Ân đền oán trả (2): Thân Bao Tư tận trung phục quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân định thắng Thiên hay Thiên định thắng nhân?

Trong bức thư này có một câu "Người đông có thể thắng Trời, nhưng mệnh Trời lại có thể thắng người". Ở Trung Quốc đại lục có một câu thành ngữ gọi là “Nhân định thắng Thiên”. Chúng ta phải làm rõ một khái niệm, đó là thành ngữ này không tồn tại ở Trung Quốc cổ đại. Gần nghĩa nhất là câu nói này của Thân Bao Tư: "Nhân chúng giả thắng Thiên, Thiên định diệc năng thắng nhân”. Ý tứ là nếu mọi người một lòng hợp sức thì có thể thay đổi được sự an bài trước đây của Thiên Thượng, nhưng suy cho cùng, sự an bài của Thiên Thượng mới là quan trọng nhất, cho nên người ta nói “Thiên định diệc năng thắng nhân” (Trời định cũng có thể thắng được con người).

Nhiều khi, một người làm điều tốt hay điều xấu là quyền tự do lựa chọn của mình, nhưng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Tôi nhớ khi một giáo sư Trung Quốc đại lục giảng về lịch sử, ông từng đặt câu hỏi: “Có phải Thượng Đế là Đấng toàn thiện, toàn tri và toàn năng không?”

Ông đưa ra một ví dụ và nói rằng, nếu Chúa không biết Adam và Eva ăn quả táo khi nào thì Chúa không phải là Đấng toàn tri; nếu Chúa biết nhưng không ngăn cản thì Chúa không phải là đấng toàn năng, hay toàn thiện.

Trên thực tế, câu hỏi này rất dễ trả lời. Sự “Thiện” của Chúa được thể hiện qua việc Ngài bảo bạn đừng ăn trái cây đó, nhưng mọi người đều có quyền tự do ý chí. Bởi vì khi Chúa tạo ra bạn, Ngài đã cho bạn quyền tự do ý chí, theo cách nói phổ biến của chúng ta ngày nay, đó là “nhân quyền Trời ban”. Nếu nói các quyết định của bạn, mọi hành động nhỏ nhặt hay suy nghĩ của bạn đều để Chúa làm thay, thì Ngài tạo ra một cái máy cho xong, chứ cần tạo người làm chi? Tạo ra một con người, bạn được ban cho sự tự do ý chí.

Chúa bảo bạn không được ăn quả táo, đó là “Thiện” của Ngài, nhưng ăn hay không, đây là lựa chọn của chính bạn. Chỉ cần bạn ăn nó, bạn phải chịu trách nhiệm về kết quả. Đó là lý do tại sao bạn có thể ăn táo nhưng sẽ bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Vì vậy, khi thấy Adam và Eva chọn ăn táo rồi bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng, tôi nhớ đến một câu trong cuốn “Thái Thượng cảm ứng thiên”: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình” (tạm dịch: họa phúc không có cửa, do mình tự chiêu mời, báo ứng thiện ác, như hình với bóng).

Giống như Thân Bao Tư đã nói, tức là "người đông thắng Trời", họ ở một hoàn cảnh nhất định hoặc một thời điểm nhất định nào đó, do lòng thành cảm ứng, hoặc nhất định phải làm điều gì đó, cuối cùng hoàn thành. Nhưng họ đã vi phạm ý Trời, tương lai “Trời định sẽ thắng người”, điều này có nghĩa là họ sẽ phải gánh chịu quả báo tương ứng.

Vậy mới nói người có tín ngưỡng tôn giáo hay làm việc thiện. Tại sao? Bởi vì họ tin vào định mệnh, tin rằng Đấng Sáng Thế đã thiết lập một quy luật tuyệt đối công bằng khi tạo dựng nên vũ trụ. Theo nguyên tắc công bằng tuyệt đối, nếu bạn tốt với người khác thì bạn sẽ nhận được những điều tốt đẹp, điều đó thực ra là tốt cho chính bạn; nếu bạn xấu với người khác thì bạn sẽ nhận được những điều xấu, nhưng thực ra nó là xấu cho chính bạn. Cho nên một người có đức tin chân chính, người đó dễ dàng trở thành người có đạo đức.

