Chợ hoa Tết ‘trên bến dưới thuyền’ độc đáo giữa lòng Sài thành hoa lệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng sớm trời trong xanh nắng ửng nhẹ, tiết Xuân se lạnh, gió hiu hiu, con đường dọc Bến Bình Đông bắt đầu tấp nập ghe thuyền hoa Tết.

Dịp Tết Nguyên Đán là lúc đẹp nhất trên Bến Bình Đông với cảnh ghe thuyền san sát tấp nập, màu sắc rực rỡ của các loại hoa chở từ miền Tây lên thành phố.

Ngược dòng lịch sử, Bến Bình Đông là nơi mang dấu ấn sông nước của Sài Gòn xưa với cảnh vật đặc trưng ‘trên bến dưới thuyền’. Bến Bình Đông được hình thành từ thế kỷ 19 trong quá trình phát triển đô thị Gia Định - Sài Gòn. Cùng với các bến khác ở Sài Gòn xưa như Bến Thành, Bến Nghé, Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, Bến Bạch Đằng… Bến Bình Đông là cửa ngõ giao thông và giao thương quan trọng của đất Sài Gòn và các vùng lân cận, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ.

Trong lịch sử, Bến Bình Đông từng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất nhì Sài Gòn - Chợ Lớn. Bến Bình Đông là khu vực quan trọng của Chợ Lớn, được hình thành từ khi người Hoa từ Cù Lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai) di cư đến Sài Gòn vào khoảng năm 1778. Họ tới hai bên kênh Tàu Hủ lập nghiệp và buôn bán, nên khu vực này trở nên sầm uất, là tiền đề cho sự ra đời của Bến Bình Đông với cảnh quan ‘trên bến dưới thuyền’ đặc trưng có một không hai.

Bến Bình Đông xưa bao gồm phố Trần Văn Kiểu (quận 6) và bến Bình Đông (quận 8) ngày nay, một bên men theo kênh Tàu Hủ với những nét cổ kính còn giữ lại, một bên là Đại lộ Đông Tây hiện đại.

Một buổi sáng giáp Tết mờ sương trên bến Bình Đông với những nét cổ kính trên kênh Tàu Hủ còn giữ lại. (Ảnh: Dũng Nguyễn)
Ghe thuyền neo ở Bến Bình Đông để bán hoa Tết. (Ảnh: Quan Nguyen Dang/ Flickr)

Theo lịch sử ghi chép, đây là trung tâm vựa lúa lớn ở miền Nam. Kênh Tàu Hủ thuộc rạch Chợ Lớn, nhưng rạch này đã dần bị thu hẹp và cạn nước.

Tuy nhiên, kênh Tàu Hủ vẫn là một tuyến giao thông đường thủy thuận lợi để vận chuyển hàng hóa nông nghiệp từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Mãi đến ngày nay, nét văn hóa sống động ‘trên bến dưới thuyền’ ở Bến Bình Đông vẫn còn nguyên vẹn và lưu giữ những giá trị truyền thống đặc trưng giữa lòng đô thị Sài thành hoa lệ.

Nét văn hóa đặc trưng ‘trên bến dưới thuyền’ ở Bến Bình Đông vẫn còn nguyên vẹn, lưu giữ những giá trị truyền thống giữa lòng đô thị Sài thành hoa lệ. (Ảnh: Quan Nguyen Dang/ Flickr)

Những dịp Xuân về, Bến Bình Đông lại nhộn nhịp, tấp nập không khí ghe thuyền cây cảnh, hoa lá phục vụ ngày Tết Nguyên Đán truyền thống.

Dịp Tết đến, Bến Bình Đông lại nhộn nhịp, tấp nập không khí ghe thuyền cây cảnh. (Ảnh: Huy Nguyễn/ Flickr)

Dọc theo con đường Bến Bình Đông và con kênh Tàu Hủ, khu chợ hoa Xuân này dài khoảng 3km. Từ Tết Ất Mùi 2015, chợ hoa Bến Bình Đông có tên gọi chính thức là “Chợ hoa Xuân quận 8”.

