Câu chuyện về Toàn Thắng Tướng Quân Nhạc Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

 Bài từ “Mãn Giang Hồng-Đăng Hoàng Hạc Lâu hữu cảm” của Nhạc Phi dẫn chúng ta hồi tưởng về chiến trường cát bụi oanh liệt những năm đầu Nam Tống, ngưỡng vọng cảm phục Nhạc Phi- vị anh hùng tận trung báo quốc. Tại sao Nhạc Phi được mệnh danh là vị ‘Toàn Thắng Tướng Quân’? Cả một đời tận trung, có rất nhiều sự tích cùng lời ngợi ca về trận đại chiến chấn hưng Trung Nguyên.

Chúng ta cùng thưởng ngẫm bài từ “Mãn Giang Hồng-Đăng Hoàng Hạc Lâu hữu cảm”:

Dao vọng Trung Nguyên, hoang nhân ngoại, hứa đa thành quách.
Tưởng đương niên, hoa già liễu hộ, phụng lầu long các.
Vạn tuế sơn tiền châu thúy nhiễu, bồng hồ điện lý sênh ca tác.
Đáo nhi kim, thiết đế mãn giao kỳ, phong trần ác.
Binh an tại, cao phong ngạc.
Dân an tại, điền câu hác.
Thán giang sơn như cố, thiên thôn liêu lạc.
Hà nhật thỉnh anh đề nhuệ lữ, nhất tiên trực độ thanh hà lạc.
Khước quy lai, tái tục hán dương du, kỵ hoàng hạc.

Tạm dịch:

Nhìn về Trung Nguyên, sương khói biên thùy, thành quách thấp thoáng.
Nhớ khi xưa, bóng liễu che hoa, lầu phượng gác rồng.
Châu ngọc buông rèm, núi cao ngàn tuổi, lâu đài vẳng tiếng đàn ca.
Nhìn thực tại, gót sắt nát kinh kỳ, gió bụi cuốn ngút trời.
Binh sĩ ở đâu, gươm đao sắc nhọn
Dân chúng nơi đâu, hãy lấp sông ngòi.
Than thầm giang sơn như thế, thôn xóm điêu linh.
Bao giờ tòng quân nhập đội tinh nhuệ, ném roi vượt sông Lạc.
Quay trở về, ta lại theo dòng Hán Dương, cưỡi hạc vàng.

Bài Tống từ “Mãn Giang Hồng - Đăng Hoàng Hạc Lâu hữu cảm” là kiệt tác lưu truyền thiên cổ của vị anh hùng, danh tướng kháng Kim thời Nam Tống-Nhạc Phi. Từng câu từng chữ ‘Nhìn về Trung Nguyên, sương khói biên thùy, thành quách thấp thoáng…binh ở đâu?...dân chúng ở đâu?’ đều chứa đựng nỗi niềm cảm khái xuất phát tự nhiên từ một tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc; canh cánh trong tâm nhưng bình tĩnh vững vàng, nhiệt thành muốn cứu giúp thế nhân, đốt lên ngọn lửa hùng tâm lưu truyền thiên cổ.

Tượng anh hùng dân tộc Nhạc Phi-Tinh trung quán nhật nguyệt, trong đền thờ Nhạc Phi ở An Dương. (Shutterstock)

Tuổi trẻ khí tiết, Thần lực Trời ban

Nhạc Phi (1103~1141), là người Thang Âm Tương Châu (nay thuộc Hà Nam), sinh vào lúc giao thời hai triều nhà Tống. Lúc ông ra đời, có một con thiên nga bay lượn quanh nhà, cho nên người nhà đặt cho ông tên là ‘Nhạc Phi’, tự ‘Bằng Cử’ (nghĩa là phấn chấn bay bổng như chim Bằng), chưa đầy tháng, đã phát sinh kỳ tích. Một hôm đê Hoàng Hà bị vỡ, nước dữ ập vào, mẫu thân là Diêu Thị ôm ông đặt vào trong chum, nước cuốn chum theo dòng nước xiết, sau đó cái chum bị đẩy lên bờ, người vẫn vẹn nguyên không mảy may xây xát.

Phụ thân Nhạc Phi là Nhạc Hòa thương người như thể thương thân, trung hậu truyền gia. Tuy gia cảnh eo hẹp, nhưng không ngăn được Nhạc Hòa hành thiện giúp người, ông gắng sức dành dụm lương thực để cứu giúp người bị đói; ruộng vườn canh trồng bị người xâm lấn nhiều, nhưng ông không những không tranh chấp mà còn cắt luôn đất cho họ; bạn bè tới mượn tiền, ông đều dốc hầu bao giúp đỡ, trả hay không ông chẳng bận tâm, cũng không bao giờ nghĩ tới việc đòi nợ.

