Bình luận: Cựu Phó thủ tướng Trung Quốc bị cho vào 'lãnh cung' vì ông Tập kỵ nhất là 'người kế nhiệm'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa từng nhận được một bức thư mật từ cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc và sự việc này khi đó đã bị rò rỉ. Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận chính trị độc lập nổi tiếng người Hoa, cho rằng dù không có bức thư mật này thì việc ông Hồ Xuân Hoa bị đưa vào ‘lãnh cung’ cũng là điều tất yếu.

Mới đây, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post của Hong Kong rằng, một bức thư mật mà ông gửi đi vào tháng 4/2022 cho ông Hồ Xuân Hoa, Phó Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, đã bị rò rỉ và đã đẩy ông Wuttke "vào trung tâm của cơn bão". Bức thư mật này nêu rõ, chính sách Zero Covid của chính quyền Trung Quốc gây ra tổn hại rất lớn cho nền kinh tế và đất nước này.

Dư luận cho rằng, vụ rò rỉ mật thư gửi ông Hồ Xuân Hoa có liên quan đến đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất trong ĐCSTQ. Vào thời điểm ông Wuttke viết bức thư này, chỉ còn nửa năm nữa là đến Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Đại hội 20) - sự kiện sẽ thay đổi ban lãnh đạo cao nhất của đảng này.

Trước Đại hội 20, ông Hồ Xuân Hoa, người được cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào chỉ định là người kế nhiệm cách một đời, đã được nhiều người dự đoán là ứng cử viên gia nhập Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương (tương đương với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương).

Nhưng tại Đại hội 20 được tổ chức vào năm 2022, ông Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi, không những không được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị mà còn bị loại khỏi Bộ Chính trị Trung ương (tương đương với Ban Chấp hành Trung ương). Từ việc toàn bộ các thành viên thuộc phe Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc - bao gồm các ông Lý Khắc Cường, Uông Dương và Hồ Xuân Hoa - bị loại khỏi Bộ Chính trị Trung ương, cộng thêm việc cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi hội trường, có thể thấy phe Đoàn đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Từ trái sang: ông Lý Khắc Cường, ông Uông Dương, ông Hồ Xuân Hoa. (Getty Images)

Nhà bình luận: Ông Tập từng được cảnh báo rằng ‘Trung ương Đoàn đã chiếm lĩnh Trung ương Đảng’

Nhà bình luận độc lập, ông Thái Thận Khôn, hôm 13/4 cho biết trên kênh YouTube cá nhân rằng, vì ông Hồ Xuân Hoa là người mang màu sắc của phe Đoàn và là người được ông Hồ Cẩm Đào nhìn trúng, nên trên thực tế, nếu không có bức thư của ông Joerg Wuttke, ông Hồ Xuân Hoa cũng vẫn bị đày vào lãnh cung, đây là điều khó tránh khỏi. Ngay từ sớm đã có dấu hiệu cho thấy phe Đoàn sẽ bị tiêu diệt.

Ông Thái Thận Khôn nói, trước khi xảy ra mâu thuẫn giữa Bạc Hy Lai - Vương Lập Quân (lần lượt là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh), ông Vương Lập Quân đã tiết lộ rằng bà Cốc Khai Lai (vợ của ông Bạc) đã nói cho ông ta nội dung cuộc trò chuyện bí mật giữa Bạc Hy Lai và người lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Cụ thể là, ông Bạc Hy Lai từng kêu than với ông Tập Cận Bình rằng, số lượng thành viên phe Đoàn trong Trung ương Đảng nhiều như vậy, chẳng phải là “Trung ương Đoàn đã chiếm lĩnh Trung ương Đảng rồi” sao? Những người được ám chỉ bao gồm các ông: Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường, Lý Nguyên Triều, Lưu Diên Đông, Lưu Vân Sơn và Lệnh Kế Hoạch.

Nhà bình luận này cho rằng, ông Tập Cận Bình chắc hẳn đã ghi nhớ lời nói của ông Bạc Hy Lai nên về sau đã bao vây và trấn áp toàn bộ nhóm người thuộc phe Đoàn, bao gồm cả việc bao vây và đánh chặn ông Lý Khắc Cường cũng đã được tính toán trước và chuẩn bị sẵn. Vấn đề không chỉ nằm ở một bức thư này, ông Tập đã mượn bức thư này để phóng đại rằng ông Hồ Xuân Hoa có dã tâm và ý đồ, hoặc rằng ông Hồ bất bình với chính sách "Zero Covid" phong tỏa thành phố của ông Tập.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng việc phe Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc bị tiêu diệt cũng không phải là điều gì đáng được thông cảm. Là một hiện tượng chính trị, ngược lại đây là điều nên được đi sâu vào thảo luận.

