Chuyên gia: Liệu chiến tranh Ukraine có dẫn đến một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với những lời đe dọa của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tại Ukraine, liệu thế giới có đang lao vào một cuộc đối đầu hạt nhân khác giống như Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 60 năm?

Gần đây, tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Robert Wallace, một sĩ quan đã nghỉ hưu của Cơ quan tình báo Trung Ương Mỹ (CIA) và là một sử gia về tình báo, để thảo luận về những điểm tương đồng giữa Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và cuộc đối đầu Nga-Mỹ hiện nay ở Ukraine.

Ông Wallace cũng là tác giả của cuốn sách "Spycraft: The Secret History of the CIA’s Spytechs, from Communism to al-Qaeda" (tạm dịch Gián điệp: Bí sử về công nghệ gián điệp của CIA, từ chủ nghĩa cộng sản đến al-Qaeda). Ông cũng là nhà đồng sản xuất loạt phim Netflix dài tám tập mang tên “Spycraft”.

Các sự kiện chính của Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cũng được nhiều người biết đến. Theo ông Wallace, cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập hình ảnh về việc Cuba xây dựng căn cứ tên lửa do Liên Xô viện trợ trong nhiều tuần trước cuộc khủng hoảng tháng 10/1962. Phần lớn các bức ảnh đến từ các máy bay do thám tầm cao U-2.

Chính phủ Cuba và Liên Xô tuyên bố rõ ràng rằng các căn cứ này chỉ mang tính chất phòng thủ. Trong khi một số địa điểm phòng thủ tên lửa đất đối không đã được xác nhận, phân tích hình ảnh từ máy bay do thám tầm cao cho thấy dấu vết của một căn cứ tên lửa tầm trung SS-4 của Liên Xô ở San Cristobal (tỉnh La Habana). Theo đó, tên lửa này mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Washington và nhiều nơi khác bờ biển phía đông Hoa Kỳ chỉ trong vài phút

Tuy nhiên, ông Wallace chỉ ra rằng Nhà Trắng có một nguồn thông tin tình báo quan trọng khác ngoài bằng chứng chụp ảnh do máy bay do thám U-2 cung cấp.

Trong vài năm, Đại tá Oleg Vladimirovich Penkovsky, một sĩ quan cấp cao của GRU – Cơ quan Tình báo Quân sự nước ngoài của Liên Xô, điệp viên quan trọng nhất của phương Tây ở Moscow, đã cung cấp thông tin quý giá và cái nhìn sâu sắc về năng lực và suy nghĩ của những người ra quyết định của chính quyền Liên Xô.

Ông Wallace nói rằng, ông Penkovsky “làm việc cho tình báo Mỹ và Anh trong hai năm, đã cung cấp một nguồn thông tin tuyệt mật khổng lồ dưới nhiều mật danh như Hero, Ironbark và Chickadee".

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John F. Kennedy đã mô tả mối đe dọa đối với công chúng Mỹ trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 22/10/1962, tuyên bố rằng điều đó sẽ không được dung thứ.

Ảnh của Epoch Times
Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy ký lệnh phong tỏa đường biển đối với Cuba trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, vào ngày 24/10/1962. (Ảnh: AFP/Getty Images)

“Tổng hợp các bức ảnh đến từ các máy bay do thám tầm cao U-2, kết hợp với báo cáo của ông Penkovsky, Tổng thống Kennedy đưa ra các phương án ứng phó, bao gồm cả việc phong tỏa đường biển để ngăn chặn các tàu Liên Xô tiếp cận hòn đảo”, ông Wallace cho biết.

Ông Wallace lưu ý rằng quyết định này của Tổng thống Kennedy đã mở ra một con đường dẫn đến một giải pháp hòa bình. Vào ngày 28/10, sau màn trao đổi căng thẳng với ông Kennedy, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đã công khai tuyên bố di chuyển vũ khí tiến công chiến lược khỏi Cuba, chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Điểm tương đồng với cuộc chiến Nga-Ukraine

Việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraine là lần gần nhất thế giới xảy ra đối đầu hạt nhân kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 60 năm.

Ông Wallace chỉ ra rằng, ngoài những điểm tương đồng, hai cuộc xung đột cũng có những điểm khác biệt quan trọng.