Nhạc Phi thủa nhỏ chăm chỉ học hành, Tống sử viết về Nhạc Phi “Thiếu phụ khí tiết, trầm hậu quả ngôn, gia bần lực học, vưu hảo” (Tả thị xuân thu. Tôn Ngô binh pháp). Nghĩa là: “Lúc niên thiếu đã tỏ rõ khí tiết, trầm tĩnh ít nói, nhà nghèo chăm học, thật ưu tú”.

Nhạc Phi có Thần lực trời ban, chưa thành niên đã có thể giương cung ba trăm cân, nỏ nặng tám thạch. Ông bái sư Chu Đồng học bắn tên, học hết công phu của thầy, có chỗ còn hơn, bắn cả hai tay trái phải, thật là hậu sinh khả úy. Sau khi Chu Đồng mất, Nhạc Phi tuần rằm đều tới mộ phần kính cẩn lễ bái. Phụ thân khen ngợi nghĩa khí của ông, cũng sớm nhận ra ở con trai mình một khí tiết ‘tuẫn quốc tử nghĩa’ (xả thân vì nước, chết vì đạo nghĩa).

Sau khi phụ thân sớm qua đời, mẫu thân cũng giáo dưỡng đắp bồi thêm tinh thần khí tiết cho ông, cổ vũ ông tinh trung báo quốc.

Văn võ song toàn, trí nhân đầy đủ, toàn thắng tướng quân

Tượng điêu khắc Toàn Thắng Tướng quân Nhạc Phi. (shutterstock)

Công lao to lớn của Nhạc Phi được tạo dựng từ những phẩm chất trời ban của ông ‘Văn võ song toàn, trí nhân đầy đủ’, xem những bình phẩm về ông trong “Tống sử” có thể thấy một phần: “Tây Hán nhi hạ, nhược Hàn, Bành, Hàng, Quán chi vi tướng, đại bất phạp nhân, cầu kỳ văn võ toàn khí, nhân trí bính thi như Tống Nhạc Phi giả, nhất đại khải đa kiến.” (Từ thời Tây Hán về sau, những danh tướng như Hàn, Bành, Hàng, Quán đâu có thiếu, nhưng người văn võ song toàn, trí nhân đầy đủ như Nhạc Phi thời Tống thì cả một thời đại cũng không thấy nhiều).

Tài năng văn võ cùng phẩm cách trí tuệ của ông được triển hiện rõ nét trong chiến dịch kháng Kim của nhà Tống.

Năm Nhạc Phi 19 tuổi, ‘Buộc tóc tòng quân, trải qua hơn hai trăm trận chiến’ (Nhạc Phi mục di văn. Ngũ Nhạc từ minh), trận nào cũng thắng nên mới có thực danh “Hữu thắng vô bại” - Thường Thắng Tướng Quân. Nhạc Phi từng nói về thuật dụng binh: “Nhân, Trí, Tín, Dũng, Nghiêm, khuyết nhất bất khả”. (Nhân, Trí, Tín, Dũng, Nghiêm, không thể thiếu một)

Dưới sự cảm hóa của tinh thần cùng chiến công của Nhạc Phi, thuộc hạ tướng lĩnh đối với ông hết sức sùng kính, có rất nhiều tướng địch bị ông thu phục hoặc tự đến đầu hàng, trở thành trợ thủ đắc lực của ông. Quân Kim trông thấy quân Tống kỷ luật nghiêm minh, đạo đức cao thượng, tướng sĩ nhịn đói cũng không dám nhiễu dân, biết ngay đây là quân của Nhạc Phi, tranh nhau đến đầu hàng quy phục.

Hoàn tất tâm nguyện cả đời-Tinh trung báo quốc

Điêu khắc thư pháp Nhạc Phi: “Hoàn ngã hà sơn”( Trả ta sông núi), “Tận trung báo quốc”. (Miền công cộng)

Nhạc Phi dâng thư Tống Cao Tông “Khất xuất sư trát” (Thư xin xuất quân), tự bày tỏ tâm nguyện cả đời mình: “Hạ thần từ khi nước nhà gặp biến cố, xuất thân từ chốn bần hàn, ôm lòng xả thân báo quốc, phục thù rửa nhục”.