Ông Thái chỉ ra, bản thân hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc vốn là thành trì bồi dưỡng nên những người kế nhiệm, tổ chức này đã hoạt động sôi nổi trên vũ đài chính trị Trung Quốc hàng chục năm kể từ khi cải cách và mở cửa. Điều thú vị là trong 10 năm qua, thành trì này đã bị đánh đổ hoàn toàn, một tổ chức với hơn 80 triệu thanh niên đã nhanh chóng bị gạt ra ngoài lề. Từ ĐCSTQ cho đến người đứng đầu đảng này, cụm từ kỵ nhất lại là “người kế nhiệm”.

Phân tích nguyên nhân ông Hồ Cẩm Đào 'bị xốc nách' khỏi phiên bế mạc Đại hội 20
Một nhân viên nhấc tay ông Hồ Cẩm Đào và mời ra ngoài trong khi phiên bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ hôm 22/10/2022 vẫn đang diễn ra. (Kevin Frayer/Getty Images)

Giáo sư Trường Đảng Trung ương: Các nhà kỹ trị trong phe Đoàn chỉ là ‘quản gia’

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vào tháng 10/2022 sau khi Đại hội 20 kết thúc, bà Thái Hà (Cai Xia), cựu Giáo sư Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, nói rằng ĐCSTQ luôn chọn người kế nhiệm từ “những đứa con trong nhà” - các ‘Thái tử đảng’, và những quan chức như ông Hồ Cẩm Đào chỉ là “quản gia” tạm thời trông nom cơ ngơi trong khi chờ “những đứa con” ấy trưởng thành.

Thái tử đảng’ là một danh xưng không chính thức dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng trong ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước và có nhiều cơ hội để được đề bạt làm lãnh đạo trong tương lai, dù cho hình thức bên ngoài vẫn là thông qua bầu cử dân chủ; hoặc có các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.

Bà Thái Hà nói, "Biết bao nhiêu người trong ĐCSTQ đã cùng tranh đấu để giành thiên hạ, họ cho rằng không thể chỉ truyền lại cho con của một người, vì vậy họ phải chọn người mà họ thấy hài lòng nhất trong số 'những đứa con’ ấy".

Ông Tập Cận Bình cũng được coi là một ‘Thái tử đảng’. Ông Tập là con của cố Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân. Trong 20 năm trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, trong ban lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ đã xuất hiện những người không phải là “hồng nhị đại”. “Hồng nhị đại”, hay còn gọi là “thế hệ Đỏ thứ hai”, là đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu. “Thái tử đảng” cũng thuộc nhóm “Hồng nhị đại”.

Trong thời gian ấy, những nhà kỹ trị như các ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường đã nắm giữ những vị trí quan trọng, thậm chí ông Hồ Cẩm Đào còn trở thành lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Nhưng trong mắt các trưởng lão của ĐCSTQ, họ chỉ là “quản gia” tạm thời nắm quyền bính, trong khi chờ “những đứa con” của ĐCSTQ lớn lên.

Bà Thái Hà nói, "Khi con cái [của các trưởng lão ĐCSTQ] chưa trưởng thành, họ (các nhà kỹ trị) trông nom nhà cửa thay ĐCSTQ. Họ chỉ là quản gia, không phải là ông chủ. Khi Tập Cận Bình lên tức là ‘thiếu gia’ đã nắm quyền".

Tập Cận Bình
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (ở giữa) tham dự lễ duyệt binh với các cựu Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào (trái) và Giang Trạch Dân (phải) tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 1/10/2019, để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. (GREG BAKER / AFP via Getty Images)

Nhà bình luận: ‘Người kế nhiệm’ là cụm từ cấm kỵ

Vào tháng 6/2023, ông Thái Thận Khôn đăng trên nền tảng X (tên cũ là Twitter) rằng, về việc ông Tập bất mãn với phe Đoàn, khả năng rất lớn là xuất phát từ lòng đố kỵ. Sau khi nắm được quyền lực, ông này đều không dùng các quan chức thuộc phe Đoàn, chỉ cần nắm được một chút bằng chứng tham nhũng của họ là sẽ tống họ vào đại lao ngay, còn những người không có vấn đề về tham nhũng thì sẽ được bố trí cho một chức vụ nhàn hạ và tới lúc thì nghỉ hưu. Địa vị người kế nhiệm của lãnh đạo phe Đoàn đương nhiên là điều cấm kỵ đối với ông Tập Cận Bình, và ông Tập Cận Bình - người có ý định cai trị suốt đời - chắc chắn không thể dung thứ cho điều này.

