất cả âm thanh đều do nhân tâm tạo ra, trời và người đều có cảm ứng, cả hai giống như bóng trong gương và hình của vật, tiếng vang và âm thanh dội lại tương ứng hoà vào nhau. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên, người hành thiện, trời sẽ lấy phúc để hồi báo cho anh ta; còn kẻ làm điều ác thì trời sẽ khiến anh ta phải chịu tai ương.

Ví dụ, “Vua Thuấn gảy ngũ huyền cầm ca khúc ‘Nam Phong’ mà cai trị thiên hạ; Vua Trụ sử dụng âm nhạc Bắc Bỉ ở Triều Ca mà mất mạng, vong quốc. Đạo của vua Thuấn rộng lớn như thế nào? Đạo của vua Trụ chật hẹp ra sao? Nói tới bài ‘Nam Phong’ là âm thanh thăng lên, nhạc Thuấn hài hoà, âm nhạc thuận theo trời đất, thu phục thiên hạ, nên cai quản thiên hạ. Nói tới Triều Ca ấy hết thời, Bắc ấy là bại, Bỉ ấy là thô tục, vua Trụ biết nhạc, có lòng khác với muôn nước, các chư hầu không phục, bách tính không thân, thiên hạ phản lại, vì vậy bỏ mạng và đất nước diệt vong”.

Ở đây đã nói lên sự khác biệt giữa nhạc của Thuấn trị được thiên hạ, và nhạc vong quốc của vua Trụ nhà Thương. Vẻ đẹp của âm nhạc nằm ở hình thức êm tai dễ nghe của nó, đồng thời tuân theo nội dung của nhân nghĩa, đạo đức và các yêu cầu của lễ nghĩa, nếu không nó không có ý nghĩa và giá trị.

Ánh sáng rực rỡ của đức hạnh

Trong “Nhạc ký” nói rằng âm nhạc “có thể tốt cho tâm con người, và nó có sức lay động sâu sắc đến con người”, “đủ để cảm hóa trái tim thiện lương của mọi người”. Điều này chỉ ra rằng đức hạnh là nền tảng của nội hàm bản chất con người; âm nhạc là ánh sáng chói của vẻ ngoài đức hạnh. Do đó, nhạc và âm cũng được các bậc quân tử sử dụng để giao lưu tinh thần và tu dưỡng lòng chính nghĩa.

Nhạc và âm cũng được các bậc quân tử sử dụng để giao lưu tinh thần và tu dưỡng lòng chính nghĩa. (Ảnh: screatchina)

Phẩm chất đạo đức bên trong của một người có thể được phản ánh trong âm nhạc. Hành vi của một bậc quân tử ước thúc bản thân, hoà thuận theo tâm trí, thể hiện âm thanh nội tâm của mình qua thơ, tô điểm thêm bằng âm thanh của cầm, và đệm bằng tiếng sáo. Vì vậy, loại âm nhạc này tiếng ca lanh lảnh, âm sắc trong trẻo như bầu trời, chuông và trống cao vút, khí phách rộng lớn; ngũ âm luôn kết nối với nhau như bốn mùa tuần hoàn không ngừng; dáng múa đung đưa, tiến lùi như mưa gió vòng quanh. Vì vậy, nhạc có thể mang lại tác dụng, giúp nhìn rõ nhân luân, tỉnh táo sáng suốt, không bị ác thanh, ác sắc quấy nhiễu, những niệm đầu gian tà, quái dị không thể xâm nhập; quay trở về thuần phác, tâm bách tính hướng tới đạo đức.

Với mong muốn dùng nhạc làm chính nhân tâm, khiến người quân tử nhân từ với người khác, khiến cho kẻ ác thay đổi trở nên thiện, kiềm chế dục vọng cá nhân, bình dị, chính trực, từ thiện, thành tín nảy sinh một cách tự nhiên, yên lặng và ổn định, ổn định và trường cửu, trường cửu chính là hợp với thiên ý, hợp với thiên ý là có thể giao tiếp với Thần linh. Vì vậy, bậc quân tử một khắc cũng không tách rời lễ nhạc khỏi bản thân, tức là người được gọi là “sĩ vô cố bất triệt cầm sắt”.

Mô tả về âm nhạc của Tử Hạ, Sư Ất, Sư Khoáng

Trong “Nhạc ký” có ghi lại: Ngụy Văn Hầu hỏi Tử Hạ: “Sự khác biệt giữa âm nhạc cổ đại và âm nhạc hiện nay là gì?”

Tử Hạ đáp rằng: “Cổ nhạc là nhã nhạc từ thời Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, bậc Thánh hiền truyền đến nay. Tiên vương thuận thiên mà trị, làm ra phép tắc, pháp luật, thiên hạ ổn định, sau đó bèn sửa sáu luật, điều hoà ngũ âm, dùng những bài thơ thuần chính trang nhã hòa với âm thanh ca tụng để phổ vào quản huyền, đó là đức âm, đức âm mới được gọi là nhạc. Tiếng nhạc hài hòa, khí thế rộng lớn, huyền bào sinh hoàng ứng với các nhạc khí quản huyền đều tiết chế, bắt đầu bằng đánh trống, và kết thúc bằng đánh chiêng cồng, điệu múa nhanh nhẹn trang nhã”.

Trong “Kinh thi” nói: “Đức âm tĩnh, trang nghiêm và an định, đức hạnh của nó có thể soi sáng bốn phương, nhân từ, hoà ái, thu phục mọi người, có thể chọn điều đúng mà tuân theo”.