“Trong cuộc chiến Ukraine, người Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường cục bộ chống lại lực lượng quân đội Ukraine, không phóng tên lửa trang bị hạt nhân chống lại Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hậu quả của hành động đó cũng có tác động không nhỏ.

“Hơn 75 năm kiềm chế hạt nhân quốc tế sẽ bị vi phạm. Khó có khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận việc Nga sử dụng các loại vũ khí như vậy nếu không có phản ứng tương xứng. Một khi nổ ra chiến tranh hạt nhân, tình hình căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa, thúc đẩy chết chóc và hủy diệt”.

Ông Wallace lập luận rằng, năng lực tình báo ở thế kỷ 21 có sự vượt trội đáng kể.

“Sự vượt trội về năng lực tình báo kỹ thuật thế kỷ 21 của Mỹ và NATO so với năm 1962 rất đáng kinh ngạc. Trong khi vệ tinh trinh sát chụp ảnh Corona bay quanh trái đất cách đây 60 năm, quỹ đạo sứ mệnh của nó cũng không đưa nó tới Cuba trong những ngày bế tắc căng thẳng nhất.

Ngày nay, việc thu thập và truyền tải dữ liệu theo thời gian thực được tích hợp trong các hệ thống vệ tinh, trên không, mặt đất và đại dương. Hình ảnh các tín hiệu điện tử và thông tin liên lạc nhắm mục tiêu được thu thập và truyền tải theo thời gian thực. Khả năng phân tích đã được nâng cao đáng kể bởi các công nghệ không gian mạng.

Ông lưu ý rằng Mỹ nên đưa ra nhiều cảnh báo về việc Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc, một đồng minh quan trọng của Moscow.

Một mặt, “những người hoài nghi sẽ cho rằng, việc Trung Quốc hoan nghênh Nga và Mỹ phá vỡ hiệp ước ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân chứng tỏ cả hai quốc gia này đều không đáng tin. Điều này hiện đang tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng, khiến cho bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tuyên bố cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân trong kho quân sự của mình", ông Wallace nói.

Không nghi ngờ gì nữa, ông Wallace chỉ ra rằng “Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội để chứng minh cho thế giới, đặc biệt là Đài Loan, thấy rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật là một phần trong kho vũ khí của họ và nếu cần thiết phải sử dụng, Trung Quốc không phải là người đầu tiên”.

Mặt khác, ông Wallace tin rằng “Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phản đối việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân một cách riêng tư hoặc công khai. Môi trường quốc tế bất ổn sẽ gây gián đoạn việc mở rộng ảnh hưởng và những thành tựu đạt được trong suốt 25 năm của Trung Quốc ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi”.

Hơn nữa, ông chỉ ra rằng “mối bang giao Trung-Nga sẽ khá khó khăn. Họ có chung một biên giới không phải lúc nào cũng hòa bình và các mối quan hệ ngoại giao trong quá khứ cũng không mấy êm đẹp. Trung Quốc hiểu rằng một khi được sử dụng để chống lại Ukraine, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga cũng không có khái niệm ranh giới quốc gia".

Cuối cùng, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến Ukraine sẽ rơi vào tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Không ai biết ông Putin có thể làm gì với nó, kể cả chính ông vào thời điểm này.

Bỏ qua khả năng về việc có nổ ra một viễn cảnh về việc sử dụng những vũ khí như vậy hay không, ông Putin rất có thể lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân để theo đuổi chiến lược của Nga "leo thang để giảm leo thang", hoặc sẽ đánh một canh bạc về việc ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ và NATO sẽ gây áp lực buộc Kyiv phải kiềm chế cuộc tấn công, hoặc họ buộc phải giảm lượng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Rõ ràng là thế giới đang ngày một tiến gần đến viễn cảnh chứng kiến việc ​​triển khai vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 60 năm.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lam Giang

Tác giả Joseph V. Micallef là nhà sử học, tác giả sách bán chạy nhất, nhà báo chuyên mục tổng hợp, phóng viên chiến trường và nhà đầu tư cổ phần tư nhân. Ông có bằng thạc sĩ của Học viện Công nghệ Massachusetts. Ông đã từng là bình luận viên cho một số phương tiện truyền thông và cũng đã viết một số cuốn sách về lịch sử quân sự và các vấn đề thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông là, "Leadership in a Opaque Future" sắp được xuất bản.



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Liệu chiến tranh Ukraine có dẫn đến một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba?