Cảm nhận về vở diễn Shen Yun “Tiểu hòa thượng”

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Mấy hôm trước, tôi có nói ai xem Shen Yun cũng tốt, thậm chí cả trẻ em, Shen Yun có thể giúp chúng tách khỏi nhiều clip vô bổ trên mạng. Nhân đó, một người tôi quen tỏ ý băn khoăn: “Liệu xem Shen Yun có cần phải tìm hiểu nhiều hay không?”

Tương tự như trong cuộc sống, có người vẫn nói: “Ôi thôi, lại phải nghĩ à? Tôi chỉ thích xem cái gì thấy mê luôn, không phải nghĩ”.

Tôi vẫn cho rằng, điều gì mang chứa càng nhiều giá trị, mà mình càng hiểu thì càng thấm, càng yêu. Shen Yun cũng thế. Nhưng mặt khác, nghệ thuật chân chính có sức rung cảm mạnh lắm.

Tôi nói với anh ấy: “Trong mỗi chúng ta ít nhiều đều có lòng yêu mến cái đẹp và cái thiện chân chính, miễn là mình xem thì nó sẽ đi thẳng vào lòng mình một cách tự nhiên, và không lời. Ví như chúng ta dù không hiểu về hội họa, nhưng khi đứng trước một họa phẩm thời Phục Hưng – “Trường học Athen”, hay “Chúa sáng tạo Adam” chẳng hạn - mình tự nhiên sẽ khó rời mắt khỏi nó, rồi trong lòng mình nảy nở bao điều tốt đẹp, vì nó là chân giá trị”.

Shen Yun cũng tương tự, và không chỉ hội họa, đây là sự Phục Hưng trên nhiều phương diện khác của văn hóa nghệ thuật truyền thống. Miễn là mình cởi mở, cho mình một cơ hội, thì mình nhận được cơ hội. Nhưng chưa cần hiểu sâu, ngay những thứ đập vào mắt, bắt vào tai… đã đủ lôi cuốn rồi.

Y như rằng, sau đó tôi được xem vở “Tiểu hòa thượng”. Sơ sơ đã thấy yêu thích, như thế này:

Màn 1 - Trong sân chùa

Trước Đại Hùng bảo điện của một ngôi cổ tự, một buổi sáng bình thường, trong tiếng mõ lốc cốc, tiếng chuông khánh văng vẳng, các hòa thượng trẻ vừa kết thúc bài luyện tĩnh tọa, họ vươn vai duỗi người, rồi cầm chổi chuẩn bị làm vệ sinh sân chùa. Lão hòa thượng đức cao vọng trọng khích lệ các đệ tử trẻ gắng tu luyện tốt.

Đúng lúc đó, trong sân chùa xuất hiện một thiếu gia cùng đám lâu la nghênh ngáo, mặt mũi vênh váo, cử chỉ láo nháo lấc cấc… không coi ai vào đâu, cứ như chùa này là hậu viện nhà chúng không bằng.

Đang lúc ấy, một đôi trai tài gái sắc tiến vào, nói đúng hơn là như bay vào, như thể đôi én liệng bầu không. Cô gái có dung nhan diễm lệ khiến thiếu gia điệu bộ lấm lét, mắt tròn mắt dẹt ngắm nghía, lòng dục xốn xang như Trư Bát Giới gặp Hằng Nga Tiên tử hạ phàm. Thiếu gia chỉ trỏ, tỏ vẻ: “Con bé này phải thuộc về ta”.

Khi đôi nam nữ quỳ xuống bái lạy tượng Phật, chàng trai bị hai tên lâu la dụ đi ra ngoài, còn cô gái bị thiếu gia tiếp cận, tìm cách sàm sỡ lần khân.

Mọi việc diễn ra nhanh như trộm. Khi người ta chưa kịp định thần, chàng trai đã bị đánh ngã, còn cô gái bị đám kẻ xấu lôi đi. Các hòa thượng buộc phải đuổi theo để giải cứu. Sân chùa lại vắng lặng.

Màn 2 - Trong hoa viên của thiếu gia

Thiếu gia khệnh khạng tiến vào hoa viên nhà mình, tay vỗ ngực tay chỉ trời, như thể một kẻ vô pháp vô thiên, cậy thế làm càn. Hắn cho người lôi cô gái vào, chụp váy cô dâu lên người cô, rồi hắn đi vào trong nhà.

Những hòa thượng cũng vừa đuổi tới. Lão hòa thượng trấn an các đệ tử trẻ như thể: “Các con yên tâm”, sau đó tay cũng chỉ lên trời, một tiếng “tinh” vang lên. Rồi lão hòa thượng lại chỉ ngay vào đám người của thiếu gia, lại một tiếng “tinh”, nhất loạt đứng im như tượng, bao gồm cả cô dâu bất đắc dĩ.

