Cô gái nghèo giỏi xem tướng, vì báo ân mà sắp đặt hôn nhân cho tiểu thư nhà giàu

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Doãn Dao Tiên là cô gái nghèo giỏi xem tướng, vội  rời trần thế, lưu lại một truyền kỳ sâu lắng. 

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Doãn Dao Tiên xuất thân bần hàn, nhưng cô có bề ngoài giống hệt một tiểu thư con nhà phú hộ trong vùng. Hai cô cùng học thi thư, cùng nhau thêu thùa. Cô được gia đình phú hộ đối đãi ân cần, ân huệ sâu nặng. Không kể sự khác biệt giàu nghèo một trời một vực, hai cô gái sống với nhau hòa hợp, là đôi bạn chí thân. Dao Tiên giỏi xem tướng, có thể biết trước vận mệnh người ta. Khi cô xem thấy một vị thư sinh nghèo khó sau này sẽ hiển phú quý, liền cùng với mẹ giúp đỡ thư sinh tác thành nhân duyên với tiểu thư nhà phú hộ. Cũng là để Dao Tiên báo đáp ân tình của nhà phú hộ, cùng ân dưỡng dục của mẹ cô.

Cô gái nghèo kỳ tài

Doãn Bích, tự Dao Tiên, lúc nhỏ gọi là Hồng Ngọc, là con gái một nhà nghèo ở huyện Thuận Đức. Cha cô từng làm chức thư lại ở huyện, nhưng mất sớm, Hồng Ngọc cùng mẹ sống nhờ nhà người cậu.

Người cậu là một thợ may, thường qua lại các nhà giàu trong vùng để lấy số đo may y phục. Có một hộ phú hào họ Trương, gia tài vạn lượng, sinh được một con gái, tự là Mãn Châu. Trương Mãn Châu thiên phú thông minh, năm 11, 12 tuổi đã thuộc lòng thơ Đường, vanh vách đọc thơ, được cha mẹ nâng niu như ngọc minh châu.

Doãn mẫu thường đến nhà Trương gia, thấy Mãn Châu mỹ lệ như vậy, nói trông rất giống Hồng Ngọc. Trương gia không tin, sao con gái nhà nghèo lại có thể so với con nhà phú hộ được, bèn bảo: “Hôm nào đưa con bà đến, làm bạn với con gái tôi, cho học chữ thêu thùa, chẳng tốt hơn ngồi không ở nhà sao?”

Doãn mẫu nói: “Ôi, quạ đen sao dám sánh phượng hoàng? Con gái tôi tính cách cứng cỏi, sợ không hầu hạ được Mãn Châu”.

Trương gia bảo bà yên tâm, nói: “Chỉ là cho chúng có bầu có bạn, không phải để hầu hạ mà lo”.

Thế là Doãn mẫu trang điểm nhẹ cho con gái rồi dắt sang nhà Trương gia. Tuy áo thô tóc bím, nhưng sáng đẹp tự nhiên, nhìn rất giống con gái Trương gia. Chỉ khác Hồng Ngọc hơi gầy, còn Mãn Châu thì đầy đặn tươi tốt.

Hồng Ngọc ban đầu chỉ biết vài chữ “chi”, “”, từ đó về sau, nhờ làm bạn cùng Mãn Châu, được học hành mà trí tuệ cũng không thua kém. Hai cô gái trẻ mặc y phục của nhau, thân thiết hòa hợp, như hình với bóng. Lâu dần, cả hai học hành tinh tấn, biết làm thơ ngâm vịnh. Mỗi khi trăng sáng hoa nở, thường tức cảnh sinh tình ngâm nga ca xướng, rất tao nhã hứng thú.

Hồng Ngọc thích đọc sách tướng, mỗi khi soi mình trong gương thường buồn rầu, tự than mình mệnh mỏng, khó cùng phu quân sống đến đầu bạc răng long. Gia đình phú hộ đối đãi cô rất tốt, ân tình như núi, Hồng Ngọc ghi khắc trong tâm, rất muốn tìm cơ hội báo đáp.

Có một vị thư sinh tên Lạc Sinh, tự Tường Bá, là người tài trong quận, nhà gần nhà Trương gia. Do nhà nghèo, nên lớn tuổi mà chưa có mối mai gì.

Một hôm, Trương mẫu mở tiệc mừng thọ 50 tuổi, Lạc Sinh lên chúc thọ. Hồng Ngọc ngẫu nhiên trông thấy anh ta, thì thầm bảo Mãn Châu: “Lạc Sinh sau tuổi 30, sẽ đỗ trạng nguyên, làm tể tướng, về sau phú quý vô cùng. Có chàng rể này thì thật tốt, chị chớ bỏ lỡ cơ duyên”.

Mãn Châu cười nói: “Chuyện hôn nhân, do cha mẹ sắp đặt, ai lại đi mở lời hỏi việc? thôi cho qua đi”.

Hồng Ngọc lặng im không nói.

Lặng lẽ sắp tác thành hôn sự cho tiểu thư

Tuy nhiên, từ đó về sau, Hồng Ngọc sớm tối làm việc, dường như đang tính toán việc gì. Cô thức khuya dậy sớm, một mình trong phòng, chuyên chú thêu thùa, ngay cả với Mãn Châu cô cũng lánh mặt. Mãn Châu hỏi Hồng Ngọc đang thêu gì. Hồng Ngọc nói tránh: “Thêu hình Phật, để cúng dường nhà chùa.”

Thực ra, Hồng Ngọc lấy các bài thơ của Mãn Châu, thêu thành thi quyển, lặng lẽ đưa cho mẫu thân, đem bán ở quanh đó, nhưng đòi giá rất cao.

