Câu nói ‘Đàn ông lộ vàng, đàn bà lộ bạc’ có nghĩa là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu nói ‘Đàn ông lộ vàng, đàn bà lộ bạc’ là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta về nhìn tướng mạo mà đoán biết tính cách, số phận con người. Vậy “lộ” trong câu nói này có nghĩa là gì?

Những câu nói dân gian đúc kết từ kinh nghiệm sống qua bao đời được truyền miệng nên rất gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nó vẫn được lưu truyền trong dân gian vì tính định hướng nhất định.

Từ xưa tới nay, thuật nhìn người đoán tính cách, số phận vẫn là điều có sức hấp dẫn. Thời xưa, người ta thường nhìn ngoại hình “nhìn mặt mà bắt hình dong”, còn ngày nay người ta nhìn nhận con người thông qua hành động và cách đối nhân xử thế, từ đó khám phá các hoạt động tâm lý đằng sau họ.

Và câu “Đàn ông lộ vàng, đàn bà lộ bạc” mà cổ nhân nói là được đúc kết từ kinh nghiệm xem tướng của họ. Từ “lộ” trong câu nói này ý chỉ chiếc trán của con người. Trán là phần thượng đỉnh của khuôn mặt, nó biểu trưng cho trí tuệ, sự thông thái cũng như tính cách, vận hạn của mỗi người. Chỉ cần xem tướng trán có thể đọc được 80% tính cách của người đối diện.

Theo sách nhân tướng học của Hy Trương, tùy vào độ hẹp, nông sâu của trán mà người ta có thể đoán được một phần tính cách, trí tuệ và vận mệnh của một người. Theo nhân tướng học, nhiều người thường cho rằng những người có trán cao thường thông minh, tài giỏi hơn người. Người sở hữu trán cao được dự đoán sau này sẽ làm lên nghiệp lớn, thành đạt, ngược lại người có trán thấp thường được cho là tướng xấu, trong tiểu thuyết hay trong phim tác giả thường dùng “thiên thương trách” - trán hẹp - để khắc họa nhân vật phản diện, số phận lận đận. Vì vậy, người xưa thường nhìn vào trán của một người để phán đoán.

Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, người xưa khắc họa ngoại hình một người chính là ảnh hưởng từ những quan niệm truyền thống “biết làm người”. Trong nhiều tác phẩm văn học của người xưa, chúng ta có thể thấy rằng những người có phúc khí thường có trán cao. Ví dụ khi miêu tả tướng mạo của Lưu Bang thì có trán lồi, mũi cao, xương mày cao. Còn ngoại hình của Lý Thế Dân cũng được miêu tả là “ngạch cốt cao long”, ý là xương trán cao.

Có thể thấy, người xưa coi trán cao, mũi cao là phúc khí và là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý. Vì vậy, câu nói “Đàn ông lộ vàng, đàn bà lộ bạc” là nói rằng dù là nam hay nữ nếu có trán cao thì đều có phúc, may mắn.

Không chỉ trán cao mà trán rộng cũng được người xưa đánh giá cao, ví như ngoại hình của Lão Tử được miêu tả là “tai dài và trán rộng”, hay trong “Tam Quốc” và “Thủy Hử” tác giả đều dùng “yến ngạch” khi miêu tả về các danh tướng.

Trong cuộc sống ngày nay, không phải câu nói đúc kết của người xưa không có tác dụng mà cần kết hợp thêm việc quan sát cách họ nói năng, đối nhân xử thế để có đánh giá tổng quát, khách quan. Việc nhìn người thông qua ngoại hình không thể phản ánh hết về một con người.

Tuy nhiên, chúng ta cần khẳng định lại một điều rằng câu nói của người xưa có sự chính xác nhất định, ngoại hình của một người đã phần nào nói lên con người đó. Dù thời đại nào thì những người có “lộ” vàng, bạc đều toát lên sự tinh nhuệ, tài năng và có óc phán đoán cực tốt. Vì vậy, khi chọn chồng, chọn vợ, người xưa khuyên mọi người nên chọn kết duyên với những người có trán cao, rộng. Họ cho rằng đó là những người có tài năng, phẩm chất đáng quý, sống có trách nhiệm với gia đình.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Câu nói ‘Đàn ông lộ vàng, đàn bà lộ bạc’ có nghĩa là gì?