Thân Bao Tư tận trung phục quốc

(Chú thích) Giữa Thân Bao Tư và Ngũ Tử Tư đã có thỏa thuận, Thân Bao Tư vì nghĩa bạn bè mà không bắt giữ Ngũ Tử Tư. Ông cho phép Ngũ Tử Tư tiêu diệt nước Sở. Nhưng sau đó, ông sẽ tận lòng trung, khôi phục nước Sở. Ông đã viết một bức thư cảnh báo Ngũ Tử Tư rằng mặc dù nỗ lực của con người có thể tạm thời đạt được mục tiêu nhưng tuyệt đối không được trái ý Trời, nếu không cuối cùng sẽ phải trả giá. Vậy Ngũ Tử Tư có làm theo lời khuyên của Thân bao Tư không?

Ngũ Tử Tư đọc thư của Thân Bao Tư xong, trầm ngâm hồi lâu rồi nói với người mang thư, hiện tại tôi đang bận việc quân, không có thời gian viết thư phúc đáp, nên nhờ gửi tới ông ấy mấy lời, nói rằng nay tôi như một người lữ hành, mặt trời sắp lặn nhưng chặng đường phía trước vẫn còn quá xa, nên tôi đành phải làm những việc trái với lẽ thường. Nguyên văn trong “Sử ký” là: “Nhật mộ nhi đồ viễn, ngô cố đảo hành nhi nghịch thi chi” (tạm dịch: vì trời tối đường xa, nên tôi đành phải đi ngược với lẽ thường, trái với mong muốn của mình), hai thành ngữ ‘nhật mộ đồ viễn’, ‘đảo hành nghịch thi’ bắt nguồn từ điển tích này.

Sứ thần báo lại Thân Bao Tư. Thân Bao Tư nói quyết tâm tiêu diệt Sở của Ngũ Tử Tư là không thể thay đổi, chỗ duy nhất có thể cứu Sở chính là nước Tần. Vì vậy ông chuẩn bị sang Tần cầu cứu. Bởi vì lúc đó Sở Bình Vương đã kết hôn với Mạnh Doanh, em gái của Tần Ai Công, vua nước Tần. Cho nên Sở Chiêu Vương gọi Tần Ai Công là cậu. Là hai nước có quan hệ thông gia như vậy, sau khi nước Sở bị diệt, Thân Bao Tư tin rằng nước Tần nên xuất binh ứng cứu.

Lúc này Hạp Lư đang làm gì?

Ở thủ đô của nước Sở, ngày nào cũng tổ chức tiệc rượu, mọi người đều ăn mừng chiến thắng. Đối mặt với thắng lợi to lớn này, Tôn Vũ vẫn giữ được đầu não thanh tỉnh. Ông đã đưa ra một kiến nghị rất quan trọng với Hạp Lư. Tôn Tử nói rằng chúng ta nên đưa công tử Thắng trở lại Sở và phong làm vua. Bởi vì công tử Thắng được Ngũ Tử Tư nuôi dưỡng nên sau khi được phong làm vua, mặc dù là vua, nhưng trên thực tế, nước Ngô đã đạt được quyền kiểm soát toàn bộ quyền lực của nước Sở. Kết quả là Hạp Lư không chịu nghe.

Tại sao Tôn Vũ lại đưa ra đề nghị như vậy?

Đây là một kế sách rất thông minh. Vì nước Ngô là một nước rất nhỏ, dân số ít, diện tích nhỏ nên quân số cũng rất ít. Nếu sử dụng dân số ít và một đội quân nhỏ như vậy để chiếm cứ một đất nước rộng lớn, đơn giản là không thể kiểm soát bằng sức mạnh quân sự. Thường thấy rằng sau khi nước nhỏ chinh phục được nước lớn, thì cần thành lập một chính phủ bù nhìn ở đó.

Năm xưa Nhật Bản đã thành lập bù nhìn Mãn Châu quốc sau khi xâm lược Trung Quốc, sau này Nhật Bản ủng hộ chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ. Bởi vì sau khi một nước nhỏ giành được chiến thắng quân sự, chiếm được một nước lớn, nó không thể kiểm soát hoàn toàn đất nước ngay lập tức nếu không dựng lên một chính phủ bù nhìn.

Khi đó, Tôn Vũ đưa ra đề nghị như vậy, phong công tử Thắng làm vua nước Sở. Kết quả là Hạp Lư không nghe.

Lúc này, Thân Bao Tư đã rời khỏi nước Tùy, nơi Sở Chiêu Vương đang trốn ở đó, bắt đầu sang Tần. Nước Tùy lúc bấy giờ gần thành phố Tùy Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc, còn nước Tần gần thành phố Bảo Kê thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Lúc bấy giờ nơi này tên là Ung, hành trình rất xa. Thân Bao Tư đi suốt ngày đêm, đến nỗi gót chân của ông bị nứt, chảy máu mỗi bước đi. Sau khi đến nước Tần, ông xin Tần Ai Công mau mau xuất quân, nước Ngô “tham như lợn to, độc như rắn dài”, một khi chiếm được Sở, liền áp sát biên giới phía đông và phía nam nước Tần, nếu tiếp tục bành trướng ở bước tiếp theo, sẽ gây nguy hiểm cho Tần quốc. Vậy xin nước Tần hãy nhanh chóng xuất binh.

Tần Ai Công hoàn toàn không muốn phái quân đi đánh, khi trước Sở Bình Vương trực tiếp lấy em gái mình, trong lòng có lẽ không vui nên từ chối lời cầu xin. Thân Bao Tư lòng như lửa đốt, đứng ở sân khóc lóc thảm thiết, khóc bảy ngày bảy đêm không uống một ngụm nước, cuối cùng khóc đến cạn nước mắt, khóc chảy máu mắt.

"Tả truyện, Định Công năm thứ 4" ghi lại: "Thân Bao Tư đứng dựa vào tường sân khóc, khóc ngày đêm không ngừng, bảy ngày liền không uống một thìa nước".

Cuối cùng, Tần Ai Công mềm lòng nói với Thân Bao Tư: “Ta sẽ phái quân đi, mời đại phu ăn uống lấy một chút”.

Nói xong, Tần Ai Công cởi áo, khoác cho Thân Bao Tư.

Như chúng ta đã biết, người xưa rất coi trọng y phục. Khi Hán, Sở tranh hùng, có người từng thuyết phục Hàn Tín tạo phản. Hàn Tín lúc đó đã trả lời, vì sao ta không thể tạo phản? Vì Lưu Bang, vua nhà Hán, đã đưa xe của ông ấy cho ta đi, mang đồ ăn của ông ấy cho ta ăn, đem y phục của ông ấy cho ta mặc, rồi nói rằng: “Ngồi xe của người thì phải gánh hoạn nạn cùng họ, mặc áo của người thì cần coi nỗi lo của họ như của mình, ăn đồ của người thì cùng sống chết tận trung mưu sự với người ta”.

Vì vậy, vào thời cổ đại, việc mang y phục chia sẻ với người khác là một vinh dự lớn lao. Tần Ai Công khoác áo cho Thân Bao Tư, sau này viết một bài thơ được đưa vào ‘Thi Kinh’, tên là ‘Vô y’, lời thơ như sau: “Khải viết vô y? dữ tử đồng bào. Vương vu hưng sư, dữ tử đồng cừu”.

Ý tứ là sao nói khanh chưa có y phục? Ta và khanh mặc chung, nay ta sẽ xuất binh giúp khanh đánh Sở, ta và ngươi có chung một kẻ thù.

Thân Bao Tư chỉ bắt đầu ăn uống sau khi nhận được lời hứa xuất binh của Tần Ai Công. Tần Ai Công nói: ‘Khanh hãy nghỉ ngơi ở trạm khách, ta sẽ điều động quân đội’.

Thân Bao Tư tận trung phục quốc. (Tranh Winnie Wang)

Thân Bao Tư nói, quốc vương của thần hiện tại đang ở nơi hoang dã gai nhọn cỏ sắc, ăn không ngon, ngủ không yên, thần xin trở về ngay để thông báo cho quốc vương trước rằng nước Tần sắp xuất quân ứng cứu.

Sau khi Thân Bao Tư tới nước Tùy, các tướng bại trận còn lại của Sở dần dần tập hợp lại, quân Tần cũng kéo đến. Thân Bao Tư nói với quân Tần rằng, tôi sẽ đánh Ngô trước, khi giao tranh giằng co, quân Tần sẽ xông ra tiếp chiến.

Người giao chiến với Thân Bao Tư lúc đó là Phù Khái - em trai vua Hạp Lư, ông ta không hề coi trọng Thân Bao Tư. Kết quả là khi trận chiến đang giằng co, quân Tần bất ngờ xuất hiện, khiến Phù Khái trở tay không kịp. Khi Phù Khái nhìn thấy cờ hiệu quân Tần, ngỡ ngàng hỏi: "Quân Tần đến từ khi nào vậy?"

Lập tức ra lệnh rút quân. Kết quả là trận ấy ông ta đã mất khoảng một nửa số quân.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 6 - Ân đền oán trả (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ân đền oán trả (2): Thân Bao Tư tận trung phục quốc