Bình luận: Tập Cận Bình - Mã Anh Cửu tái ngộ sau 8 năm, việc ông Tập 'cao lên' ít nhất 8 cm ám chỉ điều gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã gặp người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào ngày 10/4 vừa qua tại sảnh phía đông của Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Khung cảnh rất long trọng nhưng lại có một chi tiết kỳ lạ. Đó là khi so sánh với bức ảnh chụp cuộc gặp ‘Tập - Mã’ lần đầu vào ngày 7/11/2015, có thể thấy ông Tập đã cao hơn nhiều so với 8 năm trước. Điều gì ẩn sau chi tiết này?

Chi tiết lạ về ‘cuộc gặp Tập - Mã lần 2’: Ông Tập đã ‘cao lên rất nhiều’ sau 8 năm?

Có thể thấy từ đoạn video do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào ngày 11/4 rằng, khi ông Tập Cận Bình và ông Mã Anh Cửu bắt tay nhau, ông Tập cao hơn ông Mã đáng kể, phải từ 8-10 cm. Khi hai người đối mặt, ông Mã dường như còn phải ngước lên.

Hình ảnh người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trong đoạn video do CCTV phát sóng vào ngày 11/4/2024. (Ảnh chụp màn hình video của CCTV)

Về chiều cao của ông Tập Cận Bình, thông tin có thể tìm thấy trên mạng là khoảng 1m8, nhưng có cư dân mạng cho rằng số liệu này không phù hợp với thực tế.

Tài khoản X (tên cũ là Twitter) @xingzhe2021 đăng bài vào ngày 12/4 cho biết, có cư dân mạng ở Anh từng so sánh hình ảnh ông Tập Cận Bình chụp cùng các lãnh đạo khác và ảnh các lãnh đạo khác chụp với người nổi tiếng để tiến hành so sánh toàn diện (thông tin về chiều cao của các nhà lãnh đạo khác và người nổi tiếng đều được công khai), cuối cùng kết luận rằng ông Tập Cận Bình chỉ cao 1m78. Tài khoản X này suy luận rằng, với tính cách của ông Tập Cận Bình, ông này chắc chắn sẽ đi giày độn chiều cao, đồng nghĩa với việc chiều cao thực sự của ông Tập còn thấp hơn.

Cư dân mạng này đã so sánh các bức ảnh và chỉ ra rằng, vào ngày 7/11/2015 khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Đài Loan lúc đó là ông Mã Anh Cửu tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, những bức ảnh do tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải cho thấy rõ hai ông cao bằng nhau, có thể thấy rõ qua các đường ngang nối chân tóc, mắt, môi, cằm của hai người. Thông tin công khai về nhiều lần kiểm tra thể chất của ông Mã Anh Cửu cho thấy ông này cao 1m78. Điều này có nghĩa là 8 năm trước, ông Tập Cận Bình cũng chỉ cao 1m78 ngay cả khi đi giày độn chiều cao. Tám năm sau, trong cuộc gặp Mã - Tập lần hai, ông Tập đã cao hơn ông Mã từ 8-10 cm. (Bấm vào liên kết này để xem phân tích hình ảnh)

Vào ngày 7/11/2015, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) bắt tay trước cuộc hội đàm tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. (ROSLAN RAHMAN/AFP via Getty Images)

Tài khoản X @xingzhe2021 chỉ ra rằng, ở độ tuổi hiện nay, ông Tập Cận Bình không thể tăng trưởng chiều cao nữa chứ đừng nói đến tốc độ tăng trung bình hơn 1 cm mỗi năm. Chỉ có một kết luận duy nhất, miếng độn giày đã dày hơn! Cư dân mạng này chế giễu rằng, ông Tập làm như vậy nhằm làm nổi bật hình ảnh “cao, lớn, đẳng cấp” của một “lãnh tụ nhân dân”.

Nhà bình luận thời sự Từ Khách (Xu Ke) mới đây đã đăng một bài viết trên tờ The Epoch Times tiếng Trung và cho rằng, ông Tập làm vậy không chỉ nhằm thể hiện hình ảnh “cao, lớn, đẳng cấp” của mình mà thực chất là để tiến hành cuộc chiến tâm lý nhằm vào Đài Loan, vóc dáng cao lớn của ông Tập Cận Bình có thể tạo cảm giác lấn át ông Mã Anh Cửu - một người vốn đã chủ động cúi đầu trước ĐCSTQ.

Ông Từ chỉ ra, kiểu giả dối này xuất phát từ bản chất lưu manh của ĐCSTQ: Để đạt được mục đích chính trị, ĐCSTQ có thể gọi ba năm “Nạn đói lớn” là ba năm “tai họa do thiên nhiên” và chẳng quan tâm rốt cuộc đã có bao nhiêu người chết đói. Để đạt được mục đích chính trị, ĐCSTQ có thể bịa đặt câu chuyện “không một ai chết” trên Quảng trường Thiên An Môn trong Sự kiện ngày 4/6/1989 ở Bắc Kinh. ĐCSTQ còn có thể lên kế hoạch cho một vụ “tự thiêu” giả ở Quảng trường Thiên An Môn để bôi nhọ các học viên Pháp Luân Công; còn có thể tạo ra một lượng dân số tử vong khổng lồ trong ba năm xảy ra dịch bệnh Covid-19 và rồi lại tuyên bố rằng đã “thắng lợi vĩ đại trong công cuộc chống dịch”...