Người bán hoa, vất vả nhưng luôn niềm nở nụ cười trong những ngày giáp Tết. (Ảnh: Quan Nguyen Dang/ Flickr)
Một góc của Bến Bình Đông, những chậu hoa Tết đang đợi chủ. (Ảnh: Bao Tri/ Flickr)

Hàng năm, khoảng 1 tháng trước Tết, các loại cây cảnh sẽ được cập Bến Bình Đông trước, tầm 20 ngày sau thì các loại hoa khác mới được đưa tiếp lên. Cả trăm tàu ghe nô nức chở hoa từ các miệt vườn miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang… góp phần vào không khí lễ hội Xuân truyền thống độc đáo.

Bình yên với nắng ráng chiều trên chợ hoa Bến Bình Đông, Sài Gòn. (Ảnh: Flickr)

Vì người bán là từ quê lên, họ sống và sinh hoạt trên ghe thuyền nên chợ hoa Bến Bình Đông họp từ sáng tinh mơ đến tận khuya, lúc nào cũng nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm. Vì vậy, dù ngày hay đêm, bạn vẫn có thể đến Bến Bình Đông rinh hoa Tết về nhà.

Một góc chợ hoa rực rỡ trên Bến Bình Đông, Sài Gòn. (Ảnh: Flickr)
Chợ hoa Bến Bình Đông họp từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya. (Ảnh: Flickr)
Dù ngày hay đêm, bạn vẫn có thể đến Bến Bình Đông rinh hoa Tết về nhà. (Ảnh: Flickr)

Đồng thời, các chậu mai vàng biểu tượng Xuân miền Nam được bày bán đa dạng với nhiều chủng loại, kích cỡ, và giá cả khác nhau. Các nhà vườn miền Tây đã cẩn thận tỉa cành, tỉa lá để hoa nở đúng ngày và tạo dáng độc đáo thu hút người mua.

Ở Bến Bình Đông, các chậu mai vàng biểu tượng Xuân miền Nam được bày bán nhiều nhất. (Ảnh: Dũng Nguyễn)
Một chậu mai nhỏ xinh ‘Vạn Sự Như Ý’ hẳn sẽ mang lại may mắn cho gia đình bạn. (Ảnh: Dũng Nguyễn)

Ngoài ra, cây Thần Tài cũng được chưng vào đầu năm mới, người ta mong muốn nhất là điềm lành, nên rất chuộng chưng cây Thần Tài trong nhà, thường đặt ở bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa để cầu may mắn.

Dịp Tết, người ta cũng chuộng chưng cây Thần Tài trong nhà, thường đặt ở bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa để cầu may mắn. (Ảnh: Dũng Nguyễn)

Sài Gòn đâu chỉ là một thành phố năng động ồn ào, mà nơi đây vẫn còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa truyền thống, và chợ hoa Xuân Bến Bình Đông là một nét đẹp dịu dàng chưa bao giờ phai giữa lòng Sài Gòn hoa lệ.

Chợ hoa Xuân Bến Bình Đông là một nét đẹp dịu dàng chưa bao giờ phai giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. (Ảnh: Pham Van Huong/ Flickr )

Bến Bình Đông dẫu đã đổi thay theo thời gian, các ngôi nhà cổ kính cũng dần được sửa chữa hiện đại hơn, khu chợ nổi cũng ít xuất hiện. Nhưng chợ hoa Tết truyền thống ‘trên bến dưới thuyền’ ở Bến Bình Đông vẫn chưa một lần vắng mặt, mang không khí Xuân rộn ràng cả một bến sông mỗi độ Xuân về.

Cao Nguyên
(T/h)

Văn hoá


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Chợ hoa Tết ‘trên bến dưới thuyền’ độc đáo giữa lòng Sài thành hoa lệ