Bài viết của ông Thái nêu rõ, chỉ trong 10 năm, ông Tập đã san phẳng mọi ngọn đồi và tập trung quyền lực về tay. Những ủy viên còn lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều chỉ là những thuộc hạ bảo sao nghe vậy, không có suy nghĩ riêng và không dám lên tiếng. Cũng chính là nói, ông Tập đã tự tay phá hủy đại bản doanh của phe Đoàn và cắt đứt nền móng dự bị của ĐCSTQ.

Những 'người kế nhiệm' trong ĐCSTQ đều không có kết cục tốt đẹp

Thực tế đã chứng minh, những người kế nhiệm trong ĐCSTQ đều do người lãnh đạo cao nhất ra quyết định trong nội bộ, nhưng hầu hết những người này đều không có kết cục tốt đẹp. Lãnh đạo đời đầu của ĐCSTQ là ông Mao Trạch Đông đã lần lượt chọn các ông Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Vương Hồng Văn và Hoa Quốc Phong làm người kế nhiệm. Cuối cùng cả bốn người này đều thất thế.

Liu shaoqi.jpg
Ông Lưu Thiếu Kỳ bị đấu tố và đã chết một cách thê thảm trong thời Cách mạng Văn hóa. (Public Domain)
Ảnh chụp ông Mao Trạch Đông (trái) và ông Lâm Bưu vào ngày 29/7/1971 tại Bắc Kinh. Ông Lâm Bưu được cho là đã tử nạn máy bay ở Mông Cổ khi đang trốn chạy sau vụ mưu sát Mao Trạch Đông không thành. (-/AFP via Getty Images)
Ông Vương Hồng Văn đang bị Tòa án tối cao ở Bắc Kinh thẩm vấn vào ngày 27/11/1980. Ông này bị bắt và bị kết án tù chung thân sau Cách mạng Văn hóa, cuối cùng qua đời vì ung thư gan ở tuổi 56. (-/XINHUA/AFP via Getty Images)
Cựu Chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong (trên cùng), hình chụp ngày 21/10/2007. (GOH CHAI HIN/AFP / Getty Images)
Ông Hoa Quốc Phong có bất đồng chính kiến với ông Đặng Tiểu Bình, cuối cùng thất thế và bị buộc phải rời khỏi nhóm quyền lực cốt lõi của ĐCSTQ. Cựu Chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong (trên cùng), hình chụp ngày 21/10/2007. (GOH CHAI HIN/AFP / Getty Images)

Lãnh đạo thế hệ thứ hai của ĐCSTQ là ông Đặng Tiểu Bình đã chọn các ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương làm người kế nhiệm, nhưng cuối cùng cả hai người này đều bị chính ông Đặng vứt bỏ. Ông Hồ Diệu Bang bị buộc phải từ chức sau sự kiện học sinh, sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4/6/1989; ông Triệu Tử Dương cũng bị buộc phải từ chức và bị cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân quản thúc tại gia cho tới lúc qua đời.

Ảnh chụp ngày 1/9/1981 tại Bắc Kinh của ông Hồ Diệu Bang (phải) và ông Đặng Tiểu Bình (trái). (AFP via Getty Images)
Ảnh chụp ngày 17/10/1980 tại Bắc Kinh của ông Triệu Tử Dương. (AFP via Getty Images)

Trong thời Tập Cận Bình, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, người được coi là người kế nhiệm ĐCSTQ, đã bị ông Tập Cận Bình bắt giữ vào năm 2018 với danh nghĩa chống tham nhũng; ông Hồ Xuân Hoa cũng đã bị loại khỏi nhóm lãnh đạo cốt lõi của ĐCSTQ.

Ảnh trái: Ông Tôn Chính Tài được chụp vào ngày 6/3/2017 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Lintao Zhang/Getty Images); Ảnh phải: Ông Hồ Xuân Hoa được chụp vào ngày 20/3/2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Lintao Zhang/Getty Images)

Sau khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba, ông này rơi vào một cuộc khủng hoảng cầm quyền chưa từng có: nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nhanh chóng, các ông lớn bất động sản liên tục đổ vỡ, nợ chính quyền địa phương cao ngất, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng cao, các quan chức cấp cao trong đảng, quân đội và chính quyền do đích thân ông Tập đề bạt liên tiếp ngã ngựa, v.v. Các nguồn tin trong giới quan chức của ĐCSTQ nói rằng, các quan chức trong hệ thống này đang chờ đợi ngày ông Tập xảy ra chuyện.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Cựu Phó thủ tướng Trung Quốc bị cho vào 'lãnh cung' vì ông Tập kỵ nhất là 'người kế nhiệm'