Lạc Sinh thấy quyển thơ thêu, rất thích thú, đọc đi đọc lại, tay ôm không rời. Lại thấy tên khuê nữ Trương gia, kinh ngạc thốt lên: “Lời thơ trong sáng phiêu nhiên, như thơ Tiên nữ vậy. Nếu lấy được nàng làm vợ, thì không nuối tiếc gì!”

Bèn hỏi giá để mua, Doãn mẫu nói: “Thấy lang quân có thành ý như vậy, nên tặng cậu đó, nếu vào người khác, thì mười vạn quan tiền cũng không bán”.

Lạc Sinh bái tạ nhận thi quyển, giữ gìn như báu vật, cất vào trong tráp, không cho người khác xem. Hồng Ngọc biết Lạc Sinh có ý chọn Mãn Châu làm vợ, nên bảo mẹ nói Lạc Sinh đến Trương gia cầu hôn. Lạc Sinh thấy hai bên giàu nghèo cách nhau quá xa, không dám sang nhà. Doãn mẫu bèn tự làm bà mối, chắp nối hôn sự hai nhà.

Nhưng cha mẹ Mãn Châu vẫn chê Lạc Sinh nhà nghèo mà cự tuyệt hôn sự. Hồng Ngọc nói Lạc Sinh sau này phú quý hiển vinh, làm tới chức tể tướng. Trương mẫu cười không tin. Hồng Ngọc liền nói ra vận mệnh những người thân của Trương gia, người nào đắc tài, người nào mắc bệnh, ai còn ai mất, nội trong một năm có thể kiểm chứng sự tình.

Sau đó, sự việc quả nhiên hệt như lời Hồng Ngọc đã nói. Trương mẫu thấy Hồng Ngọc thật thần kỳ, hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Cho nên Trương gia lấy cớ mở tiệc ngắm hoa cúc, rồi cho mời Lạc Sinh dự tiệc. Trương mẫu đứng sau rèm quan sát Lạc Sinh, cũng an tâm phần nào. Thế là hai nhà hẹn định hôn sự. Năm sau, Lạc Sinh đỗ đầu thiên hạ, quay về cưới Mãn Châu, vợ chồng hòa hợp, tương kính như tân (kính trọng nhau như khách), ý hợp tâm đầu.

Năm sau, Lạc Sinh đỗ đầu thiên hạ, quay về cưới Mãn Châu, vợ chồng hòa hợp. (Tranh zhiqing)

Vào một đêm trăng, Lạc Sinh lấy quyển thơ thêu ra, Mãn Châu mở ra xem, mới biết chuyện hôn nhân là do Hồng Ngọc sắp đặt, nên kể lại đầu đuôi câu chuyện. Lạc Sinh thấy Hồng Ngọc thật phi thường, nên muốn chọn một người để xe duyên cho Hồng Ngọc, nhưng tìm không được người thích hợp.

Duyên trần ngắn ngủi

Có một người họ hàng của Lạc Sinh tên Cù Sinh, gia đình giàu có, nhưng mãi chưa có con nối dõi, nên muốn lấy cô vợ lẽ vừa xinh vừa có tài. Nghe được chuyện này, Hồng Ngọc khóc nói với Mãn Châu: “Cho dù duyên phận ngắn ngủi, cũng cần hợp phận, không biết phúc mỏng như tôi có xứng không? mẹ của tôi vừa già vừa nghèo, sống nhờ nhà người cậu đã lâu, mãi như thế cũng không được. Nếu gả cho Cù Sinh, có thể phụng dưỡng mẹ đến già, thế là mãn nguyện nơi trần thế của tôi rồi.”

Mãn Châu kiên quyết không muốn hôn sự ấy, Lạc Sinh cũng không muốn cô làm thiếp người ta. Thế nhưng Hồng Ngọc cứ nhất quyết như vậy, thế là Lạc sinh tác hợp hôn nhân cho Cù Sinh. Cù Sinh yêu thương Hồng Ngọc, vợ chồng hòa hợp suốt 8 năm.

Một sáng thu, sau khi tỉnh giấc, từ bên ngoài vọng vào một tiếng quạ kêu. Hồng Ngọc biết đến lúc phải vận mệnh gọi về rồi, bất giác thương cảm trong lòng. Cô tắm gội thay y phục, ngồi ngay ngắn rồi ra đi, hưởng dương 25 tuổi. Cô gái nghèo giỏi xem tướng, đã vội ly thế, để lại một truyền kỳ sâu lắng.

Lạc Sinh đã viết điếu văn thương tiếc Hồng Ngọc, được truyền tụng một thời. Toàn văn tả lại cuộc sống và hôn nhân của Hồng ngọc, lời văn trong sáng chứa đựng tiếc thương vô hạn:

Tháng 8 năm Trùng Quang, vợ lẽ của Cù Tư mã bị bệnh mà đi, ngọc quỳnh thu quang, ngọc dao che sắc, ôi thương nhớ, kim cổ sầu thương. Hỡi ôi! Hoa đẹp chóng tàn, diễm lệ dễ phai; rừng thu nổi gió, thành thực cúi đầu. Ôi! Bi thương thay! Nàng là Nguyệt Nga kiếp trước, tinh tú hạ trần, ánh ngọc nơi khuê phòng, minh châu trong lòng tay. Mười ba biết dệt vải, mười bốn biết cắt may. Dáng tha thướt áng mây chiều, dung mạo tươi như hoa nở. Mái tóc mượt, ánh vàng kim sao bằng…

Nay hòa lệ cùng mực bút, viết lên dòng từ biệt khắc cốt ghi tâm!

(Theo "Tùng Ẩn mạn lục")

Thái Bình
Theo Tống Bảo Lam - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái nghèo giỏi xem tướng, vì báo ân mà sắp đặt hôn nhân cho tiểu thư nhà giàu