Đọc thêm:

Ông Từ nói, với những “thành tích” như vậy trong quá khứ, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình giờ đây sẵn sàng mang giày độn cao hơn để tạo khí thế áp đảo Đài Loan - Trung Hoa Dân Quốc. Ý tưởng này có thể đến từ ông Thái Kỳ - một thân tín của ông Tập Cận Bình nằm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ (tương đương với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương).

Cuộc gặp Tập - Mã: Nơi để ĐCSTQ hạ thấp Đài Loan, nơi để các quan chức chóp bu khuếch trương thanh thế

Ông Từ Khách nói, trong "Cuộc gặp Tập - Mã lần thứ hai" này, do ĐCSTQ luôn dẫn dắt dư luận bằng tuyên bố phải thống nhất Đài Loan nên thế giới cũng rất chú ý đến việc ông Mã Anh Cửu - cựu lãnh đạo Đài Loan - sẽ được tiếp đãi như thế nào khi tới thăm Trung Quốc.

Ông Từ chỉ ra, bề ngoài, chính quyền Bắc Kinh thể hiện sự tiếp đãi long trọng nhưng lại ẩn giấu những thủ đoạn, còn ông Mã Anh Cửu dường như đã cố tình “lỡ lời” để lấy lại thể diện nhưng nhìn chung thì ông này vẫn ở thế yếu. Điều này được thể hiện ở hai điểm sau:

Đầu tiên, chính quyền Trung Quốc gọi cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu là “Mã tiên sinh” (tức ông Mã; chứ không gọi bằng chức danh như ‘cựu Tổng thống Mã’), ý nói rằng họ không thừa nhận địa vị cựu tổng thống của ông Mã, cũng không thừa nhận sự tồn tại của một quốc gia độc lập là Trung Hoa Dân Quốc. Ở phía ngược lại, ông Mã Anh Cửu chỉ gọi ông Tập Cận Bình là Tổng bí thư Tập (chứ không phải là Chủ tịch nước Tập), ông Mã cũng bị nghi là cố tình lỡ lời khi nói bốn từ "Trung Hoa Dân Quốc" trong bài phát biểu chính thức của mình, sau đó liền sửa thành "Trung Hoa dân tộc”.

Thứ hai, ngoài ông Tập thì còn 2 ủy viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã hội đàm với ông Mã, đó là ông Thái Kỳ và ông Vương Hỗ Ninh. Thế giới bên ngoài có thể cho rằng, điều này có nghĩa là ĐCSTQ rất coi trọng ông Mã Anh Cửu. Tuy nhiên, đánh giá từ góc độ đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ, có thể thấy ông Thái Kỳ đang mượn chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSTQ để khuếch trương quyền lực.

Cụ thể là, trong cuộc họp Tập - Mã lần đầu vào năm 2015, Chánh Văn phòng Trung ương khi đó là ông Lật Chiến Thư cũng đã tham gia. Nhưng khi đó ông Lật Chiến Thư chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương (tương đương với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương), còn hiện tại ông Thái Kỳ ở vị trí cao hơn, là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị (tương đương với Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương). Tuy vậy, ông Thái Kỳ lại không được phân công phụ trách vấn đề liên quan đến Đài Loan, mà lại do ông Vương Hỗ Ninh - một ủy viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị - quản lý. Việc ông Thái Kỳ và ông Vương Hỗ Ninh cùng gặp ông Mã Anh Cửu cho thấy, ông Thái Kỳ đã giẫm lên địa bàn của ông Vương Hỗ Ninh.

Cũng theo nhà bình luận Từ Khách, việc ông Tập Cận Bình độn giày cao hơn để đề cao bản thân và ngấm ngầm hạ thấp Đài Loan, hạ thấp ông Mã Anh Cửu là một hành động rất nực cười.

Ông Từ chỉ ra, nếu nhìn về nguồn gốc của đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan thì 'Trung Hoa Dân Quốc' vốn ra đời trước 'Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa Quốc' (tức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gọi tắt là Trung Quốc). Trung Hoa Dân Quốc là chính thống, tuy hiện giờ bị thu nhỏ về một góc (quốc đảo) nhưng huyết mạch ấy vẫn tiếp tục chảy cho đến ngày nay, trong khi Trung Quốc là do ĐCSTQ cai trị, mà đảng này thực chất là bắt nguồn từ phương Tây và đã đến Trung Hoa để cướp nước, cướp chính quyền. Ngày nay, ông Tập Cận Bình đang ngày càng tiến xa hơn trên con đường đi đến chế độ chuyên quyền, lý tưởng của ‘Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa Quốc’ và ‘Trung Hoa Dân Quốc’ có thể nói là càng “chia hai ngả đường”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Tập Cận Bình - Mã Anh Cửu tái ngộ sau 8 năm, việc ông Tập 'cao lên' ít nhất 8 cm ám chỉ điều gì?