Lão hòa thượng kề tai tiểu hòa thượng nói nhỏ. Chẳng hiểu ông nói gì mà anh này nhăn mặt lắc đầu, xua tay lia lịa.

Hóa ra, ông bảo tiểu hòa thượng lấy váy cô dâu mặc lên người, lấy mạng che phủ mặt, còn cô gái thì được cứu ra để mang đi. Không còn cách nào khác, tiểu hòa thượng đành làm theo lời sư phụ, nhưng mặt mũi vô cùng thiểu não tức cười. Chúng tăng rút đi sau khi lão hòa thượng làm phép cho mọi người hoạt động trở lại, giờ chỉ còn một mình tiểu hòa thượng ở lại để xoay sở đối phó.

Vừa kịp lúc, thiếu gia kéo mẫu thân ra ngoài, hí hởn khoe tài khoe khéo, múa may nhảy nhót cùng với cô dâu giả - cô dâu khỏe đến mức có thể bế cả thiếu gia trên tay. Có điều hắn đang quá sức hoan hỷ nên không nhận thấy điều khác lạ này.

Thế rồi cả đám kéo vào trong nhà.

Màn 3 - Trong phòng tân hôn

Trong tân phòng trần thiết hoa lệ, cô dâu giả - hòa thượng thật, theo thói quen vẫn ngồi đả tọa. Thoáng thấy bóng chú rể tiến vào, “cô” đổi ngay tư thế ngồi ẻo lả dịu dàng. Một loạt các tình huống vô cùng hài hước đã diễn ra. Cô dâu giả làm đủ mọi cách để thoát khỏi những pha rượt bắt, ôm, vồ của chú rể, trong khi chiếc mạng che mặt cứ chực rơi ra. Cuối cùng thì nó cũng rơi ra, tiểu hòa thượng lộ diện trước ánh mắt kinh ngạc của tì nữ. Cô ta chạy ngay ra ngoài. Còn chú rể dĩ nhiên dục tình xốn xang mắt hoa lên rồi còn biết gì nữa, mãi sau mới phát hiện được, thì nhận ngay một cú thôi sơn của “cô dâu giả” quá khỏe, bất tỉnh ngã xuống.

Màn 4 - Quay lại hoa viên nhà thiếu gia

Người tì nữ trong tân phòng chạy ra hoa viên, nhỏ to thầm thì với hội “chị em bạn dì”, rằng thiếu gia nhà chúng ta vớ phải cô dâu như thế như thế, eo ơi cô dâu gì mà đầu trọc lóc, mồm ngang mũi dọc như đàn ông vậy, tay chân còn khỏe kinh người… tưởng thiếu gia nhà mình mắt tinh thế nào chứ. Cả lũ cười nghiêng cười ngả… nhưng chú rể cô dâu đã đuổi nhau ra đến sân rồi.

Khoan! Còn có mẹ chú rể làm chủ đại cuộc nữa mà, ai dám kinh động? Nhưng khi nhìn thấy diện mạo của “cô dâu giả”, bà ta cũng… xỉu.

Khi thiếu gia và đám lâu la hùng hổ xông vào tiểu hòa thượng, thì lão hòa thượng tái xuất hiện, một tiếng “tinh” vang lên. Mọi người lại đứng im như tượng.

Hai hòa thượng trẻ theo lệnh thầy, chùm váy cô dâu và mạng che mặt lên người bà mẹ thiếu gia. Rồi họ nhanh chóng rút lui trước khi tiếng “tinh” cuối cùng vang lên.

Và điều gì sẽ xảy ra, mọi người thử đoán xem nào.

Toàn bộ vở diễn chỉ mất 6 phút 8 giây. Tình tiết đâu quá phức tạp khó hiểu, nhưng lại hết sức khôi hài, và được diễn cực kỳ nhuần nhuyễn, kết hợp với âm nhạc tuyệt vời và phông màn tuyệt đẹp. Đâu cần phải có nhiều hiểu biết mới cảm được những điều ấy. Hai cha con tôi xem mà cười gần như từ đầu đến cuối. Bảo đảm vở này chiếu cho ai xem cũng thấy khoan khoái.

Lời bàn

Người xưa có câu: “Vạn ác dâm vi thủ” – trong vạn điều ác, dâm dục đứng đầu tiên, vì nó phá hủy nhiều thứ, cả điều nhìn thấy và không thấy. Giữa thanh thiên bạch nhật cưỡng đoạt gái nhà lành, chia rẽ nhân duyên là tội ác tày trời của gã thiếu gia. Ác đến nỗi những người đã đoạn dứt duyên trần là các tăng nhân cũng đành phải ra tay can thiệp.

Xem đoạn này, tôi nhớ đến cảnh Cao Nha Nội con nuôi của Thái úy Cao Cầu cướp vợ của Lâm Xung trong “Thủy Hử”, mở ra tấn bi kịch trong cuộc đời Lâm Xung.