Ông thề sẽ đưa hai vị quân vương Khâm, Huy đang bị cầm tù ở nước Kim trở về “Làm Tống triều an định, trăm họ yên vui, bệ hạ kê cao gối ngủ, không lo lắng về phương bắc”.

Nhạc Phi đau đáu trong tâm nỗi lòng báo quốc, công danh đối với ông chỉ là vật ngoại thân. Tống Cao Tông nhận được thư ông, hạ ngự bút: “Hữu thần như thử, cố phục hà ưu!” (có trung thần như vậy, ta còn lo lắng gì nữa!).

Tiếc thay, Tống Cao Tông tâm tình dao động, nghe theo sàm ngôn của kẻ nịnh thần nên để lại nỗi hận thiên thu.

Lần đầu nhập ‘Cảm tử quân’- tướng tài trí dũng lưu thiên cổ

Nhạc Phi tòng quân, bắt đầu từ thời năm Tuyên Hòa thứ tư thời bắc Tống (năm 1122). Khi ấy tại Chân Định (nay là Hà Bắc) Tuyên Phủ Lưu Cáp chiêu mộ ‘Cảm chiến sĩ’ (cảm tử quân), Nhạc Phi 19 tuổi lập tức hưởng ứng, con đường tinh trung báo quốc bắt đầu từ đây. Vừa nhập ngũ ông đã triển hiện lòng yêu nước vô bờ cùng tài năng quân sự.

Chân Định có tướng cướp hung hãn tên là Đào Tuấn, Giả Tiến làm loạn, Nhạc Phi dẫn theo trăm kỵ binh tới đánh dẹp. Ông cho binh sĩ ngụy trang thành thương nhân trà trộn vào giặc cướp để mai phục, đồng thời cho đặt trăm phục binh dưới sơn trại. Bố trí xong xuôi, Nhạc Phi dẫn mấy chục kỵ binh khiêu chiến bên ngoài hào lũy, đợi bọn giặc ra ngoài giao chiến, ông vờ thua chạy để chúng đuổi theo, rồi phát động phục binh xông ra đánh từ phía sau. Mặt khác, quân mai phục trong sơn trại cũng bắt trói tướng giặc dẫn về doanh. Đây là trận ra quân đầu tiên của Nhạc Phi, trận thắng đầu tiên mang trí dũng song toàn. Nhạc Phi “Trí dũng tài nghệ, cổ lương tướng bất năng quá” (Trí dũng tài nghệ, tướng giỏi xưa khó bì), làm các tướng lĩnh trấn thủ Đông Kinh có ấn tượng sâu sắc, ông được tấn phong làm Bỉnh Nghĩa Lang.

Sau nạn Tĩnh Khang, Khang Vương Triệu Cấu lên ngôi, tức Tống Cao tông. Nhạc Phi dâng tấu “Nam Kinh thượng Cao Tông thư” chứa đựng mấy ngàn lời, giục giã Cao Tông khôi phục Trung Nguyên. Phái cầu hòa di chuyển về nam không chấp nhận, lấy lý do ông ‘Vượt quá chức phận’ mà trị tội, tước chức quan của ông.

Quan trên khen ngợi: “Ông là người hiếm trong quân ngũ đó!”

Lòng son báo quốc của Nhạc Phi không thay đổi, ông lại đi Hà Bắc bái kiến Chiêu Thảo Sứ Trương Sở. Trương Sở lấy lễ quốc sĩ đón tiếp ông, bổ nhiệm ông làm thống lĩnh trung quân. Trương Sở hỏi ông: “Làm thế nào để đánh địch?”

Nhạc Phi đáp: “Chỉ dựa vào dũng khí là không đủ, dụng binh trước tiên phải hoạch định mưu lược”.

Tiếp đó ông trình bày rành mạch sách lược dụng binh cùng bảo vệ quốc thổ, làm Trương Sở tấm tắc khen ‘Quân đãi phi hàng ngũ trung nhân’ (Ông là người hiếm trong quân ngũ đó!), thăng ngay chức cho ông từ Tá Bổ Tu Vũ lang lên làm Tá Bổ Vũ Kinh Lang.