Quân tử nghe đến đây có thể nói được nội dung và đạo lý của cổ nhạc, suy nghĩ sâu về việc tu thân và tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Cái gọi là âm nhạc hiện đại, chẳng hạn như âm nhạc của nước Trịnh, Vệ, chỉ có thể được gọi là âm nhạc hư hỏng. Trong khi biểu diễn, hàng ngũ hỗn loạn, âm thanh buông thả, quá sa đọa, biểu hiện thỏa mãn các loại ham muốn vật chất, khiến người ta sau khi nghe xong sẽ ý chí trở nên chán chường hoặc ngang tàng, và không có chút nội hàm gì. Hầu hết là các tác phẩm của hôn quân loạn thần, hoàn toàn trái với tinh thần của đức trị, có hại cho đạo đức, không thể gọi là âm nhạc được”.

Tử Cống đã bái kiến Sư Ất và thỉnh giáo ông: “Tôi nghe nói rằng những thanh ca khác nhau phù hợp với những tư chất khác nhau. Loại bài hát nào thì phù hợp cho người như tôi?”

Sư Ất nói: “Tôi sẽ giải thích những gì tôi biết và ngài đưa ra lựa chọn của mình. Người có đức tính khoan dung, nhu hoà chính trực thì thích hợp hát “Tụng”; người có tâm hồn rộng rãi, cởi mở, thành tín thì thích hợp hát “Đại nhã”; người cung kính, tiết kiệm và ưa lễ nghĩa phù hợp để hát “Tiểu nhã”; người thanh chính, liêm khiết, khiêm tốn và cẩn trọng phù hợp hát “Quốc phong”; người vui vẻ, giản dị, tốt bụng và thân thiện thích hợp để hát “Thương”; người ôn hoà lương thiện, giỏi quyết đoán thì thích hợp hát “Tề”. Cái gọi là hát, là thể hiện mỹ đức của nội tâm của mình theo ý nguyện của bản thân, nội tâm bản thân được cảm hoá mà dung hòa với trời đất, hòa hợp, bốn mùa điều hoà, vạn vật được nuôi dưỡng”.

Sư Khoáng, nhạc sư của nhà Tấn, đã đề xuất rằng âm nhạc cần tuân theo thiên đạo và tự nhiên, để đạt được sự hài hòa của thiên nhân hợp nhất. Chỉ có sự hòa hợp của âm thanh nội tâm mới có thể tạo ra những âm thanh thực sự của thiên nhiên, có thể khiến tâm hồn mọi người giao tiếp với nhau và cộng hưởng, và đạt được sự thanh lọc thân tâm và cảm ngộ được cảnh giới cao hơn của đạo trời. Ông chỉ ra tác dụng thiện hoá của âm nhạc, và nó có tác dụng ngầm hướng dẫn, nuôi dưỡng các phong tục dân gian, để ánh sáng của đạo hạnh có thể tỏa sáng rộng hơn và xa hơn.

Một lần, Tấn Bình Công và Vệ quốc Quốc Quân cùng nghe nhạc sư Sư Quyên của Vệ quốc diễn tấu bản nhạc, ngay khi bắt đầu chơi, Sư Khoáng đã vội vàng ngăn cản và nói: “Mau dừng lại! Đây là nhạc suy đồi Bắc bỉ Triều Ca nhà Thương Trụ, là nhạc vong quốc mang điềm gở. Âm nhạc là truyền tải đức hạnh, không thể gảy nhạc sa đọa có hại cho đức hạnh!”

Tấn Bình Công nói với Sư Khoáng: “Ông hãy biểu diễn một giai điệu tốt lành”.

Sau đó, Sư Khoáng đã diễn tấu cho hai vị quốc quân bản “Thanh giác” thì thấy 16 con huyền hạc từ phía nam bay tới; khi tấu lần thứ hai, đàn hạc xếp thành một hàng thẳng; khi ông chơi lần thứ ba, lũ hạc vừa kêu to vừa xếp hàng ngay ngắn, dang rộng đôi cánh và nhảy múa; tiếp tục gảy đàn, thì nhìn thấy những đám mây tốt lành ẩn hiện, âm thanh của đàn hạc và tiếng đàn cầm hòa làm một, vang vọng trong bầu trời trong một thời gian dài. Từ đó, người ta thường dùng câu “huyền hạc giáng vân” để hình dung sự mỹ diệu êm tai của âm nhạc.

Âm nhạc có thể làm cho tâm hồn con người vui vẻ, được đạo đức nuôi dưỡng, tu dưỡng tâm trí của họ, và tuân theo thiên lý. Và âm nhạc tầng thứ cao có thể giao tiếp với các vị Thần, khiến mọi người vừa được tận hưởng âm nhạc, vừa cảm nhận được sự chân thật, rộng lớn và vĩnh cửu.

Trong xã hội vật chất ngày nay, qua âm nhạc nhu mỹ, bình hoà cùng biểu diễn vũ đạo, nội hàm phong phú, đoàn nghệ thuật Shen Yun có thể truyền tải một cách sâu sắc tinh hoa của 5.000 năm văn hóa truyền thống Trung Quốc. Những giá trị nhân, lễ, nghĩa, trí, tín được đề cao trong văn hoá truyền thống, sẽ dẫn dắt lương tri và bản tính con người trở lại, sẽ chỉ đường cho tâm hồn chúng ta trong thế giới ồn ào này.

Âm nhạc của Shen Yun là hiện thân của đạo trời, truyền tải sự chân thật, thiện lương và nhẫn nại cho con người, mang tới sự tốt đẹp và hy vọng cho con người, đồng thời giúp con người thanh lọc tâm hồn, hướng thiện, lựa chọn chính nghĩa và lương tri trong khi thưởng thức âm nhạc thuần thiện, thuần mỹ.

Minh An
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Âm nhạc ban cho con người khả năng giao tiếp với Thần?