Một cái chỉ tay của lão hòa thượng khiến ta nhớ đến phép “định thân” của Tôn Ngộ Không. Họ Tôn nhiều lần dùng đến phép này, có khi dùng để ăn trộm cho dễ. Nào đào Tiên, rượu ngự, linh đan… cứ “định thân” xong là tha hồ chén, thế nên mới gặp họa núi đè 500 năm. Nhưng phép định thân của lão hòa thượng là để làm việc thiện, hành hiệp trượng nghĩa. Dẫu vậy, nếu tiểu hòa thượng không chịu dấn thân vào chốn hiểm nguy thì cũng không dễ dàng cứu được cô gái, và kẻ ác kia chưa nhận được bài học. Việc khó khăn lắm, nhưng sư phụ nói thì phải nghe, nữa là việc nghĩa.

Cảnh đuổi bắt trong phòng tân hôn khiến ta nhớ đến Tôn Ngộ Không giả dạng Thúy Vân để trêu ghẹo “chú ngốc” Trư Bát Giới lúc ấy còn làm rể ở Cao Lão Trang, hoặc hoạt cảnh Chân Chân, Ái Ái, Liên Liên - vốn là hóa thân thành gái đẹp của các vị Bồ Tát – làm cho Bát Giới một phen vồ hụt, ngã sưng cả mặt. Hoặc hoạt cảnh hòa thượng Lỗ Trí Thâm đóng giả cô dâu nện cho Chu Thông dê xồm một trận nên thân trong “Thủy Hử”.

Làm ác, thì quả báo đến ngay trước mặt, gọi là “quả báo nhãn tiền”.

Nói chung, tích này trong văn hóa truyền thống là tương đối phổ biến. Hơn kém ở chỗ diễn xuất, cái đó đập vào mắt khán giả đầu tiên. Phải nói các diễn viên diễn cảm tuyệt vời.

Diễn xuất

Hãy nhìn vẻ vênh váo, tiểu nhân đắc chí của gã thiếu gia, hãy nhìn những lúc gã múa tay vỗ ngực uốn éo thân trên, hí ha hí hởn, những lúc gã phơi bày ra vẻ mặt đần độn vì tham dâm háo sắc; Hãy nhìn vẻ thiểu não khổ sở bất đắc dĩ của tiểu hòa thượng, vẻ lụ khụ mà tinh thông của lão hòa thượng…

Rồi cả những nữ tì nhìn trước ngó sau, lấm lét dáo dác, rung rung gật gật để thì thầm to nhỏ chuyện xấu của chủ nhà, rồi lúc họ phá ra cười ngặt cười nghẽo, điệu bộ cực kỳ sinh động thú vị, và dân dã.

Thật khó tưởng tượng rằng, chính những nữ diễn viên này có lúc lại lột tả phong thái tao nhã của công chúa thời Đường, cao quý của cách cách đời Thanh.

Âm nhạc

Cảnh thanh vắng nơi cửa thiền thì phải có tiếng khánh, tiếng mõ, tiếng tỳ bà khoan thai; Diễn tả phong cách nghênh ngáo xấc xược của thầy trò thiếu gia thì biểu cảm của kèn sona mới hợp; Những đoạn hành động gấp gáp ắt phải có bộ dây, bộ hơi của phương Tây mới đủ dồn dập mạnh mẽ, như tả cảnh mèo Tom đang đuổi bắt chuột Jerry vậy; Diễn cảnh nhảy múa thì âm nhạc phải du dương lả lướt, giai điệu tuyệt đẹp; Cảnh động thủ múa võ thì phải có bộ gõ v.v. Bạn đọc tự khám phá và cảm nhận đi.

Nhạc này càng nghe càng lành, càng nghe càng thấm càng thích, nhưng hoàn toàn không phải khái niệm “phê” đâu nhé.

Phông nền - Bối cảnh

Đại Hùng bảo điện, hoa viên nhà giàu, tân phòng vu quy… ngày xưa có lẽ phải bài trí như thế nhỉ.

Trang phục đám cưới cũng không rực một màu đỏ cờ, đỏ thắm theo quan niệm hiện đại nhìn về hôn lễ truyền thống. Có một mình cô dâu mặc váy đỏ thôi, và cũng không phải màu đỏ cờ đỏ thắm.

Về phối màu trang phục, cảnh trí thì sao nhỉ?

v.v.

Ôi, còn nhiều khía cạnh đỉnh cao lắm, nhưng tôi không muốn thử thách kiên nhẫn của người đọc thêm nữa, hiểu biết bản thân cũng nông cạn vậy thôi. Mọi người tự mình khám phá đi nhé, có gì hay xin chia sẻ lại để tôi được học hỏi thêm.

(Bài viết được sự cho phép của tác giả gốc, có chỉnh lý)

Tùng Vân



BÀI CHỌN LỌC

Cảm nhận về vở diễn Shen Yun “Tiểu hòa thượng”