Nhạc Phi từ nhỏ đã lập chí tận trung báo quốc. (Ảnh Epoch Times)

Thánh chiến huy hoàng chiếu rọi non sông

Trong vòng bảy năm từ năm Thiệu Hưng thứ tư đến năm Thiệu Hưng thứ mười (năm 1134 ~1141), Nhạc Phi được Tống Cao Tông trọng dụng, triển hiện một giai đoạn lịch sử thánh chiến huy hoàng chiếu rọi non sông, lưu lại một tấm lòng son trung nghĩa gương soi kim cổ. Cuộc thánh chiến tinh trung báo quốc của Nhạc Phi xảy ra trên địa bàn đóng quân của ông ở quận Hán Dương và Ngạc Châu, Nhạc Phi mưu định dùng dải đất Tương Dương cùng sáu quận làm cứ điểm để khôi phục Trung Nguyên. Bài mở đầu “Mãn Giang Hồng. Đăng Hoàng Hạc Lâu hữu cảm” là lời tâm huyết tự đáy lòng, được viết ra vào thời kỳ này.

Quan sát quân cơ-Không ai bằng Nhạc Phi

Năm Thiệu Hưng thứ tư, Nhạc Phi ngoài việc quản lý Kinh Châu, Ngạc Châu, Nhạc Châu, còn cầm quân phòng ngự chiến tuyến. Nhạc Phi dâng tấu mưu lược: ‘Sáu quận Tương Dương là cơ sở để khôi phục Trung Nguyên, nay trước tiên lấy sáu quận, để trừ tận gốc họa hoạn về sau.’ Tống Cao Tông quay sang hỏi thừa tướng Triệu Đỉnh, Triệu Định hết sức khẳng định Nhạc Phi: “Tri thượng lưu lợi hại, vô như Phi giả” (Hiểu rõ lợi hại, không ai bằng Nhạc Phi)

Thế là Tống Cao Tông giao cho Nhạc Phi làm Chế Trí Sứ các châu: Hoàng Châu, Phục Châu, Hán Dương quân, Đức An phủ. Từ đây Nhạc Phi triển khai đại kế phục hưng Nam Tống.

Tám mươi ngày quang phục Trung Nguyên

Nhạc Phi hành động thần tốc, nhậm chức được năm ngày đã xuất quân đánh trận chiếm Dĩnh Thành (nay là Vũ Xương). Triều Kim sau khi tiêu diệt Bắc Tống, cho dựng lên chính quyền bù nhìn ngụy tề ở Hoa Bắc, lúc đó Dĩnh Thành là trung tâm của Ngạc Châu cũng bị khống chế. Nhạc Phi dẫn quân vượt sông, tới giữa dòng, ông nhìn quanh thuộc hạ, rồi cất lời thề: “Phi bất cầm tặc, bất thiệp thử giang.” (Nhạc Phi không bắt được giặc, quyết không quay về sông này.), ông dẫn quân xông pha phá thành, tướng thủ thành là Kinh Siêu mệnh danh ‘vạn nhân địch’ không địch nổi, bị rơi xuống vách núi mất mạng, Dĩnh Thành quy phục.

Từ cuối tháng năm cho đến giữa tháng bảy năm Thiệu Hưng thứ tư, Nhạc Phi cùng tướng lĩnh thuộc hạ, bình định Tương Hán, thu hồi sáu quận Tương Dương nhập vào bản đồ nhà Tống. Ông đã thực hiện được kế hoạch mà ông đã tâu lên triều đình, tất cả chiến dịch chỉ mất hơn bảy chục ngày.

Sau khi bình định Tương Hán, Nhạc Phi dâng tấu từ chức Chế Trí Sứ, nhưng Tống Cao Tông không cho. Thừa tướng Triệu Đỉnh lại tiếp tục tiến cử ông, thế là Tống Cao Tông giao tất cả phủ lộ của các châu Tương Dương cho Nhạc Phi trị lý. Tháng tám năm ấy, ban cho Nhạc Phi chức Thanh Viễn Quân Tiết Độ Sứ, Hồ Bắc lộ, Kinh, Tương, Đàm Châu Chế Trí Sứ, phong Vũ Xương Huyện Khai Quốc Tử, Nhạc Phi chuyển đến đóng quân ở Ngạc Châu. Năm sau, ông được tấn phong Vũ Xương Quận Khai Quốc Hầu, mẹ ông được phong Quốc Phu Nhân, năm ấy Nhạc Phi ba mươi hai tuổi.

Năm Thiệu Hưng thứ bảy, Nhạc Phi được vời vào làm Thái Úy, đi đến thủ đô Kiến Khang (Nam Kinh) nhậm chức. Cao Tông chiêu kiến Nhạc Phi ở lầu riêng, ủy thác toàn quyền đại sự hưng quốc cho Nhạc Phi, nhà vua nói: “Trung hưng chi sự, nhất dĩ ủy khanh!” (Việc chấn hưng nước nhà, giao hết cho khanh đó!). Ai ngờ đâu, đúng vào lúc Nhạc Phi tiến hành đại nghiệp phục hưng, thì gian thần Tần Cối táng tận lương tâm lập mưu hãm hại trung thần, thương nghị cầu hòa, kiềm chế bắc phạt.

Lay chuyển núi dễ-Khó lay Nhạc gia quân

Tượng Nhạc Phi ở chính điện miếu Nhạc Vương ở Hàng Châu. (Shutterstock)

Nhạc Phi đánh trận bách chiến bách thắng, ông huấn luyện Nhạc gia quân kỹ lưỡng, quân kỷ nghiêm minh, ‘Chết rét không dỡ nhà, chết đói không cướp bóc.’, được bách tính hết lòng ủng hộ.

Năm Thiệu Hưng thứ mười, Ngột Thuật tập trung binh lực, cho đại quân tiến đánh Yển Thành và Dĩnh Xương, bị thảm bại dưới binh lực tinh nhuệ quả cảm của Nhạc gia quân. Nhạc Phi phái Nhạc Vân mang kỵ binh tinh nhuệ xuyên thẳng vào đội hình quân Kim, đồng thời đưa lời răn cho Nhạc Vân: “Không thắng, chém đầu ngươi trước!”, Nhạc Vân giao chiến ác liệt mấy chục hồi, thây giặc nằm la liệt.

Nhạc Phi ứng chiến túc trí đa mưu, quân Nhạc gia anh dũng thiện chiến, chủ tướng quân Kim là Ngột Thuật thường khoe có giáp dày ngựa tốt ‘Thiết phù đồ, và ‘Quải tử mã’ nhưng khi gặp quân Nhạc Phi thì bị đánh tơi bời. Nhạc Phi cho bộ binh mang đao dày vào trận, không cần ngẩng đầu nhìn người ngựa, cứ nhằm chân ngựa mà chém, đại phá kỵ binh, quân Kim đại loạn. Trong trận Hoàng Sa kịch chiến, Nhạc Phi dẫn bốn mươi kỵ binh tả xung hữu đột, cổ vũ tinh thần binh sĩ. Đội kỵ binh ‘Quải tử mã’ mà Ngột Thuật khoe khoang là chưa thua trận nào, từ đó mất danh.

Ngột Thuật đánh Yển Thành thất bại, lập tức chuyển hướng đánh Dĩnh Xương, cơ sự này đã được Nhạc Phi đoán định từ trước. Nhạc Phi sớm cử Nhạc Vân suất lĩnh tinh nhuệ Bối Ngôi Quân (Nhà Tống gọi cái bình rượu là ngôi. Quân hầu thân cận của ông Hàn Thế Chung, ông Nhạc Phi đều gọi bối ngôi quân, nghĩa là quân vác bình rượu hầu tướng vậy.) cùng kỵ binh tới chi viện. Nhạc Vân dẫn kỵ binh tiên phong nghênh địch, bộ binh theo hai bên cánh đánh vào, thắng trận vang dội. Con rể Ngột Thuật cùng phó thống soái cũng mất mạng ở trận này, Ngột Thuật trốn chạy. Quân Kim nhiều lần nếm mùi thất bại, nên mỗi khi gặp Nhạc gia quân là tim đập chân run, thậm chí chưa đánh đã hàng, vậy mới có câu: ‘Lay chuyển núi dễ, khó lay Nhạc gia quân’.

Cũng năm ấy, Nhạc Phi thu về cả vùng Thái Hành, Trung Nghĩa, Lương Hưng, vượt Hoàng Hà đánh thắng nhiều trận, mang tin thắng trận chấn động Trung Nguyên. Nhạc Phi dâng tấu: “Các vùng Lương Hưng bên kia sông, nhân tâm đều nguyện quy thuộc triều đình. Quân Kim liên tiếp bại trận, Ngột Thuật đã hạ lệnh cho già trẻ lui hết về phía bắc, đây chính là cơ hội rất tốt để chấn hưng Trung nguyên!”

Nhạc Phi tiến quân xuất kích, tại trấn Chu Tiên cách thủ đô Biện Kinh của Bắc Tống 45 dặm, quân đội Nhạc Phi giao chiến với quân Ngột Thuật. Nhạc Phi phái dũng tướng dẫn theo năm trăm kỵ binh Bối Ngôi Quân đại phá Ngột Thuật. Sự nghiệp chấn hưng Trung Nguyên đã thấy rõ ngày thành tựu! Tiếc thay, một thế lực hắc ám đã dập tắt đại sự này. Nhạc gia quân xả thân đánh trận nơi tiền tuyến, nhưng hậu phương liên tiếp gửi chiếu thư thúc giục trở về, hết lần này đến lần khác.

Tháng bảy Nhâm Tuất năm Thiệu Hưng thứ mười, Nhạc Phi ‘Tuân chiếu thư, bèn quay về Yển Thành.’ Làm cho khí thế chiến thắng phục hưng Trung Nguyên của cả dân tộc bị đột ngột tiêu tan. Công lao mười năm gian khổ của ông cũng tiêu tan trong một sớm, nhưng tấm lòng tận trung tận nghĩa của ông đã đúc lên một tấm gương lưu truyền ngàn năm lịch sử.

Vợ chồng Tần Cối vì tư lợi, hãm hại anh hùng dân tộc Nhạc Phi, trở thành tội nhân mang tiếng xấu vạn năm. (Shutterstock)

Tống sử viết: “Cha con Nhạc Phi xả thân lập đại công lưu truyền thiên cổ. Là bậc chí sĩ một thời, thật phẫn uất tiếc nuối thay!” Tống Cao Tông bị mê muội bởi gian thần mà quên đi đại nghĩa, muốn chịu nhục hưởng thái bình, cuối cùng ‘không tránh khỏi người đời sau chê cười’! Kẻ gian thần Tần Cối bị thóa mạ ngàn năm, chính khí hạo nhiên trung nghĩa của Nhạc Phi mãi mãi trường tồn cùng nhật nguyệt, chiếu rọi non sông.

Lời kết: Bao giờ thiên hạ thái bình

Trong triều đình có một võ quan tên là Ngô Giới, luôn luôn kính phục Nhạc Phi, muốn được cùng Nhạc Phi giao lưu thân thiết, biết nhà Nhạc Phi không có thị nữ, nên chọn một mỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp, trang điểm kỹ càng mang tặng Nhạc Phi. Nhạc Phi từ chối không nhận, ông còn nói: “Hoàng thượng đang ngày đêm lo lắng, chăm lo chính sự, giờ đâu phải là lúc các đại tướng trong triều hưởng thụ an lạc?” từ đó Ngô Giới lại càng thêm kính phục Nhạc Phi.

Nhạc Phi từng uống rượu hơi quá chén, Tống Cao Tông khuyên ông: “Đợi đến khi khanh lấy lại được vùng đất đã bị mất bên bờ bắc Hoàng Hà, rồi hãy uống”. Thế là Nhạc Phi liền đặt chén, một giọt cũng không nhấp môi.

Cao Tông muốn dựng phủ cho Nhạc Phi, Nhạc Phi từ chối nói: “Địch vị diệt, hà dĩ gia vi?” (Chưa diệt xong địch, sao lo chuyện nhà?), Nhạc Phi tòng quân từ năm mười chín tuổi, ‘thệ kỳ tận tụy, bất tri hữu gia’ (thề suốt đời tận tụy, không biết có gia đình) (Khất chung chế trát tử). Năm Thiệu Hưng thứ sáu, mẹ Nhạc Phi qua đời, chưa hết thời gian chịu tang, Cao Tông hạ chiếu cho ông phục chức lĩnh binh xuất chinh. Nhạc Phi chỉ muốn chịu tang cho hết hạn mà không được đáp ứng, đành lấy trung làm hiếu, tận tụy gánh vách việc nước nhà.

Có người hỏi Nhạc Phi: “Bao giờ thiên hạ thái bình?”

Nhạc Phi đưa ra câu trả lời lưu danh thiên cổ: “Quan văn không yêu tiền, quan võ không sợ chết, thì thiên hạ thái bình”.

Sự tận trung báo quốc của ông, quả lay động đất trời!

Câu nói của Nhạc Phi: “Quan văn không yêu tiền, quan võ không sợ chết, thì thiên hạ thái bình.” Trở thành câu danh ngôn chí lý, lưu truyền thiên cổ. (Shutterstock)

Nguồn tham khảo:

"Tống sử - Cao Tông bản kỷ", "Tống sử - Nhạc Phi tử Vân liệt truyện", "Nhạc Phi mục di văn", "Tống sử - chức quan chí thất"

Theo Duẫn Gia Huy - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện về Toàn Thắng Tướng Quân Nhạc Phi